(CMO) Huyện Trần Văn Thời là địa phương có quy mô giáo dục lớn bậc nhất của tỉnh Cà Mau. Toàn huyện hiện có 79 trường trực thuộc Phòng GD&ÐT (mầm non 16 trường (1 trường tư thục), tiểu học 44 trường, THCS 19 trường); tổng số 1.052 lớp với 32.239 học sinh. Trưởng phòng GD&ÐT huyện Trần Văn Thời Trần Hùng Dũng cho biết: “Giáo dục huyện Trần Văn Thời đang có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, giáo dục địa phương đã nâng chất toàn diện, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn xa. Riêng các trường học có điều kiện tốt hơn, chúng tôi khuyến khích, động viên và tranh thủ các nguồn lực đúng quy định để đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để bắt kịp xu thế giáo dục hiện đại”.
Chung sức đổi mới
Cách đây mươi năm, giáo dục Trần Văn Thời vẫn loay hoay với những bài toán khó. Có về những vùng sâu, vùng xa ở Trần Văn Thời, lội nước, băng đồng với các em học sinh, mới thấy con chữ cõng trên vai lắm nỗi nhọc nhằn. Ngày đó, ông Mai Thanh Hải làm Trưởng phòng GD-ÐT (nay đã đảm nhiệm vị trí khác) đã từng gan ruột: “Mình phấn đấu làm sao để học sinh vùng nông thôn tới lớp dễ dàng hơn, học hành chất lượng hơn, cố gắng có mặt bằng chung khi so sánh với các huyện khác, vậy là mừng rồi”. Sau đó, ông Trần Hùng Dũng về làm Trưởng phòng GD&ÐT, với nhiều kỳ vọng lớn.
Sự đổi thay của diện mạo giáo dục huyện Trần Văn Thời bắt đầu từ sự thay đổi trong tư duy. Không thể chỉ trông chờ thụ động, phải tận dụng, phát huy tất cả nội lực, “góp gió thành bão”. Ðể rồi lần lượt các phong trào thi đua nở rộ trong toàn ngành. Dẫn ra hàng chục phong trào thi đua, Phó trưởng phòng GD&ÐT Trương Thanh Thoảng chia sẻ: “Phong trào nhiều là mừng, nhưng mừng hơn là từng phong trào đều thiết thực, hiệu quả, gắn với đà phát triển chung của toàn ngành”. Theo bà Thoảng, thi đua nếu hô hào suông, không có tâm thế chuẩn bị, không có quyết tâm thực hiện thì cũng chỉ cho có, cho vui. Bởi vậy, khi có một phong trào hay, ngành giáo dục huyện Trần Văn Thời lại tổ chức kiểm tra, đánh giá, tạo điều kiện tối đa để nhân rộng.
Ðơn cử như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học, bà Thoảng cho biết: “Ban đầu, khó khăn lắm. Triển khai rồi nhìn nhau mà… than. Nhưng khi bắt tay thực hiện, sự tiện lợi, tiết kiệm, khả năng hỗ trợ việc giảng dạy tối ưu, các thầy cô giáo cứ thế mà phấn khởi áp dụng. Nó là một sự đổi thay lớn, từ viên phấn trắng, cái bảng đen tới máy tính xách tay, màn hình máy chiếu”. Tinh thần ấy đã bám sát, bám trúng vào chủ đề năm học 2020-2021 của ngành giáo dục Cà Mau “Thầy mẫu mực, sáng tạo; Trò chăm ngoan, học giỏi”. Yếu tố sáng tạo được đề cao là biểu hiện đầy khích lệ của tinh thần đổi mới, hiện đại của giáo dục.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp giờ học của cô, trò Trường Mẫu giáo 19/5 sinh động, sôi nổi. |
Chuyện hay của giáo dục huyện Trần Văn Thời còn là việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt, phong trào thi đua hiệu quả. Phó trưởng phòng GD&ÐT Phạm Việt Bắc chia sẻ: “Thầy cô lãnh đạo các trường luôn tìm tòi để áp dụng những cách làm hay, hiệu quả cho đơn vị của mình. Phấn khởi nhất là các trường chủ động, không trông chờ, tìm cách tháo gỡ khó khăn để thực hiện cho bằng được. Giữa các trường thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, trường nào làm tốt sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho trường bạn”. Dân gian nói “Học thầy không tày học bạn”, nay các trường học ở Trần Văn Thời đã áp dụng triệt để tinh thần ấy.
