(CMO) Hôm nay, ngày 5/9, cả nước tưng bừng khai giảng năm học mới 2018-2019. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ngành giáo dục, chương trình khai giảng năm nay ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Không khí khai giảng năm học 2018-2019 tại trường THPT Cà Mau. Ảnh:H.Vũ |
Vậy là một năm học mới lại bắt đầu! Nhìn lại năm học đã qua, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học được nâng lên. Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, đã và đang được rà soát, sắp xếp lại. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường vượt chỉ tiêu đề ra. Học sinh, sinh viên Việt Nam đoạt nhiều thứ hạng cao khi tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học - kỹ thuật quốc tế…
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm học vừa qua, dư luận lại tiếp tục nóng lên với những mặt tồn tại, hạn chế. Dư luận băn khoăn khi công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa đi vào chiều sâu; cá biệt có một số giáo viên, học sinh ứng xử thiếu văn hoá, tràn ngập trên mạng xã hội là hình ảnh thầy và trò, học sinh với học sinh đánh nhau, chửi nhau… hay chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ em gây mất niềm tin của phụ huynh và gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tượng lạm thu đầu năm học diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để. Việc đổi mới chương trình dạy và học, đổi mới sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng tăng… Đặc biệt, những hạn chế tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua chính là hồi chuông cảnh báo về tính phù hợp của việc ra đề thi; tính bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các địa phương chưa thật sự hiệu quả.
Tại Cà Mau ghi nhận sự trưởng thành của ngành giáo dục, địa phương một thời từng được ví như “vùng trũng” giáo dục của khu vực và cả nước. Đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên đứng lớp đều đạt chuẩn trình độ theo quy định. Hệ thống trường lớp, giáo viên được quan tâm sắp xếp, kiện toàn. Chất lượng dạy và học được giữ vững và nâng cao; tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt gần 98%; giáo dục mũi nhọn được ngành giáo dục quan tâm, theo đó tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc ngày càng tăng. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đảm bảo.
Những kết quả đạt được của ngành giáo dục Cà Mau thời gian qua là rất quan trọng. Song, từ thực tiễn công tác quản lý giáo dục vẫn đặt ra không ít khó khăn, hạn chế. Đó là, thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ của một số địa phương trong thời gian dài nhưng chậm khắc phục. Công tác rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên chưa thật sự quyết liệt. Công tác đào tạo giáo viên chưa tính đến nhu cầu tuyển dụng nên xảy ra hiện tượng sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm, đặc biệt số lượng trường tụt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, trong khi số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 còn rất thấp.
Những thành tựu cũng như những mặt tồn tại, yếu kém trong năm học qua đã được ngành giáo dục kiểm điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm. Toàn xã hội đang mong chờ, kỳ vọng vào sự đổi mới mang tính toàn diện, thực chất của ngành giáo dục trong năm học mới 2018-2019./.
Đỗ Chí Công