(CMO) Với lợi thế là 1 trong 4 ngư trường lớn nhất cả nước, Cà Mau xác định kinh tế biển là thế mạnh. Vì thế, việc đầu tư hệ thống hạ tầng, dịch vụ hậu cần, quan trọng nhất là hiện đại hoá đội tàu đánh bắt để ngư dân vươn khơi khai thác luôn được chú trọng.
Cà Mau có ngư trường rộng lớn với 3 mặt giáp biển nên nghề đánh bắt hình thành rất sớm.
Ngư dân Cà Mau đánh bắt trên vùng biển Tây. |
Ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu), ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Bây giờ nghề biển thay đổi nhiều lắm rồi, tàu công suất lớn được đóng mới ngày càng nhiều, lại được trang bị máy móc hiện đại hơn nên ngư dân mạnh dạn vươn khơi. Ngày xưa đi biển toàn dựa vào kinh nghiệm”.
Hiện đại hoá nghề truyền thống
Gia đình ông Tư Biểu, một trong những lão ngư kỳ cựu nhất ở cửa biển Sông Đốc có đội tàu cá hùng hậu với 17 chiếc, giờ giao lại cho các con nối nghiệp.
Ông Tư Biểu tâm sự: “Con cái chịu nối nghiệp mình nên tôi mừng lắm, các con cả trai lẫn gái đều làm nghề biển. Đội tàu của tụi nó ngày càng hiện đại hơn, làm ăn cũng hiệu quả và các cháu đều được đi du học nước ngoài từ nhỏ. Nghề biển không bạc như người ta nói đâu, nếu mình yêu nghề, mình khai thác mà biết bảo vệ biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản và đừng đánh bắt theo kiểu tận diệt thì biển sẽ không bao giờ phụ mình”.
Ông Trần Văn Chiến, ngư dân Sông Đốc, cho hay: “Hiện nay còn khá nhiều tàu công suất nhỏ (dưới 20 CV), tôi nghĩ cần phải có chính sách chuyển đổi hợp lý cho những tàu này, đồng thời đầu tư phát triển nghề khai thác biển theo hình thức tập trung, gắn kết với cung ứng vật tư, nhiên liệu và tiêu thụ hải sản trên biển. Vì nếu có nhiều tàu mà sản lượng khai thác không đạt hoặc chi phí nhiên liệu cao, hải sản tiêu thụ giá thấp thì rất khó phát triển”.
Làng cá ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: N.Huy |
Từ ý nghĩ trên, đặc biệt có sự tiếp sức của Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản, mặc dù có 4 tàu hậu cần nghề cá, công suất 400 CV, ông Trần Văn Chiến cũng xin đóng tàu vỏ thép công suất 822 CV, hơn 15 tỷ đồng để làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ngư dân Cà Mau từng bước nâng cấp một nghề mà bao đời nay họ đã gắn bó và hoạt động theo kiểu cha truyền con nối, hành nghề dựa trên kinh nghiệm đi biển.
Ông Nguyễn Văn Phính, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, đăng ký vay vốn của ngân hàng để đóng tàu vỏ thép công suất 600 CV, hành nghề lưới rê. Ông cho biết: “Để đóng mới tàu công suất lớn cần số tiền rất lớn, phải hơn chục tỷ đồng, muốn tự bỏ vốn ra đóng thì khó khăn, không phải ai cũng làm nổi. Bản thân tôi đi biển mấy chục năm nay, cũng muốn tàu lớn để đánh bắt xa bờ mà thiếu vốn, nhờ có Nghị định 67/2014, gia đình mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký vay hơn 15 tỷ đồng, được ngân hàng giải ngân hơn 13 tỷ đồng”.
Hướng đến phát triển kinh tế biển vững mạnh
Toàn tỉnh có đội tàu khai thác thuỷ sản 4.669 chiếc, tổng công suất 639.660 CV. Trong đó tàu có công suất từ 20 CV trở lên là 3.367 phương tiện, tổng công suất 623.297 CV. Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh luôn ổn định và có chiều hướng phát triển qua các năm. Giai đoạn 2011-2016, sản lượng khai thác bình quân trên 176.000 tấn/năm. Lĩnh vực kinh tế biển đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh năm 2017) ước đạt 37.847 tỷ đồng, trong đó khu vực ngư, nông, lâm nghiệp đạt 10.830 tỷ đồng, đạt 104,1% kế hoạch, tăng 5%. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 29,6% GRDP.
Xác định tầm quan trọng của kinh tế biển, Cà Mau đang quyết tâm hiện đại hoá đội tàu cá của tỉnh, hướng đến khai thác xa bờ kết hợp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Các phương tiện được đầu tư tương đối đầy đủ trang thiết bị (cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc…), đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.
Sơ chế thuỷ sản tại Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sông Đốc. Ảnh: Duy Khải |
Thông qua viện trợ của Chính phủ Pháp (Dự án Movimar) đã hỗ trợ 150 tàu cá gắn thiết bị kết nối vệ tinh, thường xuyên gửi tín hiệu về Trung tâm Quan sát tàu cá để theo dõi và hỗ trợ khi có sự cố, rủi ro trên biển…
Bên cạnh đó, một số chủ tàu tự trang bị máy thông tin liên lạc đường dài có tích hợp vệ tinh (VX-1700) kết nối với trạm bờ (đặt tại Chi cục Thuỷ sản) để theo dõi, giám sát nhận phục vụ cho công tác hỗ trợ, thụ hưởng chính sách về vận chuyển, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
Sau chuyến ra khơi. Ảnh: Thanh Quang |
Song song đó, với Nghị định 67/2014, ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu công suất lớn, tăng hiệu quả khai thác đánh bắt. Đến cuối tháng 10/2017, toàn tỉnh còn 73 tàu đủ điều kiện cho vay đóng mới, các ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay 30 tàu, với số tiền 323,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Kính, thị trấn Năm Căn, hành nghề lưới rê, chia sẻ: “Tôi đang thực hiện các thủ tục vay vốn để đóng tàu vỏ thép công suất 811 CV và được chấp thuận, hiện ngân hàng đã giải ngân. Được như thế này gia đình không còn gì mừng hơn, tôi quyết tâm khai thác tối đa hiệu quả con tàu mới để đánh bắt, phát triển kinh tế gia đình”.
Hiện tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế biển như thu hút đầu tư, xây dựng các cảng biển như Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Cảng Năm Căn, Cảng biển Sông Đốc. Song hành với đó là định hướng phát triển đa dạng loại hình dịch vụ hậu cần, dịch vụ vận tải biển, làm động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển./.
Đặng Duẩn