(CMO) Huyện Ngọc Hiển được Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo sớm đạt chuẩn huyện NTM và đã được UBND tỉnh phê duyệt Ðề án Xây dựng huyện Ngọc Hiển đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025. Ðây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để huyện rút ngắn thời gian, quyết tâm hoàn thành các tiêu chí huyện NTM năm 2025.
Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã tập trung triển khai xây dựng NTM và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua rà soát theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025, 6 xã của huyện đạt tổng cộng 70/114 tiêu chí xã NTM; Tân Ân Tây đạt 7/19 tiêu chí xã NTM nâng cao; huyện đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 52,66 triệu đồng.
Đoàn Giám sát HĐND tỉnh rà soát những tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Tân Ân Tây là xã duy nhất trong 6 xã của huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2017. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, xét theo Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, xã Tân Ân Tây chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Ông Nguyễn Hoàng Khương, Chủ tịch UBND xã, nhìn nhận: “Do đạt chuẩn NTM nhiều năm nên một số hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng. Ðịa phương nằm trong vùng trũng thấp nên lộ thường xuyên bị sụp lún, nhiều tuyến rất cần vốn để sửa chữa, nâng cấp. Thêm thu nhập, xét theo tiêu chí mới tăng cao, nhiều tiêu chí hụt chuẩn như: Nghèo đa chiều; Lao động; Y tế; Nhà ở dân cư… Ðây là những thách thức hiện hữu mà địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ mới có thể đạt chuẩn NTM nâng cao theo định hướng của huyện”.
Vấn đề Nhà ở dân cư, huyện Ngọc Hiển cũng đang gặp nhiều khó khăn, do vướng một số quy định đất lâm nghiệp. (Ảnh chụp tại xã Tân Ân Tây).
Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025, với nhiều nội dung, chỉ tiêu mới, yêu cầu cao hơn như: Giao thông; Cơ sở vật chất văn hoá, thông tin và truyền thông; Tổ chức sản xuất; Môi trường... Ðây thực sự là những khó khăn, thách thức cho địa phương khi muốn đạt chuẩn huyện NTM năm 2025.
Do đặc thù của huyện Ngọc Hiển là vùng đất bồi, nền thấp, đất mềm nên các tuyến lộ trên địa bàn dễ sụp lún, sạt lở. Ngư dân khai thác thuỷ sản ven bờ còn nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định, rủi ro thiên tai cao. Có 339 hộ dân làm nghề khai thác thuỷ sản ven bờ còn sử dụng nhà tạm, chủ yếu là chòi che cất tạm ven sông, ven biển, bờ đê hoặc trên rừng phòng hộ để sinh sống.
Bên cạnh đó, có khoảng 251/779 phương tiện làm nghề te, đáy, lưới kéo... là những nghề thuộc danh mục nghề, ngư cụ cấm hoạt động, sử dụng. Ðây là số phương tiện cần phải chuyển đổi, để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho ngư dân vùng ven biển.
Ðối với tiêu chí Môi trường, địa bàn huyện là vùng trũng thấp nhất trong các huyện ven biển nên lượng rác đổ từ đầu nguồn về cuối nguồn rất lớn, từ đó công tác thu gom rác của huyện gặp khó khăn và dễ gây ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, việc xử lý rác trên sông (rác hàng đáy) theo triều lên lưu lại trên nhiều tuyến giao thông gây mất mỹ quan, mặc dù người dân cùng chính quyền địa phương đã tích cực thu gom nhưng vẫn chưa triệt để.
Việc thực hiện tiêu chí về Môi trường và An toàn vệ sinh thực phẩm còn khó khăn. (Ảnh chụp tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển).
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Môi trường và Nhà ở dân cư là 2 tiêu chí hiện nay địa phương gặp rất nhiều vướng mắc. Lý do khách quan, đa phần người dân vùng này đặc thù sinh sống, mưu sinh theo những tuyến kênh rạch và lâm phần nên họ không thể xây dựng nhà kiên cố, nếu xây dựng nhà cơ bản sẽ vi phạm quy định sử dụng đất rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, do địa bàn vùng sông nước nên vấn đề môi trường địa phương vẫn chưa thể khắc phục triệt để do đường sá còn khó khăn, nhiều tuyến lộ nhỏ, xe thu gom không thể tận nơi…”.
Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2025 sẽ xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, để xử lý rác cho cả khu vực, trong đó có huyện Ngọc Hiển. Hiện tại, trên địa bàn huyện sử dụng tạm 1 ha đất để làm nơi xử lý rác, nếu thời gian kéo dài (do không xác định được thời gian, lộ trình đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung của tỉnh) sẽ không đủ khả năng xử lý, sẽ ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Xuất phát điểm của huyện rất thấp, với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém. Phần lớn diện tích đất trên địa bàn huyện là đất lâm nghiệp, bị chi phối bởi các quy định, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên việc triển khai thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, nhất là các dự án, công trình lớn. Thêm một khó khăn nữa, do địa hình đặc thù nền đất yếu, vì vậy việc đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cần nguồn vốn lớn hơn so với các địa bàn khác. Hàng năm, triều cường dâng cao nên các công trình thường xuyên bị ngập nước hoặc nước mặn xâm nhập, dễ xuống cấp, hư hỏng nhưng nguồn lực để cải tạo, nâng cấp còn hạn chế.
Tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai cũng ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân, chính vì vậy gián đoạn một số hoạt động trong quá trình xây dựng NTM.
"Do thời gian xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025 còn rất ngắn, huyện Ngọc Hiển kiến nghị HÐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm, xem xét cho huyện ứng trước nguồn vốn của giai đoạn 2021-2025, dành cho các xã phấn đấu đạt chuẩn và nguồn vốn hỗ trợ huyện đạt NTM, để địa phương triển khai thực hiện", ông Trần Hoàng Lạc đề xuất./.
Hằng My