ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:51:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa hoa cúc bên sông

Báo Cà Mau Chẳng biết cái tên đó ai đặt cho nó tự hồi nảo hồi nào, chỉ nghe ông nội gọi nó là Ðực rồi người ta cứ thế kêu theo. Ðực tốt mã, bảnh trai nhưng hơi lù khù, tháo vát nhưng cũng chỉ ba cái chuyện đồng áng nhà nông. Người ta bảo nó có hiếu nhất nước hổng chừng, thời buổi này mà có đứa đạo đức vậy, quá hiếm.

Chẳng biết cái tên đó ai đặt cho nó tự hồi nảo hồi nào, chỉ nghe ông nội gọi nó là Ðực rồi người ta cứ thế kêu theo. Ðực tốt mã, bảnh trai nhưng hơi lù khù, tháo vát nhưng cũng chỉ ba cái chuyện đồng áng nhà nông. Người ta bảo nó có hiếu nhất nước hổng chừng, thời buổi này mà có đứa đạo đức vậy, quá hiếm.

Lụi cụi suốt ngày ngoài đồng, tối thui mới về tới nhà, lại chui vô bếp, lại phải nấu nướng, cực nhưng nó lúc nào cũng cười, cái cười như đóng kịch. Con Nẫm mê nó lắm, nghe đâu mẹ con nhỏ chửi cho mấy trận ra trò nhưng nhắm chẳng ăn thua gì:

- Bộ mầy hết đường rồi sao chui đầu vô cái hóc bà tó đó, hở con. Ðất cát không có, làm thuê quần quật, mai mốt thiên hạ mua máy nọ, máy kia thì làm gì ăn? Mầy nuôi nó chắc?

Minh hoạ: HOÀNG VŨ

Con Nẫm chẳng nói gì, nó biết rõ mẹ nó như lòng bàn tay, “bả nói chán rồi cũng huề”. Ở  quê có tiền như bà không nhiều, nhưng mẹ nó đâu biết chính vì đồng tiền đó mà nó “ở giá” quá lâu rồi còn gì. Nó nghĩ chỉ cần có người biết chịu khó làm ăn thì sẽ nên chuyện cứ gì phải có nhiều tiền, có học thức cao. Khối gì người giàu sang ra đó mà con cái có ra gì đâu, vợ chồng thừa chắp dư vá, chẳng qua chưa bỏ nhau là bởi cái gia tài quá kếch xù. Chê người ta hay người ta coi mình chẳng ra gì, liệu người ta có thèm để ý tới mình không mà tính tới tính lui, chỉ có đêm đen mới biết được lòng nó rối rắm thế nào.

Số là, thằng Ðực thường ghé cái quán cỏn con của nó để mua vài ba thứ lặt vặt cho bữa cơm tối hai ông cháu. Khi thì miếng đậu, cái trứng vịt, khi thì chút đường, chút tiêu, chút hành ngò… Chẳng có gì mà cả làng cứ râm ran chuyện nó với thằng Ðực yêu nhau da diết. Chuyện to thế lẽ nào thằng Ðực không hay biết gì. Chắc nó không biết thật, nó cứ phơn phỡn ra đó.

Con Nẫm lân la:

- Sao ông nội không đi hỏi vợ cho anh?

- Có ma nào thèm tui đâu mà hỏi.

- Tại anh không để ý đó thôi.

- Kệ.

Ðã vậy nó còn trêu con Nẫm đến tội nghiệp:

- Sao bà không lấy chồng cho rồi, lấy quách thằng nào cũng được, ai mà con gái… băm tới băm lui hoài… nát bét.

- Nè nè… ăn nói đàng hoàng nghe ông kia, ông mới ế đó, không khéo mai mốt già vác xác lên giữ đình hổng chừng.

Thằng Ðực cười hí hí, khi nó đi rồi con Nẫm mới rơm rớm nước mắt, nó giận thằng Ðực. Nó nhìn ra mé lộ, cái lộ bé tẹo vừa lọt chiếc xe bò, hai bên gai bồ kết tua tủa mỗi khi xe rơm kềnh càng đi qua rơm mắc đầy lên đó, gió phất phơ bay trông ngồ ngộ. Và cứ thế, chiều nào như chiều nào, nó đợi thằng Ðực ghé qua quán nó.

