ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 3-11-24 01:23:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ một thời Ðội Chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình

Báo Cà Mau (CMO) Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Đảng và Bác Hồ phát động kết nghĩa Bắc - Nam, ngày 23/1/1960, tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu (gồm Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay) đã kết nghĩa nhau. Có rất nhiều việc mà tỉnh Ninh Bình thực hiện bày tỏ tấm lòng với Cà Mau khi ấy, trong đó có một sự kiện đậm dấu ấn là Ninh Bình đã tặng Cà Mau máy chiếu phim và đưa người theo phục vụ.

Câu chuyện diễn ra cách nay hơn nửa thế kỷ, những người phụ trách đội chiếu bóng ngày nào người hy sinh, người mất, người bệnh tật... Sau những lòng vòng dò hỏi, tìm kiếm, tôi có được thông tin của 1 trong 2 người tình nguyện từ Ninh Bình vào Cà Mau phục vụ cùng máy chiếu ngày ấy, đó là ông Nguyễn Văn Huệ (Bảy Huệ).

“Chuyện gần 60 năm rồi, giờ tôi đã 87 tuổi, quên nhiều lắm”, ông Bảy Huệ mở đầu câu chuyện khi tôi liên hệ với ông qua điện thoại, vì thời gian gấp, mà ông thì ở tận phường An Thới, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, không thể gặp trực tiếp được. 

Ông Bảy Huệ (trước) và ông Hai Cương, hai người con tỉnh kết nghĩa Ninh Bình đang tập chèo và bơi xuồng trên sông Cái Chim, huyện Cái Nước, để thành thạo việc chèo bơi, thuận lợi trong quá trình vận chuyển máy chiếu phim đi phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cà Mau. Ảnh: NSNA VÕ AN KHÁNH

Rồi ông chia sẻ những gì còn nhớ được. Sau khi chọn kết nghĩa với Bạc Liêu, tỉnh Ninh Bình phát động rất nhiều chiến dịch gắn liền tên 2 tỉnh. Đặc biệt, chiến dịch Hòn Khoai - Quang Trung quy mô lớn nhất, nhằm đẩy mạnh sản xuất để có nhiều lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.

Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ cùng với các cơ quan chức năng khi đó tuyên truyền sâu trong Nhân dân để bà con hiểu tinh thần, ý nghĩa của việc kết nghĩa với Bạc Liêu. Ngành văn hoá - thông tin tỉnh Ninh Bình sau khi bàn bạc, đã chọn làm một việc hết sức ý nghĩa là tặng cho Bạc Liêu máy chiếu phim; điều đặc biệt là, giao Phòng Chiếu bóng của tỉnh có trách nhiệm bán vé lấy tiền mua máy tặng đồng bào kết nghĩa. Việc làm này nhằm mục đích để tình cảm người dân Ninh Bình với tỉnh kết nghĩa sâu sắc hơn. 

Khi đó phong trào mua vé xem phim để ủng hộ tiền mua máy chiếu cho bà con Bạc Liêu diễn ra rất sôi nổi. Ông Bảy Huệ còn nhớ rõ, có bà cụ cần mẫn bó từng cây chổi rơm, chổi đót bán để lấy tiền mua vé coi phim ủng hộ. Có em bé không ăn sáng, lấy tiền đó mua vé. Thậm chí có em hăng hái đi bắt cua bán để có tiền mua vé. Song song đó, Phòng Chiếu bóng phát động trong toàn phòng viết đơn tình nguyện đi theo máy vào Bạc Liêu phục vụ công việc chiếu bóng. Dẫu biết vào miền Nam là đi vào chiến trường ác liệt và đoạn đường đi cũng đầy gian nan vất vả, nhưng tinh thần tình nguyện hết sức sôi nổi.

“Bấy giờ có hơn 100 người đăng ký, cuối cùng tôi và đồng chí Hai Cương (Phạm Như Cương) được chấp thuận đơn”, ông Bảy Huệ còn lâng lâng niềm xúc động, tự hào.

