ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 17:59:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người chỉ huy biệt động thành Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Cách đây đúng 1 năm, đọc được bài báo 2 kỳ của người chị đồng nghiệp đăng trên báo Cà Mau với tựa đề “Ðội biệt động thị xã Cà Mau - Gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm”, tôi hết sức xúc động vì thông tin, tư liệu quý mà bài viết cung cấp. Có thể nói, bài viết đã bổ sung một mảng khuyết mờ trong những dòng chính sử của địa phương Cà Mau về đội biệt động thành với những chiến công vang dội, đặc biệt là những câu chuyện rất đời, rất cảm động về nữ Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kỷ. Suy nghĩ rất nhiều, tìm đọc thêm tư liệu, cuối cùng, tôi đến tìm gặp ông Lâm Anh Lữ - người chỉ huy đội biệt động năm xưa.

Khi đến nhà, ông Lữ lấy ngay tờ báo Cà Mau được biếu và nói: “Ðây, trong này viết khá đầy đủ. Cháu có thể đọc tham khảo thêm”. Nhìn ông già ở độ tuổi U90 giản dị, minh mẫn, cần cù lao động như một nông dân chính hiệu, ít ai nghĩ rằng đây là một pho sử sống quý giá, hiếm hoi còn lại của Cà Mau. Không. Chúng tôi không đến đây để viết về những trận đánh của biệt động thành năm xưa, về sự kiên trung, gan dạ, anh dũng của nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ. Bởi việc đó, đồng nghiệp của chúng tôi đã làm quá tốt.

Ông Lâm Anh Lữ lần đọc lại bài viết đăng trên báo Cà Mau về lực lượng biệt động thành của tác giả Trang Thăm.

Tôi mở lời: “Cháu muốn tìm hiểu và viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông”. Ông Lữ cười: “Chú thì có gì để nói, chiến công và hy sinh đều là xương máu, là công lao của đồng chí, đồng đội”. Chợt nhớ đến bộ phim tài liệu về biệt động thành Sài Gòn, trong đó người chỉ huy Tư Cang (Ðại tá Nguyễn Văn Tàu) cũng từng trả lời báo chí như thế khi hỏi về mình. Bởi với những người chỉ huy, còn sống cho đến ngày hoà bình, nhìn thấy đất nước phát triển, đó là món quà may mắn quá lớn. Phía sau những người chỉ huy là nỗi day dứt, tiếc thương về những người đồng đội, đồng chí đã mãi mãi ra đi vì sự nghiệp cách mạng.

Ông Lữ tóm tắt cuộc đời mình ngắn gọn. Là trai thị xã Cà Mau, gốc gác người Hoa, ông Lữ thời hoa niên chọn nghề “gõ đầu trẻ” ở Trường Hoa văn Cà Mau (Trường Dục Tài). Không khí cách mạng bùng lên, ông tham gia vào các phong trào vận động thanh niên, học sinh tại thị xã Cà Mau tham gia kháng chiến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông Lữ nhận chỉ thị của Bí thư Thị xã uỷ Cà Mau Hai Phú (Lữ Trung Tấn) rút về vùng giải phóng. Trong đợt 2 Mậu Thân, ông Lữ chịu trách nhiệm dẫn đường cho Ðại đội 962 đánh tuyến Rạch Rập, Ty Cảnh sát, Phạm Ngũ Lão.

Tháng 5/1968, tổ chức quyết định thành lập đơn vị biệt động hợp pháp nội thành, do ông Lữ phụ trách Ðội trưởng Ðội Biệt động thị xã Cà Mau với nhiệm vụ tạo chân đứng hoạt động hợp pháp, kết hợp đánh mìn xe, phương tiện chiến tranh và các vị trí trọng yếu của địch. Ðến cuối năm 1968, tình hình ác liệt, đơn vị rút về đóng tại Cây Khô (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình ngày nay). Giai đoạn từ 1968 đến 1971, Ðội Biệt động thành thị xã Cà Mau đánh hàng chục trận lớn nhỏ, gây ra nỗi sợ kinh hoàng cho giặc. Bởi biệt động thành có hơn 80% quân số (khoảng 50 người) là nữ, nhiều thành viên ở tuổi 14-16, để tránh gây chú ý cho địch.

Ông Lữ hồi nhớ, đánh biệt động thành, một trận dù lớn hay nhỏ đều phải cân não. Thứ nhất là điều nghiên địa hình, thói quen của giặc, bố trí lực lượng hợp lý, chuẩn bị các phương án có thể xảy ra. Nếu thất bại, coi như cầm chắc cái chết. Là chỉ huy, ông luôn căn dặn, “không được phép thất bại, điều quan trọng nhất là bảo toàn lực lượng”. Hai vấn đề hình như mâu thuẫn nhau, nhưng trong hoàn cảnh đó, ông không thể nói khác. Nếu vì bảo toàn lực lượng mà không đánh được thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu đánh cảm tử, thì mất mát ấy sẽ không có gì bù đắp được.

