ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 17:01:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ Đoàn Văn công

Báo Cà Mau (CMO) Năm 1969, Xã uỷ Trần Hợi thống nhất cho thành lập Đoàn Văn công xã với hình thức họp tan, quy tụ gần 20 anh chị em có năng khiếu văn nghệ trên địa bàn như các anh Sáu Quảng, Mười Xiếu (ở Xóm Chùa), chế Bảy Hạnh (kinh Chủ Kịch, nay là Kinh Chùa), anh Mười Lý, Út Hoàng (Rạch Ráng Phố), anh Sáu Liên, Út Thận, cô Hồng Huệ (Kinh Cũ), anh Ba Quang, Sáu Nguyện (Cơi Ba), cô Tuyết (kinh Số 2), Hai Thành (Kinh Tư), Sáu Hồng (kinh Sáu Thước)… Dự tính ban đầu phân công anh Sáu Quang làm trưởng đoàn, nhưng sau đó giao anh Ba Hùng, Phó Ban Tuyên huấn xã, phụ trách chung.

Về năng khiếu, thế mạnh của từng người, lướt qua bộ môn cổ nhạc, anh Mười Xiếu chuyên đàn ghi-ta phím lõm, ca cổ có khá nhiều người nhưng ca hay phải kể anh Sáu Quảng, chế Bảy Hạnh, kế đến là Hai Thành, Sáu Nguyện… Về tân nhạc, anh Út Hoàng đàn măng-đô-lin…

Tôi là một nhân viên ấn loát Ban Tuyên huấn xã, vừa đi học lớp Hội hoạ tỉnh Cà Mau từ tháng 3/1969 trở về cũng được các anh đồng ý cho tham gia làm một diễn viên chính thức của Đoàn Văn công, có mặt từ ngày đầu thành lập.

Lớp ca, múa, nhạc Khu Tây Nam Bộ khai giảng từ năm 1970, khoá học phải kéo dài hơn 1 năm vì học viên phải vừa học tập, vừa chiến đấu với địch suốt chiến dịch nhổ cỏ U Minh. Ảnh tư liệu: Võ An Khánh.

Đoàn đứng chân đầu tiên tại nhà ông Hai Thông, có cây me lớn trên bờ nam Kinh Cũ, đoạn khu trù mật Quản Hảo ra hơn một cây số. Cán bộ xây dựng phong trào của Tiểu ban Văn nghệ tỉnh Cà Mau xuống kịp thời, bắt tay ngay vào việc hướng dẫn, tập dượt cho chúng tôi một cách nhiệt tình. Hồi mới bắt đầu tập, mỗi diễn viên đều phải nắm bàn tay phải, bỏ bộ nhịp chân phải và nhịp bàn tay nắm xuống cùng lúc theo động tác nhún giã gạo, trông anh Sáu lưng tôm, lọm thọm phát cười. Thế mà qua mấy ngày tập dượt, ai cũng thuần thục uyển chuyển từng động tác và thuộc hết lời bài hát kết hợp nhuần nhuyễn toàn điệu múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” gồm anh Sáu Liên, Hai Thành, Út Hoàng và tôi, cùng 4 nữ là chế Bảy Hạnh, Hồng Huệ, cô Tuyết và Sáu Hồng.

Thời gian diễn ra tập dượt thật vui, tiếng đàn, tiếng ca, điệu múa nhảy nhót sôi nổi. Tôi nhớ một cô trẻ nhất ở xóm này mê làm diễn viên, ngày nào cũng có mặt, tự nguyện gia nhập đoàn. Buổi trưa oi nóng, tôi ra tắm, thảy bộ đồ trong thau định ngâm một lát, hồi sau bỗng thấy cô tự nhiên ngồi giặt đồ giùm tôi. Thú thật, tôi mắc cỡ, sợ bàn tay con gái chạm vào quần áo của mình, xấu hổ lắm. Tôi hồi hộp, vừa năn nỉ cô đừng giặt, vừa giựt được cái thau đồ, cô mới ngừng tay.

Rồi có một chị nhà đối diện bên kinh cũng mê Đoàn Văn công đang tập luyện, thường chiều chị qua đây nói chuyện vui, nghe điệu đà hết cỡ. Chị hay nói chữ, nhưng chưa quen với những từ ngữ như vân vân và vân vân, tài chánh, tâm lý học. Hễ các em dứt lời, thì chị nói “Nhân dân và Nhân dân”… thấy vui, mấy em trong đoàn reo lên, đòi chị thết đãi một nồi chè. Chị vừa nói, vừa sờ tay vào túi áo:

- Chế nay “sinh lý” kém quá, chớ thôi đãi mấy em một bụng à!

