ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 04:34:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nguồn nhân lực Cà Mau góc nhìn từ thực tiễn.Bài 2: Khoảng trống trong phân luồng và đào tạo nghề

Báo Cà Mau (CMO) Lao động Cà Mau từ 15 tuổi trở lên đã và đang có một cuộc “di dân” ào ạt, tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh mà chưa có dấu hiệu vãn hồi. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra chính là khoảng trống trong việc phân luồng, đào tạo nghề tại địa phương.

Lực lượng lao động trong độ tuổi ở Cà Mau rất dồi dào với trên 700 ngàn người, chưa kể lực lượng dự bị cũng vô cùng lớn. Theo số liệu thống kê từ HĐND tỉnh Cà Mau qua các cuộc giám sát chuyên đề, riêng lực lượng thanh niên hiện có của tỉnh hơn 262 ngàn người, trẻ em dưới 16 tuổi cũng lên tới hơn 265 ngàn người. Một con số chưa có thống kê rõ ràng, chỉ qua đối chiếu mà Sở LĐ-TB&XH chỉ ra, hàng năm Cà Mau có khoảng 30 ngàn lao động thuộc diện không thể kiểm soát. 

Hệ thống đào tạo nghề nhiều bất cập

Tại Cà Mau hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư mạnh mẽ, có chế độ thu hút, đãi ngộ với người học nhưng vẫn trong tình trạng thưa vắng người học. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh Đào Quốc Khởi thông tin: “Hiện trung tâm có 4 nghề chưa đào tạo được là sửa xe, may công nghiệp, trang điểm và nghề hàn”. Lãng phí hơn, trang thiết bị tiền tỷ đầu tư cho các nghề này vẫn đang nằm im lìm trong kho và chưa từng được sử dụng lần nào. Ông Khởi cho biết thêm: “Của một đống tiền, có cái đầu tư cách đây 7-8 năm mà chưa… có dịp sử dụng”. Trớ trêu hơn, có một số máy móc mà ngay cả tên gọi còn lạ lẫm với giáo viên, huống hồ vận hành, sử dụng.

Bất cập, khó khăn là tình hình chung của tất cả các trung tâm nghề nghiệp huyện. Tại huyện U Minh, khi giáo viên Nguyễn Thị Bích Tuyền mở cửa để giới thiệu về phòng thiết bị công nghệ thông tin, nhiều người không tin vào mắt mình vì công nghệ lạc hậu, cũ kỹ và hầu như không có người theo học. Chị Tuyền cho biết: “Máy này giờ đâu ai học nữa, lạc hậu quá rồi, hư hỏng nhiều nữa, mở được vài lớp rồi bỏ không”.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện U Minh Ngô Thị Bình trăn trở: “Người học không mặn mà, trong khi trình độ giáo viên có giới hạn. Chỉ với 3 tháng đào tạo lao động nông thôn thì như muối bỏ biển. Lao động đào tạo ở đây ra đi làm ở công ty thì bị chê là trình độ thấp, phải đào tạo lại, vậy nên người ta cảm thấy phí thời gian khi theo học”.

Ngọc Hiển cũng vấp phải những khó khăn tương tự, khi lĩnh vực đào tạo chính vẫn là phi nông nghiệp. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Ngọc Hiển Nguyễn Thành Đời cho biết: “Trang thiết bị lạc hậu, trình độ giáo viên thấp khiến các nghề phi nông nghiệp rất khó thực hiện. Nhiệm vụ mà chúng tôi tập trung vẫn là mở các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Nhiều trang thiết bị nghề may đang “đắp cao su” vì hư hỏng hết sửa chữa được. Các nghề khác như sửa chữa xe máy, sửa điện tử, cơ khí thì đã quá lạc hậu, trong đó có cái chưa được sử dụng lần nào. Ông Đời băn khoăn: “Mình dạy sửa xe số, xe cúp, mà bây giờ người ta toàn chạy tay ga không à!”.

Một bạn trẻ tại cửa biển Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh lao động phụ giúp gia đình.

Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại đánh giá: “Đào tạo nghề chủ yếu là ở mức phổ thông, sơ cấp và tập trung cho người lao động nông thôn ứng dụng tại gia đình. Địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của lao động có trình độ, chất lượng để tham gia thị trường lao động. Lao động địa phương ra ngoài tỉnh tìm việc chủ yếu cũng phải được đào tạo lại, hoặc làm các công việc lao động chân tay”. Ông Toại nhận định, việc tìm người theo học ở các lớp ngày càng khó vì người lao động nông thôn còn phải mưu sinh hàng ngày. Vòng luẩn quẩn giữa việc thu hút người học và khả năng đáp ứng nhu cầu khiến hoạt động trung tâm trong tình trạng khó khăn.

