(CMO) Hồi nhỏ tôi được bác Hai cho ngồi sau lái xuồng để đi xúc nò. Cây vợt trên tay bác cứ quơ vào rọ, vợt lên là tôm cá đầy vợt, thấy phát ham.
Má tôi cũng kể, ông ngoại ngày xưa có 2 cái nò. Cá chốt vô nhiều đến nỗi phải xúc lên xuồng đi tìm khoảnh đất trống, đào lỗ, kéo xuồng đổ xuống để chôn vì đổ trên bờ sợ người đi đường bị gai cá đâm và hôi thúi.
Lớn lên, được đi nhiều nơi trong tỉnh, thấy nhiều chỗ bà con cũng xây nò. Từ đó mà nảy ra ý định thực hành việc xây nò để tìm hiểu về nghề rất kỳ công của ông cha ta ngày xưa và cũng muốn nếm trải cảm giác được sở hữu các loài cá tôm từ cái nò của chính mình.
Đi tìm thợ xây nò
Quê tôi - rạch Bàu Kè, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, xung quanh con rạch này còn có thêm các con sông, rạch như Láng Cá, Bàu Bèo. Ở đây, tôi có mấy ông anh bà con chung đầu ông cố như Âu Văn Định, Trần Văn Khuôn, Trần Văn Lâm đều có kinh nghiệm mấy chục năm xây nò. Tôi nghĩ, sẽ nhờ mấy ổng tiếp tôi trong dự định xây nò sắp tới đây.
Ngoài những thợ ở quê, tôi còn tìm đến chú Ba Trộm, người có 3 cái nò trên Sông Trẹm, huyện Thới Bình. Qua chú Ba, tôi biết thêm anh Võ Khẩn Trương, người cùng xóm chú, cũng giỏi nghề xây nò. Chú kể, mấy anh em anh Võ Khẩn Trương thường đốn sậy từ U Minh, qua mấy ngày chèo ghe để đến tận Trảng Bàng (Tây Ninh) quê nội anh, nơi có con sông Vàm Cỏ đi qua, để xây nò.
Thợ nò Võ Khẩn Trương kiểm tra mối nối dây choại trên tay đăng. Ảnh: Duy Khải |
Nghe tôi có ý định xây nò, Đạo diễn sân khấu Huỳnh Hảnh cũng kêu tôi chở xuống thị trấn Cái Nước gặp bác Hai ở kinh Cây Trâm và bác Năm ở rạch Cái Hàng để tìm hiểu thêm nghề nò. Mấy lão nông này không chỉ xây nò ở quê mình mà tới mùa còn đi tận bên Cái Nước Biển, giáp Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân để xây nò cho bà con bên ấy.
Tiếp xúc với 8 thợ xây nò, tôi mới hiểu kỳ công của cha ông ta tạo nên một nghề độc đáo để bắt cá trên sông rạch. Xây nò cần phải có cả tháng để chuẩn bị cây cặm, đốn sậy và bứt dây choại để bện đăng. Thời điểm xây nò bắt đầu từ tháng 8, tháng 9 âm lịch mỗi năm. Đây là thời điểm vô mùa cá tôm, cũng là thời điểm cấy xong vụ mùa, là lúc đồng sậy trải qua mùa trổ bông, cây sậy già vàng óng ánh, sớ thịt chắc nhất, thích hợp cho việc làm đăng xây nò. Làm nò phải bỏ công đi đốn hàng trăm xuồng sậy và bứt vài chục bó choại để chuẩn bị cho việc bện đăng. Vì quy mô của nhiều công đoạn kế tiếp nhau nên người ta mới gọi là “xây” nò.
Không phải ai cũng xây được nò nên cần có người ở bậc “thợ”. Thợ xây nò phải tích luỹ các kinh nghiệm như: xem dòng chảy của nước, hướng gió, hướng nắng trên sông để quyết định cắm cây định vị cho xây rọ - một bộ phận chính yếu quyết định cho sự thành bại trong việc xây nò.
