(CMO) Sau hơn 1 năm, chúng tôi lại về thăm Trường Tiểu học 2 Viên An Đông, ngôi trường ốc đảo duy nhất còn lại của Cà Mau. Bao quanh ngôi trường này là những vạt rừng đước, những nhánh sông xa, con đường tới trường của các em học sinh chòng chành sóng nước.
Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Thơi cho biết: “Năm nay, dù điểm chính ở Kinh Ráng đã có một con lộ nhỏ đấu nối ra đường Hồ Chí Minh, nhưng gần như 100% học sinh của nhà trường vẫn đến lớp bằng đường thuỷ. Trong đó điểm lẻ ở Cây Phước thật sự xa xôi, cách trở”.
Gieo chữ giữa vùng sông nước
Lần về Nhưn Miên này, có một đồng nghiệp đòi đi theo để biết thêm chuyện học hành ở miệt rừng đước. Suốt chặng đường từ Cà Mau về trung tâm xã Viên An Đông, bạn cứ thắc mắc: “Bây giờ mà còn trường học 100% học sinh đi học bằng đường thuỷ? Hổng tin!”. Thế rồi sau mấy tiếng đồng hồ chạy xe, đi vỏ lãi, bạn đến Trường Tiểu học 2 Viên An Đông trong ánh mắt xúc động. Thầy Thơi đón chúng tôi, thoáng thấy có điều bất thường. Vị hiệu trưởng cười xoà: “Ừ, bây giờ có đường nhỏ nối vô điểm chính này, bây giờ anh đi làm bằng xe máy. Hôm trước, đi làm sớm, trời mưa, đường trơn, thế là té phải khâu 12 mũi”.
Tôi cười nói với anh: “Chắc quen chạy xuồng, đi xe chưa vững chớ gì”. Hồi trước thầy Thơi mỗi ngày đi làm tốn cỡ 70 ngàn đồng tiền xăng cho chuyến đi về bằng vỏ lãi. Chặng đường của anh bây giờ có khác hơn chút, đi xe máy, nhưng phải vòng xuống Viên An, chạy ra đường Hồ Chí Minh rồi vòng ngược lại, vô con đường nhỏ vào ấp Kinh Ráng. Nói là có đường, nhưng thầy Thơi thổ lộ, chỉ có khoảng chục em gần đó… đi bộ lại trường, còn lại hơn 200 học sinh cả điểm chính Kinh Ráng và điểm lẻ Cây Phước đều đi xuồng, đi đò mới đến được lớp học.
Vẫn những hình ảnh cũ của ngôi trường giữa mênh mang sông nước. Chị Lưu Tuyết Anh đưa con đi học và… ngồi chờ cháu tan lớp ra về. Chị nói, mỗi ngày đi đò hết 20 ngàn đồng, nhà xa trường nên ngày 4 bận đi về để con mình theo học lớp 1. Ở đây, những lớp nhỏ thì phải có phụ huynh theo trông coi. Phụ huynh phải bỏ hết công ăn việc làm để con cháu được đi học. Tiếp thêm câu chuyện, cô Trần Thị Phụng tâm sự: “Ở đây học hành cực khổ, nhưng con cháu mình mà dốt thì sau này khổ hơn. Kệ, mình ráng cho tụi nó cứng cáp một chút rồi đi học ên. Cỡ nào cũng phải ráng, không thôi tụi nó dốt hết”.
Trường Tiểu học 2 Viên An Đông, ngôi trường duy nhất của Cà Mau vẫn còn cách trở sông - đò. |
Dù điều kiện đi lại khó khăn, nhưng Trường Tiểu học 2 Viên An Đông lại là điểm sáng về chất lượng và các phong trào giáo dục của huyện Ngọc Hiển. Trưởng phòng GD&ĐT Trần Văn Út đánh giá: “Dù còn nhiều vất vả, nhưng tinh thần dạy và học của Trường Tiểu học 2 Viên An Đông rất đáng biểu dương”. Nhiều năm qua, trường không có học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh hết cấp vào bậc THCS đạt 100%. Trong các phong trào thi đua, nhà trường đạt nhiều thành tích nổi bật.
Thầy Trần Quang Điện, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Kể từ năm 2016, nhà trường đảm bảo các môn Thể dục, Tiếng Anh, thực hiện dạy 2 buổi/ngày”. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của bà con và chính quyền địa phương, nhà trường đang nỗ lực hết mình để hướng đến mục tiêu đạt chuẩn quốc gia. Mong mỏi lớn nhất của nhà trường là giúp phụ huynh, học sinh của vùng Viên An Đông bớt đi mặc cảm về điều kiện học tập, từ đó có động lực phấn đấu vươn lên.
