(CMO) “Những nơi xảy ra đuối nước không chỉ có sông, hồ mà còn có những vũng nước nhỏ, thau nước đầy… Dù trẻ biết bơi, nguy cơ đuối nước vẫn luôn rình rập, do đó, không chỉ trẻ nhỏ mà kể cả người lớn cần nắm vững những kỹ năng cơ bản xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước”, ông Vương Ngọc Long, giáo viên dạy bơi, thuộc Sở GD&ÐT Cà Mau, nhấn mạnh.
Theo số liệu báo cáo của các huyện, TP Cà Mau và các ngành có liên quan, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 147 trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), trong đó tử vong do đuối nước là 13 em, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 12 em. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 4 trẻ em tử vong do đuối nước.
Rất nhiều trẻ tự ý rủ nhau bơi lội, nô đùa ở ao, hồ, sông…, các bậc phụ huynh cần theo dõi, quan sát chặt các em. (Ảnh chụp tại khu vực bờ kè Phường 8, TP Cà Mau, tháng 1/2022). Ảnh: ANH TUẤN |
Chỉ rõ nguyên nhân, ông Long cho rằng, người lớn còn chủ quan, không quan sát các em khi vui chơi, sinh hoạt.
“Một số phụ huynh chưa nắm rõ kiến thức về việc dạy bơi và phòng, chống đuối nước. Như việc dạy bơi, khi thấy con có thể chòi đạp dưới nước thì nghĩ là con đã biết bơi, nhưng thực chất con phải bơi được ít nhất 20-25 m. Về cách xử lý khi trẻ gặp nguy hiểm dưới nước cũng phải đúng, sơ cứu kịp thời”, ông Long nhận định.
Như việc khi phát hiện trẻ đuối nước, cách làm trước nay là ôm sốc chạy để trẻ ói nước, thở được. Theo ông, cách này không đúng. Xử lý cơ bản nhất là phải quan sát, sau đó khai thông đường thở cho người ngạt nước. Vì khi rớt xuống nước, nhiều vật thể: bùn, rác… dễ rơi vào đường thở do hoảng loạn, cố cầu cứu. Nếu không quan sát mà sốc ngược có thể dẫn đến đồ ăn thức uống dồn ngược làm nghẹt đường thở. Khi sơ cứu cần xem tình trạng người đuối nước còn ấm, còn thở hay không để xử lý đúng cách và phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
“Có nhiều em bơi giỏi nên ba mẹ không để tâm, chủ quan cho con ăn uống khi bơi, hoặc khi bơi không khởi động, làm nóng cơ thể, thử nước trước… Kể cả người lớn bơi giỏi nhưng nếu uống rượu bia, ngâm hồ, bơi ngang sông… đều rất dễ dẫn đến đuối nước, nguy hiểm”, ông Long phân tích thêm.
Vụ việc học sinh đuối nước tại điểm du lịch của huyện U Minh vừa xảy ra hồi tháng 2 gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước tại các nơi này. Ông Vương Ngọc Long cho rằng, tất cả các khu vui chơi giải trí, du lịch có hồ bơi, ao, sông, hồ… đều phải có chứng nhận, chứng chỉ cơ bản về phòng, chống đuối nước, có nhân viên sơ cấp cứu xử lý các tình huống. Ngoài ra, cần có biển cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu khách mặc áo phao… Thực tế, tại nhiều nơi quản lý lỏng lẻo, chưa có sự quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước, không biết cách xử lý, hoặc xử lý sai cách.
“Khảo sát các điểm trường học tại TP Cà Mau sẽ thấy số học sinh biết bơi, nhất là ở cấp tiểu học chỉ chiếm trên dưới 10%. Phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc dạy bơi cho con trẻ. Trẻ học lớp chồi, lá đã có thể làm quen với học bơi và học rất nhanh. Bơi cũng là môn thể thao vận động rèn luyện sức khoẻ, bổ ích. Tôi đã dạy bơi miễn phí cho rất nhiều đối tượng như trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ, bán vé số…, các em học rất tốt. Mong rằng quý phụ huynh sẽ quan tâm hơn việc cho con học bơi, vì trong mỗi khoá học đều có dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ðặc biệt, phụ huynh cũng có thể tham gia học cùng con”, ông Vương Ngọc Long khuyến cáo.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH Cà Mau, cho biết, trong năm 2021, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 15/9/2021 thực hiện chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Sở LÐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và mạng lưới cộng tác viên ấp, khóm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống TNTT trẻ em nói riêng. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống TNTT trẻ em phù hợp với tình hình địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
“Hàng năm, sở đều tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí cho các huyện tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn, các em có nhu cầu học bơi… và phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn, hội thi tìm hiểu về Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại, TNTT trẻ em…”, bà Thu Tư cho biết thêm.
Theo bà Tư, để hạn chế tình trạng TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em, ngành sẽ triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể: phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường truyền thông phòng, chống TNTT trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan; tiếp tục phối hợp với các ngành duy trì, triển khai các hoạt động, như mô hình “Trường học an toàn, nhà trẻ an toàn”; mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại các xã, phường, thị trấn; lồng ghép các hoạt động dạy bơi gắn với các mô hình giáo dục kỹ năng cho trẻ em như học kỳ quân đội, trại hè thiếu nhi… Ngoài ra, còn tổ chức các lớp học bơi cho trẻ em trong dịp hè. Ðặc biệt phối hợp với các ngành chỉ đạo các chi, hội, đoàn thể tại cơ sở tăng cường tuyên truyền đến từng gia đình cần quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em để phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào./.
Băng Thanh