Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, con em Cà Mau phần đông học trong những ngôi trường cây lá tạm bợ, đội ngũ nhà giáo vừa thiếu nghiêm trọng về số lượng lại yếu về trình độ chuyên môn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, con em Cà Mau phần đông học trong những ngôi trường cây lá tạm bợ, đội ngũ nhà giáo vừa thiếu nghiêm trọng về số lượng lại yếu về trình độ chuyên môn.
Con số 203 trường học đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 562 trường học phổ thông của tỉnh, hơn 18.000 cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn là một minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành giáo dục Cà Mau trong thời gian qua.
Vươn lên trong cái nghèo
Sở dĩ nói ngành giáo dục Cà Mau đi lên trong cái nghèo bởi những năm đầu miền Nam mới giải phóng, đời sống kinh tế của Nhân dân rất khó khăn và lạc hậu. Số người mù chữ, bỏ học khắp các làng quê.
Năm 2009, tỉnh Cà Mau phát động chương trình hỗ trợ tiền đò cho học sinh nghèo, góp phần duy trì sĩ số học sinh đến trường ổn định. |
Thời kỳ này, ngành giáo dục vận động tối đa những người biết chữ ra làm giáo viên dạy lại cho người chưa biết, chủ yếu là xoá mù chữ. Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ kéo dài cho đến gần 25 năm sau mới cơ bản hoàn thành khi tỉnh Cà Mau được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng vào năm 1999. Và đúng 10 năm sau, năm 2009, tỉnh tiếp tục hoàn thành chương trình phổ cập THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Ngược dòng thời gian, năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, trong lúc Cà Mau còn hơn 70% phòng học được xây dựng bằng cây gỗ tạm bợ thì bị bão số 5 tàn phá nặng nề. Sau bão, Cà Mau bắt tay xây dựng lại hệ thống trường, lớp học tận dụng từ đống đổ nát. Chính vì thế mà kéo dài đến năm học 2000-2001, Cà Mau vẫn còn hơn 71% phòng học tạm bợ trong tổng số 5.355 phòng học của toàn tỉnh.
Vào thời điểm đó, toàn tỉnh có 33 trường mẫu giáo, 235 trường tiểu học, 88 trường THCS và 17 trường THPT. Hệ thống trường, lớp học lúc bấy giờ phần lớn là được xây dựng tại các trung tâm huyện, xã và thị trấn. Các địa bàn vùng xa, vùng sâu phần lớn chỉ mở lớp học vệ tinh, lớp ghép và vẫn còn tình trạng học ca 3 ở khắp nơi.
Tuy nhiên, Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển bằng nhiều giải pháp tích cực. Ngành giáo dục huy động mọi nguồn lực để phát triển, trong đó có sự đóng góp to lớn của Nhân dân. Tính đến năm học 2000-2001, Nhân dân Cà Mau đã góp công, góp sức cho ngành giáo dục trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân hiến hơn 414.000 m2 đất xây dựng trường học, góp gần 40.000 ngày công lao động và hơn 4,7 tỷ đồng tiền mặt. Những đóng góp trên đã góp phần đưa diện mạo giáo dục Cà Mau từng bước khởi sắc.
Đồng thời, Cà Mau được Chính phủ đầu tư xây dựng hơn 1.600 phòng học thuộc chương trình kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 1 (2002-2007) với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Kết thúc giai đoạn 1, Cà Mau tiếp tục được Chính phủ đầu tư giai đoạn 2 với 2.004 phòng (bao gồm nhà công vụ, nhà vệ sinh), tổng giá trị đầu tư hơn 560 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn các chương trình trường, lớp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chương trình giáo dục THPT và THCS với số lượng gần 2.000 phòng học. Đến năm học 2008-2009, toàn tỉnh có hơn 97% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cà Mau tập trung quyết liệt đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là đối với trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, hệ thống trường học của Cà Mau cơ bản được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, trong đó có 203 trường đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh xây dựng trường, lớp học thì công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên được ngành đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, từ chỗ giáo viên thiếu về số lượng và yếu về trình độ kéo dài hơn 3 thập kỷ sau giải phóng thì đến nay Cà Mau có hơn 18.000 cán bộ, giáo viên được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn.
Nói về sự phát triển của ngành giáo dục Cà Mau hiện nay so với những năm đầu mới giải phóng, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhận định:“Giáo dục Cà Mau đã có một sự thay đổi diệu kỳ về điều kiện dạy và học cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ thầy, cô giáo. Theo đó, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên không những ở thành thị mà cả những vùng nông thôn, vùng sâu”.
Chính vì thế mà hiện nay tất cả người dân ai cũng có được cơ hội học tập bằng nhiều loại hình trường, lớp khác nhau cho mọi đối tượng và thành phần, độ tuổi.
Xây dựng chất lượng
Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân khẳng định: “Với điều kiện hiện tại, giáo dục Cà Mau đã và đang tập trung nâng cao chất lượng theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện. Đẩy mạnh đổi mới công tác dạy và học theo hướng khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người học, đào tạo ra thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, đủ bản lĩnh và tự tin để lập thân, lập nghiệp. Ở đó, người học ngoài được giáo dục đạo đức, kiến thức và trách nhiệm xã hội còn được rèn luyện kỹ năng sống và làm việc theo nhóm, tập thể và có tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên”.
Để làm được điều đó, ngành giáo dục Cà Mau đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quán lý và giáo viên theo định hướng phát triển đến năm 2020 thì ngành sẽ tập trung đánh giá thực tiễn chất lượng dạy và học, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trên cả phương diện kiến thức và đạo đức, trách nhiệm xã hội. Qua đó, để có cơ sở hoạch định cho sự phát triển lâu dài, theo kịp với sự phát triển khu vực và cả nước.
Vì thế, Cà Mau rất cần đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý với một tình yêu nghề trong sáng để nuôi dưỡng, chăm bồi cho những chủ nhân tương lai của đất nước, vững vàng trong quá trình hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Nguyễn Danh