Kết luận số 94-KL/TW (Kết luận số 94), ngày 28/3/2014, của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, dù đã ban hành hơn 10 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa thời sự trong bối cảnh hiện nay.
- Ðiểm sáng chi bộ trường học
- "Chi bộ 4 tốt" góp phần xây dựng Ðảng
- Khi đảng viên “đúng vai, thuộc bài”
Ông Hồ Trung Việt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đánh giá: “Tình trạng ngán ngại học tập lý luận chính trị (LLCT) xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng, là vấn đề đáng quan ngại, gây bức xúc, hệ luỵ khó lường. Do đó, đổi mới, nâng cao chất lượng học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân cho thế hệ trẻ có vai trò quan trọng, nền tảng, là bước đầu tiên, từ sớm, từ xa, từ gốc rễ, để làm chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, hành động và kết quả trong học tập LLCT”.
Giáo dục truyền thống lịch sử, khơi gợi lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước với thế hệ trẻ là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong môi trường học đường. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Tân Hưng, huyện Cái Nước về nguồn tại Bia ghi danh Liệt sĩ của địa phương).
Nhận diện thực tế
Kết luận số 94 chú trọng việc học tập về đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Ðảng gắn với chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH; hình thành nền tảng về đạo đức, nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp cho thế hệ công dân trẻ trong môi trường học đường.
Với đối tượng học sinh, sinh viên thì tâm - sinh lý, nhận thức, môi trường sống có những đặc thù riêng. Từ thực tiễn của đơn vị trường học, ông Trần Minh Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn, TP Cà Mau, cho biết: “Ở bậc tiểu học, môn Ðạo đức là môn học rất quan trọng để trang bị cho các em các chuẩn mực đạo đức, lối sống lành mạnh, sống có lý tưởng tốt đẹp. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chi phối, khiến cho vai trò, chất lượng môn học này trong học đường chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng đặt ra”.
Theo ông Dũng, thời đại số khiến trẻ tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử thông minh mà thiếu sự giám sát, kiểm soát của phụ huynh nên dễ rơi vào “ma trận” của những thông tin xấu độc, nhất là trên không gian mạng xã hội, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, nhận thức, hành vi của trẻ. Sự quan tâm và phối hợp giáo dục trẻ của gia đình với trường học, xã hội còn nhiều khoảng trống, dẫn đến những hiện tượng lệch lạc, phản cảm trong văn hoá ứng xử của học sinh. Bên cạnh đó là nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn Ðạo đức trong học đường còn khá khuôn mẫu, chưa sát với thực tế.
Ðối với môn học Giáo dục công dân (bậc THCS) và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (bậc THPT theo Chương trình GDPT 2018), các đơn vị trường học trong tỉnh đã và đang nỗ lực để khắc phục những bất cập trong quá trình dạy và học. Trong đó, vẫn còn tồn tại nhận thức chưa đúng đắn về vai trò của các môn học này, coi đây là “môn phụ”, “không quan trọng”, nên nảy sinh tâm lý học đối phó, học hình thức. Việc đổi mới, sáng tạo, vận dụng phương pháp giảng dạy tích hợp của đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ; khung chương trình và tài liệu môn Giáo dục địa phương chưa hoàn chỉnh...
Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong học đường cần sự quyết tâm, trách nhiệm, nêu gương của đội ngũ giáo viên (Trong ảnh: Cán bộ, giáo viên trường mầm non thị trấn Thới Bình viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ảnh minh hoạ.
Ông Huỳnh Việt Bắc, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện U Minh, cho biết: “Cái khó là một bộ phận giáo viên giảng dạy môn học Ðạo đức, Giáo dục công dân còn chưa thoát khỏi phương pháp dạy học cũ, chưa nhạy bén và thích ứng với những tình huống và yêu cầu đổi mới của từng bậc học; khả năng vận dụng các phương pháp mới để truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh còn chưa thành thục, nhuần nhuyễn”.
ThS Trịnh Thuý Liễu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Trường Chính trị tỉnh, cảnh báo những hệ luỵ khôn lường: “Thực tế chứng minh, không ít đoàn viên, thanh niên, các bạn trẻ vì thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu am hiểu đã bị các thế lực thù địch, phản động “ru ngủ”, “lợi dụng”, dùng “kịch bản” xuyên tạc làm cho thế hệ trẻ rơi vào trạng thái mơ hồ, hoang mang, hoài nghi, kích động, bất mãn rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, lung lay niềm tin đối với Ðảng ta, với chế độ của đất nước ta”.
Cần giải pháp đồng bộ
Ông Hồ Trung Việt nhấn mạnh: “Kết luận số 94 của Ban Bí thư nhấn mạnh vấn đề nâng cao sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công việc giảng dạy, học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ðây là công việc đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực lớn, phải có nhận thức đầy đủ, giải pháp phù hợp, hiệu quả và hành động kiên trì, xuyên suốt với đối tượng là học sinh, sinh viên. Theo đó, nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập LLCT đối với từng cấp học, bậc học phải luôn luôn đổi mới, tương thích”.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, học tập LLCT trong học đường cần đồng bộ về nhận thức, giải pháp, nguồn lực. Một trong những yêu cầu cấp thiết là cần thay đổi triệt để về quan niệm “môn phụ”, “môn không quan trọng” trong nhận thức của một bộ phận xã hội với các môn học liên quan. Ông Nguyễn Công Trí, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, đề xuất: “Cần thiết tính toán đưa các môn học này tham gia thi chọn học sinh giỏi các cấp; đổi mới cách đánh giá để không còn cách học đối phó, hình thức của học sinh, sinh viên”.
Tiếp tục bồi dưỡng cả về trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn Ðạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ở các đơn vị trường học. Chỉ khi nào có “thầy tốt” thì học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ mới có được sự định hướng giáo dục đúng đắn cả về trí tuệ và nhân cách. Giáo viên cũng là nhân tố quyết định đến khâu đổi mới phương pháp giảng dạy, gia tăng sức hút, nêu gương và lan toả được những giá trị chân - thiện - mỹ, lý tưởng sống tích cực đến học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung chương trình, tài liệu môn Giáo dục địa phương cũng là vấn đề được các đơn vị trường học tại Cà Mau đặt ra. Việc lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử, khơi gợi lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ chính là để chăm bồi và hình thành những thế hệ làm chủ tiếp nối của đất nước có đầy đủ bản lĩnh, năng lực và trách nhiệm với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ðẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc tích hợp, lồng ghép các nội dung giảng dạy, học tập LLCT trong môi trường học đường là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu. Kịp thời biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; cảnh báo, nhận diện và lên án những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Ðồng thời với đó là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội với đối tượng học sinh, sinh viên trong việc giáo dục, phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
Việc học tập lý luận trong hệ thống giáo dục quốc dân phải tránh cách học “xơ cứng”, giảng giải to tát, lý luận cao siêu, mà yêu cầu thật mềm dẻo, gắn với thực tiễn, sinh động, phù hợp với tâm sinh lý đối tượng tiếp nhận để học sinh, sinh viên có thể “hiểu và thấm”. Phải vận dụng các phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong việc lan toả, thẩm thấu LLCT một cách chính thống, hệ thống. Thông qua việc học tập LLCT, mục tiêu là đào tạo được căn bản về nền tảng đạo đức, tri thức, về ý thức chính trị, bản lĩnh chính trị, lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ ngay từ môi trường học đường./.
Phạm Quốc Rin