ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 7-1-25 23:05:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một thoáng Cái Keo

Báo Cà Mau Lần trở lại Cái Keo này, tôi đi bằng xe hai bánh. Nói vậy, bởi tới Cái Keo có thể đi bằng nhiều cách, từ nhiều hướng khác nhau. Riêng đường xe chạy thôi cũng đôi, ba ngã. Có thể từ Cà Mau, xuống tới xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi rồi tắt ngang đường qua Trần Phán (tức chợ Chà Là), men theo kinh xáng Ðội Cường, tạt qua Bến Bào, Xóm Dừa, Bà Hính rồi đến nơi. Cũng có thể xuôi Quốc lộ 1, tới cầu Ðầm Cùng rồi qua phà sang chợ…

Chợ Cái Keo trong ký ức của nhiều người là thoáng qua trên những chuyến tàu đò, cao tốc xuôi ngược trên dòng Bảy Háp. Chẳng biết chợ "có giữ ngày, giữ tháng", mà sao ai đã từng lướt ngang cái chợ ven sông trong buổi chiều tà, trong cái nồng oi của nước mặn, của những triền cây xanh xanh xa tắp… đều nao nao nhung nhớ.

Nhiều chuyến đi về trên dòng Bảy Háp, khuất sau biết bao doi vàm, chợ đột ngột xuất hiện, thường làm tôi có cảm giác thích thú. Nhất là những chuyến cao tốc chiều muộn, mưa dội trắng xoá, chợ hiện lên vừa huyền ảo, vừa gợi tới nỗi nhớ nhà da diết.

Một góc chợ Cái Keo hiện nay.                                     Ảnh: K. PHƯƠNG

Có người bảo, chợ trên sông Bảy Háp cũng đâu khác gì chợ trên Quốc lộ 1. Chạy xa xa, có biển báo, nhà cửa đông đúc hơn, rồi tới trung tâm chợ liền. Có điều, trên sông chẳng ai gắn biển báo sắp tới chợ bao giờ. Người thuộc đất, thuộc đường thì nhìn cụm mắm, khóm đước, coi đầu kinh mới đi qua là đủ biết...

Một lần, tôi hết sức cảm phục bà má Rạch Gốc, mắt nhắm thiu thỉu ngủ mà có người hỏi: “Tới đâu rồi ta?”, bà trả lời: “Tới Chà Là rồi đó”. Trúng thiệt. Cả chuyến cao tốc nhao nhao, bà già tỉnh queo: “Dễ ợt, mùi bánh bao thơm nồng là Chà Là chớ đâu”. Vậy mới thấy, con người ta, hễ đã gắn bó máu thịt ở đâu đều có cách ghi nhớ rất riêng của mình.

Còn một điều nữa mà đến nay cũng chưa thật sự thống nhất về cách lý giải, đó là danh từ Cái Keo. Dọc sông Bảy Háp, Cái Keo là chợ được “xếp hạng” về quy mô và chiều dài lịch sử. Cả một vùng nông thôn rộng lớn của bên này Ðầm Dơi, bên kia sông của Cái Nước đều đổ dồn về mua bán. Chưa kể lượng khách qua lại, giao thương trên đường sông tấp nập.

Cái Keo, thì đơn giản là cái keo (cách lý giải có vẻ kỳ cục), nhưng thân keo hình tròn, tiếp giáp nhiều hướng, đón người muôn ngã. Cái Keo cũng là quãng đường nằm chính giữa của tuyến Cà Mau - Rạch Tàu - Rạch Gốc, trở thành cái mốc để người ta ước lượng thời gian và không gian. Tất cả đều là cảm nhận. Duy chỉ có cái tên vẫn “đóng đinh” trong trí nhớ của bao thế hệ.

Trước Tết, chạy xe hai bánh về Cái Keo hơi cực. Ðường sá chỗ láng bóng, chỗ đang làm, chỗ bể. Chủ tịch UBND xã Quách Văn Phẩm Lê Việt Khái cho biết: “Ðường đầu tư lâu rồi, hư rồi làm lại, giờ thì chạy ngon lành”. Chợ Cái Keo bao lâu nay vẫn đóng vai trò là trung tâm của xã Quách Văn Phẩm, còn trước đây là xã Tân An. Chợ Cái Keo là nơi sinh kế của nhiều thế hệ và cũng là trọng điểm phát triển trong tương lai của địa phương.

Theo thông tin của anh Khái, Quách Văn Phẩm hiện có 9 ấp, trong đó, 7 ấp đã có lộ giao thông nông thôn đấu nối. Kinh tế chính của bà con là nuôi trồng thuỷ sản và kinh doanh, dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo theo rà soát đa chiều trên 16,7%. Anh Khái cũng không giấu giếm: “Số hộ nghèo nằm tập trung trong Khai Hoang Vàm và Xóm Mới, ở đó có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Riêng Khai Hoang Vàm, có 75 hộ người Khmer thì gần như tất cả đều thuộc diện nghèo khó".

