(CMO) “Về Rạch Gốc nhớ Rạch Tàu - xóm Mũi Về Tam Giang nhớ chợ Thủ - xóm Lò Thoáng quê xa nhớ rừng, nhớ bến Ơi Cà Mau, những dòng sông trôi về đâu mà chảy vào tôi trăm ngả xốn xang lòng…”
Chiếc cầu sừng sững ôm choàng mặt sông như nửa vầng trăng treo lơ lửng ở cuối trời cực Nam Tổ quốc. Tôi đứng giữa dòng sông Cửa Lớn hít tràn lồng ngực từng cơn gió lồng lộng từ biển cả ùa vào. Một màu xanh thẳm của rừng đước Mũi Cà Mau ngập tràn trong mắt. Ngoài khơi xa, đảo Hòn Khoai hiện ra như nét chấm phá cho bức tranh thuỷ mặc của đất trời. Con nước rong đang tràn ngập bãi bờ miên man náo nức. Có lẽ chưa ai đếm hết được có bao nhiêu kinh rạch len lỏi khắp các cánh rừng bạt ngàn kia. Cũng như tôi chưa bao giờ đong đếm được bao nhiêu ký ức dệt nên từ cánh rừng bên sông cứ ráo riết gọi đêm ngày.
Trong cánh rừng này, tháng Chạp năm Mậu Thân, lúc tôi mới lên 10 tuổi, thằng Đước 5 tuổi, đã biết thế nào là chia ly. Đước là con ông thủ trưởng đơn vị. Sau tập kết ông về Nam chiến đấu, lấy tên là Năm Mắm, đặt tên con là Đước và Dẹt. Trước lúc giã từ căn cứ, tôi trèo lên cây đước cổ thụ lớn nhất, máng cây cần móc cua như trao gởi lại đây gia tài quý giá mà mình có được. Nó quý là vì được chính tay bác Năm Công (Lê Công Cẩn) làm tặng. Bác người Thạnh Phú, Bến Tre, Bí thư Chi bộ, chính trị viên trên chiếc tàu gỗ Bến Tre ra Bắc chở vũ khí về Nam đánh giặc. Nó quý là vì nhờ nó mà tôi bắt được nhiều cua góp thêm cho bữa ăn của các chú thương binh.
Trong rừng đước Năm Căn. Ảnh tư liệu của Nguyễn Kiên Hùng |
Xuồng tách bến là cuộc chia tay chưa hẹn ngày gặp lại. Các cô, các chú quân trang, quân y, hậu cần bến của Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn 962 ra tiễn đoàn xuồng sắp đi về phía đồng bằng đứng chật mái hiên sàn nước. Bỗng thằng Đước một tay xách thùng đạn Mỹ (chiến lợi phẩm dùng đựng quần áo rất gọn, gặp giặc càn có thể đạp dưới bùn mà không sợ ướt), một tay với mũi xuồng tôi, miệng mếu máo: “Anh Hai ơi, em cho anh cái thùng này làm kỷ niệm… Anh đi có hy sinh thì viết thơ dìa cho em…”. Tôi ngoái lại và cảnh vật nhoè trong rừng chiều.
Bến sông chia tay ngậm ngùi ấy nằm dưới tán lá của rừng đước cổ thụ tán che kín cả dòng kinh. Thậm chí là cả khu căn cứ hàng chục ngôi nhà sàn, cả hội trường chứa cả trăm người vẫn khuất dưới tầm nhìn máy bay Mỹ bởi sự chở che đó. Mới đó đã gần năm mươi năm với biết bao nước chảy qua cầu. Cánh rừng mà tôi đã quay quắt cả cõi lòng khi hay tin bom đạn và chất độc của kẻ thù làm biến dạng tưởng chừng chỉ là nơi “thâm sơn cùng cốc” giờ đã là thị trấn, nhà cửa khang trang, điện lưới quốc gia giăng mắc như chốn thị thành. Đời sống của người dân dưới tán rừng cũng thay đổi tưởng chừng như giấc mơ.
Nhớ có lần vào rừng bắt vọp, bắt cua với mấy cô ở quân trang, do mải mê trên rừng, chừng xuống mé sông thì nước ròng đã sát kiệt, xuồng nằm chỏng chơ trên cạn, mọi người đành nhịn đói, đập muỗi chờ khuya nước lên mới về căn cứ. Có gạo, có nước ngọt mang theo mà phải nhịn đói, bởi không có lửa vì cái hộp quẹt không còn đá lửa. Vậy mà hồi tiễn tôi đi học, mấy cô mắng yêu: “Chừng hoà bình thống nhất ra thành phố ngồi xe hơi chắc gì còn nhớ mấy cô!”. Mấy cô ơi, bây giờ có cần ra thành thị chi nữa, xe hơi đã về tận xứ này rồi. Điện để sử dụng cho xem truyền hình, máy điều hoà, tủ lạnh còn có, huống chi một tia lửa, mồi củi cho bữa cơm tối giữa rừng.