Mấy hôm rồi, thằng Ðực biệt vô âm tín. Con Nẫm lòng như lửa đốt, nó hỏi thăm hết người này tới người nọ, ai cũng tủm tỉm cười bảo thằng Ðực đi cưới vợ tuốt làng trên rồi. Con Nẫm đánh liều, chạy xộc vô xóm trong. Gọi là xóm cho văn vẻ chứ lèo tèo ba, bốn nóc nhà lá tuềnh toàng, trong đó có nhà thằng Ðực. Ðường đi đầy cỏ dại, bông cỏ cao lút đầu gối, nó sợ dính quần, xắn lên, cỏ cắt da rát rạt, mẹ nó mà biết chắc rầy cho đã. Cắm đầu cắm cổ nó chui lọt tỏm vào nhà thằng Ðực lúc nào không hay, líu qua líu quíu như kẻ trộm.

- Nẫm đó hả - tiếng ông nội thằng Ðực dò xét.

- Dạ, ông bịnh à?

- Không…

- Sao ông nằm thừ ra vậy?

- Ông bị rít cắn con à, sốt quá không dậy nổi, thằng Ðực có rịt thuốc gà gì đó nhưng vẫn nhức lắm. Tội nghiệp nó xoay đâu ra tiền mà mua thuốc Bắc cho ông nữa đó. Nó mượn chỗ con phải không?

- Dạ không!

Ông nhìn nó như muốn nói gì nữa, lại thôi.

Bây giờ con Nẫm mới định hồn, nó nghe mùi thuốc thơm thoang thoảng, siêu thuốc phun khói xè xè, lửa già quá, nó lấy chút tro bếp rắc lên chỗ mấy cục than rực hồng. Tiện tay, nó giở mấy cái nắp nồi ra xem. Cái này là cơm nguội, chắc thằng Ðực nấu từ sáng; cái này là nồi cháo trắng đến tinh khiết, lõng bõng nước. Chẳng thấy nồi thức ăn đâu cả, nó nhìn quanh quất, trống trơn một màu ám khói. Mẹ nó nói đúng, chẳng có gì ngoài cái bàn thờ kê giữa nhà lạnh lẽo và hai cái giường xập xệ… Thằng Ðực chắc chạy đi đâu đó.

- Bà ở đây mà tui tưởng… Tui tính mua cái trứng vịt đánh cháo cho ông ăn…

- Ủa, không có ai ngoài quán à?

- Không.

- Sao anh không lấy đại đi, bộ không thấy hả?

- Có, trong rổ mà, nhưng không có người sao lấy được.

- Thì cứ lấy, khi nào… trả tiền sau có gì đâu.

Thằng Ðực không nói gì, nó rót cho con Nẫm ly nước trà lá nguội ngắt, hình như tay nó run run.

Ông Tó là ông nội thằng Ðực, năm nay chắc gần tám chục, người khô đét nhưng rắn chắc. Ông không để râu như người ở tuổi này thường làm. Ông giỏi nghề thả lờ, chụp cá nên người ta gọi ông cái tên xấu xí đó chăng? Con Nẫm không biết. Ông hiền tính, dễ cười, chưa hề mếch lòng ai bao giờ. Nhà ông có cây ổi sum suê những trái là trái, trẻ con thích lắm, miệng vừa xin “ông Tó…” thì tay chúng đã bứt lia bứt lịa rồi. Ông bảo chúng hái trái chín thôi đừng hái trái xanh chua lắm, ăn không được bỏ phí của ông. Rồi trái xanh cũng chín, lũ trẻ chẳng bao giờ vắng và ông chẳng có trái nào ngâm rượu. Hình như đó là niềm vui của ông thì phải, ông cười, nụ cười rất Phật.

Ông Tó mê tuồng cổ, hôm nào có đoàn hát về làng ông cũng đi xem. Ông chuẩn bị một bó hoa vườn tươm tất để tặng cô đào nào hát hay mà trẻ đẹp. Phải là đẹp nhất! Cả làng này từ cụ già đến trai tráng đều ngồi ngớ ra, chẳng ai dám làm cái việc “nho nhã” ấy đâu. Họ kháo nhau: “Bao nhiêu tài tật ông nội nó lấy hết cả rồi, chả trách thằng cháu cứ đờ như ngỗng”.

