ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:35:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhìn cánh điệp rơi

Báo Cà Mau Từ bàn giáo viên, nhìn qua khung cửa sổ, từng cánh điệp vàng cứ chốc chốc lại lặng lẽ rơi trong gió. Vậy là một mùa hè nữa đã trở về, và tôi đã kết thúc một năm đứng lớp đầy vất vả, như một người đưa đò cần mẫn chở bao học trò sang sông để đến với bến bờ tri thức. Hoa điệp nở, hoa điệp rụng mang cho tôi bao cung bậc cảm xúc về những ngày đã qua...

Từ bàn giáo viên, nhìn qua khung cửa sổ, từng cánh điệp vàng cứ chốc chốc lại lặng lẽ rơi trong gió. Vậy là một mùa hè nữa đã trở về, và tôi đã kết thúc một năm đứng lớp đầy vất vả, như một người đưa đò cần mẫn chở bao học trò sang sông để đến với bến bờ tri thức. Hoa điệp nở, hoa điệp rụng mang cho tôi bao cung bậc cảm xúc về những ngày đã qua...

Cây điệp vàng trong sân trường trồng từ lâu lắm rồi. Có lẽ, ngoài hoa phượng, hoa bằng lăng thì hoa điệp gắn bó với lứa tuổi học trò nhiều nhất. Nhìn khung cảnh trường yên ắng, có vài tiếng chim kêu, màu vàng của điệp cứ không ngừng bay bay trong gió, tạo nên một khung cảnh hết sức lãng mạn cho bức tranh ngày hè ở trường tôi. Và dù là học sinh hay giáo viên, nếu xa trường, xa lớp vẫn khắc khoải lắm về cây điệp vàng già nua ấy. Nhớ từng cánh điệp như ngàn con bướm nhỏ xíu đậu trên sân trường, trong những ngày đầu hè yên ả.

Ảnh: NHẬT HUY

Những cành cây gầy gộc vươn mình trong nắng, trong gió rồi đến hẹn lại lên, cây điệp lại bung nở những chùm hoa tươi rói. Hoa điệp không được ưu ái như hoa phượng hay hoa bằng lăng. Bởi lũ học trò thường thích ép những cành hoa phượng vĩ thành hình cánh bướm, hay vô vàn hình hài khác vào trong sách, trong vở. Còn hoa bằng lăng thì chúng thi nhau hái từng chùm, từng chùm cài lên tóc, lên giỏ xe một cách điệu đà. Hoa điệp thì ít khi nào chúng đụng tới, vì hoa điệp nở cao chót vót, nếu cánh hoa có rơi thì chúng vô tình giẫm chân qua lại, hay ngồi dưới gốc điệp ăn quà vặt, đọc sách, nói cười. Nhưng khi xa trường, quay về thăm trường cũ thì đứa nào cũng mân mê, thích chụp hình dưới gốc điệp.

Màu vàng của hoa điệp không phải là màu tàn úa, mà đó là màu của sức sống mãnh liệt. Màu vàng của hoa điệp luôn gợi nhớ trong tâm trí của mỗi người. Không riêng gì ở trường tôi, một số thành phố lớn cũng trồng xen kẽ hoa điệp vàng với những loại cây xanh khác. Và mỗi khi mùa hoa điệp về, phố phường như khoác lên một chiếc áo màu vàng ươm, nổi bật trong vô số sắc xanh của các loài cây khác.

Hoa điệp gắn với tôi thật nhiều kỷ niệm. Bao mùa thi trôi qua cùng với bao mùa điệp vàng, rồi bao thế hệ học trò đã xa trường. Chiếc ghế đá dưới gốc điệp vẫn ngẩn ngơ theo dòng thời gian. Khi những tia nắng đầu ngày lấp ló qua cửa sổ, và những tiếng ve báo hiệu mùa sang, cây điệp vẫn bung nở, những chùm hoa tươi rói, gọi tiếng chim về làm tổ.

Giữa cái thế giới sắc màu ấy. Màu trắng của áo dài, màu xanh xanh của lá, màu đỏ của phượng vĩ, màu bảng đen phấn trắng, màu của những giọt nắng cuối ngày... Màu nào cũng mang vẻ đẹp riêng, nhưng tôi vẫn yêu nhất là cái màu của hoa điệp vàng.

Tuy không có giá trị về mặt kinh tế, nhưng hoa điệp thường mang cho người ta bao cảm xúc khó tả. Tôi còn nhớ những năm tháng nghèo của thời sinh viên, trong căn phòng trọ chật chội của bọn con gái chúng tôi, lúc nào cũng có lọ hoa “hỗn hợp”, tức là vừa hoa điệp, hoa lau, hoa phượng, hoa bằng lăng cắm trên chiếc bàn học nhỏ nhắn. Hoa không có mùi thơm, chỉ có một sắc vàng, nhưng đủ để mang lại sự rực rỡ cho căn phòng.

Những cánh điệp vàng chỉ cần một cơn gió thổi qua, lại lả tả rơi như một cơn mưa hoa. Trong nắng vàng, hoa điệp như vàng hơn. Tuy trong sân trường có vẻn vẹn một cây điệp vàng, không nhiều như bao nơi khác, cũng không tạo nên những cung đường hoa điệp lãng mạn, nhưng chỉ cần nhìn vài cánh điệp rơi ngoài khung cửa, tôi cảm thấy thời gian sao trôi nhanh quá.

Phải chăng rồi đến một lúc nào đó, tôi sẽ cảm nhận được sự ngắn ngủi, cũng như mong manh của một kiếp người. Như những chùm hoa điệp vàng kia, lặng lẽ nở, lặng lẽ làm đẹp cho đời, rồi những cơn gió đến mang cánh điệp đi. Loài hoa không hương, chỉ giản dị một màu vàng, nhưng nó khéo gieo vào lòng người một nỗi nhớ không nguôi.

Và ngoài kia, thêm vài cánh điệp rơi, mặc cho ánh nắng mai đang trải dần trên sân trường...

Thân Thị Thanh Trâm

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.