(CMO) Tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hoá quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách, lâu dài. Chính vì vậy, cần phải có sự đồng lòng, nhất trí của toàn Ðảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Nhân dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Tranh: Minh Tấn |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng, làm việc gì cũng phải có quần chúng Nhân dân tham gia. Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nếu không dựa vào sự phát hiện của Nhân dân thì khó có thể “vạch mặt, chỉ tên” chính xác và kịp thời những “tham quan, ô lại” mới.
Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, việc phát huy cao độ vai trò của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang trở thành yêu cầu mang tính cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Song, công việc này thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Có lúc, có nơi, người dân dũng cảm tố cáo những hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng chưa được bảo vệ đúng mức, thậm chí còn bị trù dập, đe doạ; cơ chế động viên Nhân dân phát hiện, tố cáo các vụ việc tham nhũng, tiêu cực chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất; một số vụ án tham nhũng, lãng phí chưa được xử lý kịp thời... Những nguyên nhân trên chưa tạo cho người dân động lực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ðồng thời, hạn chế kết quả của cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Thực tiễn đã kiểm chứng và khẳng định việc động viên, phát huy vai trò của Nhân dân luôn là một trong những nhân tố góp phần quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trận chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Ðể phát huy vai trò của Nhân dân trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - thứ “giặc nội xâm” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện hiệu quả một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đề cao trên thực tế quyền làm chủ của Nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ðây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, cần củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng với Nhân dân; tiếp tục quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng, coi trọng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đất nước với nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân. Thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội trên cơ sở bảo đảm phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ hai, Ðảng phải xây dựng, rèn luyện, lựa chọn đội ngũ cán bộ có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Việc bố trí sử dụng cán bộ trong bộ máy Ðảng và hệ thống chính trị phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ về quyền lực, trách nhiệm công vụ và thái độ phục vụ Nhân dân. Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân; loại ra khỏi hàng ngũ của Ðảng những kẻ thoái hoá, biến chất, những cán bộ không trung thực, nói không đi đôi với làm. Trên thực tế, chính đội ngũ cán bộ là hình ảnh và đại diện trực tiếp của Ðảng trước Nhân dân, vì thế sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ðảng phải giữ gìn mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, tin dân, thực hiện dân chủ thực chất, dựa vào dân và phát huy bằng được vai trò của dân để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong quần chúng Nhân dân. Thực tế thời gian qua cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế hiệu quả tham gia của Nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính bởi Nhân dân chưa hiểu đầy đủ về hệ thống quy định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, thông qua các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể như giáo dục chuyên đề, học tập, phổ biến kiến thức, hay những buổi toạ đàm, mít tinh, các cuộc thi tuyên truyền pháp luật… Ðồng thời, nội dung tuyên truyền, phổ biến phải toàn diện, trong đó tập trung vào các điều, khoản của “Luật Phòng, chống tham nhũng”, “Luật Khiếu nại, tố cáo”...
Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phát hiện và tố cáo những vụ việc tiêu cực, các hành vi tham nhũng, lãng phí. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương là những tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích và nguyện vọng của Nhân dân. Phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc giám sát, phát hiện và tố cáo những vụ việc tiêu cực ở địa phương là góp phần nâng cao vai trò của Nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, cần từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, nhất là ban công tác Mặt trận và tổ dân vận ấp, khóm; kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết, xử lý trên cơ sở tôn trọng những quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Phát huy vai trò của Nhân dân đã và sẽ là vấn đề có ý nghĩa vô cùng to lớn, là cơ sở quan trọng để cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Với việc phát huy vai trò của Nhân dân, tin tưởng rằng tệ nạn tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi./.
Phan Bảo Dương