Gần một tháng trời đổ mồ hôi tập luyện, thuộc từng điệu múa, lời ca, Đoàn Văn công xã Trần Hợi đã dàn dựng được một chương trình văn nghệ gồm nhiều tiết mục tốp ca, tốp múa, đơn ca, song ca, ca vọng cổ, vở hài chập cải lương.

Lần đầu ra biểu diễn phục vụ bà con Kinh Cũ đoạn này, buổi tối hôm ấy, bên ánh đèn măng-xông, tôi cùng anh chị em hoá trang dặm mặt phấn, son được mấy chị em trong đoàn khen mà vui. Nhìn từng gương mặt anh chị em hoá trang, người nào cũng đẹp lạ. Mở màn là tiết mục tốp ca nữ gồm chế Bảy Hạnh, Hồng Huệ, cô Tuyết và Sáu Hồng, đồng ca bài “Tải đạn ra chiến trường”:

Từng phút từng giây chiến trường đang mong đợi
Chị em mình mau tải đạn nhanh lên
Quê hương ta đó chìm trong lửa khói
Anh giải phóng quân đang cần đạn diệt thù…

Tiếp theo chương trình là các tiết mục, múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, song ca cổ do anh Sáu Quảng và Hai Thành ca 4 lớp xuân tình, anh Sáu Quảng và chế Bảy Hạnh song ca bài vọng cổ và mấy tiết mục nữa. Sau cùng là chập cải lương hài “Bẻ lọi giò Sư đoàn 21”…

Qua 6 điểm biểu diễn phục vụ bà con ở đoạn Kinh Cũ, Xóm Chùa, kinh Sáu Thước, Cơi Ba giáp Kiểu Mẫu, phối hợp với Đoàn Văn công xã Khánh Bình đi biểu diễn ở Cơi Năm…, đến điểm nào cũng được bà con khen ngợi, động viên, khích lệ đoàn văn công “cây nhà lá vườn” của xã Trần Hợi, có anh Sáu Quảng và chế Bảy Hạnh ca vọng cổ “mùi” như Thanh Hùng, Ngọc Hoa ở Đài Giải phóng.

Chập cải lương “Bẻ lọi giò Sư đoàn 21” là sáng tác của anh Năm Sư (Lâm Thái Sư, sinh năm 1936, qua đời năm 2006 tại xã Phú Tân) ở Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau. Đoàn Văn công xã Trần Hợi dựng vở này với sự phân vai như sau: Anh Ba Quang vai Tỉnh trưởng Cà Mau. Tôi thì 2 vai: Cảnh sát trưởng (phần đầu) và tài công mặt dựng (sau chót). Anh Út Hoàng vai phi công lái trực thăng “cá nhái” đổ quân. Hai Thành vai phi công lái máy bay ném bom phản lực.

Vở “Bẻ lọi giò Sư đoàn 21” diễn luôn ăn khách, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người, được bà con nhiệt liệt tán thưởng và còn mãi với thời gian. Lúc đoàn về diễn phục vụ tại điểm sân nhà bác Hai Phúc ở kinh Sáu Thước, được ông Mười Biểu góp ý, sẽ hay hơn nữa nếu sắm đồ đồng phục cho mỗi vai diễn vở hài này.

Khi mở màn, anh Ba Quang thủ vai tỉnh trưởng, đầu đội mão bằng giấy dán có sơn sọc đỏ đen, hoá trang mũi lõ, vẽ râu mép, râu rìa trông bặm trợn, tay chống gậy, sửa dáng đi cà ngoách, mặt hầm hứ nhìn quanh, rồi hét theo kịch bản:

Ta thứ dữ vùng trên nổi tiếng
Nay đổi về làm Tỉnh trưởng Cà Mau
Chịu mấy phen Việt cộng tấn công vào
Tức nhiều trận ta muốn trào máu bọt.
Hôm nay mở đại bố quyết cho thắng ngọt
Có Sư đoàn 21 mới lên gân
Trên hai ngàn cả thuỷ lục, không quân
Việt cộng chịu chết chớ đừng mong chạy thoát ạ!