Rồi ông kể tiếp: “Sau đó tỉnh bàn giao người và máy cho Hội đồng hương Bạc Liêu tại Hà Nội. Đến đầu tháng 10/1965, tôi và đồng chí Hai Cương được lên Hà Nội học chính trị. Chủ yếu là nghe thời sự miền Nam, rồi ăn uống bồi dưỡng, rèn luyện sức khoẻ, tập mang vác nặng để vượt Trường Sơn”.

Lúc đó ông Bảy Huệ đảm nhận công tác kỹ thuật của Phòng Chiếu bóng, ông 30 tuổi, ông lập gia đình 6 năm, mới có con trai hơn tháng tuổi. Mặc dù rất quyến luyến, nhưng ông đang gánh lãnh trách nhiệm lớn lao là mang cả tình cảm, tấm lòng bà con Ninh Bình vào tặng quê hương kết nghĩa nên đâu thể chùng lòng. Ra đi, ông cũng chẳng biết khi nào mới được quay về, chỉ biết dặn dò vợ chăm sóc con, chu toàn việc gia đình, hẹn trùng phùng sau ngày đất nước thống nhất.

Theo kế hoạch được đường dây giao liên cho biết, sẽ phải mất hơn 6 tháng vượt Trường Sơn mới tới Bạc Liêu. Máy thì được gửi theo tàu vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển. Mỗi người chỉ mang theo đồ đạc cá nhân, lương thực, thực phẩm và súng. Ngày 3/2/1966 bắt đầu khởi hành. Mang vác nặng, trèo đèo lội suối cực nhọc, đói khát, bệnh sốt rét hoành hành, nhưng tình cảm thiêng liêng với quê hương kết nghĩa đã tiếp thêm ý chí, nghị lực, cuối cùng 2 người con Ninh Bình cũng đến được Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Bấy giờ, được tin tỉnh Bạc Liêu không còn nữa do tách một phần về Sóc Trăng, một phần về Cà Mau. Vậy là 2 ông được phân công về Cà Mau. Đi thêm gần 2 tháng nữa thì đến tỉnh cuối cùng đất nước. Mừng vui không sao tả xiết. Sau khi nghỉ ngơi, các ông cất công đi tìm kiếm máy đèn phù hợp.

Đến ngày 1/10/1966, tại ấp Giáp Nước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau tổ chức buổi lễ trọng thể đón tiếp 2 người con tỉnh Ninh Bình vô công tác theo tinh thần kết nghĩa và ra mắt buổi chiếu phim đầu tiên.

“Có gần 3.000 người dự. Lúc đầu chiếu phim thời sự tài liệu, cuối cùng là bộ phim "Chung một dòng sông". Bà con cổ vũ hết sức sôi nổi. Mình vượt mọi khó khăn để về đến Cà Mau, lại được các đồng chí lãnh đạo và Nhân dân đón tiếp thân tình, nồng hậu nên cảm xúc vui không thể tả được, như đứa con xa xứ về đất mẹ vậy”, ông Bảy Huệ bồi hồi nhớ lại.

Sau đó 2 ông tập ăn theo các món của Cà Mau, bồi dưỡng sức khoẻ, bởi leo Trường Sơn mất gần chục ký lô. Rồi tập chèo, tập bơi xuồng... Khi sức khoẻ hồi phục dần, các ông bắt đầu xin thêm người lập đội chiếu bóng và phục vụ liên tục. Mỗi năm bao nhiêu suất chiếu ông cũng không nhớ nổi. Hễ có yêu cầu là phục vụ. Phục vụ bộ đội, cán bộ, Nhân dân. Phục vụ vùng giải phóng, vùng tranh chấp. Thường mỗi buổi chiếu, có khi trên 1.000 người xem, có khi 500-700 người. Có vùng ác liệt quá chỉ có mấy chục người, nhưng vẫn phải phục vụ.

