(CMO) Nghề ráp lú ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, hình thành và phát triển khoảng 10 năm nay, sản xuất ra nhiều sản phẩm phong phú như: lú, lưới, rập, mùng, dớn, chộp… tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ và học sinh vào mỗi dịp hè.
Bà Lê Thị Bé Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho biết: “Trước đây nghề này phát triển ở hộ gia đình với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, nhưng nay trên địa bàn xã đã có 17 cơ sở chuyên ráp lú, làm rập cua, lưới… tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1 ngàn lao động ở địa phương”.
Thường các cơ sở cung cấp lưới, khung chì và nguyên liệu cho lao động mang về gia công tại nhà. Tuỳ theo loại lú mà chủ cơ sở sẽ trả công tương xứng. Mỗi tháng người ráp lú có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Ai siêng năng, làm giỏi, thu nhập sẽ cao hơn.
Chị Huỳnh Thị Nhan, chủ cơ sở kinh doanh lú, lưới ở ấp Tân Ánh, chia sẻ: “Lúc đầu tôi làm các loại lú, lưới này cũng từ nghề truyền thống gia đình và chỉ làm một số sản phẩm nhỏ lẻ. Lâu ngày được sự tin tưởng của khách hàng nên gia đình tôi mạnh dạn mở rộng. Hiện nay, gia đình đã có 2 cơ sở kinh doanh lú, lưới, rập cua, chộp, dớn, với gần 100 hộ nhận gia công tại nhà và 5 lao động làm tại cơ sở. Hiện nay, đầu ra sản phẩm này tương đối ổn định, không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà cơ sở còn cung cấp sản phẩm đến các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang…”
Công đoạn luồn chì được lao động làm tại cơ sở.
Sau khi cắt chì, người ráp lú sẽ thực hiện công đoạn gấp khung chì.
Thường phụ nữ sẽ nhận lưới, khung và nguyên liệu để mang về gia công tại nhà.
Nghề ráp lú không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chỉ cần tỉ mỉ. Công việc khá nhẹ nhàng, có thể tranh thủ lúc nông nhàn để làm, nên hầu hết phụ nữ rất chuộng nghề này, vì vừa có thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc gia đình.
Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh lân cận.
Quỳnh Anh - Lê Tuấn thực hiện