Giấc mơ hôm qua và hiện thực hôm nay đã hoà thành một. Đó là cả một quá trình chiến đấu không sợ hy sinh, lao động gian khó không ngừng của biết bao thế hệ người Cà Mau. Mà cụ thể và sinh động với nhiều người là câu chuyện tự do đi lại trên sông nước và biến sông nước thành đường để không còn cảnh đò giang trắc trở. Cà Mau là đất phù sa mới, dễ lún, nhiều sông rạch nên khi xây cầu, đường rất tốn kém. Vật liệu xây dựng cơ bản như cát, đá phải mua ở xa hàng trăm cây số... Thế nên mấy năm trước, việc xe ô-tô về đến trung tâm xã là chuyện bình thường đến đỗi đương nhiên với các tỉnh khác, nhưng với người Cà Mau chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy lòng mừng khấp khởi.
Đỉnh cao của giao thông nông thôn ở Cà Mau phải kể giai đoạn 2005-2010, mà “cú hích” là chương trình “Nhịp cầu mơ ước” năm 2009 ráo riết hoàn thành cơ bản 1.588 cây cầu nông thôn. Nhưng chỉ vậy chưa đủ để hân hoan. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau (2008-2010) Nguyễn Tuấn Khanh thưa với Thủ tướng Chính phủ khát vọng thiết tha: “Bắc cầu qua sông Cửa Lớn để nối Quốc lộ 1 về tận Mũi Cà Mau không chỉ vực dậy kinh tế - xã hội vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc, đó còn là chiến lược để vùng kinh tế động lực bán đảo Cà Mau ngẩng đầu ra biển lớn giao tiếp thuận tiện hơn với các nước bạn vùng Đông Nam châu Á. Và đó còn là tình cảm thiêng liêng non sông liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau”.
***
Ngồi ô-tô bon bon trên đường nhựa về xóm Mũi, trong tôi thổn thức miên man bởi qua một nhịp cầu, một cánh rừng, một xóm thôn là qua một vùng kỷ niệm. Con rạch này dẫn tới nơi mấy chú thuỷ thủ tàu Không số chiến đấu anh dũng hy sinh để bảo vệ Tàu 69. Cụm rừng xa xa đằng kia là căn cứ hậu cần, nơi mấy chú thương binh tàu Không số dạy học cho bọn trẻ chúng tôi, cũng là nơi an táng chú Bảy Huynh, hy sinh trong trận nhấn chìm bầy tàu giặc trên sông Rạch Gốc… Và đây ngọn Nhưng Miên - Biện Nhạn thuộc Viên An Đông là hậu đất nhà Ngô Hải - Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau. Hải ơi, phải chi mầy ráng sống thêm mấy tháng nữa thì xe hơi đã về tới hè nhà mầy rồi!
Đường về Đất Mũi. Ảnh: Thanh Dũng |
“Lộ nhựa kề sát bên nhà” - giấc chiêm bao hàng chục năm trước của những lão ngư ở xóm Rạch Tàu, Khai Long… đã trở thành sự thật. Với tôi, còn có niềm mong đợi đến thổn thức: Bao giờ từ Khai Long có con đường vượt biển ra đến Hòn Khoai khi ở đó đã là cảng nước sâu trung chuyển cho tàu vạn tấn toả ra thị trường quốc tế. Bao giờ những sản vật quý giá cơ man dưới tán rừng trở thành thương hiệu đặc sản mang giá trị gia tăng vào siêu thị, nghề nuôi tôm không phụ thuộc bởi trái gió trở trời… Miền Tây mênh mông sông nước, xuồng ghe thì nhiều nhưng tuyệt nhiên bóng dáng của “tàu hoả”, “tàu lửa” chỉ xuất hiện trên phim, ảnh mà thôi. Những chuyến tàu cứ ngược hướng tiến ra phương Bắc mà chưa xuôi về vùng phương Nam cuối đất. Biết đâu ngày nào đó những chuyến tàu sắt xình xịch vượt qua những quãng đường ngoằn ngoèo đến Đất Mũi nối liền một mạch tới Lạng Sơn.
Dòng Cửa Lớn trước mặt tôi như đầy tư lự trước khi hoà mình về biển cả mênh mông. Ôi Cà Mau, những dòng sông trôi về đâu mà nỗi nhớ chảy vào lòng tôi trăm ngả…/.
Nguyễn Bé Ngân Phương