ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:24:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ năm 1971

Báo Cà Mau (CMO) Tôi trở lại Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời ngày 12/2/1971, Văn phòng tạm đóng tại nhà bác Tám Ngáo (bác gái) trên bờ trâm bầu giữa ruộng sau hậu kinh Đòn Dông Ngọn, bên hông giáp hậu Kinh Ngang. Chú Bảy Thanh (quê Khánh An), cán bộ Tuyên huấn Khu, được tăng cường về làm Phó Ban Tuyên huấn huyện; anh Ba Gấm, Phó ban, cùng các anh trong ban cũng ra đây rồi tủa đi công tác các xã.

Tránh vùng sâu giặc bắn pháo, đổ quân, các anh chủ trương ra gần vùng kềm vẫn không khỏi hy sinh, mất mát. Chú Bảy Thanh đi nắm tình hình bên kinh Công Nghiệp, bị địch đồn Công Nghiệp Giữa phục kích từ bên kia bờ kinh, bắn chú hy sinh tại nhà bác Tư Đệ. Lúc giặc phát hiện, chúng bắn trái đạn M79 nổ văng miểng làm chú bị thương, bọn địch tràn qua bắn chết. Chúng gỡ lấy khẩu ru-lô chú đang mang và rinh xác xuống xuồng đưa trở ra đồn…

Minh hoạ: Hoàng Vũ.

Anh Tư Minh, Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện và tôi có mặt suốt ở đấy - nhà bác Tám. Vào những buổi chiều tối, tôi cùng anh Tư và cô Tám Ri - con gái bác Tám ra bờ kinh Đòn Dông Ngọn canh dỡ chộp lưới, bắt tôm cá cải thiện đời sống hằng ngày.

Mấy tháng sau, chúng tôi ra bờ vuông Kinh Ngang, cất nhà văn phòng riêng, có chỗ nơi nghỉ ngơi, làm việc - giáp ranh đất nhà chú Ba Liễu. Nhạc sĩ Phan Thao ở khu cũng về đến đây sống với chúng tôi.

Các anh: Ba Gấm, Hai Giang, Út Thuận đều cất nhà riêng trụ vững quanh khu vực Trường U Minh Anh Dũng, thuộc đất ông Hà Phi, người Khmer ở gốc “bùng binh” ngã tư Cơi Nhì. Nơi đây như “bản doanh” và địa bàn xã Trần Hợi là nơi Ban Tuyên huấn huyện đóng cơ quan suốt thời gian kháng chiến. Nhà anh chị Ba Gấm trên bờ vuông ranh đất phía trong, đoạn ra giữa ruộng có bờ chuối và bóng mát cây cối che kín, cặp nhà một đám nghể dưới mương mùa khô.

Năm ấy, thằng Khiêm, con anh Ba, lên 10 tuổi đã biết thử uống rượu, say nằm vùi lên đây bị sâu nghể nổi mề đay khắp cổ. Chị Ba phát giận đập cho thằng Khiêm cả chục roi…

Từ Văn phòng đóng ở Kinh Ngang, tôi thường vào trong này. Một lần đến nhà anh Ba Gấm, xong trở ra, vì khát nước nên tôi ghé nhà anh Út Thuận. Đi ngoài nắng bước vô căn nhà nhỏ tối sầm. Anh chị Út đang nằm nghỉ. Miệng hỏi, tay chụp cái ca thẳng ra đằng sau. Thấy cái can nhựa 20 lít đựng nặng tưởng nước uống, nhè vặn nắp nghiêng ca hứng đầy rồi đưa vào miệng ực một hơi dài mới hay là dầu lửa. Trời ơi, nuốt hết rồi! Thời chiến nghe râm ran nhiều trường hợp do sang chiết hút bằng ống nhựa bi sặc dầu lửa phải chở đi cấp cứu. Rồi tôi chịu cảnh bị dầu lửa phá bụng hoành hành suốt đêm.

