ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 6-1-25 11:00:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nặng gánh đò đưa

Báo Cà Mau (CMO) Ngày cuối năm, cô giáo Lê Thu Thiết đang loay hoay trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết thì bên ngoài có tiếng gọi.

- Em chào cô!

Cô giáo Thiết ngờ ngợ.

Khách vội nói:
- Cô không nhận ra em sao? Em là Nguyễn Văn Nước, học trò lớp tình thương của cô trước đây nè!

Mắt cô giáo sáng lên, mời khách vào nhà.

-  Em hiện giờ ở đâu? Cuộc sống ra sao?

-  Dạ, em ở Cần Thơ. Cuộc sống cũng tốt cô ạ.

Cô Thiết nhớ lại, hồi ấy, vào năm 2000, cô đang dạy ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Thấy trên địa bàn Phường 6 có nhiều trẻ em không biết chữ (do theo cha mẹ tới tạm trú làm ăn, do nghèo, do không giấy khai sinh… nên không đi học được), cha Ghi (Nhà thờ Bảo Lộc, Phường 6, TP Cà Mau) đề xuất mở lớp học tình thương và cô là người nhận dạy.

Nguyễn Văn Nước lúc đó hơn 10 tuổi, nhà đoạn Cầu Nhum (Khóm 8, Phường 6), cùng em là Nguyễn Văn Đém mỗi ngày dắt díu nhau lội bộ mấy cây số đến lớp học. Nhà Nước rất nghèo, lại đông anh em, mẹ làm nghề chèo đò, ba đi làm mướn. Chạy ăn từng bữa còn không đủ, có đâu tới chuyện cho con đến trường. Vì vậy, khi nghe có lớp tình thương mở, hai anh em mừng húm, rồi đây sẽ không còn bị chê "dốt đặc".

Nước và Đém rất hiền, học hành khá chăm chỉ. Được mấy mùa học, khi đọc thông, viết thạo thì cô trò chia tay và từ đó bặt tin.

- Cô ơi... em biết ơn cô nhiều lắm! Nhờ cô dạy em biết chữ nên mới có được như ngày hôm nay -  Nước ấp úng trong xúc động.

Hỏi ra được biết, sau khi từ giã lớp học tình thương, Nước theo người ta học nghề thợ mộc. Dòng đời đưa đẩy, Nước trôi dạt tới Cần Thơ lập nghiệp và có gia đình trên đó. Hiện giờ, ngoài cơ sở mộc, Nước còn có hơn chục căn nhà trọ, cuộc sống rất ổn định.

Không để cô thắc mắc, Nước nói luôn:

- Thằng Đém giờ ở Nha Trang, làm thầu xây dựng. Cuộc sống nó cũng tốt lắm cô à. Nó nói sẽ sắp xếp để sớm về thăm cô.

Cô giáo Thiết nghe mà lòng vui lắm. Trong cuộc đời đi dạy lớp tình thương của mình, cô không dám mong ước cao xa, chỉ mong các em đọc, viết được và biết tính những phép cộng trừ, nhân chia đơn giản để bớt thua thiệt với đời đã là quý rồi. Giờ có em nhờ biết chữ mà đời sống khá giả, hỏi cô không vui sao được!

Những mảnh ghép yêu thương

Cô Thiết thật lòng: “Ban đầu nhận dạy, chỉ nghĩ là tiếp nhà thờ. Nhưng càng dạy càng thấy gắn bó, thương yêu các em”. Mỗi đứa học trò, mỗi hoàn cảnh; không ai giống ai nhưng đều đáng thương. Mười mấy năm rồi, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng dường như hoàn cảnh học trò lớp học tình thương của cô vẫn không bớt bất hạnh. Người ta bảo, không ai có quyền chọn nơi mình sinh ra. Đúng vậy! Các em như những hạt mầm, có hạt to, hạt nhỏ, hạt nguyên vẹn, hạt khiếm khuyết, nhưng tất cả đều muốn sinh sôi. Khốn nỗi gặp phải điều kiện đất đai, thời tiết không thuận lợi nên cứ lớn lên trong quặt quẹo.

Như mấy đứa học trò lớp cô đang dạy, thằng P (lớp 3), khi mẹ vừa mang thai nó thì ba bỏ đi lấy vợ khác. Sau khi sinh P ra, mẹ nó đi bước nữa. P bị cha ghẻ đánh như cơm bữa. Giờ thì mẹ P đi làm ở Bình Dương, nó được gửi lại cho ông ngoại. Khổ nỗi ông ngoại lại có bà ngoại sau. P kể, ông ngoại chỉ dám múc thức ăn cho nó khi không có mặt bà. Thương P, cô đặt cơm "Nhân Ái" bên nhà thờ cho nó cải thiện và giúp ông đỡ phần gánh nặng.

Thằng V (cũng lớp 3), cha ở tù, mẹ lấy chồng khác. V sống bên nhà nội, cuộc sống cũng khó khăn. Cô hay tới nhà thăm nom, nhắc nhở nó, từ đó cũng tác động đến trách nhiệm của gia đình. 

Bé An (lớp 1) thì mẹ bị bệnh thận. Cha em đi lao động tỉnh trên, mẹ ra mướn nhà gần bệnh viện ở để tiện việc điều trị. Cảnh nhà neo đơn nên em phải đi theo mẹ. Chuyện học hành lỡ dở, may mà có lớp tình thương này...

Nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết các em khi đến lớp của cô đều “một chữ bẻ đôi không biết”. Cô phải nhẫn nại dạy các em từ con chữ tới cách cư xử ở đời.

