Tôi biết cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ (Út Lữ) ở góc độ người thương binh sản xuất giỏi, người đồng đội làm nhiều việc cho đồng đội mình (tổ chức họp mặt đơn vị cũ và làm mâm cơm cúng đồng đội hy sinh hằng năm; hỗ trợ nhiều đồng đội khó khăn phát triển kinh tế...), giờ nghe ông gom góp mấy trăm triệu đồng xây nhà Kỷ niệm trên quê hương kháng chiến, khiến tôi rất tò mò và nhất định phải tận tường.
Chúng tôi theo chân CCB Lâm Anh Lữ từ nhà ông (Phường 1, TP Cà Mau) chạy vòng vèo qua lộ lớn rồi các con lộ làng. Ðộ hơn 20 cây số thì đến nhà Kỷ niệm, tại ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Do báo trước nên gần chục CCB trên địa bàn có mặt sẵn, họ vồn vã đón ông như đón người thân trở về.
Mà không thân sao được, khi họ là những đồng đội cùng chiến đấu với ông năm xưa (CCB Lâm Anh Lữ từng là Ðội trưởng Ðội Biệt động thị xã Cà Mau, Thị đội phó Thị đội Cà Mau, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 và giờ là Trưởng ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành), và mới đây thôi, đã sát cánh cùng ông cả năm trời để xây dựng ngôi nhà ý nghĩa này; đồng thời, giờ đây ông đã tin yêu giao cho họ trông coi, quản lý.
Nghĩa cử tri ân
Mặc dù ngôi nhà đã khánh thành từ 30/4 năm rồi, nhưng cảm xúc vui mừng, phấn khởi trong lòng CCB Lâm Anh Lữ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Hướng mắt lên tấm bảng trước cửa có dòng chữ lớn “Nhà Kỷ niệm” và dòng chữ nhỏ “Vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước hướng Bắc thị xã Cà Mau (1961-1975)”, ông giải thích: “Nơi đây là hướng Bắc của thị xã Cà Mau, lúc ấy gọi là Cà Mau Bắc. Hồi đó đơn vị Thị đội Cà Mau đóng quân trên địa bàn này, bao gồm các ấp: Cái Bát, Cây Khô, Ðường Ðào, Bào Nhàn, thuộc xã Tân Lợi, nay là xã Hồ Thị Kỷ. Thời ấy, bà con nơi này đùm bọc, cưu mang bộ đội hết lòng. Các mẹ chiến sĩ coi chúng tôi như con ruột, đồng thời cho con em họ theo mình đi chiến đấu. Ngôi nhà kỷ niệm như sự nhắc nhớ, tri ân đối với quê hương này, với các mẹ chiến sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của đơn vị, các đồng đội đã ngã xuống, các lãnh đạo của thị xã Cà Mau và Thị đội thời ấy và nhiều người con của quê hương đã hy sinh...”.
Nhà Kỷ niệm tại ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, được CCB Lâm Anh Lữ xây dựng bằng tấm lòng yêu thương đồng đội và sâu nặng ân tình với quê hương kháng chiến.
Ngôi nhà ngang 9 m, dài 13 m, kết cấu đơn giản nhưng vẫn lưu dấu ấn riêng. Mặt trước có lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được đắp nổi, để nhắc nhớ lại thời non sông còn chia cắt. Lư hương được đặt chính giữa phía trước; vách tường hai bên và phía sau, nhiều hình ảnh mẹ chiến sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của đơn vị, các liệt sĩ... được treo theo hàng, trang trọng.
Ðược biết, để có gần 150 di ảnh trên, gần 1 năm qua, CCB Lâm Anh Lữ cùng nhiều đồng đội đã lần dò tìm kiếm, kết nối các gia đình để sưu tầm, quy tập. Ðặc biệt, hình ảnh nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ được đặt trang trọng sau lư hương chung phía trước. CCB Lâm Anh Lữ như phân trần: “Ðơn vị có 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, gồm: Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Lòng, Lý Văn Lâm và Mạc Thành To. Có thể nói, sự hy sinh của Hồ Thị Kỷ là oanh liệt nhất, chấn động nhất, đáng khâm phục nhất”.
Gian giữa ngôi nhà được bố trí nhiều sách báo, hình ảnh, thông tin liên quan về đơn vị. Ðáng chú ý, tại đây còn trưng bày 2 vật khá ấn tượng là chiếc xuồng gỗ và căn hầm bí mật (được xây nổi).
CCB Lâm Anh Lữ giải thích, gắn bó với đơn vị có rất nhiều thứ, chiếc xuồng và hầm bí mật là vật đặc biệt thân thiết, đắc dụng. “Ðịch trang bị máy bay, tàu chiến, vũ khí tối tân, hiện đại, còn mình chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, sự thông minh, sáng tạo và lòng yêu nước mà làm nên chiến thắng”, ông tự hào.
Tròn tâm nguyện
“Ði khảo sát nhiều nơi, đến đây thấy địa thế này rất ưng ý. Bên trái là miếu Bà, bên phải là trụ sở ấp, kế đó là trường mẫu giáo, xéo bên kia sông Cái Bát là trường tiểu học. Ðây cũng là ngã ba sông, nhà Kỷ niệm nếu xây dựng nơi này thì quá hay, ngoài thuận lợi cho Nhân dân các ngả đến thăm viếng, thì cũng tiện cho thầy cô giáo ngày lễ, Tết đưa học sinh đến tham quan, thắp hương, nhắc nhớ các thế hệ sau này về truyền thống gia đình, quê hương, trong đó cũng có hình ảnh người thân của các cháu được trưng bày”, CCB Lâm Anh Lữ bồi hồi nhớ lại quá trình tìm đất làm nhà của hơn 2 năm trước.
