(CMO) Từ năm 2011 đến hến hết năm 2016, toàn tỉnh có trên 307.000 lượt học sinh tiểu học, 330.000 lượt học sinh THCS và 115.000 lượt học sinh THPT được học tiếng Anh. Đầu tư 311 bộ thiết bị chuyên dùng dạy học ngoại ngữ, 918/921 giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn từ B1 trở lên… Đây là những kết quả ngành giáo dục Cà Mau nỗ lực đạt được sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2011-2020” trong trường phổ thông và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Không riêng các trường học tại thành phố, hiện nay ngoại ngữ không còn xa lạ đối với các trường vùng sâu, vùng xa. Mặc dù còn không ít khó khăn, song việc dạy và học ngoại ngữ từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực
Từ khi triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2011-2020”, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được cải thiện theo yêu cầu của chương trình dạy và học tiếng Anh như: đổi mới chương trình, sách giáo khoa, dạy - học, thi và kiểm tra tiếng Anh phổ thông. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau tích cực, chủ động áp dụng chương trình sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia (NNQG) 2020 đối với cấp tiểu học. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới toàn bộ giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh về tính ưu việt của chương trình sách giáo khoa mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (thị trấn Đầm Dơi) hướng dẫn học sinh lớp 1 tập làm quen với tiếng Anh. |
Hiện tại, cấp tiểu học đã tham gia chương trình sách giáo khoa thí điểm theo Đề án NNQG 2020. Các cấp học còn lại sử dụng chương trình sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT.
Tại tường Tiểu học Thành Vọng (thuộc xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi), ông Nguyễn Hoàng Tứ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngay từ khi thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ, trường được trang bị một phòng chức năng có đầy đủ thiết bị như tivi, bộ tai nghe. Mỗi giờ học, học sinh được thực hành và trải nghiệm nghe, nói với các hình ảnh sinh động được truyền tải trực tiếp trên màn hình tivi. Các trang thiết bị đóng góp rất quan trọng tạo nên sự thành công trong dạy và học ngoại ngữ, tuy nhiên hiện nay chỉ được đầu tư ở những điểm chính. Do đó, chúng tôi mong muốn ngành sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ đến các trường điểm lẻ để các em có điều kiện tiếp cận sớm hơn”.
Hiện nay, các trang thiết bị chỉ được trang bị tại các điểm chính, điểm lẻ vẫn còn thiếu (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thành Vọng). |
Bên cạnh đầu tư, tăng cường các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ, ngành giáo dục còn đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên - những người giữ vai trò quan trọng trong việc dạy và học ngoại ngữ. So với kế hoạch, đến hết năm 2016, số giáo viên được bồi dưỡng và khảo sát đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: ngành giáo dục đã tổ chức khảo sát, bồi dưỡng, sát hạch được cho 100% giáo viên các cấp, kết quả đã có 918/921 đạt chuẩn từ B1 trở lên. Trong đó, số giáo viên đạt chuẩn theo quy định ở khối giáo viên tiểu học là 38/317 đạt chuẩn B2. Khối giáo viên trung học cơ sở: 1/402 đạt chuẩn C1 ở khối THCS; 57/202 đạt chuẩn C1 ở bậc phổ thông.
Đầu tư trang thiết bị và bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. |
Năm học 2017-2018, trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển bắt đầu cho trẻ lớp 1 tập làm quen với ngoại ngữ. Các thiết bị như tivi, tai nghe, sách giáo khoa mới, tranh ảnh được thầy cô tận dụng triệt để vào các tiết học. Cô Đào Diễm Thuý, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (thị trấn Đầm Dơi), chia sẻ: “Do mới tiếp xúc với tiếng Anh nên học sinh tiểu học rất bỡ ngỡ. Học sinh lớp 1 chủ yếu tập làm quen với tranh ảnh, bài hát. Ngoài ra, giáo viên phải linh hoạt kết hợp các trò chơi và có thưởng để tạo sự hứng thú cho các em”.
Có thể thấy rằng, việc đầu tư trang thiết bị và bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên là một trong những điều kiện quan trọng đẩy mạnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Từng bước nâng chất lượng
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình tiếng Anh hệ 10 năm ở bậc tiểu học được áp dụng từ lớp 3 theo các chủ đề, chủ điểm quen thuộc, gần gũi với học sinh. Chương trình quan tâm đến 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết, trong đó ưu tiên phát triển kỹ năng nghe và nói, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp.
Thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân”, từ năm 2016-2017, trường Tiểu học Hùng Vương vinh dự được chọn là trường thí điểm dạy tiếng Anh chương trình mới hệ 10 năm. Để thực hiện giảng dạy tiếng Anh theo đề án này, Trường Tiểu học Hùng Vương tổ chức cho học sinh học tiếng Anh mới từ lớp 1 đến lớp 5. Trong đó, học sinh lớp 1, 2 chỉ làm quen với tiếng Anh, lớp 3, 4, 5 học chương trình hệ 10 năm theo sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT ban hành.
Cô Cao Kim Anh, giáo viên dạy tiếng Anh, có 16 năm kinh nghiệm tại trường Tiểu học Hùng Vương, cho biết: “Qua 1 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn học tiếng Anh ngày càng tăng, các em được hoàn thiện cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Tuy nhiên, theo chương trình tiếng Anh mới, các em được nghe và nói nhiều hơn nên kỹ năng nói được cải thiện rất nhiều. Không chỉ giúp học sinh phát huy được kỹ năng, chương trình dạy học tiếng Anh mới còn đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu thông tin về tiếng Anh, khai thác tài liệu từ các nguồn khác để bài giảng sinh động, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh”.
Với sự nỗ lực chung, ngành giáo dục Cà Mau từng bước khắc phục khó khăn, học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với ngoại ngữ. Tính đến nay, số lượng học sinh các cấp được học tiếng Anh theo hệ 7 năm, 10 năm đều tăng lên sau mỗi năm học. Từ năm 2011 đến hến hết năm 2016, có trên 307.000 lượt học sinh tiểu học, trên 330.000 lượt học sinh THCS và trên 115.000 lượt học sinh THPT được học tiếng Anh.
“Tuy nhiên, Cà Mau là vùng sâu, điều kiện tiếp xúc với người nói tiếng Anh bản địa của giáo viên và học sinh vẫn còn hạn chế. Đến nay, tỉnh Cà Mau chỉ có 21 giáo viên tham gia tập huấn, học tập ở nước ngoài theo khuôn khổ chương trình Đề án NNQG 2020 đề ra, chưa thực hiện hợp tác với người nói tiếng Anh bản xứ tập huấn, giảng dạy tại địa phương. Trong khi đó, do điều kiện của người dân còn khó khăn nên việc trang bị các thiết bị, phương tiện hỗ trợ học tập cho con em mình cũng còn hạn chế. Dự kiến đến năm 2020 ngành sẽ trang bị thiết bị cho 200 phòng dạy ngoại ngữ ở 200 trường phổ thông theo lộ trình mỗi năm 30-40 phòng. Đồng thời, tiếp tục mua sắm các đồ dùng dạy học, tài liệu tham khảo theo quy định của Bộ GD&ĐT để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân”, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết./.
Kim Chi