(CMO) Theo Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau, TP Cần Thơ hiện có hơn 12.000 người quê quán Cà Mau đang sinh cơ lập nghiệp, công tác, học tập. Mỗi người con Cà Mau đến đất Tây Đô có những điều kiện, lý do khác nhau, nhưng tất cả đã và đang là công dân có trách nhiệm, hữu ích. Điều đặc biệt, mỗi người một cảnh sống, một vị trí xã hội, nhưng cùng chung cảm xúc: nặng tình với quê hương và tự hào về cội nguồn xứ sở. Ngày xuân, ghé qua thành phố trẻ, gặp gỡ và chia sẻ đôi điều tự bạch của những người con Cà Mau ở đất Tây Đô.
Những du khách có sở thích du lịch điền dã, khi đến Cần Thơ sẽ được ngành chức năng giới thiệu cơ sở nuôi thuỷ sản toạ lạc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ. Nơi đây, chủ nhân đang nuôi hàng chục loại cá đặc sản nước ngọt, như: cá hô, chạch lấu, cá heo, cá éc, cá lăng, cá vồ đém, cá sát sọc... Không chỉ thế, nhiều năm qua, chủ cơ sở này ăn nên làm ra do nuôi cá thác lác cườm - đặc sản của miền Tây Nam Bộ.
![]() |
Hình ảnh quê hương Cà Mau luôn trong tim những người con xa quê. Ảnh: Duy Khải |
Chủ cơ sở là ông Lý Văn Bon (Bảy Bon), sinh ra và lớn lên trên đất U Minh, tỉnh Cà Mau. Với hơn 30 bè cá lớn nhỏ, mỗi ngày ông Bảy Bon cung ứng ra thị trường từ 350-400 kg cá thác lác đã sơ chế (gồm chả cá, cá ướp muối ớt). Vợ chồng ông Bảy Bon đều học chuyên ngành thuỷ sản nhưng làm trái nghề. Trải qua năm tháng long đong, ông bà Bảy mới tìm đến nghề nuôi thuỷ sản - một trong những nghề thế mạnh, thu hút hơn 66% lực lượng lao động của Cà Mau tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm mỗi năm đạt hơn 1 tỷ USD, dẫn đầu ĐBSCL về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
Ngay từ khi khởi nghiệp, việc đầu tiên của ông Bảy Bon quan tâm là tạo công ăn, việc làm cho lực lượng lao động ở quê. Điều đó vừa hợp cảnh, vừa hợp tình. Bởi lẽ người ở Cà Mau, ít nhiều cũng có kinh nghiệm nuôi, chăm thuỷ sản. Có lần trò chuyện, ông Bảy Bon tâm sự: “Cà Mau chưa có mô hình nuôi thuỷ sản quy mô, nếu bà con có nhu cầu nuôi cá nước ngọt, tôi sẵn lòng trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật”.
… Trong số hơn 12.000 người con Cà Mau sinh sống, làm việc, học tập tại Cần Thơ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang chiếm hơn 38%. Trong đó, nhiều người rời quê từ thời thanh xuân, trên chặng đường binh nghiệp lập nhiều chiến công, giữ các trọng trách quan trọng của quân đội.
Điển hình như Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9. Về quê, thấy các em học sinh đến trường vất vả, ông Ba Hổ đã vận động nhà hảo tâm xây dựng tặng địa phương (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi) một ngôi trường với hơn 20 phòng học khang trang. Tình quê của người bộ đội Cụ Hồ đáng quý, đáng trân trọng.
Thế hệ trẻ người Cà Mau ở Cần Thơ đang nỗ lực hết mình, quyết “không thua chị, kém anh”. Họ chẳng những là công dân hữu dụng, mà còn ra sức học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nếu làm phép tính cộng nhẩm: chỉ riêng đội ngũ y tế, là con em Cà Mau, có đến hơn 100 người là bác sĩ, 11 người tốt nghiệp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2.