Chuyện chiếc áo phao
Rời điểm chính Kinh Ráng, đi 15 phút xuồng máy đuôi tôm len qua những dòng kênh rợp đước, chúng tôi về điểm lẻ biệt lập ở Cây Phước. Nói là điểm lẻ, nhưng sĩ số học sinh ở đây xấp xỉ điểm chính với 6 thầy cô phụ trách. Thầy Phạm Văn Thụ, người có thâm niên lâu nhất ở Cây Phước, gặp lại người quen cười tươi rói: “Ở đây vẫn thế, thầy cô phải cất chòi ở tạm, kiêm luôn nhiệm vụ làm chỗ nghỉ ngơi, rồi nấu ăn trưa luôn cho các em học sinh nhà xa”. Điểm lẻ không có sân chơi, dấu tích nước ngập của trận triều cường vừa qua lên đến tận thềm. Theo thầy Thụ, điểm trường này được xây cách đây mười mấy năm, đang xuống cấp nhiều.
Thầy Thơi kể, lúc về tiếp nhận nhà trường, điểm lẻ Cây Phước rất khó khăn. Kể cả cái trống trường cũng không có, phải dùng cái vỏ bình gas cũ để đánh kẻng báo hiệu giờ giấc. Nhiều học sinh đến lớp do nhà xa, hết buổi không về được phải vật vạ tạm ở góc lớp rồi đem theo mì tôm sống mà ăn. Tồn tại mười mấy năm, Cây Phước trước đây là điểm lẻ của nhiều trường tiểu học khác nhau. Ông Văn Công Tỏ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ huynh học sinh nhà trường, tiếp lời: “Tôi là dân cố cựu ở đây, phải nói nếu không có điểm Cây Phước này thì bây giờ con em quanh đây mù chữ hết”.
Học sinh điểm lẻ Cây Phước đến trường. Ảnh: Q.Rin |
6 thầy cô từ điểm chính được phân công về phụ trách điểm lẻ, ngoài nhiệm vụ giảng dạy còn phải lo cất chòi tạm để ở. Quan trọng hơn, những căn chòi này cũng là chỗ nghỉ ngơi cho học sinh. Cô Phạm Thị Thản đứng ra nấu ăn cho các em buổi trưa để đảm bảo sức khoẻ. Cô Thản bộc bạch: “Phụ huynh gởi bao nhiêu tiền cũng được, gởi thức ăn, gạo cô cũng nhận nấu luôn. Cái chính là cho các em ăn no, đủ sức học hành”. Với những em có hoàn cảnh đặc biệt, các thầy cô miễn phí luôn suất ăn cho các em. Bởi vậy, tình thầy trò ở điểm lẻ Cây Phước thật sự làm người ta ấm lòng. Ăn xong, nếu có bài vở gì chưa hiểu, các thầy cô lại giúp học trò của mình giải đáp. Điểm trường Cây Phước với các em giờ như là gia đình thứ 2, là nơi mà các em gắn bó, yêu thương và lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười.
Điểm Cây Phước rất thiếu thốn về cơ sở vật chất. Không cổng, không hàng rào, không cây xanh. Tình trạng xuống cấp có thể cảm nhận bằng giác quan thông thường. Thầy cô trụ lại đây cũng là những câu chuyện đẹp của tinh thần cống hiến. Không lộ, không chợ, cho nên các thầy cô động viên nhau tăng gia sản xuất, tự túc thực phẩm. Ngoài ra, còn là sự đùm bọc, cưu mang của những người dân miền sông nước. Cô Thản kể: “Mình về đây được bà con giúp nhiều lắm. Cất chòi thì được cho cây, cho ván. Bà con có con tôm, con cá, ký gạo cũng đem sang cho thầy cô giáo”.
Điều trăn trở nhất của thầy Thơi là hiện nay gần như tất cả học sinh đều đi xuồng, đi đò tới lớp, nhưng khoảng 100 em vẫn chưa được trang bị áo phao. Nhà trường đã làm việc với tất cả chủ đò tham gia đưa rước học sinh, từ đó đảm bảo trang bị áo phao cho tất cả các em. Tuy nhiên, những em được gia đình đưa rước đi học bằng phương tiện riêng vẫn còn tình trạng hời hợt, thờ ơ hoặc gặp khó khăn với việc trang bị áo phao. Thầy Thơi mong muốn, với điểm trường ốc đảo xa xôi này, những nhà hảo tâm, những tổ chức thiện nguyện sẽ đồng hành, trợ lực để giúp các em vững tâm hơn trên đường đến lớp.
Chúng tôi nhớ đến chuyện học sinh bị bỏ quên trong xe ô tô, nhớ tới chuyện học sinh bị rơi ra khỏi xe ô tô, được đưa rước trong những chiếc ô tô quá đát. Còn bây giờ, các em học sinh Trường Tiểu học 2 Viên An Đông, điểm Cây Phước đã tan học. Tất cả các em đều xuống đò, xuống xuồng để trở về nhà. Quãng đường ấy là hành trình hàng ngày các em phải vượt qua để đến với tri thức, với tương lai. Vẫn đâu đó, còn học sinh chưa có chiếc áo phao để mặc. Đừng để các em học sinh trở nên cô đơn, nguy hiểm khi đến trường trên những nhánh sông xa…./.
Ghi chép của Phạm Quốc Rin