ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 07:35:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nguồn nhân lực Cà Mau góc nhìn từ thực tiễn. Bài 1: Hiện tượng bỏ học bất thường

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Cùng với hàng loạt chương trình, đề án được triển khai, Cà Mau đạt được những kết quả nổi bật. Thế nhưng, trong thực tiễn triển khai các chính sách về nhân lực, vẫn còn không ít trăn trở, băn khoăn. Loạt bài viết “Nguồn nhân lực Cà Mau - Góc nhìn từ thực tiễn” đi sâu vào những hiện tượng bất thường, những tồn tại, bất cập trong thực tế phát triển nguồn nhân lực tỉnh nhà. Qua đó, góp cái nhìn đa chiều, gợi mở những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững.  

Vài năm trở lại đây, ngành giáo dục Cà Mau đối mặt với hiện tượng khá bất thường, đó là tình trạng học sinh chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10, học sinh bậc THCS và THPT bỏ học với số lượng khá lớn. Con số mới nhất của ngành giáo dục Cà Mau cung cấp ngay trước thềm năm học mới (2019-2020), có hơn 2 ngàn học sinh hết lớp 9 chưa đăng ký vào học tại các trường THPT. Riêng năm học 2018-2019, số lượng học sinh bậc THCS và THPT bỏ học khoảng 2 ngàn em.

Hầu hết lượng học sinh “thất thoát” này hiện không có cách nào kiểm soát. Phải chăng trong công tác định hướng và phân luồng cho nguồn nhân lực dự bị này đang gặp vấn đề?

Thực trạng báo động

Đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại chỗ Cà Mau, học sinh trong hệ thống giáo dục chính là nguồn cung cấp cơ bản, chính yếu. Cà Mau là địa phương thực hiện tốt các chính sách về giáo dục, đặc biệt là hiệu quả phổ cập từng cấp. Theo Trưởng phòng THPT, Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Tấn Nguyên thì: “Năm học 2019-2020, sở mới bắt đầu tiến hành thống kê lượng học sinh bỏ học theo địa chỉ. Tức là nắm được tên tuổi, lý do các em bỏ học ở phạm vi toàn tỉnh”. Theo đó, số học sinh không vào lớp 1 và không vào lớp 6 cộng lại chỉ hơn 600 em ở năm học mới. Nếu so sánh với số hơn 2 ngàn em chưa đăng ký vào học lớp 10 thì quả là có sự biến động lớn. Nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhất theo ông Nguyên là “do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi làm ăn xa”.

Qua rà soát của ngành giáo dục, số học sinh bỏ học tham gia vào các cơ sở đào tạo nghề với lượng rất ít, chủ yếu là tham gia vào thị trường lao động phổ thông, nhiều nhất là theo gia đình đi lao động ngoài tỉnh. Ngành giáo dục cũng không thể kiểm soát được lượng học sinh này và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bỏ học trong vài năm qua. Ông Nguyên lý giải: “Học sinh có trường hợp rút học bạ xin chuyển, nhưng phần nhiều là bỏ ngang. Khi chính quyền địa phương kết hợp với nhà trường tìm hiểu, vận động, thì hầu hết các em đã rời khỏi địa phương, rất khó để liên lạc. Do đó, để lượng học sinh này quay trở lại ghế nhà trường là điều nan giải”.

Cũng cần phải nhận diện rõ, lứa tuổi bỏ học của học sinh ở Cà Mau tăng đột biến trong khoảng tuổi phân luồng lao động, tức là từ cuối bậc THCS và ở bậc THPT (15 tuổi). Nếu tính theo số lượng học sinh của toàn tỉnh Cà Mau dự kiến vào lớp 10 (năm học 2019-2020) hơn 14.500 em thì tỷ lệ thất thoát hơn 4 ngàn học sinh/năm là con số không hề nhỏ. Càng lo lắng hơn khi con số này duy trì trong suốt những năm gần đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Học viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn trong giờ thực hành.

Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Tân Bùi Minh Thiệp trăn trở: “Phú Tân là một trong những huyện có tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc THCS luôn ở mức cao trong mấy năm gần đây, như năm rồi có hơn 300 em. Năm nay theo tính toán cũng có gần 400 em hết lớp 9 nhưng chưa vào lớp 10”. Ông Thiệp cũng dẫn ra khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng này: “Do các em bỏ học ngang, rời địa phương theo gia đình làm ăn, có muốn vận động thì cũng không được”. Ông Thiệp còn cho biết, với những trường hợp đã bỏ học, được vận động đi học lại thì cũng có nguy cơ bỏ học tiếp rất cao.

Nếu như khoảng 4 ngàn em bỏ học ở các cơ sở giáo dục phổ thông được phân luồng, đào tạo tiếp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là chuyện đáng mừng. Điều lo lắng nhất là các em tham gia ngay vào thị trường lao động phổ thông, tự do, với nhiều hệ luỵ xã hội mà chưa thể lường trước hết.

