Đầm Dơi ngày nay, suốt thời kháng chiến là huyện Ngọc Hiển, mật danh Tư Kháng. Với tôi, xứ sở này là “vùng đất nhớ”, kỷ niệm lần đầu tiên đặt bước chân về đây từ “mùa hè đỏ lửa” năm 1972…
Đầm Dơi ngày nay, suốt thời kháng chiến là huyện Ngọc Hiển, mật danh Tư Kháng. Với tôi, xứ sở này là “vùng đất nhớ”, kỷ niệm lần đầu tiên đặt bước chân về đây từ “mùa hè đỏ lửa” năm 1972…
Năm 1973-1974, trong thời gian làm phóng viên tập sự Báo Cà Mau, tôi có nhiều chuyến đi thực tế sang huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng) này. Hồi ấy, cơ quan đóng ở Giáp Nước, muốn về đây phải qua chặng hành trình dài, ban đầu còn phải bám theo đường giao liên qua Cống Ðá lộ xe và qua sông Bảy Háp, vào bến Cây Mấm thẳng vô Bàu Dừa, chèo bơi vòng vo lâu lắc đến cuối xã Quách Văn Phẩm B, kéo đập Thanh Tùng, rẽ trái, chèo đi trên con sông Hiệp Hoà, rồi kinh Thầy Cẩn, trổ ra sông Ðầm - cách Chi khu Ðầm Dơi cả chục cây số về hướng Nam. Từ sông Ðầm chèo trở lên một chặng, rẽ phải vào sông Bàu Sen, đến Cây Gừa, Tân Thành, Tân Tiến và vòng quanh vùng đất mênh mông bên này thời chiến chỉ 3 xã Tân Duyệt, Tân Tiến và Tân Thuận. Với địa bàn xa xôi cách trở nên nhiều chuyến công tác về huyện Ngọc Hiển chúng tôi thường đi 2 người.
Một góc thị trấn Đầm Dơi hôm nay. Ảnh: VŨ TRÂN |
Chuyến đầu tiên vào tháng 8/1973, tôi với Mười Lai, phóng viên Báo Giải Phóng miền Tây Nam Bộ, về huyện Giá Rai, phải qua địa bàn huyện Ngọc Hiển và tôi biết căn cứ Ðồng Giáp với cụm rừng tràm phủ dây leo - cụm rừng sinh thái mát mẻ, nước ngọt, đầy bèo, rong rêu và bông súng ở xã Tân Thuận, trước khi sang cửa Gành Hào để vượt kinh xáng Hộ Phòng về xã Long Ðiền Tây…
Những chuyến tiếp sau, tôi đi với Nguyễn Thanh Sơn và Trần Tấn Sĩ, 2 phóng viên tập sự này quê huyện Ngọc Hiển. Thanh Sơn ở xã Tân Thuận, Tấn Sĩ ở xã Tân Tiến. Tấn Sĩ tham gia kháng chiến, công tác ở Ban Kinh tài (Kinh tế tài chánh) huyện, biết lách tìm ngả rẽ, đi học Trường Thông tấn Báo chí miền Tây Nam Bộ năm 1972 và được điều động về Báo Cà Mau giữa cuối năm 1973. Thanh Sơn tên thật Nguyễn Thanh Tao, là học sinh ở thành, biết ít tiếng Anh, trở về quê vùng giải phóng, được rút thẳng lên Tiểu Ban Thông tấn Báo chí Cà Mau và được anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô), Phó Tiểu ban, ưu ái, gần gũi… Một số anh em ở Ðầm Dơi còn nhắc, với tên “cúng cơm” như vậy, nên Sơn viết thư về thăm nhà, câu cuối thường ghi “Con của ba má” là “Tao”. Nghe như hỗn, ai cũng cười, nhưng lại là chuyện có thật.
Chuyến đi với Thanh Sơn năm ấy, tôi đứng chèo suốt tuyến đường, chuyến về ra sông Ðầm lúc ròng sát và nước lớn bắt đầu chảy vào, tôi gọi Thanh Sơn đổi chèo cho tôi nghỉ tay quãng ngắn… Thanh Sơn nước da ngăm, ít khi cởi mở, chả hiểu sao có mấy anh em gọi vui “Sơn xì ke”, Thanh Sơn cũng chỉ cười cười, không giận… Thanh Sơn đứng chèo, lọng cọng, chưa quen. Chèo được vài trăm mét, Thanh Sơn nhờ tôi mở giúp túi bòng lấy ra giùm chiếc khăn rằn. Cứ ngỡ che nắng, đâu ngờ Sơn quấn chiếc khăn vào guốc chèo để cầm cho không bị phồng bàn tay… Chao ôi, lần duy nhất tôi mới thấy một người chèo xuồng có trình độ “nghiệp dư” như chàng Thanh Sơn, gặp đi một mình rối tung là cái chắc!
