Giờ mới trở lại đầu sách (trang 7 của tập biên khảo) - Sự ra đời của thành ngữ "Công tử Bạc Liêu". Phan Trung Nghĩa trích đoạn bài báo "Đây Bạc Liêu” của Tạ Như Khuê, đăng trên tuần báo Thanh Nghị, ra ngày 11/3/1994. Đó là cái nhìn của một nhà báo ở Hà Nội đối với quang cảnh kinh tế - xã hội của Bạc Liêu vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông gọi "Bạc Liêu là một đất ăn chơi..."
Bài 2: Từ biên khảo, bối cảnh lịch sử Bạc Liêu của Nam Bộ sống lại như được bảo lưu
"Tôi đã đến cái xứ sở quê mùa ấy vào một đêm cuối mùa mưa... Cảnh tượng vẫn một màu sắc Nam Kỳ với những chiếc xe lôi cục mịch, với những chiếc xe kéo cao lêu nghêu, chật hẹp và dài cán, đàng xa, trên sông thấp thoáng những chiếc ghe bầu, ghe lườn. Chính tỉnh lỵ không có gì là lớn. Vỏn vẹn chỉ có dãy phố quanh chợ và bến sông là vui vẻ, tấp nập. Tất cả có lẽ chỉ bằng một khu chợ Gạo Hà Nội. Nhưng nhờ trong xứ sở lúa sản xuất nhiều, đường giao thông lại tiện lợi nên đã thành một tâm điểm kinh tế rất năng động.
... Dù sao, đừng tưởng rằng châu thành Bạc Liêu buồn tẻ như những tỉnh nhỏ ngoài Bắc mình. Trái lại, Bạc Liêu là đất ăn chơi, trong châu thành có tới 3 rạp chiếu bóng và 1rạp hát nguy nga hơn những rạp hát Hà thành nhiều. Nhà cửa cho thuê hiếm và không được lịch sự, nhưng ở bên kia sông về phía nhà thờ, có nhiều vila mới xây của mấy vị điền chủ coi vậy cũng đẹp mắt. Chợ lập giáp sông đồ sộ như chợ Bến Thành - Sài Gòn, không rộng rãi như chợ Đồng Xuân - Hà Nội, nhưng tươi sáng, sạch sẽ hơn. Tết đến, trong mấy ngày chợ đêm, ghe ở các tỉnh chở hàng lên bán tấp nập, ồn ào không kém gì những thành phố lớn...".
Như đã nói, trên đây là những trích đoạn bài báo của Tạ Như Khuê. Tác giả này nói Bạc Liêu là đất ăn chơi. Phan Trung Nghĩa viết: "Hẵn nhiên, đất ăn chơi thì phải có những con người ăn chơi!" - cho nên ta mới có chuyện này.
Vùng đất Bạc Liêu trước năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Năm 1985, dân số của tỉnh Bạc Liêu (tính luôn Cà Mau) chỉ có 46.998 người, điều đó nói lên rằng, đất Bạc Liêu vẫn chưa được khai thác bao nhiêu, phần lớn còn lại vẫn còn hoang địa.
Trước năm 1882, con đường từ Bạc Liêu đi Cà Mau chỉ là một con đường ngoằn ngoèo nằm giữa đồng cỏ bao la, có đoạn ghe đi không được phải dùng trâu kéo. Mùa hạn đi từ Cà Mau phải mất 3 ngày. Sách "Lịch sử khẩn hoang miền Nam" của Sơn Nam viết: "Nhà nước giúp dân bằng việc cắm cây làm dấu chỉ đường đi. Năm 1902 trở về trước, có rất nhiều người tham vọng đến đây khai phá để làm điền chủ, đành phải cuốn nốp ra đi vì đất đai quá phèn, quá úng, không có kinh mương thoát nước, xổ phèn làm 2-3 năm vẫn chưa thu được huê lợi. Một người đến Tân Hưng khẩn 160 mẫu đất, thiếu thuế Nhà nước rồi bị bỏ tù, hương chức làm đơn yết thị rao bán đất ấy để bù tiền thuế, nhưng không ai thèm mua. Nhiều người khai phá "đất ráng" ven sông cho tiện. Việc xổ nước thì đến vụ lúa trổ nước mặn tràn lên, lúa trổ cờ trắng không thu hoạch được".
