(CMO) Vậy là đã 5 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ giã cõi trần. Người xưa thường nói “Cái quan định luận”; nghĩa là khi người ta mất đi, đã nằm trong quan tài rồi thì mới có thể định công, luận tội người đó chính xác được. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi còn sống đã lẫy lừng, khi mất đi, ông vẫn là vị tướng tài ba, lỗi lạc, một nhân cách lớn trong lòng dân tộc.
Đặc biệt, với những người lính, với các cựu chiến binh (CCB) thì ông là người anh Cả, là thần tượng vĩ đại. Với họ, được gặp ông, được nghe ông nói chuyện là một vinh dự vô cùng lớn lao; đó cũng là niềm vui, niềm tự hào mà Trung tá, CCB Nguyễn Minh Phúc (nguyên Tiểu đoàn U Minh 1, hiện là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn U Minh 1) có được. Thiêng liêng hơn, Trung tá Nguyễn Minh Phúc còn được tham gia cùng đoàn CCB Quân khu 9 ra Hà Nội thắp nhang Đại tướng trong những ngày diễn ra tang lễ.
Tham gia Tiểu đoàn U Minh 1 từ những ngày đầu thành lập, sau đó chuyển qua nhiều công việc như phụ trách Trường Huấn luyện cán bộ đại đội Quân khu 9; Hiệu phó trường Chính trị Khu Tây Nam Bộ Nguyễn Chí Thanh; sau giải phóng ông Phúc được phân công ra Côn Đảo làm Phó chủ tịch Uỷ ban Quân quản Côn Đảo. Cuối năm 1975, ông được đưa đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Cũng thời gian này, trường được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Sau đó, Đại tướng có buổi gặp riêng các đồng chí sĩ quan miền Tây. CCB Nguyễn Minh Phúc kể, bác Giáp rất ưu ái dân miền Tây. Ông nói, trong hai cuộc kháng chiến rất muốn đến thăm đồng bào, chiến sĩ miền Tây, nhưng có lẽ vì để đảm bảo an toàn nên Bộ Chính trị không sắp xếp. “Bác Hồ luôn nói Nam Bộ thành đồng nhưng đáng tiếc là tôi chưa được đến nơi đó”, CCB Nguyễn Minh Phúc nhắc lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các chiến sĩ tự vệ khu phố K và T vừa bắn rơi máy bay của Mỹ, ngày 22/12/1973. Ảnh: TTXVN |
Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất hơn 5 năm, CCB Nguyễn Minh Phúc lại được vinh dự cùng đoàn CCB là sĩ quan cao cấp các tỉnh phía Nam ra thăm bác Giáp. “Lúc bấy giờ sức khoẻ bác Giáp đã giảm sút nhiều, nhưng Bác vẫn nói chuyện và cười rất vui vẻ. Bác nói, 1 năm nằm viện đến mấy lần, nhưng tuổi già, đó là quy luật”, ông Phúc kể.
Ngày 4/10/2013, trái tim thiên tài quân sự, Đại tướng danh tiếng, “người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương cho bao người. CCB Nguyễn Minh Phúc được cử tham gia cùng đoàn CCB Quân khu 9 đi dự đám tang. Lúc đó tâm trạng ông đầy cung bậc cảm xúc buồn, vui lẫn lộn. Buồn vì thương tiếc một thiên tài, vui và vinh dự vì được ra Hà Nội thắp nhang ông.
Một vinh dự nữa là CCB Nguyễn Minh Phúc đã được chính tay mình cầm bút viết vào sổ tang khi vào viếng Đại tướng với những tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình: “Cả cuộc đời Người thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, với dân tộc. Người anh xứng đáng là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Suốt đời Người đi theo con đường của Bác đã vạch ra, làm tròn sứ mệnh lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người xứng đáng là anh hùng của dân tộc, anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Sau khi học xong ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông Nguyễn Minh Phúc tiếp tục được đưa đi học tập ở Liên Xô, sau đó về làm Trưởng Ban Tuyên giáo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đến năm 1985, Tỉnh uỷ Cà Mau xin về tỉnh và ông trải qua thêm nhiều vị trí công tác đến khi về hưu năm 1997.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN |
Hiện là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn U Minh 1, CCB Nguyễn Minh Phúc luôn cố gắng làm hết tinh thần trách nhiệm, luôn quan tâm đến đời sống của đồng chí, đồng đội một thời. Ngoài cố gắng vận động tổ chức các lần họp mặt, cất công gặp gỡ, tìm tài liệu viết lại lịch sử về Tiểu đoàn U Minh 1, ông còn vận động cất được 4 căn nhà cho đồng đội, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Là người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam mà người anh Cả là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ông Phúc nguyện trọn đời noi gương các bậc tiền bối, sống hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là người lính Cụ Hồ.
Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Phúc chia sẻ: “Ông quả là một nhân cách lớn, mặc dù là Đại tướng, nhưng ông vẫn sống trong ngôi nhà cổ hết sức giản dị tại số 30, đường Hoàng Diệu, xung quanh có nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên. Ông tiếp xúc, nói năng với mọi người thật từ tốn, gần gũi. Một điều phải hết sức ngưỡng mộ, nể phục ông là dù không qua trường lớp quân sự nào mà vẫn là thiên tài về quân sự...”.
Không chỉ thế, trong nhiều câu chuyện về Đại tướng, người ta thường kể về việc ông luôn tâm niệm rằng, không có chiến thắng nào trong chiến tranh là đẹp cả, vì vậy mà sau những chiến công, khi các chiến sĩ hò reo vui mừng thì ông lặng lẽ quay mặt đi, lau vội những dòng nước mắt. Đó là những giọt nước mắt thương tiếc những chiến sĩ đã hy sinh, những người lính bị thương, phải chịu tổn hại, mất mát đi một phần cơ thể đến suốt đời.
Hay câu chuyện về việc phục dựng lại ngôi nhà ở quê do giặc Pháp đốt (làng An Xá, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình), nơi ông sinh ra và sống suốt quãng đời tuổi thơ. Khi địa phương định dùng gỗ lim phục dựng thì Đại tướng một mực cản ngăn, bảo dùng cây gỗ địa phương, dùng gỗ quý sẽ làm tiền lệ cho mọi người vịn vào đấy phá rừng.
Còn nhớ, đầu năm 2017, báo chí đăng tin việc tại ngôi nhà Đại tướng ở số 30, đường Hoàng Diệu (Hà Nội) có một chú cầy vòi hương lạc vào trong tình trạng yếu ớt. Biết là động vật quý hiếm, thuộc Sách Đỏ, con cháu ông đã thông báo cho Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam đến tiếp nhận và nuôi dưỡng.
“Trái lành sinh quả ngọt”, những câu chuyện về Đại tướng, về gia đình ông là những bài học lớn về nhân cách xứng đáng để đời sau học tập./.
Huyền Anh