ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 26-9-24 03:17:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngôi trường thắp sáng niềm tin

Báo Cà Mau (CMO) Cận Tết Mậu Tuất, vùng đất Năm Căn đón nhận một sự kiện đặc biệt: trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn trở thành đơn vị đầu tiên bậc tiểu học của tỉnh Cà Mau đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Rất nhiều người, trong đó có cả chúng tôi cũng phải thắc mắc: Tại sao không ở TP Cà Mau hay bất kỳ nơi nào khác mà lại là Năm Căn? Theo lời gợi ý của anh Lê Văn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chúng tôi về chia vui với thầy trò nhà trường và kèm theo đó là những điều “mắt thấy, tai nghe” khiến ai ai cũng nức lòng, nức dạ. 

Hành trình đầy nỗ lực

Trong những chuyến công tác, biết bao lần lướt qua ngôi trường này, lòng thầm nghĩ: “Trường tiểu học ở trung tâm thị trấn thì tốt thôi, cần gì phải đề cập nhiều”, nên cũng ít dịp ghé thăm. Lại có duyên may biết thêm thầy Nguyễn Hữu Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, một người chu đáo, trách nhiệm và nhiệt tâm nên càng vững dạ. Tất cả đều bình thường cho đến lúc này, khi nắm được thông tin nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Năm 2017, cánh đồng nghiệp của chúng tôi đã có không ít bài viết về chuyện trường đạt chuẩn mức độ 1 còn… hụt chuẩn, những điểm trường lẻ thiếu thốn trăm bề, thế nên tin này là tin “nóng”.

Cầm trên tay bản báo cáo quá trình xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2, những con số đã làm chúng tôi kinh ngạc. Nó khác hoàn toàn với những báo cáo mang nặng tính hình thức, bởi đọc tới đâu, chúng tôi thấy tất cả hiển hiện sinh động đến đấy. Thầy Vinh tâm sự: “Trường thành lập từ năm 1985, đạt chuẩn năm 2007, tôi về năm 2009”.

Giáo dục truyền thống, ý thức tự hào và vươn lên cho học sinh là một trong những điểm nhấn trong hoạt động ngoại khoá của nhà trường.

 

Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn đã có những đột phá mạnh mẽ về chất lượng giảng dạy, mô hình giáo dục, chiếm trọn lòng tin của học sinh, phụ huynh và xã hội.

Lúc thầy Vinh về phụ trách, trường đã tạo dựng được thương hiệu, nền tảng hết sức vững chắc và thầy Vinh tiết lộ thêm: “Vị hiệu trưởng tiền nhiệm đã mạnh dạn đề cập đến việc đạt chuẩn mức độ 2 cách đây hơn chục năm. Giáo viên và học sinh của trường đều có danh hiệu cấp quốc gia rồi”. Bên trong nhịp điệu bình thường là một công cuộc chuẩn bị âm thầm, bền bĩ và nặng đầy trách nhiệm.

Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn hiện có 65 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ đánh giá chuẩn nghề nghiệp có hơn 96% đạt loại xuất sắc. Quy mô học sinh được trường duy trì quanh mức 30 lớp học, sĩ số hằng năm trên dưới 1.000 em.

Thầy Nguyễn Thanh Bình, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Nhu cầu học tập của con em địa phương tương đối lớn, tôi cũng là người con của Năm Căn nên càng quyết lòng cùng với tập thể lãnh đạo, thầy cô xây dựng nhà trường tốt hơn nữa”.

Từ biết bao miền quê, các thầy cô đã coi đây là gia đình, là tổ ấm chung, vừa ra sức giảng dạy, vừa góp cả tài lực, vật lực vì sự lớn mạnh của nhà trường. Cảm động hơn, những tấm gương thầy cô đã hoàn toàn thuyết phục được phụ huynh học sinh, rộng hơn là cả hệ thống chính trị và cộng đồng để chung sức trên chặng đường xây dựng chuẩn mới.

Anh Huỳnh Minh Thuỳ, Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, bộc bạch: “Hơn chục năm làm công tác phụ huynh ở trường, có một điều mà tôi thấy tâm đắc, đó là lòng tin của phụ huynh đối với nhà trường là hết sức lớn. Đạt chuẩn mức độ 2, tôi hay nói vui với anh chị em, thì lòng tin lớn hơn gấp đôi khi còn mức độ 1”.

Anh Thuỳ kể: “Tôi người Thới Bình, nhưng gắn bó đất này lâu lắm rồi, thấy các em bây giờ mà vui lắm”. Ngờ đâu ở một thị trấn gần như cuối đất, cuối trời lại có trường đạt chuẩn mức độ 2 sớm nhất của bậc tiểu học trong tỉnh. Những buổi học gần đây, khi tin tức rộ lên, anh Thuỳ nói trong xúc động: “Phụ huynh khều vai tôi nói, thấy chưa, Năm Căn giờ cũng có trường đâu thua kém bất cứ đâu”.