Ông kể: "Có lần, Tết năm 1973, hai bên thống nhất ngưng tiếng súng để người dân ăn Tết. Chúng tôi tranh thủ vào đồn Rau Dừa, xã Hưng Mỹ gặp tên đồn phó (đồn trưởng không có nhà) nói nó cho đội chiếu bóng vào sát dồn để chiếu cho người dân xem. Và ra điều kiện, “khi các anh ra coi tuyệt đối không được mang súng và chất nổ”. Nó đồng ý. Bọn lính cũng ra mấy chục đứa để coi phim. Vậy cũng coi là mạo hiểm, nhưng thành công, an toàn. Rồi đội còn cử người vào đồn Thứ Vải và một số đồn khác để thương lượng đưa máy chiếu vào gần đồn phục vụ đồng bào, và cả bọn lính".

Nhiều lần như thế, sự việc đến tai tỉnh trưởng Cà Mau, hiểu được sức mạnh tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của phim ảnh, hắn tìm mọi cách để tiêu diệt đội chiếu bóng. Căn cứ ở đầm Thị Tường chúng đánh bom, càn quét nhiều lần. Thậm chí, chúng treo giá rất cao cho ai tiêu diệt được đội chiếu bóng. Nhưng vì tinh thần cảnh giác cao và được tỉnh quan tâm, Nhân dân thương yêu, che chở nên đội vẫn tồn tại.

Tuy vậy, từ năm 1966 đến ngày giải phóng, đội đã hy sinh 5 đồng chí, do trên đường hành quân bị giặc phục kích. Đội chiếu bóng thường có 6-7 người, mỗi lần có người hy sinh thì phải tìm người tập huấn nghiệp vụ bổ sung vào. Không chỉ huấn luyện bổ sung cho đội chiếu bóng của tỉnh, ngày 28/12/1973, đội còn thành lập thêm 1 đội chiếu bóng mới, chi viện cho Bạc Liêu và ông Hai Cương (Đội trưởng) được phân công phụ trách đội Bạc Liêu.

Có một kỷ niệm mà đến giờ ông Bảy Huệ vẫn nhớ, nó như chất xúc tác cho công việc và cũng thể hiện sự khát khao hưởng thụ văn hoá của người dân. Đó là, một lần vào mùa hạn, đội về huyện Thới Bình chiếu phim bên này sông Trẹm. Khoảng hơn 9 giờ tối, khi buổi chiếu phim kết thúc, đang loay hoay thu dọn máy móc thì thấy có 6-7 người quần áo ướt lem nhem, từ bên kia bờ sông Trẹm lội qua. Bà con cho biết, họ ở cách đó đến 8 cây số, nghe nói có chiếu phim, rủ nhau lội bộ qua các cánh đồng để đến xem. Vì trễ quá, đợi hoài không có xuồng để quá giang qua sông, họ đành lội qua dòng sông Trẹm.

Trước tình cảnh vậy, đội xin ý kiến Đảng uỷ xã, được trả lời vùng đó vào buổi khuya thường bị pháo bắn không thể chiếu tiếp được. Cuối cùng đành hỏi bà con ở ấp nào để sắp xếp về phục vụ sau. Và đến mấy tháng sau, đoàn đã trở lại như lời hứa.

Cũng chuyện khát khao được xem phim ảnh và tình cảm người dân với tỉnh kết nghĩa, tôi được bà Út Khâu (Nguyễn Tấn Khâu), quê ấp Kênh 8, xã Tân Bằng (trước giải phóng thuộc xã Biển Bạch), huyện Thới Bình, kể rằng: Năm 1967, khi đội chiếu bóng về chiếu tại kênh Một Rưỡi, xã Biển Bạch Đông, người dân kéo đi coi phim trống cả các xóm, sân bãi đông nghẹt người. Những nam nữ thanh niên ở xã xa cũng lén cha mẹ đi coi (vì cha mẹ không cho đi, sợ bị máy bay bỏ bom). Lúc đó bà là Bí thư Chi đoàn ấp Kênh 8, cả chi đoàn đều kéo nhau đi coi phim hết. Bà còn nhớ, bộ phim được xem là "Chung một dòng sông" mà theo bà hay xuất sắc.