Trung tướng Trần Phi Hổ trao tặng gạo cho bà con nghèo huyện Đầm Dơi. Ảnh: HOÀNG TRIỆU |
Có lần làm việc với Bệnh viện Quân y 121 - một trong những đơn vị có đông cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ là con em Cà Mau, tôi được nghe một bác sĩ vừa tốt nghiệp Chuyên khoa 2 loại ưu bày tỏ: “Mình rất tự hào là người con Cà Mau đang phục vụ ở một đơn vị quân y giàu truyền thống”. Bác sĩ này còn chia sẻ cảm xúc vừa khiêm nhường, vừa nặng nghĩa quê hương rằng: “Mình chưa làm được việc gì cho quê hương, nhưng mỗi khi tiếp xúc với những người bệnh đến từ Cà Mau, biết họ gặp khó khăn, mình luôn san sẻ, giúp đỡ tận tình như người thân”. Một chút tình quê như thế cũng đậm đà, chan chứa.
Mỗi năm, các trường đại học đứng chân trên đất Tây Đô tiếp nhận khoảng 400 sinh viên con em Cà Mau. Trong số đó, khoảng 40% người sau khi tốt nghiệp ra trường đã chọn Cần Thơ để khởi nghiệp, để vào đời. Cứ thế, người Cà Mau hiện diện ở đất Cần Thơ ngày càng nhiều.
Tình quê, niềm vọng tưởng về nguồn của người Cà Mau càng toả sáng và sâu sắc, mỗi khi làng xóm gặp khó, quê hương xảy ra tai ương, hiểm hoạ. Còn nhớ, những ngày cuối năm 2017, khi các phương tiện truyền thông đưa tin bão số 16 (Tembin) di chuyển về vùng biển Tây Nam Bộ, dự báo sẽ đổ bộ vào Mũi Cà Mau, với cấp độ gió cấp 8, 9, giật cấp 11. Lúc đó, người Cà Mau gần xa, trong đó, nhiều người Cà Mau ở Cần Thơ, nhói tim, thắt ruột, nhấp nhổm đứng ngồi.
Thời khắc ấy, điện thoại nhiều người nóng như cục than. Liên tục gọi: về nhà, về quê, hỏi thăm gia đình, bạn hữu, chính quyền địa phương công việc phòng tránhbão. Có những ông cụ, bà cụ rời quê gần nửa thế kỷ, nay mắt mờ, gối mòn, nhưng tâm trí vẫn nhớ như in những con kinh, bến đò, cửa lạch, cánh rừng. Những địa danh: U Minh, Đất Mũi, Khai Long, Rạch Ráng, Rau Dừa, Trí Phải... hiển hiện tươi nguyên trong tâm thức người Cà Mau xa quê. Bởi vậy, nghe đài nói bão tràn vào Cà Mau, lòng đầy những lo âu, thấp thỏm, rồi thảng thốt: Trời ơi! Tết đến rồi, mà còn bão gió, khổ thiệt là khổ!
May làm sao, khi vào gần bờ, bão 16 suy yếu, không đủ sức gây hại cho Nhân dân vùng ven biển mảnh đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, lòng thơ thới đón xuân.
Khi viết đến đoạn này, tôi chợt nhớ những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười tươi của bạn bè quê ở Cà Mau đã hẹn hò, cùng uống cà phê vào sáng ngày 26/12 khi biết tin bão đã suy yếu.
… Sáng hôm đó, bên ly cà phê, xen lẫn những niềm vui bão tan, quê hương Cà Mau an lành; cuối năm điểm lại tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội toàn tỉnh có nhiều khởi sắc, trong đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới có thêm 8 xã được công nhận, nâng tổng số 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 100% kế hoạch năm...
Còn những băn khoăn, trăn trở, tôi xin tóm lược, gói vào trang giấy của bài viết này, thay lời tự sự với quê hương của người con Cà Mau: “Bây giờ, thời tiết diễn biến thất thường, người Cà Mau không nên chủ quan”; hay “Bà con vùng ven biển Cà Mau nên tích luỹ để xây dựng nhà chắn chắn, phòng khi có bão”.
Hương sắc nàng Xuân Mậu Tuất 2018 đang hiện diện ở mọi làng quê, góc phố. Người người, nhà nhà mở lòng chào đón năm mới với bao khát vọng, ước mơ. Trong xúc cảm xa quê, người Cà Mau ở Cần Thơ xin gửi về nơi chôn nhau cắt rốn tấm lòng kỳ vọng: Cà Mau hãy bước nhanh, nhanh lên cùng đất nước!
Hồ Trúc Điệp