ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 16:13:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh & kho tàng ký ức

Báo Cà Mau (CMO) Cả cuộc đời gắn liền với nhiếp ảnh, chú Tám Khánh - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh - được mệnh danh là “Người chép sử bằng ảnh”, “Người giữ cho lịch sử luôn sống động”. Ông lão ấy đang hàng ngày sống cùng ký ức. Ký ức ấy ngồn ngộn những hình ảnh được ghi lại bằng mẫn cảm người nghệ sĩ, dấn thân của một người trai lúc sơn hà xã tắc nguy biến. Chú từng nói: “Những khoảnh khắc đó được đánh đổi bằng máu của biết bao người”. Tất cả đã kết tinh vào “kho tàng ký ức” của chú.

Sự nghiệp của chú, các cây bút đã viết nhiều rồi. Và tôi quá ngỡ ngàng xen lẫn thú vị khi được chính chú thím ngồi kể cho nghe câu chuyện, thì ra hồi đó thím có làm nghề ảnh cùng chú; từng tự tay rang những mẻ gạo, cho vào bịch ni[1]lông đựng những tấm phim tư liệu quý giá chú chụp, cho tất cả vào thùng đạn của Mỹ để bảo quản tránh ẩm mốc. Mỗi tháng thay gạo một lần. Đúng là “của chồng, công vợ”. Để có được một “kho tàng ký ức” hôm nay, công sức thím Tám đâu nhỏ, với vai trò bảo quản, lưu trữ kho sử liệu chiến tranh bằng hình ảnh ấy trong bom rơi đạn nổ, giặc ruồng bố càn quét, năm này tháng nọ ngần ấy thời gian, nước lớn nước ròng, nước rong nước kém hai mùa mưa nắng xứ này.

Vợ chồng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh. Ảnh: L.THU

Bạn, hẳn đã từng xem bộ phim 8 tập “Ván bài lật ngửa” làm say mê hàng triệu người Việt và cũng không riêng người Việt! Xin hãy nghe tác giả kịch bản văn học của bộ phim ấy nói về chú: “Hiện thực khi được phản ánh bằng tâm hồn nghệ sĩ thì tự nó đã là một tác phẩm văn học. Võ An Khánh đã bắt gặp người và cảnh một cách hồn nhiên, cho nên tính chân thật rất cao” (Trần Bạch Đằng).

Còn ở Tạp chí Thế giới ảnh, tháng 9/2007, tác giả Trần Hùng có đoạn viết trân trọng ghi nhận về chú: “Nếu phải nói về người ghi chép lịch sử một vùng quê cực Nam Việt Nam những năm chống Mỹ với tính chân thực và xúc động nhất thì không ai khác ngoài Võ An Khánh”.

Tháng 9/1957, chàng thanh niên 19 tuổi Võ Nguyên Nhân từ Bạc Liêu lặn lội tìm đến Sài Gòn phồn hoa, làm việc thí công quyết học nghề ảnh tại Hiệu ảnh Việt Long, đường Hoà Hưng. Đây không thuần tuý là một cuộc mưu sinh. Cơn cớ này, bởi người anh ruột là phó bí thư đảng uỷ xã đang bị giặc truy lùng. Giặc truy lùng luôn cả chú nữa. Có điều, chàng thanh niên không thể nghĩ rằng cuộc đi ấy rồi mình sẽ trở thành người phụ trách nhiếp ảnh, hội hoạ và phim đèn chiếu của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Cà Mau; thành Tổ phó tổ Nhiếp ảnh Khu Tây Nam Bộ; thành Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ngay những năm đầu quê hương giải phóng, đất nước thống nhất; cùng những danh hiệu, tước hiệu cao quý của nhiếp ảnh Việt Nam, khu vực và quốc tế; trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tác phẩm nhiếp ảnh phản ánh cuộc chiến đấu thần thánh ở miền Tây Nam Bộ này. Những dấu mốc danh giá, vinh danh tầm vóc và cống hiến của một người cầm máy từng đi suốt dọc dài cuộc chiến. Như một nhân duyên cuộc sống.

“Thời gian lặng lẽ và từ từ xoá đi trong ký ức biết bao sự việc lý thú và bổ ích của cuộc sống”, tôi đã đọc đoạn ấy trong hồi ký báo chí nhan đề “Ngòi bút và cây kéo”, do một người Cà Mau, bạn văn của chú - Nhà báo Trần Thanh Phương gửi tặng chú. Có trực tiếp nghe giọng nói nghèn nghẹn, ánh nhìn rưng rưng của ông lão nghệ sĩ 83 tuổi đời với hơn 60 năm cầm máy, sáng hôm mở cửa nhà trưng bày tác phẩm ảnh tư liệu - nghệ thuật của Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh tại khu đất gia đình, đường Huỳnh Văn Xã, Phường 1, TP Bạc Liêu, ngay sau hậu ngôi nhà chú thím đang ở, mới cảm nhận niềm riêng thao thiết của chú Tám sau một kiếp tằm rút ruột nhả tơ như bao nghệ sĩ chân chính khác. Tôi đoan chắc, hạnh phúc lớn nhất của chú đang lắng đọng, kết tinh ở “kho tàng ký ức” mà chú đã chắt chiu cả một đời cầm máy, nhất là khi di sản ấy được trao truyền, đón nhận và giúp ích cho mọi người.

