ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 16:51:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ chuyện về 2 ông “Ba...”

Báo Cà Mau (CMO) 10 năm qua, cứ gần đến ngày lễ 30/4 là tôi lại lò dò kiểm lại trong đầu danh sách các đồng chí lão thành cách mạng từng tham gia sự kiện giải phóng và tiếp quản thị xã Cà Mau.

Có những cô chú thấy mình cứ “đến hẹn lại lên” thì nói rằng: “Năm nào bây cũng hỏi nhiêu, mà câu trả lời cũng có nhiêu đó. Lịch sử mà, đâu nói khác được. Cô chú cũng lớn tuổi, trí nhớ năm sau có khi tệ hơn năm trước, bây cứ ghi lại kỹ một lần rồi xài dài dài”. Năm nay, tôi bần thần khi nhận ra, nhiều cô chú, những người đã làm nên ngày toàn thắng của bán đảo Cà Mau đã không còn nữa. Khoảnh khắc lặng ngắm sự phát triển của quê hương trong những ngày kỷ niệm 44 năm hoàn toàn giải phóng, có chút gì đó bùi ngùi, tiếc nhớ…

Cách đây 4 năm, đúng dịp 40 năm kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, báo Cà Mau có đăng tải bài viết về quá trình giải phóng, tiếp quản thị xã Cà Mau của một cộng tác viên. Cố Phó bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Cơ (Ba Báu) khi đó đã gần 90 tuổi, chỉ mặc quần đùi, giữa trưa lội bộ từ nhà (đường Trần Hưng Đạo) sang nhà Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2 thời điểm năm 1975, sau này là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, hiện ngụ tại đường Hùng Vương) để bàn thêm các chi tiết không đúng có trong nội dung bài báo này.

 Ông Ba Báu khẳng định, nhân vật trong bài viết này chỉ ở cấp độ cán bộ tiểu đoàn, các thông tin nhiều chỗ không chính xác, có chỗ đề cao chủ nghĩa cá nhân. Ông Tám Tính cũng đồng quan điểm với ông Ba Báu, nhân vật cung cấp thông tin này không đáng tin cậy, bởi vị trí công tác và nhiệm vụ được phân công chỉ ở mức độ của tiểu đoàn. Ngay sau đó, ông Ba Báu có ý kiến với nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh để có hướng khắc phục kịp thời.

Sau đó, tôi tháp tùng Nhà báo Nguyễn Chiến, khi đó là Phó tổng biên tập (hiện đang là Tổng biên tập báo Cà Mau) sang nhà ông Ba Báu để ghi lại diễn biến của sự kiện giải phóng và tiếp quản thị xã Cà Mau. Khi đó, đồng chí Nguyễn Hồng Cơ trí tuệ minh mẫn, nhớ rất kỹ các chi tiết, chỉ có điều đã nghe hơi kém. Tôi phải ghi các câu hỏi ra giấy, và cứ thế ông Ba nói một mạch, hầu như không vấp chỗ nào. Ý kiến của ông Ba là phải có bài viết đính chính, phản hồi và làm việc với tác giả của bài viết trước đó để trả lại sự thật của lịch sử.

Vậy rồi bài báo “Sự thật và lịch sử không bao giờ thay đổi” được đăng tải ngay sau buổi nói chuyện ấy đã được biếu tận tay ông Ba. Cũng trong bài báo này, chúng tôi kịp ghi lại một số câu chuyện ít người biết về những giây phút trọng đại của quê hương Cà Mau, thời điểm cận kề giải phóng.

Ông Đoàn Thanh Vị (mặc áo đen) cùng ông Lê Đức Thọ (người ngồi trước), Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trong chuyến về thăm tỉnh Minh Hải những năm đầu giải phóng.  Ảnh tư liệu

Tối 30/4/1975, Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương gọi điện xin hàng, sáng 1/5 hẹn gặp tại Hãng nước mắm Việt Hương, Phường 4. Ông Ba Báu khi đó thuật lại: “Xe của địch chạy vừa qua dốc Cầu Quay thì đồng thời chiếc “đầm già” - L19 chở Nhan Nhựt Chương bỏ trốn đột ngột vụt lên phía sân bay”.

Cũng ngay đó, tên Tỉnh phó, Tham mưu trưởng đã ra đón tiếp và làm việc với các đồng chí Bùi Hữu Mi, Nguyễn Hồng Cơ. Sau đó, các mũi chủ lực của ta, mũi phía Bắc đã tiến đến các vị trí trọng yếu. Buổi họp giữa ta và địch thành phần gồm các đồng chí chỉ huy chiến dịch của ta và rất đông sĩ quan nguỵ. Cán bộ cấp tiểu đoàn không ai có mặt vì phải bảo đảm tác chiến tại đơn vị mình.

