(CMO) Khởi công vào đầu tháng 1/2022, kế hoạch thời gian thi công hoàn thành trong 1 năm, tuy nhiên, vì nhiều lý do, công trình hồ chứa nước ngọt của tỉnh (tại xã Khánh An, huyện U Minh) được gia hạn đến cuối tháng 4/2024. Ðây là công trình trữ nước ngọt lớn nhất, quy mô nhất của tỉnh với mục tiêu phần nào giải được bài toán “hạn - mặn”. Ghi nhận tại công trường thời điểm này, nhiều hạng mục chính hiện vẫn còn khá ngổn ngang, trong khi mùa mưa đang đến tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Hồ chứa nước ngọt được xây dựng trên phần đất có diện tích hơn 100 ha, tại khu B3 và B4 Khu tái định cư - định canh xã Khánh An, huyện U Minh, với dung tích thiết kế 3,85 triệu mét khối nước (60 ha mặt hồ), cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113 ngàn người dân trên địa bàn huyện. Mục tiêu của dự án không chỉ cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân mà hướng đến phục vụ công tác phòng chống cháy rừng, nhất là tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Công trình có khả năng tiếp nước phục vụ sản xuất trên vùng trồng lúa, rau màu, cây ăn trái rộng lớn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời khi được cung cấp nước từ chương trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau sau khi âu thuyền Tắc Thủ được tái khởi động…
Công trình thuộc Tiểu dự án 8, Dự án “Chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững vùng ÐBSCL” (Dự án ICRSL) vay từ nguồn ODA của Ngân hàng Thế giới. Cụ thể, đây là công trình thuộc dự án “Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau” với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng, do Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình và Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Cà Mau xây dựng.
Tại lễ khởi công vào đầu năm 2022, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định đây là công trình quan trọng của tỉnh Cà Mau, được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm; đề nghị nhà thầu thi công tập trung nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đã cam kết.
Sau gần 1,5 năm thi công, ông Ðinh Văn Muộn, Tàu trưởng Tàu 21533, sên vét lòng hồ, thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Cà Mau, cho biết tiến độ hiện đạt khoảng 80%. 20% còn lại là lớp đáy, đây là phần khó khăn nhất, đặc biệt do nơi đây là vùng đất rừng nên mặt bằng có nhiều gốc tràm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hút bùn vì cần có thời gian xử lý, rất vất vả. Tuy vậy, ông Muộn cam kết đến hết tháng 10 năm nay sẽ đạt tiến độ, hoàn thành công tác sên vét tạo lòng hồ trữ nước mưa.
Việc khoan nhằm nạo vét hình thành lòng hồ càng về sau gặp thêm nhiều khó khăn do gặp phải nhiều gốc tràm, cần có thời gian xử lý.
Trong khi đó, với phần thi công đường bờ bao xung quanh hồ, ông Trương Hoàng Triệu, Giám đốc điều hành Ban Quản lý dự án 6 - Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình, nêu lý do là nền đất yếu, mùa mưa đến sớm nên ảnh hưởng đến tiến độ vì cần có thời gian phơi đất. “Ðã được tỉnh cho gia hạn thời gian hoàn thành tổng công trình này đến ngày 30/4/2024, chúng tôi quyết tâm đạt tiến độ”, ông Triệu quả quyết. Ðồng thời, nạo vét đến đâu thì đơn vị tiến hành vật liệu để thực hiện công đoạn gia cố mái hồ đến đó, ông Triệu cho đây là công đoạn khó vì lòng hồ theo tiêu chuẩn khá sâu, mặt hồ rộng, cần xây dựng mái đê khá kiên cố, tính đến chịu áp lực sóng khi mặt hồ rộng, mưa bão sẽ tác động rất lớn đến thành bờ.
Nền đất yếu, cùng với đó mùa mưa đang đến đã ảnh hưởng đến việc xây dựng thành hồ, đường ven hồ… vì cần có thời gian phơi đất, tạo độ lún và độ cứng của đất. |
Nằm cách tuyến lộ Cà Mau - U Minh chỉ vài ki-lô-mét, trục đường rộng 5 m được thiết kế vòng quanh hồ chứa nước ngọt, vì thế, công trình không đơn thuần ứng phó biến đổi khí hậu, giải khát trong mùa hạn mà gắn liền với đó là phát triển kinh tế, nhất là trên lĩnh vực du lịch, phục vụ các hoạt động vui chơi, thể thao dưới nước, đặc biệt trong hoạt động liên quan đến sự kiện “Hương rừng U Minh” được tổ chức hàng năm nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến” mỗi năm đang lan toả, sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích rất tích cực.
Công trình sớm hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống người dân xứ rừng U Minh ngày thêm phát triển, nhất là khâu chủ động trong sử dụng nguồn nước ngọt, cơ bản giải được bài toán “hạn - mặn” đối với Cà Mau - địa phương duy nhất ÐBSCL chưa có nguồn nước từ sông Tiền, sông Hậu chuyển về./.
Trần Nguyên