ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 14:59:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một lòng theo Ðảng

Báo Cà Mau (CMO) Vừa qua, được cơ quan phân công, tôi có chuyến theo đoàn cán bộ do đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm trưởng đoàn, đưa tin đoàn đến trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên cao niên Vũ Khắc Trung (Tư Trung) đợt 19/5. Một buổi lễ trang trọng, đầy cảm xúc và ý nghĩa. Ai nấy lặng mình nghe ông Tư Trung kể về cuộc đời binh nghiệp đầy máu lửa. Ông tham gia kháng Pháp, chống Mỹ và có mặt trong đoàn quân làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Dư cũng đã 63 năm tuổi Đảng, dâng hết tuổi xuân cho ngày giải phóng.

Suốt buổi, dù lúc trò chuyện hay khi phát biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đều trân trọng gọi bằng “Chú Tư kính mến” và khẳng định: “Những đồng chí cao niên tuổi Đảng trưởng thành trong chiến đấu như chú Tư, thím Tư là vốn quý của Đảng bộ, của xã hội, là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo”.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải ân cần thăm hỏi sức khoẻ đồng chí đảng viên cao niên Vũ Khắc Trung.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Lịch sử đã chọn và thử thách tấm lòng son sắt, kiên trung của ông Võ Thành Ngoạt (tên khai sinh của ông Tư Trung). Ông sinh ra trong gia đình nghèo ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh ngày nay, mồ côi cha mẹ từ năm lên 4, tuổi nhỏ phải đi làm thuê phụ giúp ông bà nội trong cuộc mưu sinh. Mang thân phận của người dân mất nước, chứng kiến bao cảnh đồng bào bị giặc đàn áp, bóc lột, trong ông sục sôi ý chí giết giặc. Khi cách mạng tháng 8/1945 diễn ra, lúc đó ông 17 tuổi đã đầu quân vào Vệ quốc đoàn, trở thành chiến sĩ Đại đội 1, Chi đội 14 (Khu 8).

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Tư Trung gắn liền với các đơn vị của Quân khu 8, từ khi là chiến sĩ cho đến ngày về hưu năm 1987 được phong cấp hàm trung tá. Cái tên Tư Trung đã từng là nỗi khiếp sợ đối với quân thù từ chiến trường miền Bắc đến miền Nam, bởi sự mưu trí, dũng lược. Điều đó được thể hiện qua nhiều trận đánh, ông Tư Trung được chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ bố trí trận địa, vũ khí, nhân lực... Trong hoàn cảnh nào, cương vị nào ông vẫn giữ tròn khí tiết và niềm tin vào lý tưởng của Đảng.

Ông Tư Trung kể: “Tôi được kết nạp Đảng tại chiến trường sau 2 năm tham gia quân ngũ. Buổi lễ kết nạp tuy bài trí đơn sơ, không cầu kỳ, song vô cùng trang nghiêm bởi không khí thiêng liêng trong phút giây sinh tử của người lính trước giờ ra trận. Niềm vinh dự ấy trở thành nguồn sức mạnh vô hình, tôi mang theo vào từng trận đánh trên khắp mọi miền đất nước và những tháng ngày vượt dãy Trường Sơn”.

Khi đang học lớp Công trưởng ở Thái Nguyên, năm 1961, ông Tư Trung được giao nhiệm vụ mới, cùng đồng đội vượt Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam. Trong hồi ức, ông Tư Trung không thể quên suốt 3 tháng ròng vượt qua các dốc cao dựng đứng, có ngọn núi phải leo cả ngày mới tới đỉnh; hay lúc vượt suối, mọi người phải cho quần áo vào bao ni-lông buộc thành phao bơi, rồi bám dây lội qua. Ông Tư Trung kể: “Chúng tôi đi bộ men theo đường mòn, có lực lượng giao liên dẫn đường. Mỗi lần đến kho lương thực nhận gạo 7 ngày, để nấu cơm ở các điểm dừng chân. Hành quân đến trạm, nếu trời còn sáng thì dễ kiếm củi nấu cơm, còn đến tối thì rất khó khăn, nên anh em phân công nhau, trên đường hễ gặp cành cây khô thì bẻ đem theo phòng khi bất trắc”.

Những tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn thật khốc liệt và khó có thể diễn tả hết. Tôi hiểu được điều đó phần nào từ ánh mắt buồn xa xăm và khoảng lặng của câu chuyện. Giọng ông bỗng trầm lại: “Ngày đi, đêm nghỉ, cơm vắt, ngủ rừng, lại trèo đèo lội suối, mang vác nặng nề đến 40 kg chứ chẳng vừa… Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên đường hành quân bởi kiệt sức, bởi bom đạn và bệnh sốt rét”.

Còn đối với ông Tư Trung, đi bằng ý chí vì đồng bào miền Nam, chiến trường miền Nam đang chờ đợi…

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên Vũ Khắc Trung và chia vui cùng gia đình.