Thằng Ðực nghe mà vẫn cười híp mắt, trong lòng nó phục ông nội nó sát đất. Kháo nhau chán người ta đâm ra phục ông. Người ta biết ông mồ côi vợ từ hồi nảo hồi nào, khăn gói tới đây lập nghiệp lúc thằng Ðực bé tẹo, còn xin sữa bú thép, vậy mà ông có lẹo tẹo với bà nào đâu, nếu có thì giờ đã con đàn cháu đống. Ở đâu mà chẳng có bà goá.

Xóm này goá hơi bị nhiều, chiến tranh có trừ ông bà nào. Người ta càng phân tích, càng thấy ông có nhiều bí ẩn. Trông vẻ ngoài xuề xoà của ông mà nhận định này nọ có khi hỏng bét, hẳn là ông có một mối tình thật đẹp và cũng rất bi thương. Nhìn thằng Ðực thì đủ biết, ba mẹ nó phải cao ráo, bảnh bao như thế nào! Bà nội nó chắc phải tuyệt vời hơn thế. Cũng có thể người ta ngại phải vất vả nuôi nấng thằng Ðực mà từ chối ông chăng? Chẳng ai biết, thằng Ðực cũng chẳng biết cha mẹ nó là ai, khi hỏi ông ông chỉ lắc đầu, chết cả rồi, tuyệt nhiên không nói gì thêm nữa.

Bây giờ, con Nẫm mới có dịp quan sát ông thật kỹ. Bộ pijama tuy cũ nhưng phẳng phớn, tóc tai gọn gàng chứng tỏ thời trai trẻ ông có cuộc sống sung túc, ngăn nắp, không vì cái nghèo mà nhếch nhác buông xuôi. Ông sống đạm bạc trong hoàn cảnh không thể khác được. Ðánh bắt quanh làng bằng những phương tiện thô sơ nhất nước thế này thì rất nhọc, mà chẳng thể dôi dư tí nào. Vài ba con rô, con lóc… quanh quẩn chợ làng đổi gạo, đổi rau chẳng thấm tháp gì. May mà thằng Ðực không đau yếu, không cảm nắng cúm mưa nên cũng đỡ vất vả. Vừa nuôi cháu, vừa chạy ăn như ông, nhiều người thấy mủi lòng.

 Xóm này nghèo từ muôn thuở, hun hút xa thị thành, rẻo đất mom sông nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn lau lách, tiếng thùng gõ gọi nhau trong đêm là tiếng kêu cứu cuối cùng. Bây giờ người có đông hơn chút xíu, đường sá có khang trang hơn chút xíu nhưng là cái khang trang của nơi sơn cùng thuỷ tận, muốn ra tới trung tâm huyện phải đi bộ mất nửa ngày đường. Ông sống tình nghĩa. Khi bắt được con cá lớn ông cũng không ăn một mình; khi bẫy được con thú dữ ông thường chia cho cả xóm. Thảo ăn như ông là vậy nên thằng Ðực cũng được thơm lây. Khi nào có giỗ quẩy gì đó người ta cũng gói cho thằng Ðực cái bánh, miếng xôi nhờ ông mang về. Ấy vậy mà mấy hôm rày ông đau chẳng ai biết, chẳng ai thăm hỏi, con Nẫm thấy mình có lỗi với ông nhiều lắm. Nó nhìn ông, ông nhìn nó, chẳng ai nói gì nhưng trông ánh mắt ông, nó cảm nhận có điều gì đau khổ ông muốn tâm sự với nó nhưng lại thôi.

Bữa đó con Nẫm bị cha nó nện cho một trận ra trò, hai mắt sưng húp, bầm tím. Thằng Ðực biết tỏng chuyện gì. Nó đau lòng lắm mà không nói, ông nội nó cũng im lặng, hai mắt âng ấng nước trợn trừng. Chỗ rít cắn sưng tấy lên, đỏ mọng, sốt cao, ông rên hừ hừ đắp mấy cái mền cũng kêu lạnh, thằng Ðực chẳng dám rời ông nửa bước. Ðêm nào nó cũng ôm ông thật chặt cho ông khỏi run, rồi khi nó ngủ thiếp đi, hình như chỉ chờ vậy, ông trút hơi thở cuối cùng.