Một chuyến nữa, tôi vô nhà anh Ba Gấm, mới vừa quen biết Bảy Dung, quê Ông Bích, vào công tác cơ quan Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời. Buổi trưa, ngồi trong nhà chị Ba, mấy chị em đang nói chuyện, bỗng 2 chiếc trực thăng “cán gáo” của Mỹ bay rè rè theo lằn hậu Cơi Nhì qua ngang. Tôi với Bảy Dung tức tốc rời nhà chị Ba, men theo bờ chuối chạy thẳng ra nhà anh Út Thuận, lúc này anh chị Út không có nhà. Tôi lọt vào nhà, thấy có hầm tránh phi pháo, tôi nhảy xuống. Bảy Dung cũng chạy vô, sựng lại rồi quay trở ra, lẩn khuất bên ngoài. Tôi mô tả chi tiết này trong bài ký sự thơ của tôi, nhan đề:

Chiếc hầm ngày cũ

Trở về xóm ven rừng tràm
Nhớ sao hình bóng cô nàng xa xăm…
Chiến tranh qua bốn mươi năm
Còn trong ký ức chiếc hầm, bóng cây
Chiếc hầm mái (*) tránh máy bay
Trong căn chòi nhỏ những ngày đạn bom…
Mùa khô vàng rạ, thơm rơm
Cái thời mơ mộng, tâm hồn sáng trong
Cơ quan trụ giữa cánh đồng
Quanh nền vườn chuối, mênh mông dải rừng…
Một thời trai trẻ gian truân
Vượt qua bao trận đổ quân, pháo bầy
Nhớ trận bom B52
Từ trong lửa đạn đất này, lớn lên…
Buổi trưa không thể nào quên
Trực thăng “cán gáo” vang rền lượn ngang
Cô gái ở chung cơ quan
Cùng lau lách chạy, chạy sang căn chòi
Thoáng nhìn tôi vừa nép ngồi
Cô ngần ngại, không cùng tôi xuống hầm
Rền rền, lành lạnh căm căm
Bóng cô lẩn khuất âm thầm nơi nao?
Mơ màng như đang chiêm bao
Chuyện cô ngần ngại mà sao nhớ hoài
Và như không biết, không hay
Hồn nhiên ca hát, mê say chiến trường
Cái thời chưa biết yêu đương
Chia xa biền biệt còn vương bóng người…
Chiến tranh đi qua lâu rồi
Trở về xóm cũ nhớ nơi chiếc hầm…

Mùa khô năm 1971, được lãnh đạo Huyện uỷ đồng ý, anh em cơ quan Ban Tuyên huấn huyện đông hơn mười người vào khu Dinh Điền, phát dọn sậy đế hoang vu cao ngút quanh nền “Đồi Đức Mẹ”, căng lều trại, hậu cần tại chỗ, sống dã chiến mấy ngày đêm.

Mỗi người một việc, tập trung dọn cỏ, kéo trống hết lục bình phủ dày đặc mấy ao mương suốt nhiều năm, lội mò bắt cá, rùa rắn phát ham, nhiều nhất cá lóc, trê, rô, cá bổi chở 2 xuồng be tám về “bản doanh”, các chị em xúm lại mần phơi khô cho tập thể… Tôi còn lưu giữ được tấm ảnh chụp tại đây, in trực tiếp trên loại phim 36 kiểu, gồm có các anh: Ba Gấm, Ba Hữu, Mười Dũng, Tư Minh, Tư Oanh, Bảy Quốc, 3 người nữa không nhớ tên, anh Sáu Sơn và tôi.

Mùa mưa 1968, anh Hai Tổng (nhà ở Kinh Hãng Giữa) có máy ảnh loại 12 kiểu phim vuông, đến năm 1971 anh có máy ảnh Washika loại phim 36 kiểu. Do anh Hai Tổng là người bấm máy nên thiếu anh trong bức ảnh này.

Sau chuyến đi bắt cá ở Dinh Điền, anh Bảy Quốc nghỉ công tác, về nhà gần Bảy Ghe đã bị bọn địch đồn thị tứ Sông Đốc biệt kích bắn chết. Anh Tư Oanh, cán bộ giáo dục huyện, năm sau được phân công đi công tác điểm xã Phong Lạc, đã bị bọn địch đồn Lung Trường biệt kích bắn hy sinh hồi 13 giờ 30 phút ngày 30/1/1972, nhằm ngày rằm tháng Chạp năm Tân Hợi.