Thương các em kém may mắn nên lúc đó dù đang còn dạy phổ thông, cuộc sống hết sức khó khăn, 1 buổi lên lớp, 1 buổi dạy phụ đạo kiếm thêm tiền nuôi con, buổi tối cô Thiết vẫn đều đặn đến lớp tình thương (dù không có đồng thù lao nào). Dạy đến nỗi viêm họng suốt, có khi khạc ra máu, vẫn dạy.

Chỗ nơi lớp tình thương không ổn định, khi mượn phòng học (trường bên nhà thờ), khi chuyển qua sông mượn trụ sở khóm, khi phải mướn nhà dân; bàn ghế tạm bợ, mưa tạt gió lùa... vẫn dạy. Có một tình thương kỳ lạ, một sợi dây vô hình nào đó cứ ràng buộc cô với đám trẻ kém may mắn này.

Giờ đây tuổi đã ngoài 50, lo ổn định chuyện học hành, việc làm cho con cái (đã nghỉ chính sách ở trường chính quy), cô tập trung chăm chút cho lớp tình thương này.

Một điều hết sức mừng là lớp học ngày càng có nhiều người biết đến và quan tâm giúp đỡ. Từ lúc mở lớp đến giờ, chỗ nơi đều do một tay ông Năm Nhựt (Nguyễn Văn Nhựt, Phường 6) lo liệu. 3 năm nay, ông bỏ hẳn 200 triệu đồng xây phòng học tại Khóm 6, Phường 6 để ổn định nơi chốn dạy dỗ các em. Đầu năm học thì được các nhà hảo tâm hỗ trợ cặp, tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập; Tết Nguyên đán, Trung thu... các em đều nhận được quà, bánh từ cộng đồng. 

Các em lớp tình thương vui mừng nhận gạo do cô Lê Thu Thiết vận động hỗ trợ nhân dịp Giáng sinh.

Cô khoe, Tết vừa rồi, cô vận động cho mỗi em được 10 kg gạo, 2 kg thịt heo và 5 trứng vịt (mà lớp đến hơn 50 em chứ ít ỏi gì). Em nào em nấy nhận được quà mặt mày hớn hở, làm lòng cô giáo hạnh phúc lâng lâng.

Nhờ có phòng học ổn định, mấy năm nay số học sinh đến lớp tăng, mỗi năm có tới 50-60 em. Ngoài cô còn có cô Lê Thị Thêu (hơn 80 tuổi) cùng dạy. Hè vừa rồi, cô Thêu không may bị tai nạn giao thông qua đời, vậy là giờ đây 5 lớp, 2 buổi sáng - chiều, một mình cô cáng đáng hết.

Dạy chữ, dạy người

Dạy lớp tình thương là phải kiên trì. Các em đa phần chậm chạp, có em học lớp 1 tới mấy năm. Nhưng cứ dạy tới dạy lui rồi các em cũng biết chữ. Nhiều em lười học, cô phải vừa dạy vừa làm công tác tư tưởng.

 Cô Lê Thu Thiết hết lòng với lớp tình thương.

Cô trải lòng: “Nặng lòng nhất là chuyện ăn cắp đồ của bạn và đánh lộn. Những chuyện đó tôi kiên quyết xử đến cùng. Phải ngăn chặn từ bây giờ, nếu không các em thành thói quen hung hăng, lỗ mãng, trộm cắp thì nguy hại bản thân và xã hội”.

Đầu năm học thế nào cũng có đánh lộn. Rút kinh nghiệm, trong giờ học cô vừa dạy vừa quan sát. "Thấy hiện tượng lạ là tan học mình đi theo các em tới tận nhà. Nhiều lần như vậy, kết hợp khuyên nhủ, dần dần các em đỡ hẳn", cô bảo. 

Cô thường  xuyên “rù rì” trước lớp rằng: “Tụi con học cùng một cô. Cô coi tụi con như con mình, không phân biệt thương đứa nào ít, đứa nào nhiều. Tụi con tới đây, mỗi đứa có hoàn cảnh không giống nhau, nhưng khổ như nhau, phải thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau, không được đánh nhau…”.

“Mình lấy tình thương đối đãi với các em nên mang lại hiệu quả. Vì vậy mà 17 năm dạy lớp tình thương, dù có nhiều học trò cá tính, mang cả dao vào lớp, nhưng tôi ngăn chặn được hết, chưa xảy ra cuộc đánh lộn lớn hay chuyện đâm chém nào”, cô tự hào.

Thấy năm nào cô giáo Thiết cũng phải vừa dạy, vừa nhọc nhằn giải quyết chuyện đánh lộn, người dân sống gần lớp học nói: "Sao cô không đuổi học tụi nó đi cho khoẻ?". Cô chỉ cười méo mó chẳng nói gì. 

"Trong lòng mình nghĩ, đây là cơ hội cuối cùng để các em có chút chữ vào đời. Đuổi là nó dốt luôn, rồi cuộc đời nó sẽ về đâu?...”, cô trải lòng.

“Mở trí sẽ mở lòng. Mù chữ con người ta sẽ không hiểu biết, từ đó dễ phạm tội ác và làm những điều vi phạm pháp luật một cách không ý thức...”, nghĩ vậy mà bao năm qua cô luôn dồn tâm sức để “khai sáng” học trò mình./.

Âm thầm, lặng lẽ, suốt 17 năm qua, cô Lê Thu Thiết đã giúp gần 400 học trò lớp tình thương biết chữ để hoà nhập vào đời. Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 6, TP Cà Mau Lương Văn Yến đánh giá rất cao về hiệu quả hoạt động của lớp học này. 

Dù chưa ai thống kê cả tỉnh có bao nhiêu lớp học tình thương, nhưng song hành cùng hệ phổ thông, những lớp học tình thương đã góp phần làm giảm tỷ lệ mù chữ trên từng địa bàn; cũng đồng nghĩa góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội.

Huyền Anh 

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.