Trải nghiệm ở một ngôi trường
Trường Mẫu giáo 19/5 nằm ở ven thị trấn Trần Văn Thời là đầu tàu ở bậc học mầm non của huyện Trần Văn Thời. Hiệu trưởng nhà trường Giang Hồng Liếu thông tin: “Trường thành lập năm 1992, đổi địa điểm 2 lần, tới năm 2004 thì được công nhận đạt chuẩn”. Ðiều tự hào nhất của nhà trường là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các hoạt động chuyên môn của giáo viên. Thay vì phải soạn giáo án bằng sổ, nay trường thực hiện toàn bộ trên máy tính. Mỗi giáo viên tự trang bị máy tính xách tay, tự mình sáng tạo ra nội dung tiết học trên khung chương trình chuẩn, thế nên, không khí học tập của các bé hết sức sôi nổi, sinh động.
Cùng trải nghiệm một ngày học tập với các bé tại Trường Mẫu giáo 19/5, quả thật, có rất nhiều điều thú vị. Sự hỗ trợ của công nghệ đã thực sự làm các bé hứng thú, học được rất nhiều điều bổ ích. Bậc học mầm non là nền tảng, là khởi đầu để các bé tiếp cận, làm quen và định hình tính cách, trí tuệ, sức khoẻ, thế nên các tiết học của nhà trường tập trung vào việc giáo dục kỹ năng mềm. Không còn cảnh cô hát chay, bé bắt chước, công nghệ đã mang đến những âm thanh, hình ảnh, giai điệu và cả những trường kiến thức mở rộng thật sự sinh động, lôi cuốn.
Trường Mẫu giáo 19/5 tăng cường giáo dục kỹ năng mềm cho các bé thông qua các hoạt động nhóm. |
Bữa ăn của các bé được chuẩn bị kỹ lưỡng, bố trí thực đơn khoa học, hấp dẫn. Trước khi ăn, các cô giáo sẽ thông báo cho các bé hôm nay ăn gì, ý nghĩa của bữa ăn với sức khoẻ, và một điều hết sức lạ, đó là việc phải trân trọng thực phẩm, ăn hết suất ăn, không lãng phí. Các bé được học bài học về việc quý trọng sức khoẻ, quý trọng giá trị của thực phẩm, công sức, tiền bạc của cha mẹ, của người nấu nướng… chỉ qua một bữa ăn, điều đó, ít thấy nơi nào thực hiện, dù không quá khó khăn.
Bữa ăn cho các bé được chuẩn bị kỹ lưỡng, thực đơn hấp dẫn. |
Nghề giáo vất vả, nhưng có thể nói, các giáo viên ở mầm non là vất vả nhất. Không có niềm đam mê, không có những phương pháp phù hợp, thì giáo viên sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Nói như cô Liếu, ở nhà chỉ chăm một, hai đứa con nhỏ đã cực lắm rồi, đằng này 2 cô phải quản lý vài chục bé, từ ăn ngủ, sinh hoạt đến vui chơi, học tập. Sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp giáo viên mầm non chủ động hơn, sáng tạo hơn, có tinh thần phấn chấn hơn để tiếp tục với sự nghiệp chăm lo những mầm non của quê hương, đất nước.
Qua từng ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, trong sáng và đẹp tươi của các bé tại Trường Mầm non 19/5, mới thấy được giá trị của “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Một ngày với các bé, các cô giáo mầm non nơi đây, mới thấy giáo dục huyện Trần Văn Thời đã thật sự đổi thay. Và, những câu chuyện hay của giáo dục ở vùng đất này sẽ còn được chúng tôi kể tiếp…
Phạm Hải Nguyên