Chưa đầu tư thương hiệu và tạo chuỗi liên kết

Thành lập năm 2015, Cao đẳng Việt - Hàn là trường nghề chuyên nghiệp nhận được kỳ vọng rất lớn của địa phương. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hồng Nhung giới thiệu: “Trường được đầu tư xây dựng hiện đại bậc nhất ĐBSCL, là 1 trong 5 trường tại Việt Nam được Hàn Quốc hợp tác đầu tư. Mỗi năm, trường đào tạo chỉ trên dưới 500 học viên ở tất cả các cấp độ học nghề, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Có thể thấy với quy mô, sự đầu tư và định hướng phát triển, con số này quá khiêm tốn.

Phó hiệu trưởng nhà trường Huỳnh Minh Hiếu cho biết: “Cái khó nhất của trường vẫn là thu hút học viên, sinh viên. Như đã biết, lực lượng lao động cần tay nghề, trình độ ở Cà Mau vô cùng lớn, thế nhưng số lượng tuyển sinh của trường chưa có sự chuyển biến mạnh”. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do khả năng giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường lao động chưa phù hợp với nghề. Đơn cử nghề sửa chữa ô tô, hầu như học viên phải tự xoay xở để tìm việc ở ngoài tỉnh.

Dù được đầu tư bài bản, mạnh mẽ, song trường vẫn trong tình trạng khó khăn và chưa thật sự sẵn sàng để gánh trên vai nhiệm vụ đầu tàu cho đào tạo nghề chất lượng cao tại Cà Mau. Theo ông Hiếu: “Khó khăn của trường là một số nghề chưa được đầu tư đồng bộ, lực lượng giáo viên, giảng viên có trình độ còn hạn chế và nhất là nhu cầu thị trường lao động tại Cà Mau chưa nhiều”. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải nhấn mạnh: “Làm sao để người ta biết tới mình, đào tạo xong là có việc làm ngay, người học từ trường mình ra tay nghề giỏi, đạo đức tốt thì tin rằng nhà trường sẽ tiếp đà đi lên. Tầm vóc của nhà trường phải xứng đáng với sự kỳ vọng, đó là thu hút cả trong và ngoài tỉnh, là đầu tàu của cả khu vực”.

Các cơ sở đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng hiện có của Cà Mau nhìn một cách tổng quan chỉ đào tạo “những gì mình có” mà chưa thật sự quan tâm đến “người học cần gì”. Trong khi đó, chưa bàn đến chất lượng đào tạo của các cơ sở này, nhưng uy tín, thương hiệu và câu chuyện “đầu ra” cho sinh viên hết sức khó khăn. Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Tiến lấy ví dụ rằng: “Hãy nhìn vào nguồn nhân lực ngành du lịch. Cà Mau đã và đang rất thiếu, thế nhưng lộ trình, kế hoạch để đào tạo bổ sung, nâng cao chất lượng hầu như không có”.

Tại các trường THPT, nơi khởi đầu của việc phân luồng lao động, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp vẫn còn theo kiểu hình thức. Các sàn giao dịch việc làm của tỉnh Cà Mau cũng chưa thật sự đủ sức hút và tạo cơ hội việc làm thực sự. Một thực trạng có thể chỉ ra, đó là các công ty, xí nghiệp chủ yếu đến sàn giao dịch để quảng cáo, giới thiệu thương hiệu của mình, còn nhu cầu về người lao động rất ít, thậm chí không có. Chính tình trạng này khiến câu chuyện việc làm đã bức thiết càng trở nên rối rắm.

Thay đổi nhận thức của lực lượng lao động cũng không phải là chuyện dễ dàng. Người ta sẵn sàng nhận mức lương thấp chỉ cần không phải học hành “lu bu”, tốn thời gian. Nhận thức ấy kèm theo muôn vàn hệ luỵ, người lao động Cà Mau dễ dàng bị lệ thuộc, thậm chí bị o ép khi tham gia vào thị trường lao động đòi hỏi trình độ, kỹ năng, năng suất thời đại công nghiệp. Vấn đề còn lại là của các cơ sở đào tạo nghề, phải tính toán, nghiên cứu, định hướng thế nào để đào tạo gắn với việc làm, gắn với thị trường lao động, gắn với nhu cầu của lao động. Hơn thế nữa, phải tạo ra chuỗi liên kết, có sự tương tác và hỗ trợ nhau trong toàn hệ thống, may ra người học mới mặn mà quan tâm, tìm đến./.

Phạm Quốc Rin

Bài 3: Cuộc khủng hoảng thừa nhân lực chất lượng

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.