Những tâm lý bất an

Có thể thấy, hiện tượng bỏ học của học sinh không xuất phát từ các điều kiện giáo dục, nó phản ánh những tâm lý xã hội lệch lạc, thậm chí là cực đoan về vấn đề học hành và cơ hội đổi đời từ con đường học hành của một bộ phận xã hội. Chúng tôi gặp gia đình ông Nguyễn Văn Hên, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi. Ông có 2 đứa con gái, 1 đứa học hết lớp 9, 1 đứa chưa học hết tiểu học rồi cho nghỉ. Ông Hên nói: “Cho đi học làm chi mai mốt cũng vậy hà. Đi học giờ tốn tiền lắm, mà có tương lai gì đâu. Lớn lớn chút thì cho nó đi làm kiếm tiền phụ gia đình”. Khi được hỏi, sao không cho cháu học hết phổ thông rồi đi học nghề, ông Hên cho biết: “Ở Cà Mau giờ học nghề gì? Học xong kiếm được việc làm không? Tụi tốt nghiệp đại học còn thất nghiệp quá trời quá đất, đi làm công nhân kìa!”.

Trò chuyện thêm, ông Hên chia sẻ, mấy đứa học cỡ lớp 8, lớp 9 lên Bình Dương, Đồng Nai là vô công ty, xí nghiệp làm được tuốt. Thấy chúng tôi băn khoăn, ông Hên nói: “Chỉ cần có người đỡ đầu, hoặc làm giấy tờ “chui” là mỗi tháng kiếm được 6-7 triệu đồng. Đi học thì biết chừng nào mới kiếm được tiền”.

Mang những băn khoăn ấy đến với Trường THCS Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, chúng tôi được thầy cô ở đây chia sẻ thêm nhiều khía cạnh của vấn đề. Thầy T nói: “Mấy năm gần đây học sinh cuối cấp cỡ lớp 8, lớp 9 nghỉ nhiều, nguyên do chính là phụ huynh khó khăn, người ta nói không đủ điều kiện nuôi con cái ăn học. Thêm nữa, có nuôi cho đi học rồi bây giờ việc làm phải xin, phải kiếm ở đâu”. Cà Mau chưa có số liệu cụ thể, nhưng đâu ít trường hợp học xong đại học, ra trường cầm tấm bằng mà không biết để làm gì.

Bạn Phan Phương Hoài Nhớ, dân ngoại ô TP Cà Mau, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm 3 năm nhưng vẫn chưa có việc làm. Sau khi gian nan để xin một chỗ làm, thực hiện ước mơ làm giáo viên bất thành, Nhớ đành làm phụ việc ở một chành xe trên Bến xe Cà Mau, phụ trách ghi chép và đóng gởi, ký nhận hàng hoá. Nhớ tâm tình: “Lúc ra trường, em háo hức lắm. Nói thiệt, em là dân thành phố nhưng điều kiện gia đình khó khăn lắm, tính ráng học để có công ăn việc làm, mà ra trường rồi xin hết chỗ này đến chỗ khác đều không nhận”. Gia đình Nhớ than thở: “Phải chi khỏi học đại học, tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền, học xong rồi cũng đi làm công việc chân tay”.

Tâm tư của Nhớ và gia đình phần nào lý giải được nguyên nhân của tình trạng học sinh bậc THCS, THPT bỏ học. Khi xã hội, nhà trường và gia đình không cùng định hướng, tiếng nói, sự hoang mang, dao động của học sinh là điều khó có thể tránh khỏi. Đối với một bộ phận người dân, những chuyện phân luồng, định hướng nghề nghiệp hay những ước mơ cao xa về tương lai hiển đạt từ sự nghiệp học hành đôi khi trở nên quá xa vời. Với họ, cơm, áo, gạo, tiền, cuộc sống bức bách trước mắt mới là điều cấp thiết. Rồi với tâm lý ấy, các em học sinh chớm bước vào tuổi thiếu niên, dễ ngộ nhận rằng, con đường học tập là con đường xa vời, không có lối thoát. Và việc bỏ học, lao vào kiếm tiền bằng sức lao động là điều dễ hiểu.

Em M, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, sau một thời gian bỏ học theo gia đình lao động ngoài tỉnh, giờ trở về học tập ở mái trường xưa. Khi hỏi em đã bỏ ý định thôi học chưa, M trả lời rụt rè: “Học thì em thích lắm, vui lắm, nhưng nếu học nữa thì cha mẹ không có tiền nuôi. Với lại, học lực như em thì sau này làm sao cạnh tranh lại người ta. Cha mẹ em ở Bình Dương mới điện về kêu em trở lên đi làm, em còn chưa biết tính sao?”.

Nếu không nắm bắt được và có những biện pháp điều chỉnh, thì tâm lý muốn con bỏ học, lao động kiếm tiền sớm sẽ trở thành cơn bão ngầm, cuốn phăng đi những ước mơ, khát vọng và tương lai của một bộ phận không nhỏ học sinh ở Cà Mau. Đây là một trong những nguy cơ đã hiển hiện, hầu như ai cũng nhận thấy, có tác hại ghê gớm nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mỗi năm, Cà Mau mất đi mấy ngàn học sinh, đó chưa phải là điều đáng quan ngại. Nhưng để xã hội mất phương hướng, các em học sinh không được hậu thuẫn vững vàng trước ngưỡng cửa tương lai, thì thử hỏi, nguồn nhân lực nào để góp sức dựng xây, phát triển quê nhà./.

 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tỉnh Cà Mau xác định là 1 trong 3 mũi đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến tầm vóc và tương lai phát triển của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/6/2011 của Tỉnh uỷ (khoá XIV) về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó nêu ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành tỉnh có mức phát triển khá của khu vực ĐBSCL và là 1 trong 4 tỉnh động lực của vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau). 

Phạm Quốc Rin

Bài 2: khoảng trống trong phân luồng và đào tạo nghề

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.