Bên cánh gà, anh Mười Xiếu gay đàn ghi-ta, anh Sáu Liên gõ thùng nhựa lung tung, anh Út Thận gõ thùng thiếc xèng xèng…
Tỉnh trưởng gọi: Quân? (có nhiều tiếng dạ bên trong) và ra lệnh:
Coi nấu chín múc dọn ra chờ sẵn
Đãi quân ta mừng chiến thắng tỉnh nhà
Qua trận này ta phè túi đô-la
Còn các người, ta sẽ thưởng cho con gà mái ấp nghe chưa? (có nhiều tiếng dạ bên trong).
Vai cảnh sát trưởng chạy vô, quỳ điệu bộ giữa sân khấu, cung 2 tay báo cáo:
Dạ, cảnh sát trưởng trổ tài văn võ
Bắt một tên thụt ló sau hè
Thò tay vô rờ thịt nướng, bốc chè
Xin tỉnh trưởng cho tôi đè vả miệng.
Tỉnh trưởng hét: Lui, dẫn nó vào đây cho ta.
Cảnh sát trưởng vâng lệnh vào trong dẫn tên phi công lái trực thăng ra sân khấu.
Tỉnh trưởng vừa chỉ gậy, vừa ca, điệu Kim tiền bản:
Này gã kia, mầy con ai hãy mau khai thiệt
Nghề nghiệp gì đâu mà dám phá hoại an ninh?
Vai lái trực thăng
Dạ tôi là dân làm ăn lương thiện
Kể từ ngày Mỹ qua, chuyên tát nước máy bay.
Tỉnh trưởng:
Thôi hãy im đi cái đồ chết nhát ma trơi
Tội tày trời mà còn dám xuyên tạc quốc gia
Truyền tam quân (có tiếng dạ bên trong) lôi nó xống hang ngầm bí mật
Nếu mà mầy không khai, tao đổ ba chảo nước sôi.
Vai lái trực thăng: Dạ, dạ, để em khai.
Tỉnh trưởng: Ừ, khai đi.
Lái trực thăng ca, theo điệu Kim tiền:
Tỉnh trưởng thương, tôi là loại phi công
Lái trực thăng cá nhái đổ dù
Hai chục chiếc mới hồi sáng đây đổ xuống Cái Keo
Nghe chát đùng, tôi nói dạ thưa du kích
Cái thứ này, có bọc sắt mấy chú đừng bắn chơi nó tróc hết nước sơn
Càng la nó bắn thêm càng quạu
Giựt mình tôi nghe cái bựt ở sau lưng
Lặt lìa lặt lọi khúc đuôi
Táng vô đầu một lỗ tà la
Hết phương cựa quậy tôi la trời như bọng
Ráng sức lấy oai sà sà phạch phạch, nó quăng xuống sình nghe cái ạch.
Tỉnh trưởng hỏi: Rồi sao nữa?
Lái trực thăng: Cái tôi lội tuốt về đây, đói bụng quá, định lén bốc mớ chè xôi ăn rồi đặng trốn...

Vai phi công phản lực chạy vô báo cáo:
Dạ, em chánh hẩu phi công phản lực
Báo tin đầu cho giựt gân xanh
Tỉnh trưởng: Ừa, giết được bao nhiêu người, bao nhiêu nhà bị cháy banh…
Mầy thấy xe lội nước rượt Việt cộng nhanh không mậy?
Phi công phản lực: Dạ nhanh! Rồi ca theo điệu Sơn đông hướng mã:
Coi mê lắm, phía trước đoàn xe
Thấy lố nhố người ta
Nó gồ ga, nó dàn ra hàng ngang
Cán gãy họng, dập đầu, bể bụng
Có trên hai ngàn
Tỉnh trưởng ngạc nhiên: Cái gì mậy?
Phi công phản lực: Dạ, thòi lòi với cá kèo.
Tỉnh trưởng hỏi: Còn phản lực của mầy hoạt động thế nào?
Phi công phản lực, ca 2 câu vọng cổ:

1- Dạ, còn phản lực bắt đầu xuất trận, hết đảo dọc đảo nghiêng lăn tròn biểu diễn, hết rà sát biển tới phóng tuốt mây… mù. Tới điểm trút bom dọn bãi, đổ dù… Lửa cháy mịt trời, tiếng la dậy đất, lớp kêu lớp khóc, tôi nói đánh trận này chắc Việt cộng phải láng hơ. Kế tôi nghe bốc chát rầm bung lai rai mấy chỗ, tôi nói mẹ, con ai mà ngoan cố tao lại diệt hết cho tiêu coi. Vừa mới cắm xuống trút bom, hổng biết viên đạn đâu bất ngờ dưới đất chỉa lên nó bung cái lườn của em trống hoác.

