“Lái xe hỏi về đâu đừng có nói ghé hẻm “Heo Nọc”, người ta cười thúi mặt. Nói chở tui về đường Lê Vĩnh Hoà, chỗ đối diện căn biệt thự màu trắng”. Sau hồi cười khục khặc trước lời dặn đi dặn lại qua điện thoại của mẹ, tôi cũng chợt chột dạ, ờ nếu không có lời nhắc đó chắc cũng nói y chang vậy.
“Lái xe hỏi về đâu đừng có nói ghé hẻm “Heo Nọc”, người ta cười thúi mặt. Nói chở tui về đường Lê Vĩnh Hoà, chỗ đối diện căn biệt thự màu trắng”. Sau hồi cười khục khặc trước lời dặn đi dặn lại qua điện thoại của mẹ, tôi cũng chợt chột dạ, ờ nếu không có lời nhắc đó chắc cũng nói y chang vậy.
Đọc đâu đó có người nói rằng, khi bạn đến một nơi mà người dân có thể nhớ số nhà, tên đường thì nơi đó không còn là miền hoang dại nữa. Không biết đúng hay sai, nhưng để thay đổi thói quen từ gọi tên theo đặc điểm của khu vực đang sống sang gọi tên đường theo quy định của chính quyền có khi kéo dài vài chục năm. Và xóm nhỏ của tôi là một ví dụ.
MH: KHỞI HUỲNH |
Để kể về con hẻm mang tên nghề của một gia đình rồi dần lan sang thành địa danh của một vùng không thể nhắc lại chuyện hồi xa lơ xa lắc. Đó là vào một ngày mùa hè năm 1987, ngày tôi chính thức trở thành công dân của xóm mới. Nhà tường san sát, đường đổ nhựa phẳng lỳ, có cống thoát nước, gần trường, gần chợ của xóm cũ được thay thế bằng nhà lá, xung quanh bốn bề chỉ có nước phèn và cỏ năn.
Gọi là xóm nhưng xa xa mới có một vài nóc nhà nên tụi tôi thường phải liên kết thêm mấy đứa xóm cạnh bên. Để rèn luyện cơ thể, cả đám còn nghĩ ra mấy trò thi đấu nho nhỏ như: thi săn chuột, thi bắt rắn nước, thi ai đuổi vịt về nhà nhanh nhất... Lâu lâu thay đổi tôi tha thẩn ra phía trước hái mấy cây nấm dại mọc trên thân bạch đàn, tưởng tượng là nấm trong khu rừng cổ tích của nước Nga xa xôi bị phù thuỷ phù phép nên các nàng công chúa xinh đẹp ở nơi tít mù này không ăn được. Kể ra thú vui tao nhã của thời con gái chỉ giản dị và yên ả như thế mà thôi.
Với con nít vui vậy chứ người lớn thì không biết lấy gì làm ký hiệu cho xóm vì cả xóm chỉ có một lối mòn, sau vài cơn mưa là cỏ phủ bít. Ở trong nội ô thị xã nên dân trong xóm đa phần làm việc Nhà nước hoặc đi dạy, thỉnh thoảng phải ăn bận cho tươm tất, lịch sự, không thể “quần ống xăn ống thả”, chân bám đầy đất đến cơ quan nên bàn nhau hùn tiền lót đan làm đường. Đầu tư mạnh tay vậy mà con đường đầu tiên của xóm cũng không chống đỡ nổi sau mấy trận mưa đầu mùa.
Sau nhiều đêm trăn trở vì sự càu nhàu của mấy bà vợ, đàn ông trong xóm mới tụ nhau lại uống rượu bàn bạc: “Phải làm cách gì, làm như thế nào, làm ra sao để có nhận ra xóm mình mà tìm đường về nhà chứ?”. Trải qua mấy cuộc nhậu, mấy ông mới nghĩ ra cách trồng một hàng cây xanh xanh làm tín hiệu.
Năm 1999, khi thị xã Cà Mau được công bố là thành phố, nhiều đứa bạn ngồi sụt sùi: “Tự nhiên” bị mất điểm cộng vùng sâu, vùng xa. Kiểu này thi vô đại học khó đây”. Nghĩ thiệt mắc cười, có ai “lên đời” mà lại rầu rầu như kiểu trẻ nít như vậy. Bởi lẽ mấy bạn nghĩ rất đơn sơ, mộc mạc rằng: Thành phố phải hoành tráng, sang, xịn, ngon lành. Ít ra cũng giống chút tẹo Sài Gòn trong phim ảnh. Chứ mang tiếng thành phố rồi vẫn những con đường bé tẹo, đầy sình lầy, nhà cửa vẫn còn trống huơ trống hoác. Mỗi xóm chỉ có vài nhà, cách nhau mấy chục mét, điện lúc có lúc tắt…
Sau đó ít năm, đến TP Cà Mau mà nói tên đường thì 3 ngày sau cũng không tìm được. Phải ráng mà nhớ đặc điểm hoặc đặc trưng của khu vực mình muốn tới như gần kinh tàu hủ, xéo xóm bún riêu, ở cạnh chợ đêm (dù cách đó tới mấy trăm mét). Ví dụ như xóm tôi (nằm giữa cái xóm có người hay đi dắt heo đực để phối giống với cái xóm nhìn ra cái hồ bự chảng) có con đường vắt ngang giữa xóm mang tên nhà văn, nhà báo rất nổi tiếng vậy mà ít ai biết, phải mượn cái tên của xóm trên cho xóm của mình. Có lần đi xe ôm từ bến xe về nhà, phải chỉ một hồi vòng vèo. Vừa dừng xe, rút túi trả tiền dư, ông chạy xe ôm mặt một đống, càu nhàu: “Ở gần xóm Heo Nọc nói cha cho rồi. Bày đặt nói này nọ làm chạy xa thấy bà nội”.
Có nhiều thứ đã cũ mèm trong cái xóm có chiều dài chưa tới 300 m này. Vẫn là mái nhà cũ có cha mẹ, anh chị ở, vẫn dính đầy kỷ niệm mang màu sắc óng phèn. Vẫn những người hàng xóm cũ nhưng đã có nhiều hàng xóm mới chen vào giữa. Giờ hai bên đường có cống thoát nước, có cây xanh to cao ôm ấp, che bóng mát. Vậy là nhà cao tầng, rồi những căn biệt thự mới đã xoá đi những ao nước sâu, những trảng năn. Từ đầu xóm đến cuối xóm chưa kịp rú ga đã tới. Nhiều người biết là ở cùng xóm nhưng không kịp biết tên vì có khi họ đóng cửa im ỉm suốt nên có người hỏi cứ đứng ú ớ không biết trả lời ra sao. Lạ mà quen, quen mà lạ chỉ một chiều xóm cũ.
…5 năm sau sự kiện gia đình dời nhà từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau, mở mắt ra tôi vẫn nhớ con đường đổ bê-tông với 2 cây còng to đùng trước tiệm tạp hoá nhỏ của chị Xíu. Cũng như xa Cà Mau 5 năm, mỗi lần ngồi trên xe khép mắt lại, tôi vẫn hình dung từng đoạn đá to, đá nhỏ trong cái xóm cũ gắn bó hơn 20 năm. Ai đi xa cũng muốn quay về gặp được cọng rêu ngày cũ, nhưng cũng muốn chốn cũ không bị tụt hậu trong sự phát triển chung. Một chút dùng dằng, một chút tiếc nuối pha lẫn sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi quay lại xóm cũ mà từ lâu đã trở thành xóm mới trong mắt tôi!./.
Đoàn Phương Nam