(CMO) Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Văn Thời, trong 7 tháng năm 2017, nơi đây tiếp nhận và xử lý 1.893 hồ sơ, trong đó có trên 525 hồ sơ thuộc lĩnh vực người tàn tật, không có hồ sơ trễ hạn. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của tỉnh, phần lớn các hồ sơ vẫn còn tình trạng trễ hạn.
Theo trình tự tác động hồ sơ, hồ sơ trợ cấp khuyết tật của ông Nguyễn Hữu Đăng (ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc) được UBND xã tiếp nhận ngày 1/1/2017, ngày 10/3 xã mới duyệt hồ sơ và chuyển về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện vào ngày 4/4. Ngày 14/5, Phòng Lao động chuyển về cho UBND huyện và ngày 9/5, UBND huyện ra quyết định.
Quy trình giải quyết hồ sơ của bà Võ Thị Yến Phượng (ấp Kinh Hãng C, xã Khánh Hưng) cũng trễ hạn so với tổng thời gian quy định. Theo đó, bà Phượng có đơn đề nghị vào ngày 7/2, ngày 9/3 xã tiếp nhận và chuyển về Phòng Lao động ngày 1/4. Ngày 19/4, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND huyện và ngày 9/5 UBND huyện ra quyết định.
Từ ngày 4/1/2017 đến nay, tại bộ phận một cửa UBND thị trấn Sông Đốc tiếp nhận và giải quyết 102 hồ sơ thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Tuy nhiên, khi kiểm tra sổ theo dõi tiếp nhận và trả kết quả chỉ 4 thủ tục có hẹn ngày trả kết quả. Còn lại thiếu thông tin ghi nhận ngày, tháng trả kết quả, thiếu chữ ký của người nhận kết quả. Một số TTHC có thời hạn giải quyết chưa xuất phiếu tiếp nhận và trả kết quả theo quy định, chưa có phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ. Phần lớn công tác giải quyết hồ sơ còn trễ hạn tại 3 khâu. Địa phương vẫn còn tiếp nhận thừa 2 thành phần hồ sơ có chứng thực (vi phạm Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ).
Hiện nay, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Văn Thời chưa đúng với trình tự; quá trình giải quyết hồ sơ TTHC từ cấp xã thiếu văn bản đề nghị, không phiếu theo dõi quá trình giải quyết TTHC và giấy biên nhận hồ sơ, nên những hồ sơ trễ hạn không thể kiểm soát được trễ từ đâu.
Theo Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Văn Thời Phan Ngọc Lợi, 7 tháng năm 2017, phòng tiếp nhận và xử lý 1.893 hồ sơ thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Trong đó, có 525 hồ sơ thuộc lĩnh vực người tàn tật. Ngoài số tiền chi trên 5 tỷ đồng cho đối tượng chính sách thì huyện chi khoảng 2 tỷ đồng cho các đối tượng bảo trợ.
Ông Phạm Quốc Sử (bìa trái), Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp hướng dẫn chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Văn Thời về quá trình tác nghiệp hồ sơ. |
Theo ông Phạm Quốc Sử, Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp, chính việc trễ hạn trong giải quyết hồ sơ nên thời gian qua, Cà Mau vẫn còn những trường hợp hồ sơ có quyết định thì đối tượng đã từ trần.
Ông Phạm Quốc Sử lưu ý, các địa phương không được bỏ qua thủ tục niêm yết công khai tại cấp xã; những hồ sơ thuộc lĩnh vực này phải có văn bản đề nghị cấp xã. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng xét duyệt hồ sơ tại cấp xã. Do hiệu quả hoạt động còn hạn chế, nên đây là nguyên nhân dẫn đến việc trễ hạn trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho người dân. Đối với cấp huyện, cần đưa toàn bộ TTHC này vào tiếp nhận tại bộ phận một cửa của huyện để khắc phục tình trạng sai sót khâu tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả./.
Thanh Phương