Tỉnh trưởng hỏi: Rồi sao mầy về được đây?

Phi công phản lực:

2- Tỉnh trưởng ơi, lúc trúng đạn bị thương hễ nó nghiêng thì em ngánh hai tay kềm bánh tiến thẳng về Sóc Trăng, vụt nó phóng tuốt xuống Năm Căn nhào lăn ba bốn cái, vòng lên Trí Phải rồi rọc xuống miệt Gành Hào. Hổng biết tính sao, em buông dù nhảy đại, hết đường quát cại em thấy nó cặm xuống xã Định Thành. Mấy chiếc khác tản kinh dông xứ nào mất biệt, em nghe trong mình rũ riệt ở giữa trời lủng lẳng đùng đưa, la từ sáng cho tới trưa mà không thấy đứa nào đến tiếp. Tôi nói mẹ, cái Sư đoàn 21 mà chơi vậy đâu có hay đa. Dứt dù, em mới lội bộ về đây, nhờ tỉnh trưởng thương em, chút xíu nữa em bỏ vợ mồ côi, nhờ ngài viết giấy giới thiệu cho tôi về nhà.

Vai tài công chạy vô, giả lạnh cóng, run cầm cập: Tỉnh trưởng ơi, lạnh quá tỉnh trưởng ơi!
Tỉnh trưởng:
Cha chả, mầy người thật hay thuỷ long hà bá
Nói lẹ làng, không tao nã mọt chê
Cảnh sát hiến binh (có tiếng dạ bên trong) mau ghìm sẵn lưỡi lê
Hay là mầy đi dọ thám không biết đường về lội lạc hả?
Vai tài công ca, theo điệu Nặng tình xưa:
Dạ em là tài công mặt dựng xuất hành tại Cà Mau
Nhắm ngay kinh xáng Hộ Phòng tiến vô
Bắn rọc hai bên liệt địa cóc kèn
Hổng lẽ đứng lên mà quảng cáo nghe thùng xèng
Tỉnh trưởng:
Ừ, súng cối, trọng liên luột dây dầy đặc
Đội ngũ chỉnh tề mười lăm chiếc thẳng băng
Vai tài công:
Gặp số Cái Keo nó tràn lên đông nghẹt
Kéo tuốt lên Long Điền
Tỉnh trưởng hỏi: Mầy có gặp Việt cộng không?
Vai tài công: Dạ có.
Nó khỉa lai rai, mình hổng dám đi
Tấp vô lùm ngủ luôn cho tới sáng
Gom cục ngoài đồng nó hút trực thăng
Biết rút quân, em quay đầu trở lại
Cho trọng đại liên bắn trừ căn mấy loạt
Đứng sững trên mui phất cờ thắng trận
Bỗng một cái “ầm”, em văng tuốt xuống sông
Tanh banh mặt dựng, trên trăm thằng chỏng mông
Tức quá ghé lên kiếm khỏi gặp một thằng
Binh tướng mình run xanh lét như bà chằn.
Vai tài công ca hết lớp Nặng tình xưa, rồi giả lạnh run lên, than van với tỉnh trưởng, rằng: Lạnh quá tỉnh trưởng ơi! Cho em xin bộ đồ mặc về tỉnh trưởng ơi! Tỉnh trưởng hét: Đang thua trận mà làm thêm rắc rối. Mẹ, tao đập cho một trận biết thân… và huơ gậy đập hụt tài công mặt dựng chạy vòng sân khấu để hạ màn, đàng này vai tỉnh trưởng lại hét lên 2-3 tiếng chửi thề… Đêm diễn kết thúc, tôi bước vào trong tìm anh Ba Quang, liền nói:
- Anh Ba hồi nãy chửi thề em quá nghen anh Ba?
- Có hôn? Anh Ba ngạc nhiên hỏi lại.
- Có! Tôi nhắc chi tiết cụ thể: Kịch bản chỉ là: “Mẹ, tao đập cho một trận…”, thì anh vừa huơ gậy chạy theo vòng sân khấu, vừa hét liền mấy tiếng chửi thề…
Anh Ba Quang nhướng hai con mắt nhỏ xíu nhìn tôi, vừa bật cười ra tiếng… Đó là đêm diễn sau cùng còn đọng trong ký ức của anh chị em đoàn văn công nghiệp dư xã Trần Hợi thời kháng chiến ở mảnh đất anh hùng này.
                                                                                                    *
Khi quân giặc tiến hành chiến dịch “bình định cấp tốc”, “nhổ cỏ U Minh”, đánh phá ác liệt khắp địa bàn, tái chiếm Chi khu Rạch Ráng, Đoàn Văn công xã Trần Hợi ngưng hoạt động từ tháng 9/1969. Các anh chị em còn luyến tiếc “chia tay”, mỗi người một hoàn cảnh, có những người chấp nhận số phận vô nghĩa về mình. Anh Mười Lý, Út Hoàng nhà ở Rạch Ráng Phố nên có đủ điều kiện ra chiêu hồi và đi lính cho giặc. Anh Lý bị chết trận năm 1971.

