(CMO) Cùng với các ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cà Mau tích cực, chủ động và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Khai thác hiệu quả các phần mềm dạy học
Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, của Bộ GD&ĐT và các khuyến cáo của ngành y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có Công văn số 696/BGDĐT-GDTC ngày 4/3/2020 của Bộ GD&ĐT và Công văn số 657/SYT-NVY của Sở Y tế ngày 10/3/2020 về việc triển khai danh mục những việc cần làm trong trường học để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là văn bản hướng dẫn những việc làm cụ thể của nhà trường, thầy cô, của học sinh tại trường và hướng dẫn học sinh thực hiện tại nhà để phòng, chống dịch có hiệu quả.
Đồng thời, thực hiện tốt phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh khuôn viên trường lớp sạch sẽ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và giáo viên như nơi rửa tay, nước sạch và xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay, hướng dẫn học sinh vệ sinh tay sạch sẽ trước khi vào lớp. Yêu cầu giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh thuộc đơn vị mình quản lý. Theo dõi, quản lý việc đi lại, sức khoẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học, kịp thời báo cáo cho ngành y tế khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19, không để dịch bệnh xảy ra trong trường học.
Hiện học sinh mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đang nghỉ học tránh dịch bệnh, để sử dụng thời gian tạm nghỉ có hiệu quả, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học nghiên cứu sử dụng một số phần mềm dạy học trực tuyến, mạng xã hội… để tổ chức giao bài, ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, số lượng trường và học sinh tham gia chưa nhiều, do đó hiệu quả chưa cao.
Trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, thời gian nghỉ học có thể sẽ còn kéo dài, Sở GD&ĐT lựa chọn phương án phù hợp và hiệu quả nhất để tổ chức dạy học cho học sinh theo định hướng lựa chọn môn học của từng khối lớp, xây dựng bài giảng và phối hợp với Đài Truyền hình Cà Mau phát sóng vào thời điểm thích hợp, đồng thời khai thác có hiệu quả các phần mềm dạy học của một số nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel.
Lãnh đạo ngành GD&ĐT kiểm tra công tác y tế trường học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cà Mau. |
Song song đó, các trường học chủ động điều chỉnh chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường theo khung kế hoạch thời gian điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, sẵn sàng tâm thế khi dịch bệnh được khống chế sẽ tổ chức dạy học ngay lập tức, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Quan tâm đời sống giáo viên
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, hiện các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh vẫn trả lương cho giáo viên đầy đủ theo quy định trong thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, phổ thông thì thời gian làm việc đối với giáo viên trong 1 năm học là 42 tuần, thời gian nghỉ hè của giáo viên là 8 tuần vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có); do đó sau thời gian tạm nghỉ để tránh dịch, khi học sinh đi học trở lại, giáo viên dạy bù để đảm bảo chương trình theo khung thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với vấn đề hỗ trợ kinh phí cho giáo viên các trường mầm non tư thục, các trung tâm ngoại ngữ, bổ túc văn hoá, Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, thông tin: “Theo báo cáo của các phòng GD&ĐT huyện và TP Cà Mau, tuỳ theo điều kiện cũng như dựa trên các điều khoản hợp đồng lao động đã ký kết, các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện việc chi trả chế độ tiền lương cho giáo viên có sự khác nhau. Và tính đến thời điểm hiện nay, chưa có trường nào báo cáo chấm dứt việc giảng dạy hoặc không thể tiếp tục duy trì nếu phải ngưng nhận học sinh trong tình hình diễn biến dịch còn phức tạp như hiện nay”.
Hiện toàn tỉnh có 37 trung tâm được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; 32 trung tâm ngoại ngữ - tin học. Theo báo cáo của các địa phương về Sở GD&ĐT Cà Mau, đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ hữu và nhân viên tại các cơ sở này này đều được chi trả tiền lương theo hợp đồng lao động đã được ký kết. Đối với giáo viên thỉnh giảng, các trung tâm hợp đồng giảng dạy và chi trả tiền lương theo tiết dạy thực tế. Hơn nữa, số giáo viên này thuộc biên chế của các trường phổ thông trên địa bàn nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống./.
Vân Khánh