Giữa năm 1971, quân giặc chiếm đóng đồn cầu Chữ Y, xây cứ điểm “Bình Tây”, chúng tôi rời Kinh Ngang, trở lại “bùng binh” ngã tư Cơi Nhì, làm việc trong gian nhà rộng trên nền Trường U Minh Anh Dũng cũ… Nơi đây từng diễn ra cuộc hội nghị đông đảo cán bộ huyện và các xã, nghe báo cáo thời sự chiến thắng đường số 9 - Nam Lào. Tôi được gặp nhiều cán bộ khu như chú Sáu Phải, chú Tư Thanh, anh Nguyễn Bá, anh Anh Động và các anh ở tỉnh như anh Mười Thanh, Đức Thượng…

Mấy ngày về đây, anh Đức Thượng - phóng viên nhiếp ảnh tỉnh để ý tôi sinh hoạt, ghiền thuốc lá điếu thơm kéo ống bình. Lúc trưa, tôi tì chặt ống, ngắt khúc thuốc lắp vào điếu cày, bật lửa rít một hơi dài, vừa nhả khói phê ngây ngất. Anh Đức Thượng đang nằm võng bật dậy chụp lấy ống bình tôi vừa kéo thảy xuống ao. Ngày mới quen, anh Đức Thượng thử tánh ý bạn bè, ra vẻ nghiêm nghị, chọc giận tôi như vậy. Tôi định bụng: Bỏ luôn, nhưng hồi sau ghiền quá, nhịn hết nổi, vớt lên kéo nữa.

Vào mùa mưa, các anh chủ trương giãn ra, Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện di chuyển đến cất tạm căn nhà trên bờ đìa vườn chuối ranh đất của chú Tám Bửu ở kinh Cơi Nhì, cách ngã tư “bùng binh” hơn 1 cây số. Cơ quan vừa mua được cái máy đánh chữ loại nhỏ, một táp khoảng 6-7 trang giấy pơ-luya. Tôi tập “mổ” bằng 2 ngón tay trỏ, còn lọng cọng.

Một hôm, chị Ba Dân, Phó bí thư Huyện uỷ đi xuồng đến đây, chị ngồi đọc cho tôi “mổ cò” Báo cáo tổng kết phong trào chống phá bình định của Mỹ nguỵ 2 năm qua (9/1969-9/1971). Ngồi làm việc cật lực buổi sáng, chị Ba gọi dừng lại nấu cơm, mấy chị em xúm ăn vài chén cơm rồi tiếp tục “mổ cò” sang buổi chiều. Không thầy dạy, tôi tự mò mẫm gõ, đánh máy bản báo cáo thành tích đánh giặc của quân dân huyện Trần Văn Thời dài gần 20 trang.

Lúc này trực Văn phòng thường xuyên có anh Tư Minh, Lữ Hùng và tôi. Căn nhà nhỏ nép mình bên bờ đìa chuối vẫn tiếp khách tỉnh. Anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) và Hà Phương Dũng đi xuồng về đây lúc chiều, tối và đêm đó thức đánh cờ tướng tới khuya, sáng lại biến mất. Chắc là đi dự hội nghị Khu ở miệt Cơi Năm.

Tôi có 2 lần chống xuồng thả vô nhà chú Năm Phán ở Cơi Nhứt, lúc chiều xuống. Năm ấy, chú Năm 43 tuổi, còn sức làm ruộng và uống rượu nếp khoẻ. Chú Năm nấu nồi cháo thịt heo rừng làm mồi nhậu. Chú gài bẫy bắt được con heo rừng nhỏ bên bờ đê kinh Kiểm Lâm. Khác với heo nuôi thịt mỡ béo ngậy, thịt heo rừng nấu cháo mỡ trắng phau, chấm nước mắm tỏi ớt ăn không ngán. Lần sau tôi vô, chú Năm nấu cháo thịt trăn gỡ rút xương xé phay, hai chú cháu “cưa” 1 lít rượu nếp.

... Một hôm, vào lúc sáng, chúng tôi bỗng nghe tiếng người đàn bà khóc kể thảm thiết phía bên kia bờ ranh, khoảng cách chỉ dây đất ở giữa. Tôi với anh Mười Dũng bước ra nhìn. Đó là đám tang của một gia đình người Khmer, ông già vợ chú Út Suôl qua đời, thời chiến không có hòm rương, chỉ bó chiếu, đào huyệt, lót mấy tấm vạc rồi đưa xuống chôn. Người đàn bà khóc kể là vợ chú Út Suôl - con gái của ông già qua đời. Anh Mười Dũng đứng bên này cứ xót xa tặc lưỡi:

- Vậy đó, mà nỡ nào chôn cho được?