Để buổi chiếu phim an toàn, có mấy anh bộ đội canh gác cách đó cả cây số. Máy phát điện đặt rất xa nơi chiếu, kéo dây lại; hễ có báo hiệu của bộ đội là tắt máy liền. Sau đó, các xã đoàn đều có hành động thiết thực đáp lại tình cảm bà con tỉnh Ninh Bình trước việc tặng máy chiếu, một món ăn tinh thần vô giá này (bà nhớ mang máng hình như theo chỉ đạo của Huyện đoàn Thới Bình).

“Bí thư Xã đoàn xã Biển Bạch là anh Sáu Liệt sau khi bàn bạc đã thống nhất thêu khăn tay gửi tặng bà con. Anh Sáu Mừng và anh Bảy Kịch là cán bộ Tuyên huấn của xã ngồi nghiên cứu viết gì cho ý nghĩa. Cuối cùng sáng tác ra 2 câu thơ: “Tình sâu biển cả cũng sâu/ Biển Bạch ý một càng lâu càng bền”. "Ý một" là đồng lòng, chỉ duy nhất một ý. Sau đó việc thêu khăn tay được triển khai rộng khắp các chi đoàn, chẳng mấy chốc Xã đoàn nhận về được 32 cái khăn tay. Đường kim mũi chỉ khéo léo, 2 câu thơ được bố trí dọc 2 cạnh khăn, góc bên kia là cặp bồ câu biểu hiện hoà bình, trông thật đẹp và ý nghĩa”, cô bí thư chi đoàn ngày nào, nay là cụ bà tuổi ngoài thất thập, như đang sống lại thời kỳ đầy sôi động, nhiệt huyết.

Bà Út Khâu cho biết, 2 câu thơ này sau cũng được sử dụng phổ biến khi viết thư cho người thân, hay ghi vào đầu các cuốn sổ tay, thể hiện tấm lòng, tình cảm trước sau như một của người dân Biển Bạch. Cũng theo bà Út Khâu, còn nhiều lắm những tình cảm đẹp mà người dân Thới Bình nói riêng và người dân Cà Mau nói chung dành cho tỉnh kết nghĩa Ninh Bình trong những năm tháng ấy.

Trở lại câu chuyện của ông Bảy Huệ, tôi tò mò về lời hứa với vợ con, ông bộc bạch: "Sau giải phóng, cũng có ý định trở về quê hương, bởi cũng hơn 9 năm kẻ Bắc người Nam ngóng chờ khắc khoải. Nhưng lãnh đạo Tuyên huấn tỉnh và ngành văn hoá bảo xem lại, bởi tỉnh đang cần người có chuyên môn, đưa gia đình vào sẽ phù hợp hơn. Vậy là năm 1979, cả gia đình đoàn tụ ở Cà Mau".

Nhìn lại cả quá trình công tác: Uỷ viên Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Cà Mau, Bí thư Chi bộ Đội Chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình; Giám đốc Công ty Phát hành phim, chiếu bóng Minh Hải; và trước khi nghỉ hưu là Phó ty Văn hoá Thông tin Minh Hải, ông Bảy Huệ rất tự hào vì những cống hiến của mình cho quê hương kết nghĩa và cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Cà Mau và Ninh Bình còn có rất nhiều phong trào, công trình, địa danh gắn tên 2 quê hương kết nghĩa. Tại Cà Mau, có Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình; sau giải phóng có rạp chiếu bóng Ninh Bình… Tại Ninh Bình, ngoài chiến dịch Hòn Khoai - Quang Trung và một số phong trào, chiến dịch thi đua khác, còn có rạp chiếu bóng Kim - Mau, có đê Năm Căn, cống Biện Nhị, cầu Chà Là… Sau giải phóng Cà Mau, Bạc Liêu đón tiếp hàng ngàn cán bộ, đồng bào Ninh Bình được điều động, tăng cường vào công tác và phát triển kinh tế. Năm 2016, Cà Mau và Ninh Bình ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2022, càng tiếp tục phát huy tình đoàn kết keo sơn gắn bó, cùng nhau phát triển.


 

Huyền Anh

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.