(CMO) Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh hoạ và một số quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018. So với kỳ thi năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có thêm chương trình của lớp 11.
Qua khảo sát tại một số trường THPT, công tác ôn thi đã được nhà trường triển khai ngay từ đầu năm học. Với hình thức ôn tập cuốn chiếu (học đến đâu ôn tập đến đó) giúp học sinh hệ thống lại kiến thức một cách sâu hơn. Riêng thông tin sẽ có thêm chương trình của lớp 11 trong nội dung thi đã được các trường ý thức chuẩn bị từ trước.
Năm nay, kiến thức ôn thi mở rộng nên công tác ôn thi tại các trường khá vất vả. (Ảnh chụp tại trường THPT Huỳnh Phi Hùng). |
Giáo viên và học sinh đều lo
Do không có giới hạn kiến thức nên các trường phải ôn tập dàn trải để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Lượng kiến thức nhiều, cộng thêm áp lực với một kỳ thi có tính chất quyết định nên giáo viên và học sinh băn khoăn.
Cô Dương Kiều Diễm, giáo viên trường THPT Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Giáo viên phải kết hợp song song với chương trình 11 ngay trong tiết học hằng ngày. Ngoài ra, chương trình 11 còn được đưa vào các bài kiểm tra trên lớp, chủ yếu ở dạng đọc hiểu để nhắc nhớ cho học sinh”.
Em Nguyễn Thị Thảo Trăm, học sinh lớp 12C6, trường THPT Trần Văn Thời, chia sẻ: “Điểm yếu của em là chỉ dùng những kỹ năng suy luận và tính toán, ghi nhớ không phải là điểm mạnh nên việc đưa thêm chương trình lớp 11 vào kỳ thi làm em rất lo lắng và áp lực, em phải mất nhiều thời gian ôn tập mới hệ thống lại được kiến thức đã học. Năm nay em chọn tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên và khối D1. Ngoài việc học chính khoá ở trường, em còn tham gia thêm lớp học nâng cao buổi tối với hy vọng sẽ đậu vào trường đại học em mong muốn”.
Tập trung ôn tập
Theo phân phối chương trình, đến cuối tháng 3, học sinh khối 12 sẽ kết thúc chương trình và kiểm tra học kỳ II. Thời gian còn lại được xem là giai đoạn nước rút, các trường sẽ đẩy mạnh và tập trung vào công tác ôn thi. Để đáp ứng với những thay đổi ở mỗi kỳ thi, giáo viên cũng phải nghiên cứu, tìm phương pháp phù hợp để kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
Hiện nay, ngoài học chính khoá và ôn thi buổi chiều, các trường như THPT Huỳnh Phi Hùng, Trần Văn Thời còn tổ chức các lớp bồi dưỡng cho học sinh. Các lớp này được phân loại học sinh khá, giỏi và trung bình, yếu để dạy thêm vào các ngày trong tuần và hoàn toàn miễn phí.
Thầy Phan Văn Til, giáo viên dạy Toán trường THPT Huỳnh Phi Hùng, cho biết: “Dựa vào bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 sẽ có sự điều chỉnh mức độ phân hoá ở một số bộ môn, tránh tình trạng điểm quá cao hoặc quá thấp so với môn còn lại. Rút kinh nghiệm từ năm thi đầu tiên với hình thức trắc nghiệm, giáo viên tập trung sâu rèn các kỹ năng phân tích và giải toán trên máy tính cho học sinh. Và để phù hợp, giáo viên đã định hướng, phân luồng học sinh riêng để ôn tập, đảm bảo vừa đủ năng lực mỗi học sinh để các em không bị áp lực cao".
Ông Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Thời, đánh giá: “Theo kinh nghiệm những năm trước, thời gian ôn thi cách kỳ thi khoảng 1 tháng thì hiệu quả sẽ không cao. Do đó, nhà trường cố gắng sắp xếp vừa hoàn thành chương trình chính khoá, vừa tập trung tổ chức ôn thi buổi chiều. Đặc biệt, không chỉ hướng các em đến kết quả đậu tốt nghiệp THPT mà nhà trường còn hướng nghiệp, định hướng cho những học sinh có năng lực khá, giỏi có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Nhờ các lớp ôn tập nâng cao buổi tối mà tỷ lệ học sinh của trường đậu vào đại học và cao đẳng ngày càng cao”./.
Kim Chi