(CMO) Hơn 20 năm lên phố, Trần Diễm Mi, cô giáo sinh năm 1985 quê ở miệt Khánh Thuận, huyện U Minh, trải qua bao thăng trầm của những ngành nghề kinh doanh theo hướng mới, thậm chí phải mất trên 2 năm ròng rã đến tận Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… để chiêm nghiệm, tiếp thu triết lý mới về kinh doanh, về giáo dục. Bởi theo chị, chính những nơi ấy là môi trường hội nhập, phát triển, năng động, hiệu quả nhất.
Tại trụ sở trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau trên đường Phan Ngọc Hiển, tất cả các đặc sản của miền quê Cà Mau đều được trưng bày, quảng bá tại đây. Riêng Trần Diễm Mi có cả 2 sản phẩm trứ danh: Mật ong rừng U Minh và rượu trái giác Năm Quốc.
Trần Diễm Mi bên sản phẩm trứ danh xứ tràm từ đôi tay và khối óc của gia đình: Mật ong rừng U Minh và rượu trái giác. |
Trần Diễm Mi chia sẻ: "Trải qua bao thăng trầm, giờ tôi mới thực sự cảm nhận được những cảm xúc đong đầy trong từng giọt mật, ly rượu mang thương hiệu miệt rừng U Minh Hạ".
Trong 2 sản phẩm đang trưng bày có sản phẩm rượu trái giác Năm Quốc được chứng nhận và lên sàn OCOP, mật ong đang trong quá trình xét duyệt. Cả 2 đều là sản phẩm đặc trưng của huyện U Minh nói riêng và Cà Mau nói chung.
“Trái giác không xa lạ với người dân Cà Mau. Nhiều quốc gia có ngành y phát triển chiết xuất tinh chất từ trái giác để làm thuốc, thì mình tại sao không biến đổi nó từ những món ăn thông thường thành thức uống và có cả công dụng của y học? Vậy là tôi cùng với người chị gái đang công tác ở Ðại học Cần Thơ, phân tích mẫu trái giác và khi được chứng nhận đảm bảo cho sức khoẻ thì triển khai sản xuất rượu đóng chai”, Mi chia sẻ.
Thực tế, rượu trái giác Năm Quốc (Mi lấy thương hiệu gắn với tên cha mình) đã có từ hơn 20 năm trước. Mi nhớ lại: "Ngày đó, khi cha mẹ tôi mới về U Minh lập nghiệp năm 1995, ngoài các sản vật ở rừng, trái giác mọc dày bít các lùm cây. Theo cách nghĩ của cha tôi, trái giác chế biến món ăn được thì sẽ ủ làm thức uống được. Vậy là keo rượu trái giác ủ lên men vị nồng nàn lúc nào cũng có trong nhà Mi, là món nhâm nhi khoái khẩu của ông nội và cha sau mỗi chuyến luồn rừng vất vả.
Mặt khác, ngoài dân gian thì tương truyền nhau: trái giác ngâm rượu uống trị tê thấp, nhức mỏi… Vậy là cha mẹ Mi tập tành nghiên cứu cách ủ. “Chị em tôi thì phân tích mẫu sản phẩm bằng khoa học. Sau nhiều lần, nhiều năm thử nghiệm, sản phẩm uống có màu đỏ đặc sánh vị ngọt, chua, nồng… ra đời.
“Lúc đầu dùng uống trong gia đình, dần làm quà biếu tặng, sau này du khách đến tham quan vườn cây trái và trải nghiệm sinh thái bắt đầu thích món uống này. Năm 2014, sản phẩm rượu trái giác Năm Quốc được tỉnh Cà Mau chứng nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu”, Mi kể.
Nặng lòng với mảnh đất quê hương, nhất là vấn đề giáo dục, từ nhiều sự thay đổi, kể cả đánh đổi, giờ Diễm Mi đang thành công trên mục tiêu ứng dụng giáo dục mới từ phương Tây, tạo cho trẻ lối sống tự chủ ngay từ bé. |
Từ khi rượu trái giác được chứng nhận sản phẩm tiêu biểu, gia đình Mi với bao niềm trăn trở phải cải tạo mẫu mã đóng chai, tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường… nhưng tất cả phải thống nhất quan điểm: “Sản phẩm quê hương phải mang cả nét truyền thống đặc sắc của quê hương. Rượu là món uống truyền thống, do đó rượu trái giác cần phải ẩn chứa tất cả”, Mi bày tỏ.