Nhà Văn Sơn Nam, trong sách ấy, đã đánh giá rằng: "Mức trưởng thành của Bạc Liêu khi chuyển mình đã đóng góp vào vựa lúa miền Nam có thể đánh dấu vào năm 1914... Đó là lúc hệ thống kinh thuỷ lợi Cà Mau - Bạc Liêu, Quản lộ Phụng Hiệp phát huy tác dụng. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với thâm yếu vơ vét thuộc địa, người Pháp đã bắt nhân công bản xứ chở cơ giới (tàu cuốc, tàu xáng) của giới tư bản Pháp đào một hệ thống thuỷ lợi chằng chịt ở miệt Hậu Giang (theo cách gọi vào đầu thế kỷ, vùng này được tính từ tả ngạn sông Mê Kông trở xuống mũi Cà Mau). Đây là cuộc làm thuỷ lợi lớn nhất trong lịch sử làm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, nó giải phóng năng lực rộng lớn của miền Hậu Giang cò bay thẳng cánh, bằng việc đưa nước ngọt từ sông Mê Kông về và tháo úng xổ phèn ra biển Đông. Tại Bạc Liêu, cơn lục thường niên vào tháng 8 âm lịch ngập đến bụng trâu đã được giải quyết. Việc tháo úng cho cánh đồng cầm thuỷ, phèn vàng quánh của vùng Bắc Quốc lộ 1A ngày nay cũng được giải quyết bởi đã có kinh Gành Hào và các kinh trục nhường: Số 2, Cầu Sập (1), Ngan Dừa - Hộ Phòng - Phó Sinh... để tiêu thoát ra biển Đông. Ngoài ra, hệ thống kinh mương còn làm cho việc vận chuyển lúa gạo dễ dàng hơn. Đất đai trở nên có năng suất và có giá trị hơn. Người ở nơi khác đến khẩn đất ngày càng nhiều thêm. Diện tích khẩn hoang tăng rất nhanh, năm 1927, diện tích sản xuất lúa của Bạc Liêu đứng thứ nhì Nam phần, chỉ sau Rạch Giá”.
Thế nhưng, nếu chính sách điền địa thời đoàn (2) cưu của các chúa Nguyễn là ai có nhân lực, vật lực thì tự do là trưng khẩn. Và khi khai hoang một diện tích dù thành lập làng mới thì cho người đó làm trưởng làng (Hương cả). Người Pháp miệng thì rêu rao đổi mới chánh sách điền địa, nhưng vẫn giữ như cũ, vội mục đích thu thuế nhanh. "Chánh sách đó tạo ra những ưu thế của những người có tiền của và quyền thế. Họ nắm rõ kế hoạch đào kinh nên chiếm trước những vùng đất mà kinh xáng đã đào, hoặc chuẩn bị đào ngang. Họ dùng quyền thế để khẩn hoang trên giấy". Nghĩa là cướp đất của người đi khẩn hoang đã khai thác rồi. Thế nên, thành quả của công cuộc làm thuỷ lợi nêu trên chỉ tập trung vào tay một nhóm người có của cải và thế lực. Từ đó, một tầng lớp gọi là đại điền chủ Bạc Liêu ra đời.
Qua các "chi tiết đặc biệt" về Trần Trinh Trạch, ta có thể nhận định rằng Trần Trinh Trạch vừa nịnh nọt để dung hoà với thực dân Pháp, vừa dùng tiền của và điền thổ của mình để "đứng ngồi" cao hơn thực dân Pháp. Đến thời gần chết và khi chết, Trần Trinh Trạch cũng có cách biểu hiện mình hơn bọn vua chúa Nhà Nguyễn ở Thăng Long và Huế.
Chính "Biên khảo" tài năng này làm rõ "chi tiết" trên. Và "cũng có thể ta tự hào" về tính Nam Bộ đó của nhà họ Trần này.
