(CMO) Khi gió chướng về mang theo cái lạnh se se, lòng tôi lại miên man nhớ về những cái Tết xưa. Cũng mùa này của nhiều năm trước, anh em chúng tôi vác lúa từ ngoài đồng về chất thành đống trên sân.
Cũng mùa này, cá từ ngoài đồng về đìa thi nhau quẫy đuôi rộn như cơm sôi. Cha tôi cặm cụi dựng mê bồ phía sau nhà để chuẩn bị trữ lúa, mẹ thì bận rộn với mớ củi tạp nhạp sau vườn và những bó lá dừa khô buộc chặt ngay ngắn nơi chái bếp. Ở đầu xóm, tiếng nhạc xập xình theo chiều gió khi nhỏ khi to báo hiệu mùa cưới đã về…
Gió chướng về, trên đồng nước đã rút cạn, những gốc rạ còn mới tinh cũng là lúc cá bắt đầu về đìa. Tôi và thằng em lén mẹ vác cái khạp da bò đi đặt hầm bắt cá. Sở dĩ phải lén mẹ là vì khạp da bò ngày xưa rất quý, nhà chỉ có 3 cái (2 cái dùng để đựng gạo, còn 1 cái để đựng muối). Cái khạp da bò mà anh em tôi vác đi đặt hầm bắt cá là cái dùng để đựng gạo.
Minh hoạ: Hoàng Vũ |
Ở xứ tôi, cả người lớn và con nít đều biết đặt hầm bắt cá. Có người dùng khạp, dùng lu để làm hầm, cũng có người đào cái hố thật sâu để bắt cá. Theo tự nhiên, khi ngoài đồng nước cạn thì cá sẽ theo con nước vào ao, vào đìa để sống qua mùa hạn. Vậy là, ngay tại miệng đìa, tôi và thằng em moi đất đặt cái khạp da bò thật sâu làm hầm. Tôi cẩn thận chặt 4 nhánh trâm bầu có ngạnh ghim chặt vào miệng khạp, phần gốc trâm bầu thì cắm sâu xuống đất để giữ khạp thật chặt, nếu không làm như vậy, khi bị hơi nước đẩy lên chiếc khạp sẽ lộ thiên. Em tôi thì dọn cỏ, tạo bãi, làm “đường băng” cho cá rơi xuống hầm. Tôi còn chặt vài tàu lá chuối, cỏ nguỵ trang trên miệng khạp.
Cha tôi cũng lạ. Ở trong xóm vào mùa này nhà nào cũng tận dụng lu, khạp để làm hầm bắt cá, riêng cha tôi thì không. Ông nói, đừng làm điều gì trái với quy luật tự nhiên, hãy để con cá đang khát nước trên đồng được trở về vẫy vùng trong ao nước ngọt lành mênh mông. Nếu mình đặt hầm sẽ làm cá sợ và chúng không dám về đìa nữa. Vả lại, khi cá đã về đìa cũng giống như cá đang ở trong thau, trong chậu của mình chứ có mất đi đâu. Vậy là, cha tôi ra tối hậu thư với anh em tôi rằng, không được đặt hầm bắt cá, nếu cãi lời sẽ bị ăn đòn.
Tôi cũng hứa, em tôi cũng hứa, nhưng nói thiệt cả hai anh em đều mê đặt hầm bắt cá, hứa chỉ để lấy lệ với cha. Nhìn những con cá rô, cá lóc thật bự, mình mẩy sình bùn nằm dưới đáy hầm mỗi sáng thức dậy thật đã con mắt. Tạt một gàu nước dưới ao trả lại nguyên vẹn màu xanh đen của con cá lóc cơi, màu vàng ươm của con cá rô mề mới hả hê làm sao. Ngoài cái thú đam mê bắt cá, anh em tôi còn “sĩ diện” với đám con nít trang lứa với mình trong xóm, hễ mỗi lần đối mặt là chúng trêu ghẹo tôi không biết đặt hầm bắt cá, là chúng tôi sợ bị ăn đòn nát đít, làm con trai mà "sọc dưa", "chạy xịt" (ý nói nhát gan)... Thế mới có chuyện cái khạp da bò đựng gạo của mẹ tôi… bị mất.
Nhà chỉ có 3 cái khạp, mất 1 cái là mẹ biết liền, nhưng vì bận bịu công việc ngoài đồng, sau bếp nên đến tối mẹ mới phát hiện. Vì sợ anh em tôi bị cha đánh đòn nên mẹ không làm “lớn chuyện” mà chỉ gọi riêng tôi xuống nhà sau, biểu trả lại cái khạp da bò vào sáng hôm sau. Hết đường chối cãi nên tôi im re gật đầu, ngoan ngoãn chờ… trời sáng.
Suốt đêm đó tôi không sao ngủ được, một phần vì tiếng nhạc, lời ca vọng cổ ngọt ngào từ đám cưới ở xóm trên văng vẳng đến tận khuya, một phần vì đang tìm cách đưa cái khạp da bò về nhà trong trật tự. Dường như trong chập chờn giấc ngủ, tôi còn nghe cả tiếng cá rớt xuống hầm lịch bịch.