Hôm đó trời đổ mưa lớn. Khi ngồi cạnh nhau trò chuyện, sĩ quan nguỵ tên Nguyễn Mộng Tưởng, gia đình ở miền Trung, thổ lộ: “Ở quê tôi còn một mảnh vườn nhỏ, chắc sau này tôi về lại đó sinh sống”. Tên Tỉnh phó, Tham mưu trưởng thì nói: “Từ nhỏ tôi theo con đường binh nghiệp, không có tấc đất, không nhà, giờ không biết về đâu!”.

Sau đó, tên Tỉnh phó về dinh thự của mình, phía ta khéo léo cử đồng chí Bảy Khế, tức Mai Thanh Ân, theo “bảo vệ” với 1 tiểu đội. Cũng vì tài ăn nói, ông Bảy Khế được tên Tỉnh phó tặng một khẩu rulo báng ngà voi. Khi đưa súng, tên Tỉnh phó nói: “Lúc nãy tôi chưa bàn giao khẩu súng này là vì chưa biết rõ thái độ của các ông. Nếu có chuyện gì tôi sẽ dùng khẩu súng này tự kết liễu”.

Cũng khi trời mưa, đồng chí Bảy Nông, tức Nguyễn Minh Đức, Bí thư Tỉnh uỷ, thấy một chiếc xe. Ông nóng lòng chờ tin ở phía Bạc Liêu. Ông đi ngay. Sau này mới biết, ông và đồng chí Ba Vị (Đoàn Thanh Vị) gặp nhau tại Bạc Liêu trong niềm vui chiến thắng. Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng và tiếp quản thị xã Cà Mau đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Còn tại Bạc Liêu, cuộc đàm phán ngày 30/4/1975 giữa ta và đại diện phía địch, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đã diễn ra tốt đẹp ngoài sự mong đợi. Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng mà không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu. Ông Đoàn Thanh Vị, người con của đồng đất U Minh, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu khi ấy còn được tên Tỉnh trưởng Bạc Liêu mời ăn một bữa cơm toàn thắng với món canh bồn bồn nấu với cá rô.

Về sau này, trong hồi ký “Nhớ mùa Đồng Khởi”, ông Ba Vị có viết về thời khắc ấy: “Khi tiếp quản Bạc Liêu, tôi phát biểu và dặn các sĩ quan, binh sĩ bàn giao vũ khí, kho tàng, tài liệu, ngân khố… cho nghiêm chỉnh, trình diện đúng ngày giờ, đi lại phải có giấy tờ của Uỷ ban quân quản, khi có lệnh phải tập trung đầy đủ. Nói xong tôi bước ra hội trường. Tên Trung tá Đôn chạy lại nói với tôi: Thưa ông! Trong tay tôi còn mười ba ngàn quân, thua như thế này nhục quá, xin ông thông cảm cho. Tôi nói: Ông Đôn, đến bây giờ ông chưa hiểu vinh, nhục như thế nào sao, nhục là dân tộc ta nô lệ ngoại bang, vinh là dân tộc ta nay được giải phóng, trong đó có ông và thân nhân gia đình ông. Tôi nói và nhìn thẳng vào mắt của Trung tá Đôn, cố truyền vào con người này sự nhận thức mới. Khi bước về dinh Tỉnh trưởng, Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu rụt rè bước đến: “Thưa ông, tôi lái xe cùng ông đi về chỗ tôi”.

Nhớ có lần qua gặp, phỏng vấn ông Ba Vị, lúc này sức khoẻ còn tốt, mỗi buổi sáng vẫn lai rai vài ly rượu đế, có khách thì uống nhiều hơn chút đỉnh. Anh em phóng viên muốn ông Ba Vị “mở miệng” thì không cách nào khác là uống cùng ông. Phong thái điềm đạm, giọng nói từ tốn, chậm rãi, đôi mắt xa xăm, gương mặt hiền hậu. Nhìn ông, chắc ít ai mường tượng ra một vị Bí thư Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ huy giải phóng thị xã Bạc Liêu một cách thần tốc, trọn vẹn.

Vậy là trong 2 ngày 30/4 và 1/5 năm 1975, Bạc Liêu và Cà Mau đã hoàn toàn giải phóng, hoà chung với khí thế cả nước, bước sang một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới: Kỷ nguyên của hoà bình, độc lập, phát triển. Giờ đây, khi tôi ngồi viết những dòng này, cả ông Ba Báu và ông Ba Vị đều đã thành người thiên cổ. Tuy nhiên, hình ảnh, sự nghiệp cách mạng, những cống hiến to lớn của các ông vẫn là tài sản quý báu mà quê hương, đất nước và những thế hệ tiếp sau như chúng tôi đời đời ghi nhớ./.

Phạm Quốc Rin

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.