Qua những chuyến đi thực tế thời chiến trên địa bàn này, tôi nhớ lần đến xã Tân Thuận, gần nhà Tư Ngàng, gặp anh Năm An, người Bến Tre, cán bộ huấn học Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ. Năm 1970, gia đình anh tạm ở Kinh Ngang, xã Trần Hợi. Từ năm 1973, anh chị và các cháu qua sống ở xã Tân Thuận này. Năm ấy, bà con Tân Thuận trúng mùa đóng đáy sông, tôm thẻ tự nhiên nhiều vô kể. Hai bờ sông mọc san sát, lô nhô từng lò đất đắp tròn để sấy tôm. Nhà nào cũng tất bật, luộc, nhuộm màu rồi sấy bằng lửa than và trải phơi liếp sậy giăng giăng một màu tôm vàng hực hai bờ sông…
Tôi nhớ gia đình bác Ba Dậu ở gần đập Ðầu Trâu, xã Tân Tiến, đây là nhà của ba má anh Thanh Trúc, Quang Phong, Thu Hồng, Quang Tèo. Bác Ba trai lớn người, đẹp lão, dáng đi mạnh khoẻ, giọng nói lớn khàn ấm rõ tiếng. Năm ấy, tôi ghé lên nhà thấy bác Ba đang hớt tóc cho một người. Hồi sau tôi nhờ bác cạo giùm tôi cái tóc cho mới một chút… Bác Ba từng làm thợ hớt tóc ở Sài Gòn thời chống Pháp và với nghề làm “thầy hù” này, bác gặp tình huống nhớ nhất trong đời. Có một ông khách khó tính, hớt tóc xong, khi cạo, ông bảo cạo thế nào thì cạo, nhưng không được chạm tay không cầm dao vào đầu ông ta… Thật khó vậy mà bác Ba vẫn cạo được. Bác kể một trường hợp rất độc đáo, thợ hớt tóc ở Sài Gòn thời chống Pháp vẫn giết được tên lính lê dương… Nãy giờ bác Ba vừa kể, tay vừa vịn vào mái tóc tôi, tay cầm dao thao tác cạo rột rột thật mạnh, thật nhanh lẹ… Tôi trân mình, cảm giác sợ đứt phát khiếp mà không sao cả, quả thật bác Ba chắc tay nghề!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, hai bác Ba lên sống ở TP Hồ Chí Minh gần 30 năm, bác Ba trai qua đời vào đầu những năm 2000, được đưa về quàn tại chùa Phật Tổ ở phường 4, TP Cà Mau và an táng tại Nghĩa trang huyện Ðầm Dơi… Năm 2006, bác Ba gái qua đời, được anh Quang Phong, Quang Tèo đưa bà má thẳng về thị trấn Ðầm Dơi. Chiều hôm ấy, anh Nguyễn Duy Vinh từ Cà Mau đi xe đạp xuống thị trấn Cái Nước, hay tin này tại nhà Huỳnh Lâm - con trai của Nghệ sĩ Huỳnh Hãnh… Tôi với anh Nguyễn Duy Vinh mỗi người một chiếc xe đạp - dù chưa biết đường, nhưng vẫn chạy sang tận nơi, viếng bác Ba gái vào buổi tối… Sáng hôm sau, Nghệ sĩ Huỳnh Hãnh từ Cái Nước sang, cùng tốp anh chị em Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau thời kháng chiến xuống Ðầm Dơi, tiễn đưa bà má đến nơi yên nghỉ cuối cùng…
Năm 1974, Ban Tuyên huấn huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng) đóng cơ quan trên đoạn lộ xe Tân Ðức, gần nhà chị Ba Phụng. Tôi có chuyến công tác về đây sống với anh em, quen biết nhiều người, có Trương Hoàng Thêm, Trịnh Xuân Dũng, hồi ấy còn trẻ, dễ thương lắm! Hôm trước đi giao bài in Báo Cà Mau xuống Nhà in Trần Ngọc Hy đóng ở rừng đước kinh Ông Ðơn, tôi xin được cuốn sách “tâm lý học” của Khu Tây Nam Bộ xuất bản, chữ đánh máy, in giấy sáp, sách cũ không còn bìa. Tôi cầm ra đọc cho anh em nghe những câu hay lạ về tâm lý học:
“Những hiện tượng tâm lý biểu hiện quá trình tình cảm của con người, như: vui, buồn, sung sướng, đau khổ, yêu ghét, phấn khởi, bực dọc, niềm nở, cau có, lạnh nhạt v.v…".
