(CMO) Nhiều năm qua, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Lê Hoàng Dự cho biết, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục Cà Mau quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều năm qua. Nổi bật nhất là việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số và kỹ năng số, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ là công tác chuyển toàn bộ hồ sơ, sổ nghiệp vụ các cấp học từ mầm non đến phổ thông sang điện tử, tỷ lệ sử dụng sổ liên lạc điện tử trong nhà trường ở các cấp học đạt 90,37%. Bên cạnh đó, triển khai các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và dạy học như: phần mềm quản lý ngân hàng đề thi phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá cấp THCS và THPT; phần mềm hỗ trợ soạn giáo án điện tử; phần mềm tuyển sinh đầu cấp; thí điểm hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu và chống lạm thu”.
Ðáng ghi nhận vào đầu năm qua, trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD&ÐT chỉ đạo các trường ứng dụng các phần mềm dạy học như: VNPT-Elearning của VNPT Cà Mau, ViettelStudy của Viettel Cà Mau, Zoom Cloud Meetings trên PC, Android và IOS… và qua các ứng dụng khác như Zalo, Facebook… để dạy học trực tuyến. Qua hình thức trực tuyến, giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài kiểm tra, học bài mới với phương châm “Học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học”. Theo đó, các trường đã tạo hơn 20.000 khoá học với hơn 54% số học sinh phổ thông tham gia học tập.
Tại Trường THCS-THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), việc đón đầu trong đầu tư, xây dựng hệ thống CNTT phục vụ dạy và học đã mang lại nhiều kết quả. Thầy Châu Văn Tuy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Việc ứng dụng CNTT không chỉ đem lại hiệu quả về công tác chuyên môn, mà còn góp phần thay đổi tích cực trong nhận thức, lề lối làm việc của mỗi cá nhân”. Nhà trường đã trang bị 45 tivi tại 45 phòng học, 2 phòng máy học tiếng Anh có ứng dụng CNTT rất hiện đại, đồng thời tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên toàn trường, chính vì thế cơ bản đảm bảo việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy trên lớp.
“Riêng đối với học sinh, nhà trường cho sử dụng điện thoại trong khi nội dung bài giảng cần cập nhật kiến thức trên lớp, nhưng dưới sự quản lý chặt của giáo viên”, thầy Tuy cho biết thêm.
Việc ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy và học tập. |
Khác với không khí các buổi học thời “phấn trắng, bảng đen”, hiện nay, việc ứng dụng CNTT làm cho các tiết dạy trên lớp tại Trường THCS-THPT Tân Lộc (huyện Thới Bình) trở nên sinh động hơn. Sau khi giáo viên giới thiệu bài học tổng quát bằng hình ảnh minh hoạ sinh động qua phần mềm kết nối giữa máy vi tính với tivi, các em học sinh tham gia phát biểu, đóng góp xây dựng bài theo chủ đề. Sự tương tác mạnh mẽ giữa giáo viên và học sinh mang lại không khí sôi nổi; các em hứng thú hơn, tiếp thu bài giảng nhanh.
Thầy Nguyễn Hữu Thiện, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Lộc, cho biết: “Nhà trường mạnh dạn đầu tư trang thiết bị. Tất cả giáo viên đều có tiết dạy ứng dụng CNTT trên lớp và kiểm tra online. Trường có website riêng, việc họp phụ huynh cũng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến”.
Với kết quả đạt được bước đầu, ngành giáo dục Cà Mau đang tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục ở các cấp./.
Quỳnh Anh