Các nhà khảo cứu lịch sử đánh giá rằng họ vừa là con đẻ của thực dân phong kiến, đỏng thời là sản phẩm của kinh đào miền Hậu Giang. Những tên tuổi nổi tiếng khắp Nam Kỳ lúc bấy giờ gồm: người đứng số một là Trần Trinh Trạch, chiếm 110.000 mẫu ruộng (có tài liệu đến 145.000 mẫu) và gần 100.000 mẫu ruộng muối (có tài liệu chỉ 10.000 mẫu); đứng hàng thứ hai là Vưu Tụng, chiếm 75.000 ngàn mẫu; thứ ba là Châu Oai, chiếm 40.000 mẫu; thứ tư là Cao Minh Thạnh (đốc phủ xứ và là thân sinh của nhân sĩ Cao Triều Phát; kế đến là Huỳnh Hữu Phước và hai em Mai Hữu Quỳ, Mai Hữu Kiến; kế nữa là Quách Ngọc Đống (còn gọi là chủ Đống); ngoài ra còn có 8 chủ Tây khác. Có một tổng kết cho rằng, thời Pháp thuộc, tỉnh Bạc Liêu là nơi có số lượng địa chủ ít nhất nước (chưa đầy 2 phần trăm), nhưng cũng là nơi địa chủ chiếm ruộng đất nhiều nhất nước (trên 95 phần trăm).
Hình ảnh ông Trần Trinh Huy và những người vợ của ông. (Ảnh: Internet)
Lúc bấy giờ, để được hưởng đặc quyền trong chánh sách điền địa của người Pháp, hầu hết các đại điền chủ ở Bạc Liêu đều theo quốc tịch Pháp, người ta gọi là "vô dân Tây". Và theo quy định của chính quyền thực dân, con của các gia đình này phải vào học tại các trường do Pháp dạy. Đó là cái "mốt" của các nhà quyền quý lúc bấy giờ. Hầu hết các đại điền chủ ở Bạc Liêu đều mua nhà trên Sài Gòn để đưa con cái lên đó ở và học. Lớp con cháu của họ sinh ra là nằm trên nhung lụa, thừa mứa tiền của, đồng tiền làm ra không có mồ hôi nước mắt nên họ không biết quý đồng tiền. Lại buổi thực dụng thực dân khuếch trương ăn chơi..., thế là họ đua nhau quăng tiền qua cửa sổ để ăn chơi cho sướng tấm thân và tạo danh tiếng. Huỳnh Văn Phước, gọi theo tiếng Hoa là Dù Hột, sau này gọi là Bằng Hột là con ông chủ Chá - một đại địa chủ ở Bạc Liêu (Phước có người chị ruột cất ngôi chùa mà hiện nay ta gọi là chùa Cô Hai Ngó). Phước mặc bà ba soan trắng, đi giày Tàu, đội nón Hồng mao (nón cao sự cứng kiểu Anh) dành cho xứ nhiệt đới (làm tại Singapore), cầm gậy Nhật Bổn, hút xì gà Mà-ní (Philippines). Một lần ngủ ở khách sạn Sài Gòn, sáng bước xuống đường, đám xe kéo lại giành chở ông (vì Phước trả tiền không cần thối lại), Phước khó xử, rồi bảo: "Thôi đi hết. Thế là một chiếc xe chở Phước, một chiếc xe chở đôi giày, một chiếc chở cái nón, xe khác lại chở cù ngoéo... Đoàn xe đi lòng vòng chợ Gài Gòn, người ta bu đến coi, có người bảo "thằng cha này điên". Nhưng đám xe kéo nói nhỏ với họ: "Công tử Bạc Liêu đó". Thế là từ đó tiếng tăm công tử Bạc Liêu phóng khoáng, phong lưu bắt đầu nổi lên. (Sau này có một người gán ghép giai thoại trên cho Trần Trinh Huy là không đúng sự thật).
Các cậu ấm, cô chiêu đã nhanh chóng học đòi, gia nhập cái “mốt” thời thượng lúc bấy giờ là nhảy đầm, chay xe hơi, hút á phiện, làm nổi đình nổi đám ở Sài Gòn. Những tên tuổi nổi danh thời đó là Dù Hột, Hai Luỹ, Ba Cân, Hai Dinh, từ đó thành ngữ “công tử Bạc Liêu” ra đời. Nó nổi tiếng và tồn tại để ám chỉ một lối sống phong lưu… Hồi nửa đầu thế kỷ 20, dân Sài Gòn và lục tỉnh gọi là “nhóm công tử Bạc Liêu” chớ không có công tử Bạc Liêu như bây giờ.
Thế nhưng, các tên tuổi trên lập tức bị lu mờ khi Trần Trinh Huy xuất hiện. Lối sống phóng túng, phong lưu của Trần Trinh Huy đã làm nên những giai thoại như đốt tiền nấu chè… Trần Trinh Huy được mệnh danh là người “ngon” nhất Nam Bộ, là hiện thân, là linh hồn của công tử Bạc Liêu… Hễ ai nhắc tới công tử Bạc Liêu thì người đương thời nghĩ rằng đã chỉ đích danh Trần Trinh Huy (sinh ngày 22/6/1900, tại làng Vĩnh Hưng, mất năm 1973 tại Sài Gòn).
Vậy Trần Trinh Huy là ai, tiền tài, thế lực cỡ nào mà ăn chơi “danh bất hư truyền” như thế?
Trần Trinh Huy là con trai thứ ba của Trần Trinh Trạch (theo cách gọi của Nam Bộ) - một đại điền chủ số một vùng Hậu Giang, nếu không muốn nói cả Nam Bộ. Theo sách “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến, Trần Trinh Trạch là đại điền chủ lớn nhất Việt Nam, có ruộng ở Nam Kỳ, Trung Kỳ…
Trần Trinh Trạch sinh năm 1872 tại Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Chết ngày 14/3/1942, an táng tại Cái Dầy, thuộc xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
Theo cách giải trình của Phan Trung Nghĩa, nhân vật đáng đánh dấu trước nhất trong tập biên khảo “Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại” là cha của Trần Trinh Huy - nhân vật Trần Trinh Trạch ta vừa nói mấy dòng trên. Nhưng muốn hiểu rõ nhân vật có thật này, bạn đọc đọc từ trang 15-47 sẽ thấy lại ông ta, và thấy lại các loại nhân vật từng quan hệ với ông ta (cả sui gia, vợ, rễ, các con của ông nữa…). Đặc biệt trang 21, 22, 23 của biên khảo này nói về ý tưởng và mưu đồ của các loại “kẻ thù” của chúng ta:
-Khi đã giàu có rồi, Trần Trinh Trạch bắt đầu nghĩ đến việc vinh hiển bằng con đường quan chức. Và những năm 1923-1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản. Mức sản xuất toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa giảm 42 phần trăm, trong đó tư liệu sản xuất giảm 54 phần trăm. Tại Pháp, cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra hết sức trầm trọng… Thực dân Pháp chiêu dụ các điền chủ gom góp của cải bằng việc cho họ các chức hàm và phong tước lớn nhỏ tuỳ vào mức tiền của họ. Trần Trinh Trạch đã “ủng hộ” cho nước Pháp một khoản tiền to, to đến mức “mẫu quốc” gắn cho Trần Trinh Trạch mề đay “Ngũ đẵng bội tinh” và ban tặng một thanh gươm gia bảo (khoảng năm 1960, Đại sứ quán Pháp đến gặp quản gia họ Trần để thương lượng mua thanh gươm lại, nhưng các con trai của nhà họ Trần đã bỏ lạc mất…). Còn tấm mề đay “Ngũ đẳng bội tinh” thì sức mạnh vô cùng. Hễ ông Trạch mà đeo vào thì dù có Tỉnh trưởng, quan Mật thám hay Thầy đội Pháp cũng phải nghiêng chào.
Ngoài hai món trên, Trần Trinh Trạch còn được toàn quyền Đông Dương phong chức “Đại biểu Hội đồng tư vấn mật vụ viện”.
Nếu như viết biên khảo Công tử Bạc Liêu là một công trình lớn, thì bạn đọc xa gần khi tìm hiểu và tiếp thu khám phá công trình khôn cùng này cũng gian khổ và quang vinh như nhau.
Nguyễn Bá
Bài 3: Những cuộc hội ngộ thú vị