(CMO) Để giúp hội viên phụ nữ phát huy vai trò là những người “xây tổ ấm”, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tích cực đẩy mạnh và cụ thể hoá các phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gia đình gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, qua đó, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Với phương châm lấy phụ nữ làm trọng tâm, nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động hội, Hội LHPN huyện Thới Bình đã tập trung chỉ đạo các chi, tổ hội thường xuyên nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng ấp, khóm trong toàn huyện theo lĩnh vực, sở thích của phụ nữ để thu hút phụ nữ vào tổ chức hội, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển toàn diện.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Bình Nguyễn Hằng Ny, nếu muốn tập hợp, thu hút hội viên tham gia vào tổ chức hội, ngoài việc tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh, Hội LHPN ở cơ sở cần triển khai nhiều mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm sinh hoạt thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của chị em sẽ thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Từ thực tế đó, Hội LHPN huyện đã thành lập nhiều mô hình kinh tế phù hợp với thực tế và nguyện vọng của chị em. Nhờ đó đã thu hút chị em tham gia, kinh tế ngày càng phát triển ổn định.
Tổ đan vỉ cua Khóm 3, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình vừa giúp hội viên phụ nữ tăng thêm thu nhập, vừa giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. |
Ngoài 2 ha đất canh tác lúa - tôm, 4 năm nay gia đình bà Huỳnh Thị Phúc (Khóm 4, thị trấn Thới Bình) còn tận dụng đất trống quanh nhà lên liếp trồng bông thiên lý, dưới ao nuôi thêm cá bống tượng để tăng thu nhập. 4 vụ bông thiên lý vừa rồi gia đình bà Phúc thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Bà Huỳnh Thị Phúc chia sẻ: "Trồng thiên lý không cần nhiều thời gian chăm sóc, cũng không cần kỹ thuật cầu kỳ, chỉ cần đầu tư một lần là khai thác được liên tục trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, người trồng bông thiên lý phải thường xuyên tỉa ngọn cho gốc khoẻ, từ đó cây mới cho ra bông nhiều, thu nhập mới cao".
"Mô hình trồng bông thiên lý ở Khóm 4, thị trấn Thới Bình được chị em phụ nữ thực hiện mấy năm nay rất hiệu quả, hiện có khoảng 15 chị thực hiện, thu nhập cao nên Hội phụ nữ khuyến khích chị em nhân rộng trong thời gian tới", chị Huỳnh Thị Lành, Phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thới Bình, cho biết thêm.
Ngoài việc canh tác lúa - tôm, gia đình bà Vương Thanh Thuý (Khóm 3, thị trấn Thới Bình) có thêm nghề phụ là đan vỉ cua bán cho thương lái. Tuy là nghề phụ nhưng nhiều năm qua nghề đan vỉ cua đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình nên bà đầu tư máy móc để chẻ trúc cho tiện lợi.
Bà Vương Thanh Thuý chia sẻ: Nhờ có máy chẻ trúc nên công việc không nặng nhọc lắm. Mỗi ngày gia đình bà đan khoảng 200 vỉ cua, thu nhập khoảng 200.000 đồng.
Năm 2013, mô hình đan vỉ cua đã góp phần giải quyết được lao động nhàn rỗi, đặc biệt còn thu hút được cả những hội viên phụ nữ lớn tuổi nên Hội LHPN thị trấn Thới Bình đã thành lập Tổ hợp tác phụ nữ đan vỉ cua tại Khóm 3, với 13 thành viên tham gia.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 3, thị trấn Thới Bình Huỳnh Nhựt Minh cho biết, việc sản xuất của tổ rất ổn định, vào những tháng cao điểm mùa thu hoạch cua, việc đan đát của tổ tất bật để đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường. Chị em trong tổ làm với hình thức nguyên liệu mua chung rồi chia nhau về làm, làm công ăn theo sản phẩm. Trung bình mỗi tháng 1 hội viên đan khoảng 3.000 vỉ, lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tổ viên tổ đan vỉ cua, chia sẻ: "Sau khi cơm nước xong, tôi đến đan vỉ cua. Công việc nhẹ nhàng nên tôi rất thích".
Kể từ ngày có tổ đan đát vỉ cua tại Khóm 3, bà Trần Thị Kính, 70 tuổi, có thêm việc làm. Mỗi tháng bà cũng kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng từ việc đan vỉ cua.
Thông qua hoạt động của các mô hình đã thu hút, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển./.
Thanh Phương