Buổi sáng ở quê năm xưa sao mà yên bình, tĩnh lặng và đẹp tuyệt vời như bức tranh thuỷ mặc. Màn sương trắng tinh cùng với làn khói bếp cuộn vào nhau toả trên từng ngọn cây, cọng cỏ. Tiếng chim tu hú gọi bạn thật đều, thật đều nghe rất đỗi thân quen. Mẹ châm cho cha bình trà quạu rồi đi tưới luống bạc hà bên hiên nhà. Tôi rón rén ngồi dậy, không kịp rửa mặt là tất bật đi ra cái hầm, em tôi cũng lẽo đẽo bám theo sau.
Hết sức bất ngờ, mấy tàu lá chuối nguỵ trang trên miệng hầm bị hất tung sang một bên. Chắc là bị cha phát hiện rồi? Hay bọn con nít trong xóm phá đám? Nhưng không, trước mắt tôi, cả khạp da bò đầy cá. Sình non đặc quánh, những con cá lóc, cá rô thiệt bự cứ thi nhau ngoi lên trên giành chỗ để thở. Anh em tôi hì hục bắt cá, em tôi ham lựa những con cá thật lớn bỏ vào giỏ, riêng phần tôi thì phập phồng nỗi lo làm sao đưa cái khạp da bò về nhà mà không bị cha phát hiện, nhất là làm sao “hợp thức hoá” cả đống cá này?
Ngồi chờ sương tan, tôi đoán chắc cha đã ra đồng nên cùng với em vác cái khạp da bò và giỏ cá nặng trịch về nhà. Mẹ chu đáo đánh vảy, chặt kỳ, mổ bụng những con cá bị chết ngộp do nằm dưới đáy hầm, phần cá còn sống thì thả vào cái thùng rọng phía sau nhà. Hai anh em tôi mừng thầm trong bụng vì nghĩ rằng “chuyên án cái khạp” đã được khép lại.
Trưa hôm đó có bác Bảy đang công tác ở Sài Gòn về quê ăn Tết ghé qua thăm cha. Bác Bảy vừa là đồng chí, đồng đội, vừa là anh kết nghĩa của cha tôi. Hai người thân nhau từ lúc còn vác nạng thun bắn chim đến lúc học Công nông ở Bạc Liêu, rồi cùng về Trần Văn Thời công tác, sau này bác Bảy ra Trung ương làm việc ở cơ quan Mặt trận. Gặp lại bác Bảy sau thời gian dài nên cha tôi mừng lắm, cha gọi mẹ tôi bắt gà làm mồi lai rai. Khi được mẹ “tham mưu” mồi bén phía sau nhà là những con cá lóc cơi, cá rô mề đãi khách… thì cha hết sức bất ngờ. Nhìn những con cá còn dính sình non trên mình, dường như cha biết chuyện gì đã xảy ra. Tim tôi bắt đầu đập lạc nhịp.
Món cá lóc nướng rơm, cá rô kho tộ, cá sặt nấu canh chua cơm mẻ bông so đũa nhận được lời khen thật nhiều của người khách quý. Bác Bảy ăn thật ngon, thật tự nhiên như cốt cách nông dân bao đời của ông. Cha tôi mừng lắm, niềm vui thể hiện trong cả lời nói, cử chỉ và ánh mắt. Tôi lạc quan, nhìn cha vui như vậy chắc sẽ bỏ qua chuyện cái hầm và những con cá.
Chiều hôm đó, khi khách đã về, cha tôi chặt hai cây trúc thật to làm roi, bắt anh em tôi nằm dài trên bộ ván ngựa. Thằng em nằm kế bên bắt đầu thút thít đổ lỗi cho anh Hai tội rủ rê. Tôi nằm im chờ đợi, trong đầu miên man suy nghĩ rằng cha đang có rượu trong người, lại giận chuyện mình không vâng lời chắc đánh đau lắm… Rồi cha hỏi: "Các con biết lỗi gì không?". Chúng tôi đồng thanh trả lời: "Dạ biết!". Vậy là cha vung roi, vừa đánh vừa đếm: Một, hai, ba, bốn, năm! Lạ quá, đây là lần đầu tiên trong đời cha đánh tôi thật nhẹ, không đau. Càng lạ hơn tôi là đứa lì đòn, bị đánh đau cũng không bao giờ khóc, vậy mà hôm nay cha đánh nhẹ hều mà nước mắt của tôi rớt thành dòng - giọt nước mắt của đứa con biết lỗi. Kể từ hôm đó, tôi đã lớn hơn rồi.
…
Thật nhiều cái Tết trôi qua, Khánh Tiến đã chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, cũng đồng nghĩa không còn những mùa cá đồng về đìa nữa. Mùi sình non quyện vào những con cá lóc, cá rô đồng trong khạp da bò giờ chỉ còn lại trong ký ức.../.
Chí Công