Những điểm nhấn đặc biệt

Một ngày hoà vào không khí học tập của thầy trò trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Theo lời thầy Vinh: “Quá trình xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2 luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, ngành ở địa phương”. Thì cũng hợp lý thôi, nước mình coi giáo dục là quốc sách, thì địa phương càng phải nhận ra tầm quan trọng của việc này. Nhưng Năm Căn có được cái quyết liệt mà không phải nơi nào cũng có được, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, thước đo không phải là báo cáo mà chính là thực tế, là phản hồi từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Bởi vậy, trường Tiểu học 1 thị trấn ngay từ đầu đã xác định: Đạt chuẩn phải chín, phải chiếm được lòng tin, phải duy trì và phát huy hơn nữa.

Hệ thống phòng chức năng, năng khiếu, ngoại ngữ được nhà trường xây dựng và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.

 

Bữa ăn, giấc ngủ bán trú của các em học sinh được nhà trường chăm lo chu đáo.

10 năm từ một trường chuẩn cấp độ 1, nhà trường đã vươn mình lên một tầm cao mới. Nghĩ cũng lạ, có nơi sau 10 năm công nhận thì sắp… sập, còn nơi này lại đang chất chứa thật nhiều năng lượng để tiến vào hành trình mới. Phụ huynh đưa đón con không có cảnh chen lấn, lộn xộn mất an toàn giao thông mà có bến, có bãi, chúng tôi gọi vui là “văn minh nhứt xứ”.

Khuôn viên nhà trường được bố trí khoa học, không gian thoáng mát, bước vào là người ta thấy ngay một môi trường giáo dục hiện đại, trách nhiệm.

Theo chân anh Bình, chúng tôi đi thăm phòng truyền thống, tin học - ngoại ngữ, phòng năng khiếu, nghệ thuật, thư viện, phòng Đoàn Đội… Thầy Bình nhắc khéo: “Cái này không phải gần đến lễ công nhận mà có đầy đủ vậy đâu, trường đã chủ động xây dựng và hoạt động nhiều năm nay rồi”.

Một điều mới lạ ở ngôi trường này là hình thức bán trú ở khối 1, theo lời thầy Vinh: “Vấn đề này càng được phụ huynh ủng hộ, nhất là những gia đình có cha mẹ làm cán bộ, công nhân viên chức, gởi con theo học thì rất yên tâm”.

Bếp ăn, nhà ăn, dụng cụ nấu ăn, đội ngũ cấp dưỡng và những suất ăn ngon miệng đã tạo nên một hình ảnh chưa từng thấy trước đó ở những trường học trên đất Năm Căn.

Thầy Vinh cho biết: “Chuẩn bị thực hiện bán trú, chúng tôi phải tính đến rất nhiều yếu tố, nào là nhân lực, cơ sở vật chất, quản lý, kiểm tra và duy trì chất lượng”. Đang trao đổi, thầy Bình nhắn gấp: “Mấy anh xuống liền, kẻo các em ăn xong thì không ghi hình được”. Thầy Vinh cười: “Mấy cô cấp dưỡng nấu ăn có nghề lắm”.

Vệ sinh cá nhân xong, các em vào phòng ngủ. Chính bản thân mình, chúng tôi cũng không nghĩ rằng mọi thứ lại ngăn nắp và khoa học đến vậy. Hệ thống giường nằm cho các em học sinh đảm bảo êm, an toàn và rất cơ động. Chỉ một lúc, những giấc ngủ thật ngon đã bao trùm cả căn phòng. Hình ảnh đáng yêu và ấm áp ấy khiến anh Huỳnh Minh Thuỳ buộc miệng nói: “Tụi nhỏ giờ sướng hơn mình biết bao nhiêu. Thiệt là mừng”.

Chưa hết, trường còn có hồ bơi để tập cho các em trong giờ ngoại khoá, dẫu rằng trong quy định trường chuẩn mức độ 2… không có. Với chủ trương, làm những gì thấy cần thiết và phục vụ học sinh, tập thể sư phạm nơi đây đã có một quá trình tích luỹ tuyệt vời để về đích trong một cảm giác tròn đầy.

Cô Huỳnh Thị Sa Ly, giáo viên tiếng Anh nhà trường gặp chúng tôi thì khoe: “Các em học sinh Năm Căn thích học và học giỏi ngoại ngữ lắm”.

Hỏi thêm, chúng tôi mới biết, năm học này nhà trường đã bắt đầu dạy tiếng Anh từ lớp 1 và cô Sa Ly chính là giáo viên được ngành giáo dục phân công phụ trách chuyên đề liên trường để áp dụng trên toàn huyện. Hỏi cảm xúc của cô Sa Ly về thành tích đạt chuẩn mức độ 2 của trường, cô chỉ nói gãy gọn: “Vui chớ anh, niềm vui chung mà, riêng giáo viên tụi em thì càng phải cố gắng để có thể đóng góp vào sự phát triển của trường”.

Từ giã các thầy cô, các em học sinh, chúng tôi nói rất thật lòng mình: “Năm nay trường ăn Tết thiệt lớn rồi”. Thầy Vinh nhắc lại điều đã nói: “Mức độ 2 cũng là phục vụ cho học sinh, để xây dựng thêm niềm tin cho phụ huynh và xã hội”. Trái ngọt đã chín mọng trong ngày vui chung, thành quả của Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn sẽ là động lực để những ngôi trường vùng xa xôi nhân lên khát khao phát triển./.

Phạm Hải Nguyên 

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.