ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 13:35:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người gieo hạnh phúc cho đời

Báo Cà Mau (CMO) Dù giàu sang hay nghèo khó thì mỗi chúng ta đều có một ước mơ về cuộc sống này. Và đối với cô giáo Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau cũng vậy, nhưng niềm ước mơ của cô lại được gieo đến những mảnh đời bất hạnh.

Cô Thảo quan niệm, cuộc sống này sẽ càng tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn khi mình biết đồng cảm, chia sẻ với cộng đồng, gieo niềm tin cho mọi người, dù việc làm nhỏ nhưng đó là niềm vui to lớn.
Bén duyên với công việc từ thiện khoảng hơn 5 năm, cô giáo trẻ tên Thảo vẫn miệt mài với những chuyến đi thiện nguyện mà đối với cô đó là một chữ “duyên lành”. Cô Thảo tâm sự: “Làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm mà không phải ai cũng làm được. Nó như hành trình đòi hỏi người làm thật sự bền bỉ và kiên nhẫn, bởi không khéo nó sẽ thành trò chơi mạo hiểm. Ranh giới giữa lòng thiện và tham lam rất mong manh mà nhiều người vẫn cứ loay hoay khi làm công tác thiện nguyện. Đối với tôi, cái duyên làm từ thiện thật sự ý nghĩa khi được trao đúng người, đúng hoàn cảnh”.

Dấu chân thiện nguyện

Nhiều người vẫn thường hay gọi cô là “Thảo khùng”, nhưng có lẽ người ta đánh giá đúng một phần nào đó về cuộc sống của cô. Bước sang 36 tuổi, ở cái tuổi này các cô gái trẻ đều mong muốn có một gia đình hạnh phúc và những dự định cho tương lai. Nhưng cô lại chọn con đường thiện nguyện để tự xây nên một hạnh phúc, niềm vui riêng đó là cùng đồng hành với những mảnh đời bất hạnh.

Cô không trách người ta nói “khùng” sao? Cô Thảo chỉ cười, rồi nói: “Có nhiều người nói tôi khùng, rảnh việc lo bao đồng thiên hạ nhưng tôi không buồn vì thấy việc mình làm có thể đem niềm vui cho người khác là thấy hạnh phúc rồi. Dù ai nói gì thì cũng kệ, việc mình làm có lẽ lo không hết thật nhưng cũng bù đắp cho họ được phần nào. Bởi lẽ, khi rơi vào cảnh khốn cùng, bế tắc mà có sự chia sẻ, động viên thì quý giá và ý nghĩa lắm. Có khùng mà giúp ích cho người khác thì tôi cũng chấp nhận”.

Mất mẹ từ nhỏ nên cô Thảo thấu hiểu hoàn cảnh thiếu thốn tình thương. Vì lẽ đó, cô đã dành hết tình yêu thương giúp đỡ những em nhỏ không mẹ và những hoàn cảnh bất hạnh. Tình thương của cô thật giản đơn nhưng đó là niềm vui, niềm hy vọng to lớn đối với những phận đời long đong, bế tắc. Cô Thảo trải lòng: “Cuộc sống không dư dả gì nên mình dùng cái tâm, sự chân thành để kết nối những tấm lòng thiện nguyện, các nhà hảo tâm gần xa để hỗ trợ người bất hạnh. Dù nhiều chuyến họ không biết tôi là ai, sống như thế nào hay làm việc gì, chỉ kết nối bằng điện thoại, facebook, zalo thôi nhưng ai nấy đều sẵn sàng giúp đỡ. Tôi nghĩ đó là cái duyên và chính bản thân mình chân thành, xuất phát từ tâm nên mọi người cảm nhận được, từ đó tin tưởng và quyết định cùng mình đồng hành trên những chuyến đò thiện nguyện”.

Chính cô Thảo đã truyền động lực, niềm tin để em Thuỷ có thể tiếp tục viết tiếp giấc mơ được đi học.

Đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng cô vẫn cố gắng sử dụng nó đúng cách để cùng cộng đồng giúp đỡ những mảnh đời đáng thương. Chỉ đơn giản là “có bao nhiêu thì hỗ trợ bấy nhiêu, không có tiền thì dùng sức”. Không ngại đường xa trong tỉnh hay ngoài tỉnh, hễ có chuyến thiện nguyện là cô Thảo lại khăn gói lên đường.

Và khi hạnh phúc được gieo mầm

Trở thành giáo viên dạy nhạc là giấc mơ của một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết với con đường âm nhạc. Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa tận tâm với đời thông qua những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa. Chiếc tủ bánh mì yêu thương đều đặn hoạt động vào mỗi buổi sáng thứ Ba là tâm huyết của cô Thảo trong suốt 2 năm qua.

Những chiếc bánh mì miễn phí được phát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành niềm vui lớn mà cô Thảo dành tặng những người kém may mắn trong cuộc sống này.

Là nhóm trưởng của Câu lạc bộ Sức sống tuổi trẻ Cà Mau, cô Thảo luôn năng động, truyền động lực để các thành viên có được những “chuyến đò” thiện nguyện ý nghĩa nhất. Mỗi năm câu lạc bộ hỗ trợ hơn 600 triệu đồng cho những hoàn cảnh bất hạnh trên địa bàn tỉnh từ sự góp sức của những nhà hảo tâm gần xa.

Những thành viên của nhóm đều là các bạn trẻ năng động, dù mỗi người một hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng họ có chung niềm đam mê, nhiệt huyết làm từ thiện. Và cô Thảo chính là thủ lĩnh, người lèo lái con thuyền thiện nguyện đến với tất cả những hoàn cảnh khó khăn cần được sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.

Cô Thảo chia sẻ: “Những bệnh nhân ở xóm chạy thận Phường 6, TP Cà Mau phải hàng ngày sống cùng chiếc máy chạy thận mệt mỏi, bế tắc lắm. Thấy họ khổ mà mình xót, họ phải chầu chực từng ngày, chịu đau đớn từng giờ mà căn bệnh thì cứ dần vắt kiệt sức của họ. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng khi mắc căn bệnh này thì họ đều cùng chung số phận. Vì lẽ đó mà tôi thường xuyên giúp đỡ họ, hễ có chuyến thiện nguyện là tôi đều cố gắng hỗ trợ, dù nó không là bao nhưng cũng đủ ấm lòng những bệnh nhân nghèo tại đây”.

Là bệnh nhân mắc bệnh thận hơn 5 năm, anh Châu Trọng Huynh, 26 tuổi, ở xóm chạy thận, phải hàng ngày chiến đấu cùng bệnh tật. Nhận được sự trợ lực từ cô Thảo thời gian qua là niềm hy vọng lớn của cả gia đình anh.

Anh Huynh bộc bạch: “Chị Thảo như cô tiên ở xóm này, có nhà hảo tâm nào giúp đỡ chị đều dành suất cho chúng tôi. Chị còn giúp gia đình tôi được Chương trình Khát vọng sống hỗ trợ hơn 60 triệu đồng, tôi biết ơn chị lắm. Dù mỗi ngày phải chiến đấu với bệnh tật nhưng mọi người trong xóm ai cũng vui vì sự giúp đỡ của chị làm chúng tôi hạnh phúc hơn, có động lực hơn để chiến đấu với bệnh tật”.

Trên gương mặt ngây thơ, mái tóc được đội lên một chiếc nón len vì tóc chỉ vừa mới mọc sau lần điều trị bằng hoá chất, em Trần Trung Thuỷ, học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau, chia sẻ: “Cô Thảo cho con tiền để điều trị bệnh, rồi cho con chiếc xe đạp nữa. Những lúc bệnh con phải nghỉ học, con buồn lắm, giờ hết bệnh con vui lắm. Con thích được đến trường, được gặp thầy cô, bạn bè nên con muốn được tiếp tục đi học, con rất thương cô Thảo”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha của Thuỷ làm tài xế xe tải, còn mẹ đi làm móng dạo. Căn bệnh làm gia đình càng chật vật hơn khi chạy chữa cho em.

Mẹ của Thuỷ, chị Phạm Thị Mộng Thường, Khóm 7, Phường 6, TP Cà Mau, xúc động: “Con tôi còn nhỏ mà mắc căn bệnh ngặt nghèo nên gia đình rất lo lắng, trong khi đó kinh tế lại khó khăn. Nhờ cô Thảo kết nối các nhà hảo tâm mà gia đình tôi nhận được hỗ trợ hơn 20 triệu đồng. Giờ tình hình sức khoẻ của con tôi ổn hơn từ khi được hoá trị, tóc đã mọc trở lại, thấy cháu ăn uống cũng được nên gia đình tôi vui mừng lắm. Cảm ơn mọi người đã hỗ trợ tôi để giúp con tôi không bỏ lỡ giấc mơ, tiếp tục con đường đến lớp”.

Dù trên bước đường thiện nguyện còn lắm trở ngại, khó khăn, bởi còn rất nhiều mảnh đời bơ vơ, bất hạnh giữa cuộc sống này cần được giúp đỡ, nhưng với sức trẻ, tấm lòng từ tâm của cô Thảo mà mọi khoảng cách, trái tim dần xích lại gần nhau. Những mảnh đời bất hạnh dường như được sưởi ấm hơn bởi nụ cười, sự lạc quan vào cuộc sống mà cô Thảo đã truyền đến họ. Và có lẽ mầm sống hạnh phúc sẽ được nẩy nở trong tình yêu thương của cả cộng đồng, xã hội./.

Hằng My

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.