ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 01:25:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người lái đò tri thức

Báo Cà Mau (CMO) Lao động chân tay hay lao động trí óc đều có những cơ cực riêng. Nhưng đối với nghề giáo, không chỉ đòi hỏi công sức, chất xám, người làm nghề được xã hội tôn vinh bằng 2 tiếng thân thương “người thầy” còn cần phải có tình yêu chân thành, mãnh liệt với nghề.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, một buổi sớm đẹp trời, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây - điểm sáng trong công tác giáo dục ở vùng đất xa xôi còn lắm khó khăn này. Tại đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện về nghề, về tình người đầy xúc động.

Một thời gian nan

Đối với thầy Cao Chí Nguyện, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây, ngôi trường này đâu chỉ là nơi công tác và nghề giáo đâu chỉ là nghề để mưu sinh mà còn là hơi thở, là nhịp đập của trái tim, là niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống thường nhật.

Học mãn lớp 9, thầy Nguyện bất đắc dĩ chọn học sư phạm đơn giản vì không phải đóng học phí, còn được trao học bổng. Những năm tháng học hành, những gian nan thuở mới tập tành làm ông giáo trẻ đã hun đúc lòng yêu nghề nơi thầy.

Mức lương lúc mới vào nghề chỉ có 157 ngàn đồng mỗi tháng. Thanh niên độc thân, có tháng tạm ổn, có tháng phải cầu cứu cha mẹ viện trợ. Lộ làng đâu có ấp liền ấp như bây giờ, phương tiện đến trường duy nhất của giáo viên cũng chỉ là chiếc xuồng máy.

Tình thầy trò, sự yêu quý thầy cô thời đó thật mộc mạc. Thầy Nguyện kể: “Có những buổi chiều dạy xong là đi ăn cơm ké. Nói vui vậy thôi, tức là nhà phụ huynh các em có đám rủ thầy, cô đến chơi. Vậy là đi luôn. Có khi nhà phụ huynh có đám tiệc gửi cho đòn bánh tét, vài chục cái bánh bông lan. Quà cáp tuy nhỏ nhưng chúng quý ở cái tình”.

Thế là, thầy Nguyện lại có thêm động lực to lớn để bám nghề suốt 24 năm qua. Tự rèn luyện, tự trau dồi bản thân, để rồi được cấp trên, được đồng nghiệp tín nhiệm, từ giáo viên giảng dạy, thầy được giữ chức chủ tịch CĐCS trường 3 nhiệm kỳ và đến phó hiệu trưởng hơn 1 năm nay.

Cô Phạm Thị Mỹ Tân tận tình giảng dạy khi các em học sinh chưa nắm vững kiến thức.

Một điều đặc biệt ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa này là nơi hội tụ của những người con ở mọi miền đất nước. Là nơi bắt đầu của những tình yêu trai gái, là nơi chứng kiến những mối tình đủ duyên đủ nợ để kết nghĩa vợ chồng.

Cô Phạm Thị Mỹ Tân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A4, nhẩm đếm ngón tay: “Tính ra, ở trường mình có 6 cặp vợ chồng cùng công tác và là con của nhiều miền khác nhau”. Vợ chồng cô Tân là một trong số đó. Gái miền Trung phải lòng chàng trai Nam Bộ, ý hiệp tâm đồng rồi kết nghĩa vợ chồng. Chẳng đám cưới “thế kỷ”, vậy mà họ sống với nhau đến giờ, vợ là giáo viên tiểu học, chồng là giáo viên cấp 2, cùng nhau cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở xã đảo này.

Đổi mới mình, đổi mới nghề

Yêu nghề, mong muốn góp sức cho vùng đất Cà Mau mà giáo dục một thời còn là “điểm trũng”, cô gái Mỹ Tân từ giã mảnh đất hiếu học Thừa Thiên Huế đến nơi “muỗi kêu như sáo thổi” này làm cô giáo. 

Không nhà, không cửa, cảnh sống của cô giáo trẻ nơi xứ người thuở ban đầu lắm gian nan. Tuy vậy, cô Tân không đơn độc. Vì ở đây, cô được gặp những con người cùng chí hướng, cũng vì lý tưởng tuổi trẻ sẵn sàng tạm xa quê hương xứ sở, được nhận sự yêu thương, sẻ chia của đồng nghiệp, của bà con vùng đất khó khăn này. Và cũng ở khu tập thể dành cho thầy, cô giáo với những căn nhà lá đơn sơ, cô Tân được gặp người bạn đời, lập nên mái ấm nho nhỏ.