Anh Mười Dũng, cán bộ tuyên truyền huyện, nói câu thực tế: Ban đêm, đôi chân dạn hơn đôi tay. Anh dẫn chứng, như chạy giặc hay đi đêm lọt vào bụi rậm, thì đôi chân dám càn lướt qua được, nhưng người ta sẽ nhát gan, ít ai dám đưa 2 tay quờ bụi rậm vào đêm tối… Năm sau, anh Mười Dũng được phân công đi công tác điểm xã Phong Lạc, lập gia đình rồi nghỉ công tác, sống tại Lung Trường.

Thời điểm này, quân giặc Sư đoàn 21 nguỵ tập trung đổ quân càn quét xung quanh khu vực Nhà Máy, Kinh Đứng và dọc tuyến đê rừng. Bọn “Bình định” lấn chiếm tiếp tục chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” lần thứ 3, đầy tham vọng hơn thế. Quân chủ lực đánh phá yểm trợ vòng ngoài, hà hơi tiếp sức, dọn đường cho bọn chúng lấn chiếm, lăm le vô Nhà Máy cũng như sau lấn chiếm Kinh Cùng, xây cứ điểm “Bình Đông”, bọn chúng muốn “đo” tới ngã tư So Le. Tuyến Kinh Cũ, chúng chiếm đóng đồn kinh Chống Mỹ, tạo “bàn đạp” vói vô ngã tư Quản Hảo và có thể xa nữa… Nhưng, thực tế qua chiến tranh cho thấy, giặc hoàn toàn không thực hiện được tham vọng của chúng. Đối phó tình hình giặc đổ quân “đánh rát” có lúc không còn thời gian cải hoạt, chỉ nấu được nồi cơm. Tan trận giặc đổ quân gần, chiều trở vô lúc chạng vạng, anh Tư Minh ra bờ chuối bắt đủ 10 con ốc hương kho khô cho bữa cơm riêng anh. Tôi chỉ chén cơm với muối hột vững bụng cũng sống được, chả sao.

Một bàn chân sót lại trận địa

Năm 1971, Đoàn Văn công Quân khu 9 về đóng quân gần xóm nhà chú Năm Phán ở kinh Cơi Nhứt - ven bìa rừng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Tôi quen nhiều anh chị em trong đoàn, nhưng mê Mười Chiến - một diễn viên, một nhạc công chuyên đàn phong cầm (Accordeon), lại rất hăng say đánh giặc bằng cách tự cải biên bom lép, đầu đạn pháo, cối lép của Mỹ thành chất nổ của ta theo phương châm lấy vũ khí giặc giết giặc.

Tôi từng chống xuồng mùa nước và băng ruộng khô vào đây, tạt nhìn căn chòi nhỏ của Mười Chiến cất trên bờ vuông, lớp máng, lớp treo, gia tài chả bao nhiêu, chỉ thấy nhiều vũ khí Mỹ. Ngoài chiếc ba lô của người chiến sĩ, cây đàn Accordeon của người diễn viên Đoàn Văn công, còn hàng chục đầu đạn pháo, cối lép được Mười Chiến gom về sắp như trưng bày trong căn chòi, để tự cải biên.

Từ Rạch Giá về Cà Mau, Mười Chiến tiếp tục lập chiến công nhận chìm tàu giặc ở vàm Trùm Thuật - sông Ông Đốc, đặc tính ở anh là gan góc, tự tin và đầy lạc quan đến lạ thường. Với tay đàn, tay súng, suốt 3 năm liền Mười Chiến là chiến sĩ thi đua và Huân chương Chiến công đỏ ngực. Nhà thơ Nguyễn Bá làm bài thơ nhan đề “Hay hơn tiếng đàn Thạch Sanh tặng Mười Chiến, diễn viên Đoàn Văn công quân giải phóng cũng là người đồng hương:
Tiếng đàn Thạch Sanh làm động lòng công chúa
Làm quan quân nghe rõ chánh tà
Bây giờ Thạch Sanh không còn nữa
Sao có tiếng đàn ngân nga?
Em ở xứ dừa thơ mộng
Có nghe người làm nên tiếng đàn kia là ai
Là diễn viên Đoàn Văn công quân giải phóng
Quê ở Bến Tre
Ngày anh rời Tân Hương, Cầu Móng
Có phải em là người tiễn đưa?
Anh ôm giấc mơ thành nghệ sĩ
Yêu chiếc đàn hơi như người con gái xứ dừa!
                           *
Dù áo viền có lấm bùn Trùm Thuật, Xẽo Rô…
Thắng trận về - dù với cây đàn cũ
Tiếng đàn vỗ cánh bay xa…

