Trong cuộc đời bộ đội, chúng tôi đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia và cả trong hoà bình xây dựng đất nước đến ngày hôm nay. Chúng tôi đã từng gần gũi, tiếp xúc nhiều thế hệ cán bộ phụ nữ, nhưng tình cảm và hình ảnh sâu đậm nhất có lẽ không ai bằng cô Nguyễn Thị Bình (Út Bình), nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau - Bạc Liêu).
Trong cuộc đời bộ đội, chúng tôi đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia và cả trong hoà bình xây dựng đất nước đến ngày hôm nay. Chúng tôi đã từng gần gũi, tiếp xúc nhiều thế hệ cán bộ phụ nữ, nhưng tình cảm và hình ảnh sâu đậm nhất có lẽ không ai bằng cô Nguyễn Thị Bình (Út Bình), nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau - Bạc Liêu).
Cô Nguyễn Thị Bình (Út Ngân), là người con gái của làng Tân Ân (Ngọc Hiển ngày nay). Vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại mồ côi cha mẹ rất sớm, năm 18 tuổi, cô tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cô đã là một cán bộ phụ nữ đầy nhiệt huyết, được quần chúng Nhân dân và giới phụ nữ tỉnh nhà thương yêu và tín nhiệm. Suốt 20 năm chống Mỹ, cô từng là cán bộ phụ nữ tỉnh Cà Mau rồi làm cán bộ phụ nữ Khu Tây Nam Bộ, đến cuối năm 1973, cô trở về tỉnh đảm nhiệm cương vị cao nhất của cơ quan phụ nữ tỉnh đến ngày nghỉ hưu.
![]() |
Mẹ Nguyễn Thị Bình. Ảnh: MINH TẤN |
Tôi được biết và còn trân trọng hơn là cả cuộc đời và tình cảm của cô đã dành hết cho bộ đội tỉnh nhà và cả Khu Tây Nam Bộ. Trong khi gia đình cô cả chồng và con không ai tham gia bộ đội, nhưng có một lần trả lời câu hỏi của tôi: “Vì sao cô thương bộ đội?”. Cô đã trả lời rất đơn giản mà sâu sắc: "Bởi có bộ đội dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chiến đấu hy sinh đời mình mới giành lại độc lập, tự do cho đất nước, việc chăm lo cho bộ đội là ơn đền nghĩa trả".
Sự gắn bó gần gũi, yêu thương và chăm lo cho bộ đội của cô không chỉ là trách nhiệm của cán bộ phụ nữ đối với lực lượng vũ trang mà là cả tấm lòng cao cả thực sự của người chị, người mẹ, người đồng chí của bao lớp cán bộ, chiến sĩ chúng tôi.
Sự gắn bó thương yêu bộ đội của cô bắt đầu từ câu chuyện kết nghĩa chị em giữa cô và Anh hùng Hoàng Đạo Cật. Vào năm 1970, Quân khu 9 tổ chức Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua, cô được phân công đại diện phụ nữ Khu tham dự. Sau đại hội và lễ tuyên dương Anh hùng LLVTND cho Hoàng Đạo Cật, thay mặt phụ nữ Khu, cô tặng cho đồng chí Hoàng Đạo Cật chiếc khăn rằn và nhận đồng chí là người em kết nghĩa. Anh hùng Hoàng Đạo Cật nhờ cô giữ lại chiếc khăn và nói: “Chị tặng em chiếc khăn rằn là vật quý báu nhất của đời em khi vào Nam chiến đấu, nhưng biết em có giữ được không vì em còn tiếp tục ra chiến trường. Khi độc lập, em còn sống sẽ về tìm chị nhận lại chiếc khăn về tặng lại mẹ em. Nếu em không còn, nhờ chị trao chiếc khăn cho mẹ em, vì mẹ em thương em lắm, rủi mẹ em qua đời chị thay mặt em đến gia đình thay em đội chiếc khăn tang”.
