(CMO) Sau ngàn năm dưới chế độ phong kiến và 80 năm dưới ách đô hộ của Chủ nghĩa thực dân, ngày 1/6/1946, người dân Việt Nam lần đầu tiên cầm lá phiếu bầu ra những người có đức, có tài đại diện cho quyền lợi của mình vào Quốc hội khoá I.
Ngày 15/3, Uỷ ban Bầu cử tỉnh lập thủ tục chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh để đưa vào danh sách chuẩn bị Hội nghị hiệp thương lần 2. Ảnh: P. PHÚ |
Sau khi tuyên bố với thế giới khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh tiến hành bầu cử. Việc làm mà xưa nay trên thế giới chưa một quốc gia nào thực thi. Cuộc tổng tuyển cử lần ấy thành công với 89% số cử tri đi bầu. Bầu ra Quốc hội khoá I với 333 đại biểu.
Quốc hội khoá I thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Hiến pháp đã xác lập chủ quyền Nhân dân, xác lập thời đại mới của Việt Nam - thời đại của dân chủ cộng hoà.
Quốc hội đã khéo léo chuyển hoá tình thế ngàn cân treo sợi tóc của đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị thực dân, phong kiến lại đương đầu với thù trong giặc ngoài. Từng bước thực hiện thành công chính sách xoá mù chữ, diệt giặt đói, giặt dốt. Thực hiện mối quan hệ ngoại giao mang tầm quốc gia với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa… Từng bước đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam ảnh hưởng đến các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Xuyên suốt 30 năm cùng Nhân dân cả nước vừa đấu tranh chống ngoại xâm, vừa xây dựng đất nước, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, đất nước bước vào vận hội mới và nhiều thách thức mới trong tiến trình xây dựng và bảo vệ hoà bình.
Năm 1976, sau 1 năm đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ, nhưng Nhân dân vẫn chưa có Chính phủ thống nhất và Quốc hội chung. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải khẩn trương thống nhất đất nước về mặt Nhà nước để tiến tới thống nhất trên mọi phương diện.
Thực hiện mục tiêu thống nhất chính quyền về mặt Nhà nước giữa 2 miền Bắc - Nam, từ tháng 1/1976, kế hoạch tổng tuyển cử thống nhất đất nước đã được Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam họp, đưa ra quyết định cuộc tổng tuyển cử tiến hành vào ngày 25/4/1976.
Kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên khoá I ngày 6/1/1946, sau 30 năm cuộc tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri cả nước nô nức thể hiện quyền làm chủ của mình, sáng suốt lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu đạt 98,77%. 2 tháng sau tổng tuyển cử, ngày 25/6/1976, kỳ họp Quốc hội chung cả nước đã diễn ra.
Kỳ họp ấy đã thống nhất lấy tên nước là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định thống nhất Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô. Ðồng thời, chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh là thành phố Hồ Chí Minh.
Và cũng năm 1976 đã diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng (14-20/12/1976). Ðại hội toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc. Ðại hội đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ðổi tên Ðảng Lao động Việt Nam thành Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua 45 năm kể từ ngày thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ và chính quyền cũng như những dấu ấn trọng đại đầu tiên đặt nền móng của nước Việt Nam khát vọng hoà bình, thịnh vượng, nay Việt Nam đã là quốc gia có vị thế quan trọng trên trường quốc tế.
Năm 2020, dù kinh tế thế giới có bước ảnh hưởng suy thoái đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương trên 2,91%; xuất siêu hàng hoá tăng 19,1 tỷ USD. Hoà chung nỗ lực của cả nước, Cà Mau cũng là một trong những địa phương có sự bứt phá kỷ lục. Tăng trưởng GRDP năm 2020 ước tính tăng 1,09% so năm 2019; sản lượng thuỷ sản năm 2020 đạt hơn 592.000 tấn; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,45%; thu ngân sách đạt 6.110 tỷ đồng.
Cà Mau sẵn sàng cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: P. PHÚ |
Ðến nay, ngoài triển khai thực hiện cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng đã được chuẩn bị hoàn tất các bước theo tiến độ quy định. Uỷ ban Bầu cử tỉnh đã tiến hành bàn giao hồ sơ giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND nhiệm kỳ 2021-2026, chuẩn bị tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2.
75 năm Quốc hội Việt Nam trưởng thành từ trong đấu tranh, trải qua bao thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất, kiến thiết Tổ quốc đã đưa đất nước Việt Nam không ngừng vươn cao, vươn xa.
Và nay, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội.
Ðây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HÐND các cấp nhiệm kỳ mới. Góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam./.
Phong Phú tóm lược