Câu chuyện chọn đất và quá trình xây nhà Kỷ niệm của CCB Lâm Anh Lữ cũng được các CCB kể rôm rả, đầy cảm kích, nể trọng.
Hình ảnh các mẹ chiến sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của đơn vị, các liệt sĩ... được CCB Lâm Anh Lữ (người đứng đầu) cùng đồng đội tìm kiếm, tập hợp và trưng bày trang trọng tại nhà Kỷ niệm.
“Khi đề đạt nguyện vọng với Trưởng ấp Cái Bát là ông Hồ Phú Hoà, ông ủng hộ ngay. Ngoài hứa hiến phần đất xây trụ sở ấp còn dư lại, ông Hoà còn hứa hỗ trợ 100 cạp đất để tôn nền. Còn bên phía miếu, ông Chánh bái cũng nhất trí hiến phần đất giáp ranh trụ sở ấp để đủ diện tích xây dựng”, CCB Ðinh Văn Bá, Trưởng ban Quản lý nhà Kỷ niệm, kể.
Có mặt hôm ấy, ông Hồ Văn Bá (nguyên Chánh bái miếu Bà Chúa xứ Cái Bát) bộc bạch: “Nghe ông Út Lữ nêu nguyện vọng, tôi rất đồng tình và bàn bạc trong Hội miếu cùng bà con dân làng việc hiến đất, mọi người rất thống nhất”. Ông còn bày tỏ: “Tôi cũng có 3 người em hy sinh, mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, làm nhà Kỷ niệm này trong cái chung còn có cái riêng. Mẹ và mấy em tôi được đưa vào, cũng là niềm hãnh diện”.
Ông Ðinh Văn Bá cũng cho biết, dự kiến chi phí cho ngôi nhà hơn 400 triệu đồng, trong đó CCB Lâm Anh Lữ đóng góp 200 triệu đồng, còn lại vận động. Tuy vậy, khi bắt tay làm, việc vận động không được như dự tính. Ðể không gián đoạn thi công, CCB Lâm Anh Lữ cứ mượn tiền của con cái đưa vào. “Tới lúc làm xong, cả thảy 462 triệu đồng. Tiền quyên góp chỉ được 102 triệu đồng, tụi tôi trong Ban Quản lý ái ngại quá, không biết vận động ở đâu, và khi nào mới có để trả. Vậy rồi ông Út (tên gọi thân thương mà đồng đồi dành cho CCB Lâm Anh Lữ) bảo, 360 triệu đồng đó để ông và gia đình lo. Có vận động được thì gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo ở các trường trên địa bàn và nhiều việc làm ý nghĩa khác. Nghe vậy cũng nhẹ lòng, mà cũng thấy thương và hết sức trân trọng ông”, giọng ông Ðinh Văn Bá đầy cảm động.
“Ðồng tiền tạo ra không phải dễ, bỏ ra khoản chi phí lớn để lo việc chung, khiến nhiều người phải suy tính. Bằng sự tri ân với quê hương này, tình yêu thương đồng đội, chú Út đã sẵn lòng. Ðể khích lệ tinh thần, cũng là để con cháu noi gương, tôi nghĩ ngành chức năng cần biểu dương khen thưởng chú”, ý kiến của CCB Ðinh Thanh Chương được mọi người có mặt hôm ấy rất tán đồng, ủng hộ.
Mặc mọi người đề đạt, ông Út chỉ cười hiền, chẳng mấy bận tâm, bởi việc này, cũng như nhiều việc ông làm cho đồng đội không mong để ghi công cán. Ðiều ông lo lúc này là còn hàng rào chưa làm và cái sân mùa mưa nước ngập, trở ngại cho việc tới lui hương khói mà chưa có cách nào xoay xở.
Trước khi ra về, tôi còn kịp nghe ông Út tâm tình trong bùi ngùi, xúc động: “Chiến tranh, nhất là trận Mậu Thân 1968, có rất nhiều đồng đội hy sinh mà không tìm được xác, không biết tên, không dòng địa chỉ. Mình cũng tâm linh một chút, làm ngôi nhà này cũng là để có chỗ anh em về nương náu. Mỗi lần vào đây, thấy ấm áp lắm, như thấy lại anh em, đồng đội của mình. Coi như cũng phần nào tròn tâm nguyện”.
Cái nắng trưa tháng Ba vẫn hầm hập, nhưng trong gian nhà Kỷ niệm, tôi cảm nhận có luồng gió của tình người, tình đồng đội thổi mát các tâm hồn.
Có thêm nhà Kỷ niệm, địa điểm này rộn rã hơn. Dòng sông Cái Bát đã từng chứng kiến bao tang tóc của quê hương, bao con người trên mảnh đất này đã dũng cảm hy sinh để làm nên chiến thắng. Rồi đây, trong câu chuyện rì rào của dòng sông về lịch sử quê nhà, có thêm câu chuyện về một người lính sống đẹp, sống nghĩa tình với anh em đồng đội và có thuỷ có chung với mảnh đất cưu mang mình một thời mưa bom bão đạn./.
Huyền Anh