Tuổi nghề của những người thợ này từng xây hàng chục, tới hàng trăm cái nò. Các thợ nò đều cho biết, 1 cái nò “êm”, lượng cá chấp 5-7 khẩu đìa. Ở trên sông có loại cá tôm gì thì trong rọ có loại đó. Hồi đó cá nhiều, nò cho thu hoạch quanh năm, mỗi ngày đều phải xúc nò 1 lần. Việc xúc nò phải bắt đầu từ 4-5 giờ sáng, cho dù lúc đó sương xuống lạnh cóng cả người nhưng vẫn phải làm để kịp hừng đông cân cho thương lái.
Cá xếp vào loại cá cân là cá lóc, thác lác, cá trê (4 con/kg trở lên); cá rô đồng, rô biển, trê trắng, cá dầy... thuộc hàng cá dạt, nhỏ thì thả lại để bảo tồn, lớn thì làm mắm, làm khô. Nhà có 3-4 lao động phải làm tới trưa mới hết lượng cá này. Còn cá chốt ngày đó bị xếp vào loại “bỏ đi”, nên phải đem chôn.
Cái nò còn góp công cho kháng chiến. Mấy ông cán bộ binh vận hồi đó cũng hay dùng việc xây nò để rủ lính đồn vào thưởng thức các loại cá ngon, lai rai rồi bàn chuyện “quốc sự”. Sau đó, thể nào cũng rủ mấy ông lính bỏ súng về làm dân hay đi theo cách mạng.
Xuống nò
Nghe thợ kể chuyện xây nò mà phát mê. Tôi càng nôn nao trong lòng chờ đợi tới ngày xuống nò. Tôi dặn phóng viên Phạm Duy Khải chuẩn bị quay phim thật chi tiết các công đoạn xây nò để lưu lại làm tư liệu.
Nghề bắt cá là nghề “Bà Cậu” nên mấy ông thợ cho biết, phải xuống nò vào mùng 5, 14, 23 âm lịch trong tháng. Rồi mấy ổng ấn định ngày xuống nò cho tôi vào 23/9 âm lịch.
Tôi xây nò cách đây hơn 7 năm. Lúc đó có nghị định quy định không được đặt lú, xây nò, đó trên sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ. Quy định đã rõ, nhưng vì quá ham mê và muốn được ghi lại những hình ảnh về nghề truyền thống nên tôi bàn bạc, thuyết phục chính quyền ấp và mấy anh ở UBND xã. Mấy ảnh kêu tôi làm xong thì dỡ. Tôi “trả giá” thêm về mặt thời gian: “Để 2 năm đi, nhìn cho nó đã!”.
Về mặt “chủ trương” coi như xong. Tôi lật lại coi “cái toa” mà mấy ông thợ xây nò đã “bổ” và đích thân đi chuẩn bị vật liệu cho ngày xuống nò.
Cây tràm được anh Hiếu, Giám đốc Lâm Ngư trường U Minh 2 bán giá gốc. Nghe tôi ham xây nò, mấy anh lâm trường bứt tặng tôi 10 bó choại. 8 thước sậy dài 2 m thì mướn người dân ở Kinh T29 đốn, mỗi thước 150.000 đồng. Nhà có 4 bụi tre, thằng em út lựa cây già đốn hết, chẻ ra đem ngâm nước để cặp nẹp. Ông Trần Văn Lâm cho 4 cây cau và chính ông cưa, cắt, xẻ ra dùng dây gân bện chắc chắn để làm rọ. Ông Trần Văn Khuôn tình nguyện đốn mấy cây tre nhà và làm hom bắt để cắm trong rọ.
Tất cả tre, sậy được ngâm 15 ngày rồi kéo lên. Công việc rửa, lựa sậy phải có cả chục người làm 2-3 ngày. Sậy phải rửa sạch vỏ khô, bỏ những cây bị cong và phân ra từng đống sậy có kích cỡ đều nhau. Theo kinh nghiệm của mấy ông thợ, nếu dùng sậy bị sâu ăn sẽ dễ gãy. Còn sậy cong, khi bện, đăng không khít. Chỗ kẽ hở đó con cá thác lác, cá trê chen ra. Càng lâu lỗ rách càng lớn, các loại cá tôm khác cũng theo đường đó mà ra.
Xây nò tốn nhiều nhất là sậy để bện đăng. Mỗi tấm đăng dài 6 m, được bện 4 đường dây choại gọi là tay đăng. Nò lớn ngày xưa phải từ 150-160 tay đăng. Nò nhà tôi được mấy ổng thiết kế cần 60 tay đăng.
Tập kết tay đăng để xây bồ đài. Ảnh: Duy Khải |
Ngày 23/9 âm lịch năm đó xuống nò vui như ngày hội. Người lớn, con nít ở xóm xúm lại coi rất đông. Từ sáng sớm, anh Võ Khẩn Trương bao xe ôm từ Thới Bình chạy qua chỗ tôi để cùng mấy ông thợ xuống nò. Con gà, chén gạo muối được đặt trên mâm. Cầm 3 nén nhang đưa lên đầu, ông Trần Văn Lâm khấn vái xin phép đất đai “Bà Cậu” để được xây nò và khấn nguyện phù hộ độ trì cho nò trúng tôm, trúng cá.
Sau lễ cúng, anh Âu Văn Định, anh Võ Khẩn Trương cầm cây cắm định vị 4 góc để xây rọ. Cây cắm xong, nhiều người cột cây ngang thành khung, sau đó đưa tấm đăng bằng cây cau xuống cặp nẹp vào, vậy là thành rọ. Cái rọ được xây xong, thợ nò Trần Văn Khuôn đem bộ hom bằng tre do chính tay ông bện cột vào.
Cột nẹp xây hom dẫn vào rọ. Ảnh: Duy Khải |
Ngày thứ nhất xây xong các công đoạn như: rọ, bồ đài (bồn chứa cá vòng ngoài trước khi vô rọ) và cột xong 6 cặp hom ví, hom ven.
Ngày thứ hai, xây tiếp đường dẫn từ 2 đầu con sông vào nò và bện nắp đậy rọ, phòng cá lớn từ rọ phóng ra. 2 ngày xuống nò, nhà thằng em tôi đông đúc người đến giúp; nào là làm cơm cho mấy chục người ăn, vác cây, vác đăng để tiếp cho việc xây nò. Nhà quay phim Phạm Duy Khải và Duyên Hải, nhiếp ảnh gia Thanh Quang luôn theo sát để ghi hình ảnh chi tiết của từng công đoạn.
Nò được xây xong, mấy ông thợ dặn 3 ngày nữa mới xúc nò. Vẫn biết giờ đây tôm cá ít ỏi và tôi cũng không mong có “hoa lợi” từ cái nò mình làm. Nhưng nhìn sản phẩm vừa tạo ra, tôi thấy lòng đầy phấn khích. Đây không chỉ là thành quả của tinh thần đoàn kết, sự kết tinh của trí tuệ, sự khéo léo, tài hoa của những bàn tay cần cù, say mê lao động, tự tìm tòi sáng tạo ra những phương tiện phục vụ đời sống mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, một công trình kiến trúc nổi trên sông thật tuyệt vời, tô điểm thêm nét đẹp cho làng quê.
Rồi tôi cũng nhớ đến những lời than của những người thợ xây nò: “Bây giờ tới mùa gió chướng là nhớ nghề xây nò lắm. Nhưng cá mắm không còn nhiều, vả lại cũng không làm được vì bị cấm để bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ”.
Tới lượt tôi, 2 năm nữa cái nò vừa xây xong cũng không còn. Nét đẹp kiến trúc trên sông và những con cá, con tôm từ nò mang lại chỉ còn trong hoài niệm./.
Chung Thanh Thuỷ