Bằng tất cả niềm đam mê và sự sâu sắc, chi tiết trong mở lối kinh doanh, 7 năm sau đó sản phẩm rượu trái giác Năm Quốc được chứng nhận là sản phẩm đặc trưng xứ rừng U Minh Hạ và được chứng nhận OCOP 3 sao. Nghề khai thác mật ong rừng U Minh được liệt vào nhóm di sản quốc gia và mật ong rừng U Minh là sản phẩm đặc trưng trong tốp 10 sản phẩm tốt nhất Việt Nam.
Diễm Mi không phát triển đơn thuần rượu trái giác, mật ong rừng mà còn kết hợp các dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, ẩm thực, cây ăn trái hữu cơ… Một minh chứng được xác nhận là Khu Du lịch sinh thái Năm Quốc, vườn cây trái hữu cơ Năm Quốc ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh nổi danh khi những tuyến đường bộ về U Minh chưa thông suốt như bây giờ.
Ðiều này đồng nghĩa với chuyện làm du lịch miệt vườn thời đó cả Cà Mau, dám làm chỉ một vài người. Từ du lịch sinh thái Năm Quốc, nhiều du khách mới được tận hưởng cảm giác xuyên rừng, cảm giác tự tay thăm lọp, đổ trúm, gỡ lưới, thậm chí theo thợ tự đi ăn ong, lấy mật ong… và dịch vụ ấy trở thành phổ biến như hiện nay. Song, không phải nơi nào cũng còn giữ được nét hoang dã vốn dĩ của thiên nhiên như khu du lịch của gia đình Mi.
Không “an phận” với những gì đang có, Mi một phần đảm đương kinh doanh, một mặt dồn công sức cho ngành nghề mới. “Mình học ngành Ngôn ngữ Anh, làm du lịch thuận lợi vì có cả khách ngoại quốc; mặt khác phải phát huy sở trường của bản thân. Vậy là với cách bàn, cách thuyết phục của Mi, Trung tâm Ngoại ngữ đã được mở ở thị trấn Ðầm Dơi (quê hương của cha mẹ Mi) với sự hỗ trợ từ bà con thân thuộc. Hoạt động hiệu quả, Mi lại nặng trĩu tâm tư về những triết lý giáo dục ở trời Tây. Vậy là giao lại nhiều phần việc, năm 2016, trong dịp tình cờ, Trần Diễm Mi đã hiện thực hoá giấc mơ khi tham gia lớp tập huấn, đào tạo về phương pháp giáo dục sớm Montessori của Italia, do Học viện Canada đào tạo.
Ngay sau khi tiếp thu, Diễm Mi không về ngay đất Cà Mau để ứng dụng mà chọn giải pháp ở lại Thủ đô Hà Nội để trải nghiệm thực tế: “Tôi xin vào làm việc ở nhiều trường khu vực Hà Nội, vừa để học hỏi thêm cách giảng dạy ở khu vực có ngành giáo dục phát triển, vừa ứng dụng triết lý mới. Từ đó, tích góp kinh nghiệm cho việc mở Nhóm trẻ MoM ở TP Cà Mau sau này”.
Và nhóm trẻ MoM - Montessori of Moms ở Phường 5, TP Cà Mau đã minh chứng cho bước thay đổi thành công của Trần Diễm Mi. Từ cô học trò sinh ra ở Ðầm Dơi - trở về U Minh khởi nghiệp từ sản vật địa phương, chuyển nếp văn hoá, truyền thống của xứ sở hoa tràm vào sản phẩm đặc trưng và ngành nghề kinh doanh du lịch độc, lạ - trở thành cô chủ của Trung tâm Anh ngữ và giờ là Trưởng nhóm trẻ Mầm non MoM - Montessori of Moms theo phương pháp giáo dục sớm của Italia. Một cuộc hành trình tìm kiếm chân trời mới thoả niềm đam mê của cô gái xứ hoa tràm ngót nghét đã trên 17 năm ròng rã.
Khi hỏi về tương lai, Mi quyết đoán: “Mình không dừng lại, sẽ phát triển các công việc hiện hữu ở một tầm mới và luôn trân trọng giá trị văn hoá bản địa. Dù mang danh làm kinh doanh, nhưng đã qua bao năm minh chứng mình không đánh đổi, không quan niệm cạnh tranh theo xu thế, thị hiếu mà đánh mất bản chất xứ hoa tràm”./.
Phong Phú
BÀI 3: CẬU ẤM “THẮNG CÒ” VÀ DU LỊCH ÐỘC, LẠ NHẤT CÀ MAU