***

Thêm hai mùa cúc quỳ vàng nữa, con Nẫm vẫn chưa lấy chồng, thằng Ðực bây giờ như tảng đá độc không nói không rằng. Nó chỉ về ngang qua quán con Nẫm khi trời đã tối kín mặt, đi nép sát bên kia đường, lầm lũi. Rồi ngày giỗ ông cụ cũng đến, bà con chòm xóm tíu tít rất đông lo chuyện chay đàn. Thằng Ðực lăng xăng như gà mắc đẻ, ai bảo gì làm nấy, không thì xớ rớ đâu đó mà chẳng biết làm gì. Tội nghiệp. Con Nẫm có cớ mang hoa quả sang nhà.

Nhớ ngày nào, khi bàn hương án ông Tó vừa chỉnh tề, người ta bảo thằng Ðực đọc tên họ và ngày, tháng, năm sinh của ông cụ để ghi vào giấy cáo phó. Thằng Ðực lắc đầu nguầy nguậy, chừng như nhớ ra điều gì, nó mang cả chồng thư tín của ông cụ để lại và mấy cuốn sách đã cũ mèm ra lục lục, tìm tìm…

- Ðưa đây cho tao. Ai đó dõng dạc.

- Chẳng thấy gì.

Rồi ông hạ giọng khi đã cầm xấp gì đó trên tay:

- Cháu đã đọc chưa?

- Chưa ạ!

- Cháu đọc đi…

Lúc này có trăm con mắt tò mò nhìn nó, người thì nghĩ ông cụ để lại của cải, người thì nghĩ ông cụ trăn trối nợ nần. Tay thằng Ðực run run, trống ngực thình thịch, mắt hoa đi, con Nẫm nhanh nhảu:

- Ðể tui đọc cho.

Eo Gió, ngày… tháng… năm…

Ta là Tó, không, Phan Ngọc Núi ở Hoà Châu… Lưu lạc vào đất này từ năm 1955, mang theo đứa con trai bốn tháng tuổi, đứa con mà mẹ nó là người làm thuê của gia đình ta sinh ra. Nó tên là Ðực (Phan Ngọc Ðức). Gia đình ta vốn nhiều đời khoa bảng nên không thể chấp nhận ta, đứa con trai thứ, hư đốn. Ta ra đi hai bàn tay trắng và một mầm sống vô tội… Bất đắc dĩ phải gọi con là cháu bởi lúc đó ta đã ngoài năm mươi. Nhìn đâu ta cũng thấy miệng lưỡi thế gian, ta sợ… Ta sợ không ai đồng cảm, hiểu và thương mình. Càng sợ hơn nữa khi không xin được sữa cho con bú, nếu những đàn bà cho sữa biết mình là cha đưa nhỏ, tuổi đã lớn mà… hư thân.

Và ta chọn giải pháp này: nhận con là cháu.

May sao ai cũng thương tình cho cha con ta có chốn dung thân…

Thằng Ðực gục xuống nghẹn ngào, lần đầu tiên nó được gọi cha thì cha không còn. Con Nẫm nhớ lại ánh mắt của ông cụ nhìn nó hôm nào, cũng quỳ phủ phục xuống bàn thờ ông mà rầm rì điều gì đó với vẻ mặt đầy xúc động. Mắt hàng xóm cũng rơm rớm đỏ. Bây giờ, họ mới thấy ông cao thượng đến nhường nào. Chung thuỷ, chung tình nhất mực, hy sinh cuộc sống giàu sang phú quý để giữ lấy hòn máu bé bỏng do mình tạo ra. Một nghĩa cử mà chỉ có tình thâm thiêng liêng mới làm nổi.

Bây giờ mọi chuyện đã an bài, thằng Ðực hết buồn rồi. Nó đang vui lắm, nó tíu tít rót rượu mời mọi người, nó huyên thuyên đủ chuyện, hình như nó đang yêu...

Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.