Một ngày mùa nước năm 1971, mênh mông đồng ruộng lúa cấy nở bụi tròn mình, giặc cho máy bay trực thăng “bù nóc” chỉ huy, trực thăng võ trang bắn phá dọn bãi và từng bầy trực thăng ào ạt đổ quân xuống Kinh Đứng, ven bìa rừng…

Cách mấy ngày trước, chúng đổ cả tiểu đoàn xuống Nhà Máy và ém quân lại ban đêm, mới sáng tôi chống chiếc xuồng vừa lọt ra kinh Cơi Nhì, chợt chới với khi nhìn thấy quân giặc kéo đi hàng một dưới ruộng luá xanh đồng dọc kinh Cơi Ba, lên hướng Chín Rỗ. Bây giờ lại thêm trận giặc đổ quân nữa đây. Tôi nhận định, rồi xách thùng sắt đựng tài liệu ra máng vào cây nạng xốc nhận gài xuống đáy đìa lục bình, xong xuống chiếc xuồng be tám chống lướt nhanh vô Cơi Nhứt, kéo xuồng qua đê rừng, trớn mạnh vướng cây sậy bằng ngón tay cái dập tét làm đứt một lằn sâu trên đầu gối; phóng theo con lung nước trong vắt, xanh mượt đám bồn bồn.

Vào đây, không có cụm tràm nào, hít thở bầu không khí trong lành, dễ chịu, nhớ mãi lần duy nhất trong đời vào thời chiến, tôi biết bám rừng sậy điệp trùng…

Khi trở ra, tôi tận mắt một chiến công của Mười Chiến. Trận địa ngay góc bờ hậu. Cả tiểu đoàn giặc băng đồng lội ruộng kéo xác đến đây, vướng phải 2 đầu đạn pháo 105 ly cải biên thành mìn gạt mà Mười Chiến gài thật bí hiểm - dùng dây chì buộc đầu kíp nổ, luồn trong tàu lá chuối khô, căng dùn rối rắm, cản trở trên bờ chuối, phải càn mạnh mới qua được. Trên đám lúa cấy đang nở bụi to tròn bị giặc quần xơ xác và đầy dẫy băng, gạt, bông gòn.

Tôi bước lên bờ như tìm kiếm, bỗng thấy một bàn chân trắng nõn bị đứt lìa như dao cắt ngang trên mắt cá, văng thật xa mà giặc còn bỏ sót lại trên đám cỏ bắc bên trong bờ đìa, lâu lâu có vài con ruồi lằn vèo qua. Tôi thấy hồi hộp, đứng nhìn bàn chân người trắng nõn. Cảnh tượng trong chiến tranh, bằng chứng cụ thể là đây - một bàn chân của tên sĩ quan hay tên lính nào thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 nguỵ?

Hai trái nổ… Máy bay trực thăng Mỹ sà đáp xuống chở xác thương… Qua máy bộ đàm, ta theo dõi được, giặc thú nhận 2 trái nổ, chúng chết và bị thương 47 tên. Bọn chúng chưa kịp hoàn hồn, đoạn nửa đường lên Dinh Điền đã bị tốp anh em Đoàn Văn công Quân khu tiếp tục chống càn, bắn tỉa, diệt và làm bị thương 7 tên. Vậy đã rõ, trận này giặc chết và bị thương 54 tên.

Nhớ năm 1971 là năm chiến tranh diễn ra ác liệt. Với tôi, vẫn không quên một bàn chân của tên giặc nào đó thuộc Sư đoàn 21 nguỵ đi “nhổ cỏ U Minh” đã bị miễng pháo mìn của Mười Chiến chặt đứt lìa…

Nguyễn Minh

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.