Vợ chồng cùng nghề dễ thông cảm, giúp đỡ nhau. Lúc nào khó khăn thì lại cùng nhau nghĩ về lý do ban đầu mình đến với nghề, về những khó khăn đã qua và thế là nắm tay nhau vượt qua, bám nghề cho đến bây giờ.

Cô Tân bảo: “Tôi về trường năm 2003, lúc đó cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề. Mình nghĩ, để nâng cao chất lượng giáo dục thì bản thân mình phải nâng cao chính mình cái đã. Vậy là, quyết tâm trau dồi, nâng cao kiến thức bằng nhiều giải pháp như tự học, học hỏi ở đồng nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”.

Sau bao nỗ lực, không chỉ là một trong những giáo viên dạy giỏi của trường, được tặng bằng khen của UBND tỉnh, cô Tân còn từng vinh dự được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia (năm học 2006-2007).

“Người ta hay bảo, làm giáo viên chỉ cần đến giờ lên đứng bục giảng, hết giờ thì ra về, tôi không nghĩ thế. Thật ra, làm một giáo viên rất khó. Đặc biệt, đối với cấp tiểu học, cái tuổi mà các em thích chơi nhiều hơn là học, người thầy không chỉ phải truyền đạt cho các em những kiến thức ban đầu, mà phải giúp các em nắm vững, vì đó là nền tảng cho các cấp học tiếp theo, đồng thời còn phải rèn luyện cho các em về đạo đức, về kỹ năng sống. Mình phải đổi mới chính mình, phải đem đến cho mỗi tiết học sự mới mẻ khác nhau”, cô Tân tâm tình.

Là người con của tỉnh Hoà Bình, cô Phạm Thị Tính cũng xung phong đến vùng đất cực Nam Tổ quốc này để làm cô giáo và gắn bó với Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây suốt 17 năm qua. Đến sau nhưng những khó khăn trong nghề, trong cuộc sống, cô Tính cũng trải qua nhiều. Bám nghề cho đến hôm nay, cô chia sẻ ngoài đam mê, tình cảm trân quý mà bà con nơi đây dành cho người thầy, người cô, sự chăm lo cái chữ cho con, cháu là sợi dây gắn kết cô với nghề. Để không phụ lòng bà con và các em tin yêu, cô Tính không ngừng rèn luyện, học hỏi nâng cao trình độ bản thân, kỹ năng giảng dạy. Và năm học qua, cô vinh dự là giáo viên được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích cao trong giảng dạy.

Sống ở vùng đất mới, cũng như bao người thầy, người cô khác xứ, cô Tính cũng có những niềm vui, nỗi buồn riêng. Nhưng vui hay buồn của cô phần lớn đều dành cho nghề, cho các em nhỏ. “Thấy học sinh ngoan ngoãn, học hành tiến bộ là mình vui. Còn các em học tập giảm sút, chưa rèn luyện tốt là mình cảm thấy buồn”, cô Tính nói.

Cô Tính bộc bạch: “Đây đã là quê hương thứ hai của mình rồi nên mình rất yêu thương và quyết tâm góp sức để xây dựng cho sự nghiệp giáo dục nơi này. Sống ở đây, mình cũng học hỏi được nhiều điều từ bà con lắm”.

Mỗi người một quê. Mỗi người một lý do đến với nghề. Nhưng tất cả đều có điểm chung là tình yêu với học sinh, với sự nghiệp trồng người. Và khi đã yêu thương, mảnh đất nào cũng sẽ trở thành quê hương xứ sở./.

Thầy Cao Chí Nguyện, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây, phấn khởi cho biết: “Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào năm 2003. Năm học 2018-2019, tập thể nhà trường được công nhận Lao động xuất sắc tiêu biểu, có 2 cá nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh, 4 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở và 26 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Nhà trường có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó trình độ trên chuẩn đạt 82%, số còn lại cũng đang tiếp tục học nâng cao. Năm học này, số lượng học sinh 703 em ở 5 khối lớp (tăng hơn năm học trước). Khó khăn trong công tác giảng dạy cũng như giữ vững đạt chuẩn quốc gia hiện nay là về cơ sở vật chất.

Ngọc Minh

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.