Anh Mười Xiếu với chế Bảy Hạnh còn “tỷ tê, rỉ rịt" được một đứa con trai. Năm 1970, trong một trận giặc đánh phá, đổ quân xuống Xóm Chùa, anh Mười Xiếu hy sinh vào mùa mưa. Lại một trận nữa, 2 chiếc trực thăng giặc khoanh vòng bắn phá, đổ một toán biệt kích Mỹ xuống Xóm Chùa. Anh Sáu Quảng (1940) bị biệt kích Mỹ bắn gãy chân, hy sinh ngày 24/11/1970.

Một số anh chị em Đoàn Văn công xã Trần Hợi rút về Đoàn Văn công Quân khu 9 có Sáu Nguyện, cô Hồng Huệ… Ngoài ra, còn có dân Trần Hợi đi Đoàn Văn công Quân khu sau thành những đôi vợ chồng như Tuyết Nguyên - Tám Thanh (Bến Tre) ở Trảng Cò, Hạnh Mỹ - Trọng Nghĩa ở Cơi Tư…

Anh Ba Quang hết mình yêu văn nghệ, làm nòng cốt như trưởng đoàn, đã tập hợp được một số anh chị em tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Trần Hợi như Bảy Thất, Tám Sắc, Năm Chiến (Chiến Quẹo), Út Phận, Hồng Quân, Út Bí đờn ghi-ta, chị Sáu Bình, Mỹ Nam, Mỹ Dung… những năm tiếp theo sau đó.

Chiều một ngày mùa nước lên 1970, tôi chống xuồng tìm vào nhà anh Ba Quang, căn nhà tránh máy bay của gia đình anh trên bờ vuông sau hậu Cơi Tư giáp Cơi Ba. Khắp nơi và xung quanh ruộng lúa cấy sắp đứng cái xanh đồng. Ban đêm thanh vắng đến nghe rõ tiếng cá rô đớp móng, đứng trên bờ vuông giậm chân mạnh, các loại cá đồng mặt nước ruộng lúa rộ nghe cái rần. Tôi có một đêm nghỉ tại nhà anh thời gian khổ, ác liệt, trong tầm pháo Chi khu Rạch Ráng, thấy anh chịu khó ngồi làm việc đêm, âm thầm thức bên ánh đèn dầu con cóc để mày mò sáng tác. Dựa theo các điệu Tây thi, Xuân tình, Xang xừ líu, anh viết ra lời mới, cổ vũ, ca ngợi tinh thần bám đất sản xuất và chiến đấu của bà con Nhân dân xã nhà.

Tôi hiểu ý anh vậy, bộc trực, nóng nảy khác thường, nói huỵch toẹt không sợ ai phiền, rõ khó tính. Anh ngồi suy nghĩ để viết, mấy đứa con anh còn thức nói chuyện ồn ào. Anh gằn giọng, miệng la rầy, tay bốp chát. Tội nghiệp cháu Phàng bị tía cháu tát đau nhưng không dám khóc, vẫn lo bồng bế em của cháu vô mùng dỗ cho nó ngủ…

Hơn 40 năm miệt mài, say mê sáng tác, anh cho ra đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị thời gian, hàng chục bài vọng cổ quen thuộc, nổi tiếng đi vào lòng người với nét đặc trưng rất riêng… Anh chín là soạn giả Thanh Quang, hiện sống ở Khóm 2, Phường 7, TP Bạc Liêu ngày nay

Nguyễn Minh

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.