Sau đại hội lần ấy, cô và anh Hoàng Đạo Cật mỗi người một công việc chưa có dịp gặp lại nhau. Cuối năm 1970, Anh hùng Hoàng Đạo Cật đã anh dũng hy sinh. Nhớ lời dặn dò của người em kết nghĩa, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong một lần ra Bắc họp, cô nhờ các chị ở cơ quan phụ nữ Trung ương tìm được gia đình Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Đạo Cật, cô đến thăm mẹ già trao lại chiếc khăn kỷ vật của anh. Trong niềm xúc động, mẹ đã nhận cô là đứa con gái trong gia đình. Sau một thời gian, khi nghe tin mẹ mất, cô từ miền Nam ra thọ tang. Thể theo nguyện vọng của mẹ và cả gia đình, cô đã báo lại cho Tỉnh uỷ Minh Hải đồng ý tạo điều kiện để cô đưa hài cốt Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Đạo Cật về quê hương huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây an táng.
Vào cuối năm 1973, cô được Khu uỷ điều về hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau, với cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau. Đây cũng là giai đoạn chiến tranh ác liệt sau Hiệp định Pa-ri. Cô đã cùng tập thể cơ quan phụ nữ đẩy mạnh các phong trào “Nuôi dưỡng thương binh”, “Hũ gạo nuôi quân”, đưa tổ chức hội mẹ chiến sĩ đi vào chiều sâu, hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, dưới sự chỉ đạo của cô, các cấp phụ nữ vận động gói bánh và tiếp tế kịp thời cho các cánh quân tiến vào giải phóng thị xã Cà Mau.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu sáp nhập thành tỉnh Minh Hải, với cương vị là Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh, hình ảnh và tình cảm của cô Út Bình đã ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh nhà. Đặc biệt từ cuối năm 1977, khi bộ đội Minh Hải tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam trên hướng Hà Tiên - Kiên Giang và suốt gần 10 năm chiến đấu giúp bạn trên chiến trường tỉnh Cam-pốt, tỉnh Kô-kông (Campuchia), vào những thời điểm khó khăn ác liệt nhất, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, cô Út đã có mặt kịp thời trên những điểm chốt tiền tiêu để thăm hỏi, động viên bộ đội.
![]() |
Bà mẹ Chính uỷ Nguyễn Thị Bình, đại diện người cao tuổi, chúc mừng lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: M.Đ |
Bằng những lời nói chân tình, mộc mạc mà rất đỗi sâu xa, lời nói của cô như rót vào lòng người và có sức mạnh cổ vũ rất lớn. Có không ít lần cô đến thăm và nói chuyện làm cả hội trường đều xúc động, khóc theo cô. Những chiếc khăn mang dòng chữ "Tấm lòng Đất Mũi”, những chiếc áo mùa đông, những chiếc võng dù… mà cô Út đã từng mang sang tặng cho cán bộ, chiến sĩ là những kỷ vật vô cùng quý giá, chúng đã từng nằm trong chiếc ba lô cùng người chiến sĩ đi qua suốt những năm tháng chiến đấu xa quê hương, xa Tổ quốc. Đến ngày hôm nay, theo tôi được biết, nhiều anh em vẫn còn giữ những kỷ vật quý giá đó.
Chẳng những với bộ đội tỉnh nhà, đối với bộ đội Quân khu 9, cô Út cũng dành tình cảm thân thương như thế. Cô thường đến thăm Sư đoàn 4, Sư đoàn 330 vào các dịp lễ, Tết và được Sư đoàn 4 tặng cô danh hiệu “Người mẹ Chính uỷ”. Cô cũng từng đến thăm bộ đội ở biên giới phía Bắc và tặng hàng trăm “Chiếc áo mùa đông” cho bộ đội tỉnh Lạng Sơn chốt giữ điểm tựa Đồng Đăng.
Trong những năm gần đây, khi cô đã nghỉ hưu, trên cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí TP Bạc Liêu, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hầu như năm nào vào dịp Tết cổ truyền cô cũng vận động, quyên góp mua quà và đưa đội văn nghệ của câu lạc bộ đến thăm hỏi, tặng quà và biểu diễn phục vụ bộ đội tỉnh nhà và bộ đội một số đơn vị thuộc Quân khu 9. Đặc biệt, các cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ của các huyện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau đều có cô Út đến động viên, dặn dò và tặng chiến sĩ trẻ những chiếc khăn rằn truyền thống.
Có thể nói, cô Út Bình suốt cả cuộc đời đã cống hiến cho công tác phụ nữ, và cũng suốt cuộc đời cô gắn bó gần gũi, thương yêu bộ đội bằng tất cả tấm lòng của người chị, người mẹ, người đồng chí. Hình ảnh của cô thật sự là biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam, là người mẹ thân yêu của bao lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang 2 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau và cả Quân khu./.
Võ Hà Đô, Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau