(CMO) Cà Mau được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, có điều kiện để khởi nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng do là địa bàn vùng xa, hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển… nên số lượng và tỷ lệ doanh nghiệp (DN) trên tổng dân số còn rất thấp. Vì lẽ đó mà thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và càng quan tâm hơn nữa đến hoạt động kinh doanh của các DN trên địa bàn.
Với nhiều chương trình khuyến khích hoạt động khởi nghiệp hàng năm như: tổ chức các chuyên đề, các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức; cuộc thi khởi nghiệp; các sự kiện hỗ trợ DN khởi nghiệp…, tỉnh mong muốn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo sức lan toả, thu hút đông đảo thành phần tham gia, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Cà Mau xem đây là cơ hội, là tiền đề để những ý tưởng, những sáng tạo được hiện thực và phát triển nhiều hơn, mạnh hơn.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh (iPEC) tổ chức toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quản trị và điều hành DN”. Ðây cũng là hoạt động khởi động lại chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” sau thời gian tạm ngưng do dịch Covid-19.
Ðến chia sẻ cùng cộng đồng khởi nghiệp trẻ tỉnh Cà Mau lần này có doanh nhân Ðặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Câu lạc bộ Thương Hiệu Việt, thành viên Hội đồng Trường Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020-2025, Nhà sáng lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ông Thành phấn khởi chia sẻ rằng, chương tình toạ đàm là tâm huyết của ông và Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử. Nhiều lần lỡ hẹn vì đại dịch, nay mới có cơ hội để các doanh nhân, diễn giả “truyền lửa” cho các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp.
Rất tâm huyết với những chương trình gặp gỡ, kết nối như thế này, ông Lê Văn Sử đặt ra vấn đề lớn là “Ðiều kiện để DN khởi nghiệp thành công, không vấp ngã là gì?”.
Trả lời câu hỏi của ông Sử, doanh nhân Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CLB Sao Vàng Ðất Việt, Phó chủ tịch Tập đoàn CEN Group, chia sẻ: “Thành công của một doanh nhân là năng lượng hành động. Khi đã có kinh nghiệm, vốn, kinh nghiệm điều hành và làm chủ thì phải bắt tay vào làm ngay. Có vậy thì khởi nghiệp thành công sẽ đến”.
Chương trình toạ đàm có sự chia sẻ của các diễn giả nổi tiếng và đã rất thành công trên con đường xây dựng doanh nghiệp cho riêng mình.
Từ những chia sẻ của các chuyên gia, những doanh nhân nổi tiếng mà iPEC mời về lần này đã tiếp thêm ngọn lửa khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp tỉnh nhà.
Có thể nói, hành trình khởi nghiệp là một cuộc phiêu lưu đầy thử thách và cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà một người có thể đối mặt trong cuộc đời và đó là hành trình không dễ dàng để bắt đầu và cũng đầy khó khăn để theo đuổi đến cùng. Và khi đã bắt đầu khởi nghiệp, thì nhà kinh doanh lại đối diện với rất nhiều vấn đề về quản trị, quản lý DN cần giải quyết trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục và cạnh tranh về công nghệ gay gắt như hiện nay.
Anh Nguyễn Minh Thái, Giám đốc Hợp tác xã Mắm cá mào gà (xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi), chia sẻ: “Khả năng quản trị là điều tôi nhận ra được từ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” lần này. Ðặc biệt, đối với một hợp tác xã mới như chúng tôi thì đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Tới đây, hợp tác xã sẽ chủ động liên kết sản xuất tạo thành chuỗi sản xuất hàng hoá lớn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho xã viên; góp phần đưa thương hiệu sản vật địa phương phát triển bền vững hơn”.
Chị Lâm Cẩm Thuý, chủ cơ sở kinh doanh thịt trâu bò Thuý Lực (Phường 2, TP Cà Mau), cho biết: “Là cơ sở kinh doanh hộ gia đình, trước đây chưa hướng đến quy mô lớn như hiện nay; nhưng từ khi xây dựng được 6 sản phẩm OCOP thì DN xác định phải hoàn thiện mình. Tham dự toạ đàm hôm nay, từ những chia sẻ của các diễn giả, bản thân học được thêm nhiều kinh nghiệm hay, tự tin hơn trong thực hiện hoạch định chiến lược phát triển của DN. Cụ thể là phải chăm lo tốt hơn nữa, đầy đủ hơn nữa quyền lợi cho người lao động; lo cho kinh tế của nhân viên ổn định hơn, từ đó họ mới cống hiến và gắn bó lâu dài cùng DN”.
Cơ sở kinh doanh Thuý Lực (Phường 2, TP Cà Mau) nhận chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022. (Ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao chứng nhận cho doanh nghiệp).
Tại toạ đàm, các chuyên gia là những người đã có rất nhiều trải nghiệm trên thương trường về khẳng định thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia; với những hiểu biết sâu sắc về cả lý thuyết và thực tiễn đã đúc kết các kinh nghiệm về công tác quản trị - điều hành thành các “công thức” rất riêng, để chia sẻ một cách gần gũi và sinh động. Các kiến thức này sẽ mang lại giá trị hữu ích cho những ai quan tâm, chuẩn bị những hành trang cần thiết để áp dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh của từng cá nhân cũng như đơn vị.
Một nội dung quan trọng trong chương trình lần này còn có hoạt động ký kết thoả thuận hợp tác giữa iPEC và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ðây hứa hẹn là cơ hội hợp tác cho cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Cà Mau.
Khởi động lại chương trình, đồng nghĩa với một kế hoạch dài hơn đã vạch ra, tin chắc rằng trong tương lai, những chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” sẽ là cầu nối để các chuyên gia, lãnh đạo tỉnh gần hơn với cộng đồng khởi nghiệp, từ đó có những định hướng, trợ lực kịp thời trên hành trình khởi nghiệp của người trẻ./.
Phú Hữu