(CMO) Sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành tổng kết năm học 2018-2019; triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những hạn chế còn tồn tại trong năm học qua: Công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp, giáo viên còn hạn chế, vừa chậm, vừa cơ học. Thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành giáo dục. Việc sắp xếp trường lớp còn mang tính cơ học, lớp chật, trò đông gây khó khăn cho việc dạy và học. Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống chưa đúng mức và giáo dục kỹ năng sống chưa nhiều và một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm thuần phong mỹ tục gây bức xúc trong dư luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các địa phương phải rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, nhất là bậc học mầm non; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm mang tính trọng tâm, trọng điểm với nhiệm vụ đào tạo hệ thống thầy cô giáo chất lượng tốt; cần tăng cường công tác thanh tra lại các trường đại học “hữu danh, vô thực”, mang tính chất kinh doanh. Đặc biệt, năm học 2019-2020, phải xem vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội, mà nhà trường có vai trò trung tâm để thực hiện có hiệu quả, chất lượng; mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, năm học 2019-2020, toàn ngành tập trung mọi nguồn lực khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ: rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên.
Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những nút thắt trong hoạt động đổi mới giáo dục. Từ đây chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng được nâng lên. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em được cải thiện rõ rệt. Việc triển khai chương trình, sách giào khoa mới được tích cực thực hiện.
Cả nước có 99,8% cơ sở giáo dục mầm non áp dụng phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với trường, lớp và khả năng của trẻ. (Trong ảnh: Khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh trường Mẫu giáo Hoa Hồng, Phường 9, TP. Cà Mau). |
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai. Toàn quốc có hơn 199.000 phòng học, trong đó có hơn 148.000 phòng học kiên cố, gần 46.000 phòng học bán kiên cố, phòng học tạm còn hơn 5.100 phòng, đã giảm hơn 1.500 phòng, hơn 3.700 phòng học nhờ; trong đó Cà Mau hiện đang thiếu 859 phòng học. Cả nước còn 89 xã chưa có trường mầm non độc lập...
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, nhất là giáo viên mầm non. Theo đó, từ năm 2015 đến nay cả nước tăng thêm khoảng 1,2 triệu trẻ, khoảng 41.000 nhóm/lớp, nên nhu cầu cần thêm trên 80.000 giáo viên. Trong khi đó mỗi năm có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu nhưng việc tuyển dụng chưa tương xứng với số lượng trẻ. Hiện nay, Cà Mau là 1 trong 22 tỉnh, thành còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định.
Phương Lài