Anh Hồng Chí Tâm sinh ra và lớn lên trong gia đình lâu đời sống bằng nghề khai thác, đánh bắt biển tại làng nghề truyền thống thuộc cửa Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Năm 1998, thực hiện chủ trương di dân vào sống trong đất liền, vợ chồng anh về định cư tại khóm 8, thị trấn Rạch Gốc.
Anh Hồng Chí Tâm nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2013, cơ sở sản xuất tôm khô của anh đoạt Huy chương Vàng, Cúp vàng chất lượng Việt Nam. Đặc biệt hơn, ngày 17/8/2014, sản phẩm tôm khô của anh đoạt Cúp vàng “Hợp quy chuẩn chất lượng” và anh được xếp trong tốp 100 doanh nhân tiêu biểu của ĐBSCL. Vừa qua, anh vinh dự được cử đi dự chương trình giao lưu doanh nhân 3 miền tại Thủ đô Hà Nội.
Anh Hồng Chí Tâm sinh ra và lớn lên trong gia đình lâu đời sống bằng nghề khai thác, đánh bắt biển tại làng nghề truyền thống thuộc cửa Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Năm 1998, thực hiện chủ trương di dân vào sống trong đất liền, vợ chồng anh về định cư tại khóm 8, thị trấn Rạch Gốc.
Anh Hồng Chí Tâm thường xuyên kiểm tra chất lượng tôm sau khi sấy. Ảnh: C.H |
Cuộc sống gia đình anh Tâm lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, ngoài việc khai thác đáy biển, vợ chồng anh còn mua bán tôm tươi nguyên liệu để kiếm thêm thu nhập. Năm 2000, nguồn tôm tươi khai thác biển khá dồi dào nhưng giá bán thấp, lại bấp bênh, gây khó khăn không nhỏ đối với ngư dân nói chung, nghề đáy biển nói riêng; nhất là đối với loại tôm nhỏ khai thác từ biển về, thường bị thương lái ép giá. Từ đó khiến cho một số cơ sở khai thác đáy trong vùng đôi lúc phải ngưng hoạt động vì không có nơi tiêu thụ, không đủ sở phí.
Từ thực tế trên, vợ chồng anh Hồng Chí Tâm quyết định xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến tôm khô, vừa trực tiếp tiêu thụ nguồn nguyên liệu tôm tươi do gia đình khai thác, đồng thời thu mua tôm nguyên liệu của ngư dân trong vùng. Cũng từ đó, giá tôm biển dần dần ổn định, cơ sở của anh chủ động được nguồn nguyên liệu. Kinh tế gia đình anh từng bước khấm khá, thu nhập tăng dần theo từng năm.
Sau 15 năm kiên trì tạo dựng cơ ngơi, hiện nay, gia đình anh Hồng Chí Tâm sở hữu 40 miệng đáy hàng khơi, 4 chiếc tàu lưới cá có công suất từ 230 CV trở lên và 1 cơ sở sản xuất, chế biến tôm khô khá quy mô, tạo việc làm cho vài chục lao động làm công thường xuyên và thời vụ, mức lương hằng tháng từ 3-7 triệu đồng/người. Lúc cao điểm, vào những con nước trúng tôm, cơ sở của anh có tới 100 công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm.
Nhờ làm ăn hiệu quả, cơ sở sản xuất, chế biến tôm khô Chí Tâm giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: CHÍ HIỂU |
Công nhân ở đây hầu hết là người dân địa phương, thiếu vốn sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn. Để anh chị em an tâm làm việc lâu dài với cơ sở mình, anh Hồng Chí Tâm đầu tư trên 400 triệu đồng xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân. Hiện tại, có 40 công nhân được sắp xếp ở tại khu tập thể này.
Anh Tạ Văn Bảo, công nhân làm khâu kỹ thuật sấy tôm, bộc bạch: “Mặc dù chỉ mới làm công cho cơ sở khoảng 5 tháng nay, nhưng do chủ cơ sở quan tâm, đùm bọc, chăm lo nhiều mặt; đồng thời tiền lương cơ bản đảm bảo nên tôi cảm thấy an tâm hơn, từ đó càng quyết tâm làm việc và gắn bó với cơ sở, mong có cuộc sống ổn định lâu dài”.
Để từng bước giảm chi phí trong sản xuất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ doanh nghiệp này luôn nghĩ đến việc đổi mới và cải tiến quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Sở Khoa học - Công nghệ, Cơ sở cơ khí Đặng Lợi (Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), qua nhiều lần thực nghiệm, cuối cùng anh Hồng Chí Tâm cũng đã sáng chế thành công và áp dụng hiệu quả hàng loạt quy trình kỹ thuật - công nghệ mới, thực hiện cho nhiều công đoạn sản xuất như: đầu tư lắp đặt hệ thống máy rửa tôm tự động, máy sấy tôm, máy sàn thổi phân cỡ, máy đập tôm và hệ thống lò luộc tôm bằng nồi áp suất, có công suất 2.500 kg tôm/giờ, với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng.
Phải có kỹ thuật và kinh nghiệm mới tạo ra mẻ tôm ngon, đó là bí quyết của cơ sở Hồng Chí Tâm, Rạch Gốc. Ảnh: C.H |
Hiện tại, cơ sở của anh sản xuất, chế biến khoảng 500-700 kg tôm khô/ngày, lúc cao điểm mỗi ngày từ 2-2,5 tấn. Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, đồng thời tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu tôm tươi của địa phương, anh Hồng Chí Tâm dự kiến, trong thời gian tới đầu tư nâng cấp hệ thống lò luộc, hệ thống máy sấy tự động và trang thiết bị đồng bộ để cho ra lò khoảng 3 tấn tôm khô/ngày.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, nhận xét: “Cơ sở sản xuất, chế biến tôm khô Chí Tâm là một trong những cơ sở đầu tiên trên địa bàn ứng dụng khoa học - công nghệ và tự động hoá trong sản xuất, cho ra lò sản phẩm tôm khô thương hiệu Rạch Gốc đảm bảo hợp quy chuẩn chất lượng Việt Nam”./.
Hùng Tấn