(CMO) Sáng 9/2, Cà Mau rộn ràng ngày hội tòng quân, qua màn ảnh, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Liên xúc động khi bắt gặp những người mẹ ôm tiễn con lên đường thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, nước mắt chực trào: “Hồi đó khi thằng con từ giã theo chú, theo anh làm cách mạng, nhớ lại cảnh đầu đội thúng bông, con từ giã ra đi mà lòng xốn xang...”.
Trên khuôn mặt đầy vết thời gian, những giọt nước mắt len qua hàng mi và khoé mắt lăn dài trên gò má xương gầy, đôi mắt sâu thẳm đượm nỗi buồn, mẹ ngân vang mấy câu thơ:
“Thúng bông đội trắng mái đầu
Nhìn cha nhìn mẹ lòng nào chẳng thương
Thương cha thương mẹ lạ thường
Thương vậy thì lên đường cứ lên”
Chín mươi mốt tuổi, giọng mẹ vẫn rắn rỏi. Ngày tiễn con ra trận, mẹ chẳng thể ngờ đó là lần cuối cùng được nhìn thấy núm ruột của mình.
Mẹ VNAH Phạm Thị Liên hiện sống cùng người con trai út ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Người con mẹ nhắc nhớ là liệt sĩ Huỳnh Văn Việt, hy sinh năm 1971 khi anh đang tuổi thanh xuân 19, là con lớn trong gia đình. Chồng mẹ là liệt sĩ Huỳnh Văn Nhậm, hy sinh năm 1973. Nỗi đau mất mát dồn dập vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Với mẹ, không còn nỗi đau nào hơn thế nữa, mẹ đã mãi mãi mất con, mất chồng.
Mẹ VNAH Phạm Thị Liên nâng niu di ảnh chồng, liệt sĩ Huỳnh Văn Nhậm, hy sinh năm 1973. |
“Hồi đó thằng con hy sinh trước. Ổng ở dân quân của tỉnh, cả tháng mới dìa một lần. Có bận mẹ dỗi hờn, ông làm sao chứ, ông mà có bề gì chắc tôi cũng chết luôn. Ổng nói, bà chết rồi bỏ con cho ai. Ổng biết ổng sẽ hy sinh nên ổng căn dặn đủ điều. Ðó cũng là lần cuối mẹ gặp ổng”, quệt nước mắt, lặng nhìn di ảnh chồng được hoạ lưu giữ ký ức, mẹ nở nụ cười hiền từ: “Ổng ở mãi tuổi 43”.
Ðôi mắt mẹ lặng buồn, ánh nhìn xa xăm như đang lần tìm về quá khứ. Rồi mẹ kể, có lần chồng mẹ bị địch bắt giam vào bót Lò Heo (Phường 1, TP Cà Mau bây giờ), bị tra tấn dã man tưởng chết vẫn không khai báo. Vì không khai thác được gì nên chúng thả ông về. Vậy mà dưỡng thương ít bữa ông lại tiếp tục theo cách mạng. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông hy sinh, khi đó mẹ không có nhà vì đem bộ đồ đơn vị cấp cho ông lên tỉnh nhuộm lại. “Có kịp gặp ổng đâu, chỉ thấy lư hương nhỏ con gái ôm trong lon sữa bò, còn bàn thờ treo trên vách”, mẹ nâng niu, vuốt ve di ảnh rồi ôm gọn vào lòng. Xoay người nhìn lên nơi những tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng, giọng mẹ run run: “Hồi lãnh mấy tấm bằng, nhìn rơi nước mắt, vừa tự hào, vừa đau khổ vì chồng, con hy sinh hết. Bây giờ có khi buồn nằm nhớ lại rồi bỏ qua, hổng dám nhớ nữa”, từng lời mẹ nói nghe đau nhói lòng.
Gia đình mẹ Phạm Thị Liên là gia đình có hai thế hệ Mẹ VNAH. Mẹ chồng là bà Phạm Thị Cao và mẹ ruột là bà Tô Thị Ba đều được Nhà nước tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Mẹ Liên còn có 2 người con gái kế cũng lần lượt nối gót theo cha, theo anh làm cách mạng: một người làm y tá quân y, một người làm giao liên của huyện.
Cuộc đời mẹ chịu nhiều đau thương, mất mát, nên mẹ hiểu được cái giá của hoà bình, của sự đoàn tụ; còn những hy sinh, mất mát của riêng mình, mẹ xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước cần.
Mẹ Liên nhắn nhủ: “Thấy các con lên đường làm nhiệm vụ, vừa mừng vừa tủi, mà mừng nhiều hơn. Các con còn mạnh khoẻ, cố gắng gìn giữ, xây dựng cho đất nước mình giàu đẹp, để các em nhỏ lớn lên tiếp bước. Hôm đứa cháu Chủ tịch (cách mẹ Liên gọi thân thương đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh - PV) vô thăm mẹ, mẹ mừng vui lắm nên có đọc mấy câu thơ của Tố Hữu cho nó nghe như một lời nhắn gửi, dặn dò các con dù trong hoàn cảnh nào cũng phải bền lòng, vững chí".
Thế hệ trẻ chúng tôi cảm thấy thực sự may mắn khi được nghe kể về chuyện đời, những hy sinh lặng thầm và vĩ đại của những người Mẹ VNAH cho đất nước. Sự đôn hậu, hiền từ, đức hy sinh cao cả của mẹ Liên là tấm gương soi sáng cho bao thế hệ học tập và noi theo./.
Băng Thanh