(CMO) Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Từ mục tiêu đề án đặt ra, cùng những chính sách ưu đãi dành cho người học nghề cho thấy cánh cửa đại học không còn là con đường duy nhất đi đến tương lai.
Học nghề cũng là lựa chọn tốt
TS Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, thông tin: “Để đảm bảo đội ngũ lao động chất lượng cho xã hội, bên cạnh công tác truyền thông để cung cấp những thông tin cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau và nhu cầu thị trường lao động…, từ năm 2019 nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, đây là cú hích làm nên thành công trong công tác tuyển sinh của trường. Kết quả trong năm 2019, Trường Cao Đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau đã tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu được giao (111%), nâng quy mô đào tạo gần gấp 2 lần so với năm 2018”.
Một buổi thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc. |
Theo học ngành nghề đào tạo bậc đại học, người học sẽ mất 4 năm hoặc có thể nhiều hơn để hoàn thành. Trong khi thời gian học nghề chỉ kéo dài từ 1-2 năm, thậm chí ngắn hơn (đào tạo nghề cho lao động dưới 3 tháng). Thời gian học ngắn nên học viên tiết kiệm được chi phí học tập và nhanh chóng tìm được cơ hội việc làm phù hợp sau khi ra trường. Đặc biệt, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định, từ ngày 1/1/2020 người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề sẽ được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc đòi hỏi người lao động đã qua đào tạo nghề, đã qua học nghề. Điều này cho thấy, người lao động được đào tạo nghề bài bản sẽ nhận được mức lương ổn định cũng như môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bà Lê Thị Nga, Phó phòng GDNN và Việc làm, Sở LĐ-TB&XH, cho hay: “Với những chính sách ưu đãi như học sinh tốt nghiệp THCS khi học tiếp lên trình độ trung cấp, bao gồm học tiếp lên trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều được miễn học phí, người theo học nghề thường có thu nhập tốt sau khi tốt nghiệp, được học lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu… Cho thấy, học nghề là một trong những lựa chọn tốt đối với học sinh không có điều kiện vào đại học”.
Theo báo cáo công tác tuyển sinh, kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2019 của Sở LĐ-TB&XH, một số nghề hiện nay người học dễ tìm được việc làm như: điều dưỡng, dược, điện công nghiệp, công nghệ ô-tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, nuôi trồng thuỷ sản…
Tăng cường hướng nghiệp trong trường học
Đào tạo nghề chuyên nghiệp cho lao động là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong mọi hoạt động sản xuất. Đây cũng là giải pháp giúp lao động có thêm cơ hội việc làm tốt hơn, hưởng được những chế độ ưu đãi của các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động. Thế nhưng, cứ mỗi năm học mới bắt đầu, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau lại đau đầu với câu chuyện học sinh bỏ học theo gia đình mưu sinh; trong đó có không ít em chưa kịp tốt nghiệp THCS.
Hiệu trưởng Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân Tạ Thanh Bự trăn trở: “Mặc dù cũng có tư vấn, hướng nghiệp song những năm qua, trường vẫn có tỷ lệ học sinh không tiếp tục học THPT khá cao, khoảng 30%. Những học sinh nghỉ học có nhiều hướng khác nhau nhưng đa phần theo cha mẹ đi lao động tự do. Bên cạnh đó, hiện nay giáo trình hướng nghiệp chưa đồng bộ theo vùng, miền, thường là hướng dẫn tuỳ theo thực tế địa phương, trong khi đó tại địa phương các làng nghề còn rất hạn chế”.
Công tác tuyển sinh của các trường nghề thường diễn ra sau kỳ thi THPT quốc gia, song việc tuyển sinh một số nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn gặp khó khăn do người học vẫn còn quan tâm vào đại học hơn học nghề. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học có hình thức xét tuyển rất dễ như có thể sử dụng bảng điểm học bạ và tốt nghiệp THPT xét tuyển, có thể sử dụng kết quả điểm thi đầu vào của các trường đại học công lập có uy tín…. Điều này giúp tất cả học sinh có nguyện vọng vào đại học trở nên dễ dàng hơn.
Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi Võ Thanh Hùng đánh giá: “Những năm qua, công tác phân luồng hướng nghiệp của nhà trường luôn cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi học sinh, không phải học sinh nào cũng hướng vào đại học. Tuỳ theo năng lực, nếu thấy các em không vào được đại học thì nhà trường sẽ định hướng nghề nghiệp, có thể xuất khẩu lao động, hoặc du học. Học nghề có hai dạng: học nghề vào những trường chính quy để được cấp bằng, hoặc học những nghề bình thường như điện lạnh, sửa xe, uốn tóc… Những ngành nghề này đều có thể giúp học sinh tìm được một việc làm có thu nhập nuôi sống bản thân”.
“Cánh cửa đại học đã rộng mở với hầu hết mọi thí sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh là điều không tránh khỏi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề còn rất thấp. Mong rằng, các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau có cơ hội được tiếp cận với phụ huynh, học sinh nhằm thông tin đầy đủ, giải đáp những vấn đề đặt ra cho từng lĩnh vực ngành nghề, trên cơ sở đó giúp phụ huynh, học sinh, sinh viên thấy được lợi ích giáo dục nghề nghiệp và có nhiều lựa chọn ngành nghề cho tương lai”, TS. Nguyễn Hồng Nhung bày tỏ./.
Năm 2019, tỉnh Cà Mau có 3 trường cao đẳng thực hiện Quyết định số 2066/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, về việc giao chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ sở đào tạo. Trên cơ sở giấy phép đăng ký hoạt động giáo dục, các trường trên địa bàn tỉnh tuyển sinh 17 nghề nghiệp trình độ cao đẳng và 16 nghề trình độ trung cấp. Trong đó cao đẳng 1.590 chỉ tiêu, trung cấp 575 chỉ tiêu. Đối tượng xét tuyển cao đẳng là học sinh tốt nghiệp THPT, đối tượng xét tuyển trung cấp là học sinh tốt nghiệp THPT và THCS. Các cơ sở GDNN đã tổ chức công tác tư vấn tuyển sinh qua nhiều kênh thông tin đến người học, đến học sinh các trường học trong tỉnh và các tỉnh lân cận, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người học, đảm bảo chỉ tiêu được giao. |
An Kỳ