Trận đánh ty cảnh sát quốc gia An Xuyên của nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ ngày 3/4/1970 đã không theo nguyên tắc của ông đề ra. Theo ông Lữ kể, khi ấy có 2 mũi đánh, mũi Hồ Thị Kỷ phụ trách đánh ty cảnh sát. Trước khi đi, Hồ Thị Kỷ có hỏi ông về cách làm sao để cho nổ mìn trong tình huống khẩn cấp. Nói tới đây, ông rơm rớm nước mắt: “Chính tôi chỉ cách cho Kỷ ấn kíp nổ mìn”. Trận đánh làm thiệt hại nặng cho giặc: 18 tên đền tội, 9 bị thương, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh. Trận đánh cũng làm tê liệt hoàn toàn kế hoạch hành quân càn quét của địch. Nhưng nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ, nữ Anh hùng Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm (con ruột của đồng chí Huỳnh Thị Kim Liên, khi đó mới 3 tuổi) cũng anh dũng hy sinh.

Hỏi ông Lữ, sau trận đánh của Hồ Thị Kỷ, tâm trạng ông khi ấy ra sao, ông chậm rãi: “Trong mọi tình huống, là người chỉ huy, phải bình tĩnh, dù lòng rất đau”. Nhưng từ trận đánh này, ông đã ngẫm ra một điều: “Nhân dân Cà Mau anh hùng, những người con gái xuân sắc như Kỷ dám hy sinh cuộc đời vì lý tưởng cao đẹp, một bà mẹ ôm con mình vào trận đánh, một cháu bé 3 tuổi cũng góp phần diệt giặc, thì cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi”. Hồ Thị Kỷ đã chọn một cuộc đời vinh quang, thay vì lẽ sống thường tình.

Tình hình chiến cuộc chuyển biến mau lẹ. Ðịch hấp hối, giãy giụa. Cách mạng tính toán để đi đến một trận “sạch không kình ngạc” để giải phóng quê hương, đi tới ngày hoà bình, thống nhất. Ông Lữ được cử đi học trường đặc công của Khu đặt ở xứ Lung Tràm, quê hương bác Ba Phi. Cách mạng cần ông ở những trọng trách lớn hơn. Năm 1971, ông về Thị đội thị xã Cà Mau. Năm 1975, đồng chí Lâm Anh Lữ là Thị đội phó thị xã Cà Mau, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 lực lượng vũ trang thị xã Cà Mau tiến vào trận đánh lớn cuối cùng. Và đất nước trọn niềm vui với mùa xuân đại thắng - dấu son chói lọi 30/4/1975.

Một quãng trầm trong câu chuyện. Năm 1979, ông Lữ ra quân, công tác hệ dân chánh. Ðến năm 1994 thì nghỉ hưu. 50 năm tuổi Ðảng, thương binh 3/4, hỏi ông trong cuộc đời mình, có bao giờ nuối tiếc điều gì, ông bộc bạch: “Ở đâu, làm gì, tôi là đảng viên thì phải chấp hành theo tổ chức. Tôi không tiếc gì cả. Tôi may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội của mình vì còn được sống”.

Dù tuổi cao nhưng thương binh Lâm Anh Lữ vẫn hăng say lao động, luôn sống vì nghĩa lớn, việc chung.

Ông Lữ không chỉ sống, mà sống đẹp, như ông nói: “Sống sao cho xứng đáng với những người nằm xuống”. Về hưu, với ông Lữ đơn giản là có nhiều thời gian đi dạy tiếng Hoa cho lớp trẻ. Có thời gian cận kề và chăm lo cho gia đình. Ngay giữa lòng TP Cà Mau, ông Lữ gầy dựng trang trại cá, ba ba với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông tích cực tham gia hoạt động của Hội Cựu chiến binh (CCB), góp ý tưởng và công sức thành lập Câu lạc bộ CCB sản xuất, kinh doanh tỉnh Cà Mau và đảm nhiệm chức Phó chủ nhiệm. Ðại tá Huỳnh Hoàng Vân, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Cà Mau, từng chia sẻ: “Anh Lữ là CCB mẫu mực, sống vì nghĩa chung, vì đồng chí, đồng đội. Thời chiến cũng như thời bình, anh Lữ đều tận tuỵ, trung thành với Ðảng, với Bác Hồ”.

Nhìn ông Lữ ở tuổi xưa nay hiếm, chúng tôi cảm nhận rõ chuyện vinh - nhục đời người đâu thể đo đếm bằng chức vị, tiền tài. Trầm lặng. Ðiềm tĩnh. Vẫn cốt cách của người chỉ huy đội biệt động thành thị xã Cà Mau năm xưa. Ông ngại nói về mình. Ông chọn sống một cuộc đời có ích, có lý tưởng, chấp nhận đối diện sinh tử. Và, một thái độ bình thản, tích cực đón nhận mọi biến cố trong đời./.

 

Phạm Quốc Rin

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.