Vợ chồng đồng lòng chiến đấu

Bom đạn chiến trường tôi luyện nên một chiến sĩ cách mạng kiên trung và đã se duyên, vun đắp một mối tình bền chặt. Và cũng từ mối tình ấy đã tiếp thêm sức mạnh để họ cùng vượt qua biết bao hiểm nguy, gian khổ vẫn giữ trọn lời thề với Đảng, trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Giai đoạn 1951-1954, ông Tư Trung là Trung đội phó, Trưởng quân lực Tiểu đoàn 307, hoạt động mạnh mẽ trên khắp chiến trường Nam Bộ. Những ngày đóng quân ở Tân Lộc (huyện Thới Bình), phối hợp với lực lượng địa phương làm nhiệm vụ, tại đây ông gặp gỡ và kết duyên chồng vợ với nữ giao liên Nguyễn Thị Dư, người con gái vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại có tinh thần dũng cảm, gan dạ.

Ngày cưới diễn ra đơn sơ, nhanh chóng để đồng đội cùng chứng kiến, chia vui. Ông Tư Trung nhớ lại: “Cưới vợ được vài ngày thì đơn vị chuyển địa điểm đóng quân, để chuẩn bị tiếp quản thị trấn Cà Mau. Trước khi lên đường, tôi nói với bà ấy, mình phải tạm gác chuyện tình cảm riêng tư để tập trung chiến đấu. Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng”.

Ngày ông Tư Trung tập kết ra Bắc (năm 1955), cũng là năm bà Dư sinh người con đầu lòng. Đến khi đứa bé lên 10 tuổi, ông Tư Trung làm nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam, mới được biết mặt con. Bà Dư hồi nhớ: “Vợ chồng tôi có 3 mặt con, mỗi đứa ra đời đều để lại một kỷ niệm khó quên. Đứa lớn thì sinh vào năm tập kết, đứa con gái kế sinh năm 1964 - vợ chồng gặp nhau sau 10 năm ngày cưới, con trai út sinh vào năm giải phóng 1975”. 

Vừa nuôi con vừa làm nhiệm vụ, đằng đẵng lo âu chồng chiến đấu phương xa, nhưng bà Dư vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, làm trưởng cán sự phụ nữ xã, rồi công tác binh vận, uỷ viên an ninh xã và dạy các con lòng căm thù giặc… Có lần khi vận động bà con tham gia mít tinh lên án tội ác của đồn giặc đóng ở Cầu số 3, bà Dư bị giặc bắt, tra tấn nhiều ngày liền, nhưng bà vẫn một mực không khai báo.

Trong cuộc trò chuyện với các con của ông bà, ai nấy đều tự hào về quá khứ anh hùng của cha mẹ. Tấm gương mẫu mực, liêm khiết của cha mẹ đã hun đúc ý chí, nghị lực để con cái vươn lên. Chị Võ Thị Lệ Hằng, người con thứ 3, kể lại: “Nhớ lúc mẹ tôi bị địch bắt, tôi mới 8 tuổi, thương mẹ vất vả việc nước lại bị hành hạ đòn roi, tôi ở nhà cùng chị Hai đi cắt lá gói bánh, nấu xôi, mang nước cho bộ đội trú ẩn trong xóm, để mấy chú có sức khoẻ đánh giặc cứu mẹ. Chị tôi gan lắm, bị giặc chặn đường mấy lần mà vẫn bình tĩnh, lanh lẹ”. 

Ngày giải phóng, niềm vui sum họp gia đình chưa lâu, ông Tư Trung tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, giúp sức chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Còn bà Dư được phân công làm Bí thư Chi bộ Ấp 5, xã Tân Lộc, góp sức xây dựng quê hương đổi mới, một lòng một dạ chờ ngày đoàn tụ gia đình.

Cuộc đời của vợ chồng ông Tư Trung gắn liền với lịch sử thăng trầm của quê hương, đất nước. Nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, song ở họ luôn hừng hực lửa khi nói về những năm tháng chiến đấu. Tinh thần ấy tiếp tục được phát huy trong xây dựng cuộc sống mới. Anh Lê Minh Thông, Bí thư Chi bộ ấp, cho biết: “Chi bộ có 26 đảng viên, trong có 9 đảng viên cao niên. Chi bộ luôn xem họ là những bậc “cố vấn”, khi công việc gặp khó khăn là nhờ các cô, chú chỉ dạy. Lúc chú, thím Tư còn khoẻ, mỗi cuộc họp chi bộ đều có mặt, đóng góp nhiều ý kiến hay. Tinh thần, trách nhiệm của chú Tư, thím Tư là tấm gương sáng để thế hệ đảng viên chúng tôi học tập, noi theo”./.

 

Mộng Thường

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.