Chị Ba Phụng nghe, chắc ưa thích, hỏi tôi: Còn cuốn nào đưa chế mượn đọc với. Tôi cười, nói thật: Em chỉ có một cuốn sách cũ này thôi, chế ơi! Chị Ba Phụng là em ruột anh Phạm Minh Ðức (Sáu Ðức), nguyên Chánh Văn phòng HÐND-UBND tỉnh, qua đời năm 2013. Anh Sáu Ðức ở nhà thứ hai, là anh cả của chị Ba Phụng…
Ở Ngọc Hiển (Tư Kháng) thời kháng chiến có đôi bạn yêu nhau nhưng không đến được với nhau và tôi còn lưu giữ bút tích kỷ niệm của đôi bạn ấy. Ngày 16/3/1974, em Thu Hồng chép tặng tôi bài ca “Người lính già vui vẻ” của Nhạc sĩ Thanh Trúc, tức Lâm Quang Măng, anh ruột Thu Hồng… 2 ngày sau, bạn Vũ Ðức Hoà chép cho tôi bài “Sẵn sàng bắn” của Nhạc sĩ Tô Hải, dòng cuối ghi câu “Tặng anh bài hát khi xa nhớ về Ngọc Hiển, ngày 18/3/1974”.
Chuyến sau chót, tôi với Tấn Sĩ đi một chuyến về huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng) mà suốt đến nay không quên được. Buổi chiều về đây, chúng tôi đang đi xuồng chèo trên sông Tân Ðức, tình cờ gặp anh Tấn Hùng cười cười, cũng đang ngược chèo qua ngang. Ngày ấy, nếu Tấn Sĩ không nói, thì tôi không biết đó là anh Tấn Hùng - người không đầy 20 năm sau làm Giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Minh Hải, thay anh Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn)…
Chiều, trước lúc chạng vạng, tôi với Tấn Sĩ ghé lên nhà Tám Phượng, gặp đám tiệc. Không rõ Tấn Sĩ có được mời, có biết trước không. Khi chúng tôi đến mới biết ở nhà đang tổ chức đám hỏi cho anh Bảy Tửng - anh ruột Tám Phượng. Bữa tiệc sôi nổi, linh đình, no say khỏi cần diễn tả… Tám Phượng nhiệt tình, “chăm sóc kỹ lưỡng” tôi và Tấn Sĩ, không cho người nào rời khỏi mâm tiệc đang quây quần… Uống hết nổi, tôi bỏ "giò lái" định chạy. Tám Phượng đuổi theo ra sân, nồ quá, tôi tạt qua gian nhà gần bờ sông - vợ chồng chủ nhà đang vui trên đám, lọt vô, lủi trốn dưới gầm giường. Tám Phượng bấm đèn pin rọi gặp, lôi trở lại mâm. Tôi khều nhẹ Tấn Sĩ: lát nữa đi trước xuống xuồng, chèo ra vài mét chờ. Và lần này quyết chạy thoát. Tám Phượng rượt theo ra vừa tới bờ sông, tôi vụt phóng cái “xùm” xuống nước, leo lên xuồng cho Tấn Sĩ chèo ra xa… Tám Phượng ngạc nhiên, đứng nhìn theo bất lực, không ngờ tôi nhảy xuống sông vào đêm tối…
Kỷ niệm chuyến về Ngọc Hiển (Tư Kháng) dịp tình cờ được dự tiệc đám hỏi của anh Bảy Tửng giữa cuối năm 1974, lúc này chúng tôi còn ở Giáp Nước, chưa chuyển lên Rau Dừa. Năm 1999, có lần ngồi bàn tiệc ở Cà Mau, tôi hỏi Tám Phượng còn nhớ ngày tháng nào đám hỏi của anh Bảy hồi năm 1974, Tám Phượng gạt ngang: Nói cho biết để mầy viết bài hả? Ðấy chỉ là đám hỏi và tôi nhớ chi tiết: Sáng mai mới mang lễ vật đến nhà gái, mà chiều và tối nay khách khứa ở nhà trai đã uống trên 20 lít rượu ngon - rượu kháp bằng nếp rặt nguyên chất thời chiến, rượu ngon mà mồi cũng ngon!
Một thời về Tư Kháng và chính vùng đất này cho tôi diễm phúc được quen biết nhiều anh chị em, bạn bè đông nhất so các huyện khác trong tỉnh Cà Mau, có những người là bạn cũ, chí cốt, rất đỗi thân tình, khó quên nhau lắm!
Với quê hương Tư Kháng thời chiến, Ðầm Dơi ngày nay, cho dù địa danh có thay đổi, nhưng vẫn là xứ sở quen thuộc, một vùng đất từng gắn bó, luôn gợi nhớ những kỷ niệm đẹp, những hình ảnh đáng yêu, tình cảm, thân thiết một thời về Tư Kháng còn sống động trong ký ức biết bao người…
Nguyễn Minh