Anh Khái cũng là người con của Cái Keo, với hiểu biết của mình, anh thông tin: “Chợ có tuổi hơn 60 năm. Ban đầu hình thành tự phát, bà con buôn bán rau, cá phục vụ cư dân dọc kinh Bảy Háp. Dần dà, người khắp nơi về đây quần tụ, cơ ngơi buôn bán ngày càng mở rộng. Tôi nghe những người lớn tuổi nói sau giải phóng, chợ cũng bắt đầu sầm uất, buôn bán rộn rịp rồi. Còn sau này, khoảng năm 1990, khi lưới điện kéo về, lúc đó chợ rất “sung”, nhiều người biết tới”.

Ðặc biệt, sau khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất những năm 2000, dân Quách Văn Phẩm trúng tôm dữ, chuyện buôn bán vì thế cũng phất lên. Chẳng mấy hồi mà Cái Keo trở thành đầu mối giao thương lớn của một vùng. Ðến năm 2014, chợ Cái Keo có quy hoạch chi tiết và định hướng phát triển rõ ràng. Theo đó, 10 ha của chợ được xây dựng hạ tầng để phục vụ các ngành nghề buôn bán, dịch vụ. Anh Khái khẳng định: “Cái Keo là tương lai, là hy vọng của nhiều người lắm”.

Gặp ông Hai Luông (Ðặng Phước Luông), thời may ông nhắc: “Mầy lính của Nguyễn Bé hả? Chung đơn vị địa phương quân với tao hồi đó. Sao, giờ Hai Bé khoẻ hôn?”. Có lần, nghe chú Nguyễn Bé (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) nhắc về Quách Văn Phẩm như là nơi “chôn nhau cắt rún”, giờ gặp lại đồng đội của chú, thấy nơi đây thêm phần gần gũi. Khi nghe chúng tôi nói chú Hai Bé giờ công tác trên Sài Gòn, ông Hai Luông chầm chậm nói: “Vậy mà mấy chục năm rồi... Ở nhà tao còn cuốn sổ ghi lại chuyện hồi đó chiến đấu, mỗi thằng một hướng, có thằng hy sinh,  Hai Bé khoẻ là mừng”.

Khoảng năm 1980, ông Hai Luông nhận công tác làm Chủ tịch xã Tân An, Ðầm Dơi. Ông kể: “Chợ hổng biết chính xác có hồi nào, nhưng lâu đời lắm. Thời chế độ cũ chợ này đã buôn bán sầm uất lắm rồi”. Theo trí nhớ của ông Hai Luông, nhiều người qua chợ Cái Keo cũng không hẳn buôn bán gì, mà chủ yếu nghe ngóng tình hình của giặc. Nhiều cán bộ, đầu mối của ta cũng chọn Cái Keo làm nơi đứng chân, bởi việc thông tin liên lạc thuận lợi.

               Chợ Cái Keo nay dần chuyển dịch vị trí do sự phát triển của đường bộ.         Ảnh: K. PHƯƠNG

Vùng Quách Văn Phẩm có truyền thống cách mạng, vì vậy mà giặc cũng làm căng, nhiều lúc ác liệt. Sau giải phóng, chuyện buôn bán, làm ăn dần ổn định, nhiều người đến lập nghiệp. Giai đoạn bao cấp, hoạt động giao thương cũng vô cùng vất vả, vậy mà Cái Keo không lụi tàn mà ngày càng lấn đất, lấn sông Bảy Háp, trở nên đông đúc.

Cô Trang Khiếm (Tư Khiếm), người ở Hậu Giang về Cái Keo theo chồng từ những ngày đầu giải phóng. Chỗ cô buôn bán hiện nay là “phố lầu” mà trước đây là trung tâm chợ, cô giải thích: “Khúc dưới này hồi đó buôn bán cũng được lắm, rồi sau này sạt lở, theo quy hoạch mới, chợ dồn về trung tâm xã như hiện nay”.

Vậy là Cái Keo lại theo đà chuyển đổi của xã hội, từ những hướng sông đã chuyển qua những huyết mạch lộ giao thông đường bộ. Cái Keo cũng đã quy hoạch sẵn một khu vực mặt bằng và hạ tầng phục vụ những hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển dịch lên trung tâm xã mua bán.

Nói về tương lai, ông Tư Kiệt (ở chợ Cái Keo hay gọi theo tên vợ là Chín Kiều) mở ra cả một hy vọng lớn: “Theo tôi, quy hoạch lại đàng hoàng, bà con lùi vô phía trong trung tâm xã, mở lại buôn bán một cách quy củ hơn, dám đầu tư lớn thì còn nhiều cơ may phát triển lắm”.

Một thoáng Cái Keo, ấy vậy mà để thương, để nhớ cho biết bao lớp người. Và ở Cái Keo còn có thật nhiều hy vọng…

Ghi chép của Phạm Nguyên

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.