“Nghiệp duyên, khát khao cống hiến và đam mê kiếm tìm những khoảnh khắc sinh động từ cuộc sống của chú” (câu của một nhà báo mà tôi tâm đắc) đã kết tinh thành hàng chục ngàn tấm ảnh tư liệu - nghệ thuật, với nhiều đề tài khác nhau, đề tài nào cũng có thể chọn ra những bức ảnh ưng ý, lôi cuốn người xem bởi mang đậm chất hiện thực và tính nghệ thuật của tác phẩm. Trong ấy có hàng ngàn bức ảnh tư liệu chiến tranh vô giá; có tác phẩm được đánh giá là một trong những bức ảnh giá trị nhất của một phóng viên chiến trường. Có những bức ảnh có mặt ở nhiều bảo tàng, nhiều cuộc trưng bày trong và ngoài nước, cả trong lòng nước Mỹ; là những chứng nhân lịch sử, góp phần tạo nên một nền tảng ý thức cho thế hệ sinh ra sau chiến tranh, biết trân trọng những giá trị lịch sử mà ông cha đã đổ mồ hôi, xương máu để giành chiến thắng và xây dựng quê hương. Không những thế, còn là tiếng nói của công lý và lương tri nhân loại, giúp bè bạn quốc tế có cái nhìn khách quan, chân thực về cuộc chiến tranh vệ quốc mà thế hệ như chú trực tiếp tham gia.

Bằng “kho tàng ký ức” ấy, chú đã “trả được món nợ xương máu mà cha ông mình đã bỏ ra”, như lời chú nói; đã được vinh danh là người lưu giữ ký ức chiến tranh ở bán đảo này một thời khói lửa. Một bức ảnh chiến trường ngổn ngang, khốc liệt tôi được nhìn thấy hôm nay, cũng đồng nghĩa Nhà báo chiến trường Võ An Khánh từng có mặt những nơi khốc liệt nhất, nơi đối diện hòn tên mũi đạn; cũng có nghĩa chiếc máy ảnh trên tay là vũ khí từng cùng chú tham gia trận đánh ấy… Chắc bạn cũng nghĩ như tôi, màn chập mở ra và đóng lại, một khoảnh khắc in vào nền đen âm bản của tấm phim, đó chỉ là một thao tác kỹ thuật thuần tuý. Nhưng chiếc máy trên tay một người có tâm như chú, dấn thân như chú, nhiếp ảnh Cà Mau - Bạc Liêu, nhiếp ảnh Tây Nam Bộ, nhiếp ảnh Việt Nam… có thêm một tác phẩm nữa ra đời. Mà ai cũng biết, ngôn ngữ của hình ảnh có sức biểu đạt lớn hơn các ngôn ngữ khác nhiều lắm. Những tấm phim âm bản, những bức ảnh nín lặng trong những thùng đạn kèm gạo rang, hay những bao giấy gói ghém kỹ càng đã lưu giữ trong ấy biết bao ký ức hào hùng của miền Tây một thời khói lửa, một thời kiến thiết quê hương khi cuộc chiến đi qua. Đó còn là ký ức về những miền đất, những thân phận cuộc đời mà chú đã đến, đã gặp, đã sẻ chia ấm lạnh, vui buồn…

Thời của hiện giờ, mọi người, ai cũng có thể tự chụp ảnh cho mình, cho gia đình, bạn bè, phong cảnh… mọi nơi, mọi lúc, chỉ với một chiếc điện thoại không đắt lắm. Rồi thì, chỉ với vài thao tác giản đơn, sản phẩm tinh thần chứa đựng thông tin chân thực của cuộc sống ấy đã có thể nhờ mạng xã hội mà được chia sẻ, lan truyền khắp quả địa cầu. Sống trong thời buổi tiện ích này, “kho tàng ký ức” của chú Tám sẽ giúp mọi người, nhất là những người trẻ, hiểu về giá trị của những tấm ảnh đơn sắc vượt thời gian kia. Rằng, để có được những tấm ảnh đơn sắc ấy, người nghệ sĩ - chiến sĩ đã phải chắt chiu từng tấm phim có độ nhạy sáng thấp, từng bóng đèn magenium (chụp một lần phải gỡ bỏ để thay bóng khác, chụp trong điều kiện thiếu sáng); múc nước dưới lung, lóng phèn, chắt lấy nước trong để pha thuốc hiện ảnh, hãm ảnh; dùng ánh sáng từ đốm đỏ đầu cây nhang đang cháy để tráng phim; dùng ánh sáng đèn dầu để rọi ảnh; rang gạo cho vào thùng đạn để lưu giữ từng tấm phim âm bản…

Là người từng cầm máy và ngồi buồng tối làm nghề, thuộc thế hệ con cháu của chú Tám, tôi quá mừng khi một ngày trong mùa Giáng sinh này vừa hay tin hồ sơ đề nghị trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh - người con của Cà Mau - Bạc Liêu đã được Hội đồng cấp Nhà nước bỏ phiếu đồng ý thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ. Tin vui này càng thêm ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày tái lập hai tỉnh. Càng có niềm tin những bức ảnh giá trị trong “kho tàng ký ức” sống động của chú sẽ lan toả và có sức sống lâu dài. Bởi, đó không chỉ lưu giữ ký ức của ông lão nhà báo, nghệ sĩ - chiến sĩ ấy, đó còn là kho tàng ký ức cộng đồng./.

 

Nguyễn Huy Thái

 

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.